ĂN CHAY LÀ DẤN THÂN XA LÁNH SỰ DỮ
Ăn chay không chỉ là kiêng cữ thực phẩm, mà còn bao gồm nhiều hình thức sống thanh đạm khác. Đặc biệt nó là dấu chỉ bề ngoài của dấn thân không làm sự dữ, sống Tin Mừng và dưỡng nuôi mình bằng Lời Chúa.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 9-3-2011. Hôm qua là Lễ Tro mở đầu mùa Chay Thánh, trong đó mọi thành phần Giáo Hội được mời gọi hoán cải tâm trí, canh tân cung cách suy tư hành xử và quyết tâm theo Chúa bước vào cuộc sống mới phục sinh. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói về ý nghĩa và lộ trình mùa Chay Thánh. Ngài nói về việc bỏ tro trên đầu như sau:
Tro được làm phép lành bỏ trên đầu chúng ta là một dấu chỉ nhắc cho chúng ta nhớ tới điều kiện là thụ tạo, mời gọi chúng ta sám hối và gia tăng dấn thân hoán cải để ngày càng theo Chúa hơn.
Mùa Chay là một lộ trình, là đồng hành với Chúa Giêsu lên Giêrusalem, nơi hoàn thành mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Nó nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống kitô là một ”con đường” cần phải đi theo, kiên trì không phải trong một luật lệ phải tuân giữ, mà là với chính con người của Chúa Kitô, cần gặp gỡ, tiếp đón và đi theo. Thật thế, Chúa Giêsu nói: ”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mọi ngày và theo Thầy” Lc 9,23). Nghĩa là Chúa nói với chúng ta rằng để cùng Người đạt tới ánh sáng và niềm vui phục sinh, vinh quang sự sống, tình yêu và sự thiện, cả chúng ta nữa cũng phải vác thập giá mỗi ngày, như một trang rất đẹp của sách Gương Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: ”Vậy hãy vác lấy thập giá của bạn và theo Chúa Giêsu; như thế bạn sẽ bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Chính Người đã vác thập giá đi trước bạn (Ga 19,17) và đã chết cho bạn, để cả bạn nữa cũng vác thập giá của mình và ước ao được bị đóng đanh. Thật vậy, nếu bạn sẽ cùng chết với Người, với Người và như Người bạn sẽ sống. Nếu bạn đã đồng hành với Người trong khổ đau, bạn cũng sẽ được đồng hành với Người trong vinh quang” (L. 2. 12. n.2).
Trích lại lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Chay, Đức Thánh Cha nói nó là lời khẩn cầu chúng ta dâng lên Thiên Chúa, vì biết rằng chỉ có Người có thể hoán cải con tim chúng ta. Và nhất là trong Phụng Vụ, trong việc tham dự vào các mầu nhiệm thánh chúng ta được hướng dẫn bước theo con đường này với Chúa: đó là theo học trường của Chúa Giêsu, sống lại các biến cố đã đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, không phải như một tưởng niệm đơn sơ, một kỷ niệm các sự kiện qúa khứ. Trong các hành động phụng vụ, Chúa Kitô hiện diện qua công trình của Chúa Thánh Thần và các biến cố đó trở thành thời sự. Từ ”hôm nay” là từ chìa khóa diễn tả chiều kích thời sự đó, và nó được hiểu trong nghĩa đầu tiên cụ thể của nó. Hôm nay Thiên Chúa mạc khải lề luật của Người, và hôm nay Người cho chúng ta lựa chọn giữa sự thiện và sự dữ, giữa sự sống và cái chết (x. Đnl 30,19); hôm nay ”Nước Thiên Chúa đến gần. Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)...
Lộ trình phụng vụ Mùa Chay năm A dẫn đưa chúng ta sống con đường của các anh chị em tân tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và làm sống dậy trong chúng ta ơn Thánh Tẩy và giúp cuộc sống chúng ta tái phục hồi các đòi buộc và dấn thân của Bí Tích nền tảng của cuộc sống kitô.
Giáo Hội đã luôn luôn kết hiệp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành bí tích Rửa Tội trong đó hiện thực mầu nhiệm cao cả của cuộc sống kitô: chết đi cho tội lỗi, tham dự vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô phục sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Đấng đã cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11)
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã tóm tắt ý nghĩa các bài đọc của 5 Chúa Nhật mùa Chay. Chúng rất cổ xưa và đồng hành với các tân tòng trong việc khám phá ra Bí Tích Rửa Tội, và loan báo các việc lớn lao Thiên Chúa thực hiện trong Bí Tích đó. Chúa Nhật thứ nhất gọi là Chúa Nhật cám dỗ, vì giới thiệu các cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu trong sa mạc. Nó mời gọi chúng ta canh tân quyết định vĩnh viễn cho Thiên Chúa và can đảm đương đầu với cuộc chiến chờ đợi chúng ta để trung thành với Chúa. Luôn luôn cần tái quyết định chống trả sự dữ và theo Chúa Giêsu. Trong ngày Chúa Nhật này sau khi nghe chứng tá của các cha mẹ đỡ đầu, Giáo Hội cử hành việc tuyển chọn những người sẽ được nhận lãnh bí tích Rửa Tội trong đêm Vọng Phục Sinh.
Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Hiển Dung. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và chức làm con Thiên Chúa: cũng như tổ phụ Abraham, cha của những kẻ có lòng tin, chúng ta cũng được mời gọi ra đi, ra khỏi vùng đất của chúng ta, từ bỏ các an ninh chúng ta đã xây dựng, để đặt sự tin tưởng nơi Thiên Chúa. Đích điểm hé mở cho thấy trong biến cố hiển dung của Chúa Kitô, Con yêu dấu, nơi Người cả chúng ta nữa cũng trở thành con cái Thiên Chúa.
