CHÚA CHỮA CƠN SỐT CUỘC
ĐỜI
Suy Niệm Phúc Âm Chúa Nhật
5 Thường niên B
(Job 7: 1-4, 6-7; 1Corinthians
9: 16-19,22-23; Marco 1:29-39)
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh,
MD
Sốt nóng, theo y
học, là dấu hiệu của nhiễm trùng, cơ thể người bệnh đã bị vi trùng xâm nhập phá
hoaị. Tôi không biết tại sao phép lạ đầu tiên chúa Giêsu làm lại là phép lạ chữa
“nóng sốt” cho một phụ nữ? Có thể
Chúa cũng muốn chúng ta biết rõ căn nguyên của nóng sốt là vi trùng, một thứ ma
quỉ cần phải được chữa trị bằng một thứ thuốc đặc biệt mà ít ai nghĩ đến hậu ý của
Chúa?
Bài Phúc Âm Chúa
Nhật hôm nay đề cập đến việc Chúa chữa lành bệnh sốt. Cả cuộc đời chúng ta bị
sốt tội lỗi ma quỉ khống chế, nên Chúa phải ra tay trừ khử. Chúng ta thử cùng
nhau suy niệm các bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay xem ý Chúa muốn ta để ý đến vấn
đề gì trong câu chuyện phép lạ Chúa làm?
BỐI CẢNH CỦA PHÉP LẠ
Một di tích đá
tảng ở giữa làng Capernaum nằm trên bờ biển Galilee về hướng Tây Bắc, bây giờ có
nhà thờ Panis Vitae (Bánh Sự Sống) tám góc, màu đen, được xây ngay trên cái nền
mà người ta tin rằng là nhà của thánh Phêro hồi xưa, chính là bối cảnh của câu
chuyện Tin Mừng thánh Marco Chúa Nhật hôm nay (Mc 1: 29-39). Cha Carroll
Stuhlmueller, dòng thánh Phaolo thương khó đã có lần nói rằng trung tâm điểm của
làng Capernaum, đáng lẽ phải có một pho tượng vĩ đại kỷ niệm để ghi nhớ những bà
mẹ vợ trên khắp thế giới mới đúng!
Hãy tưởng tượng
bối cảnh cuộc đời chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Một toán môn đệ mới được
thành lập bắt đầu rời bỏ tổ ấm, lưới, thuyền, người giúp việc và cả cha mẹ để
theo Chúa (Mc 1: 16-20). Họ sung sướng được đứng trước mặt Chúa. Lời Chúa và cử
chỉ của Chúa đầy uy quyền trước ma quỉ và sự dữ. Tư cách và điệu bộ của Chúa có
một hấp lực thu hút lôi cuốn mọi người. Rời hội đường là nơi ác quỉ đã bị khống
trị, Chúa Giêsu và các môn đệ mới chỉ bước ra ngoài vài bước thì lại gặp đủ thứ
người bệnh: bệnh thiên kiến, bệnh ích kỷ và biết bao nhiêu điều ô uế cấm kỵ.
khác. “Cả thành phố xúm nhau lại trước cửa nhà. Quang cảnh thật là ồn ào náo
loạn. Chúa Giêsu đã chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ mọi thứ bệnh và trừ nhiều tà
quỉ…” (Mc.1:33-34).
CHÚA GIÊSU PHÁ LUẬT LỆ
Trong Tin Mừng
thánh Marcô, phép lạ đầu tiên chúa làm là chữa lành một người đàn bà. Ngài bước tới gần bà mẹ vợ ông Simon đang bị
sốt nặng nằm trên giường. Chúa liền cấm tay bà và đỡ bà dậy thì cơn sốt liền
biến mất (1:31). Hành động và cử chỉ đó vào thời ấy là không thể chấp nhận
được đối với bất cứ ai tự nhận mình là biểu tượng của tôn giáo hay nhà lãnh đạo.
Chúa không những chỉ chạm vào người đàn bà bị bệnh, mà còn để cho bà ta phục
dịch Chúa và các môn đệ. Luật về nghi thức tinh tuyền tôn giáo lúc bấy giờ rất
nghiêm ngặt, nhưng chúa Giêsu đã
phá luật lệ, vượt qua những điều cấm kỵ đó. Chúa cầm tay một người đàn bà, đỡ bà ta ngồi dậy
và chữa khỏi bệnh, lại cho phép bà ta phục vụ Chúa và các môn đệ tại bàn
ăn.
CHÚA TRẢ LẠI NHÂN QUYỀN, NHÂN PHẨM CHO NGƯỜI PHỤ
NỮ
Đáp ứng của bà
mẹ vợ thánh Phêrô đối với việc chúa đã chữa lành bệnh cho bà là một cử chỉ đúng
nghĩa là một môn đệ Chúa biết phục vụ một cách thấp hèn, một gương mẫu mà chính
chúa Giêsu vẫn mời gọi những ai muốn theo người phải làm theo, đã được nhắc đi
nhắc lại trải dài xuyên suốt Tin Mừng của Chúa và cả trong chính cuộc sống của
Chúa. Có người sẽ nói rằng mục đích của câu chuyện Phúc Âm hôm nay nhắc nhở
chúng ta là địa vị của đàn bà là ở trong gia đình, ở dưới bếp. Không phải vậy
đâu. Ngược lại, chúng ta thấy hành động của bà mẹ vợ rõ ràng là tương phản với
hành động của người con rể là Simon, ông xin Chúa Giêsu chú ý đến đám đông đang
kêu la om sòm ở ngoài, và xin Chúa chữa lành thêm nhiều người bệnh nữa (1: 37),
nhưng chính ông lại chẳng làm gì cả cho họ.