Các Chúa Nhật tiếp theo trình bầy Bí Tích Rửa Tội trong các hình ảnh của nước, ánh sáng và sự sống. Chúa Nhật thứ ba khiến cho chúng ta gặp gỡ người đàn bà Samaritana (x. Ga 4,5-42). Như dân Israel trong cuộc Xuất Hành, trong bí tích Rửa Tội chúng ta cũng đã nhận được nước cứu độ. Chúa Giêsu có nước sự sống, làm đã mọi cơn khát, và nước đó là chính Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Nhật này Giáo Hội cử hành việc bỏ phiếu các tân tòng lần thứ nhất và trong tuần trao cho họ Kinh Tin Kính.
Chúa Nhật thứ tư giúp chúng ta suy tư về kinh nghiệm của ”Người mù từ lúc mới sinh” (x. Ga 9,1-41). Trong Bí Tích Rửa Tội chúng ta được giải thoát khỏi bóng tối sự dữ và nhận được ánh sáng của Chúa Kitô để sống như con cái ánh sáng. Cả chúng ta nữa cũng phải học trông thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trên gương mặt Chúa Kitô và trông thấy ánh sáng. Trong lộ trình của các tân tòng người ta cử hành việc bỏ phiếu lần thứ hai.
Chúa Nhật thứ năm trình bày cuộc sống lại của ông Ladarô (x. Ga 11,1-45). Trong Bí Tích Rửa Tội chúng ta cũng từ cái chết bước vào sự sống và có khả năng làm đẹp lòng Thiên Chúa, khiến cho con người cũ chết đi, để sống Thần Khí của Chúa Phục Sinh. Đối với các tân tòng người ta cử hành cuộc bỏ phiếu lần thứ ba và trong tuần họ được nhận Kinh Lậy Cha.
Lộ trình mùa Chay mà chúng được mời gọi bước đi trong truyền thống của Giáo Hội được định tính bằng vài thực hành: ăn chay, làm phúc, và cầu nguyện. Đức Thánh Cha giải thích việc ăn chay như sau:
Ăn chay có nghĩa là kiêng thực phẩm, nhưng bao gồm nhiều hình thức kiêng cữ khác để cho cuộc sống được thanh đạm hơn. Tuy nhiên, tất cả những thứ này chưa là thực tại tràn đầy của việc ăn chay. Nó là dấu chỉ bề ngoài của một thực tại nội tâm, của dấn thân không làm sự dữ và sống Tin Mừng, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ai không biết dưỡng nuôi mình bằng Lời Thiên Chúa, thì không ăn chay thật sự.
Thế rồi trong truyền thống kitô việc ăn chay gắn liền với việc làm phúc bố thí. Thánh Leô Cả đậy rằng ăn chay không phải chỉ là kiêng thực phẩm thôi, mà nhất là phải kiêng các thú vui. Rồi trong thực tế, có thể kết hiệp nó một cách hữu ích với việc bố thí nữa, có tên gọi duy nhất là ”lòng thương xót”, bao gồm rất nhiều việc lành: môi trường việc lành thì mênh mông. Không chỉ người giầu có và khá giả có thể làm phúc cho người khác, mà cả những người có điều kiện khiêm tốn và nghèo nàn cũng có thể làm được. Như thế, tuy không bằng nhau trong của cải, nhưng tất cả mọi người đều có thể bằng nhau trong tâm tình đạo hạnh của tâm hồn (Discorso 6 sulla Quaresima, 2; PL 54,286). Thánh Gregorio Cả dậy trong Luật Mục Vụ rằng ăn chay được biến thành thánh thiện bởi các nhân đức đi kèm, nhất là bởi đức ái, bởi mọi cử chỉ quảng đại cho người nghèo và người túng thiếu hoa trái sự kiêng cữ của chúng ta (x. 19,10-11).
Ngoài ra, mùa Chay còn là thời gian đặc ân của cho việc cầu nguyện. Thánh Agostino nói rằng chay tịnh và làm phúc là ”đôi cánh của lời cầu nguyện” cho phép chúng lao tới dễ dàng hơn và lên với Thiên Chúa. Người khẳng định rằng ”như vậy lời cầu nguyện của chúng ta, được làm với sự khiêm nhường và bác ái, trong chay tịnh và làm phúc, trong sự điều độ và tha tha thứ các xúc phạm, cho đi các điều tốt và không đáp trả các điều xấu, xa lánh sự dữ và làm sự thiện, tìm kiếm hòa bình và theo đuổi hòa bình. Với đôi cánh của các nhân đức này lời cầu nguyện của chúng ta bay vững vàng và được đem lên trời một cách dễ dàng hơn, nơi Chúa Kitô, niềm an bình của chúng ta, đã đi trước chúng ta” (Sermone 206, 3 sulla Guaresima; PL 38,1042).
Giáo Hội hiểu biết sự yếu đuối của chúng ta nên trong mùa Chay mời gọi chúng ta cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa một cách trung thành hơn và sâu xa hơn... Chúng ta hãy tiếp nhận lời Chúa Kitô kêu mời theo Người cương quyết và trung thực hơn, bằng cách canh tân ơn thánh và các dấn thân của Bí Tích Rửa Tội, để từ bỏ con người cũ và mặc lấy Chúa Kitô, để được canh tân tiến tới lễ Phục Sinh, và có thể nói như thánh Phaolô ”không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ mùa Chay thánh thiện. Rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Mrg. Linh Tiến Khải
|