Trong Tin Mừng
thánh Marco, những câu chuyện về người goá phụ nghèo (12: 41-44), người đàn bà
mang bình dầu thơm xức lên đầu Chúa…(14:3-9), những người đàn bà đứng dưới chân
Thánh Giá (15: 40-41) và những người đàn bà nơi ngôi mồ trống (16: 1), những
người đàn bà biết đáp ứng đúng cách lời mời gọi của Chúa để thi hành đúng tinh
thần môn đệ Chúa. Họ đã hành động,
biểu lộ ngược lại với những gì là vô tình, vô cảm, là hiểu lầm của những môn đệ
phái nam. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đã mang lại cho người phụ nữ sự tốt lành
thánh thiện, phẩm giá con người, cùng toàn thể những giá trị của một con người
đích thực.
Phải chăng những
tập tục cổ hủ, độc hại trong xã hội loài người đã ngăn cản biết bao nhiêu người
khiến họ không thể trải nghiệm được đầy đủ tất cả những đặc tính và khả năng
cùng sự thánh đức và nhân phẩm của
mình?
CƠN THỬ THÁCH CỦA ÔNG
JOB
Trong bài đọc
sách Job cưu ước hôm nay (Job7: 1-7), ông Job chưa biết ông sẽ phải chịu những
khốn khổ gì, nhưng ông biết chắc ông sẽ bị thử thách giữa ác và thiện, giữa ma
quỉ và Thiên Chúa. Trước khi có những vần thơ như bài đọc hôm nay, ông Job đã
phải chịu biết bao đau khổ và mất mát. Ông biết những bạn bè ông an ủi ông, cắt
nghĩa cho ông về nỗi đau khổ của ông không đúng theo đường lối của Chúa; nhưng
ông cũng vẫn khó có thể hiểu được những thống khổ mà chính ông đang phải chịu.
Ông than phiền vì phải làm việc nặng nhọc, đêm không ngủ được, bệnh tật thì nguy
nan hiểm nghèo, cuộc sống thì ngắn ngủi và vô vọng. Đối với ông, tất cả cuộc đời
ông là một chuỗi dài nóng sốt kinh hoàng!
MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU BỊ CƠN SỐT HOÀNH
HÀNH
Chúng ta
đã kinh qua những giây phút kiểm nghiệm của ông Job như thế nào trong chính cuộc
sống của chúng ta như những “cơn sốt” đang đốt cháy chúng ta?
Việc chữa lành
bệnh cho bà mẹ vợ ông Simon đã nói lên quyền năng siêu việt của Chúa Giêsu. Chúa
có thể chữa khỏi tất cả mọi loại sốt. Vào khoảng năm 400A.D., thánh Jerome đã
giảng bài Phúc Âm hôm nay ở Bethlehem như sau: “ Lạy Chúa tôi ơi, xin chúa hãy đến với chúng
tôi, bước vào trong nhà, và chữa lành cơn sốt tội lỗi của chúng tôi. Vì tất cả
chúng tôi, mỗi một người chúng tôi đều đau khổ vì sốt. Khi lớn lên, tôi nổi sung
giận dữ và lên cơn sốt. Biết bao nhiêu thói hư tật xấu. Biết bao nhiêu cơn sốt
đốt cháy chúng tôi. Chúng ta hãy cầu cứu các thánh tông đồ xin Chúa Giêsu đến
với chúng ta và chạm vào tay chúng ta, bởi vì nếu Chúa chạm tay chúng ta thì
ngay lập tức cơn sốt sẽ bay đi”
(Corpus Christianorum, LXXVIII 468).
Với Chúa Giêsu,
chữa lành tâm hồn và thể xác là dấu chỉ rõ ràng cho biết nước Chúa đã ngự trị.
Quyền năng Lời Chúa chữa lành bệnh đi xuyên suốt con người. Chữa lành thân xác
và, quan trọng hơn nữa, chữa lành tất cả những ai đang đau khổ để có được hiệp
thông với Chúa và liên kết với cộng đồng họ đang sống.
ĐÔI LỜI
KẾT
Chúng ta có thể
dùng những lời trong bài giảng về sự Khôn Ngoan và Vô Tội của Đức Hồng Y John
Henry Newman làm lời cầu khẩn Chúa của chúng ta: “Xin Chúa phù trợ chúng con trong suốt cả
một ngày dài của chúng con, cho đến lúc bóng tối bao phủ tràn lan, lúc chiều tà
xấn tới, toàn thể thế giới bận rộn ồn ào im bặt tiếng động, và cơn sốt cuộc đời
qua đi, và đến lúc công việc của chúng con hoàn thành. Lúc đó vì lòng thươg xót
của Chúa, chớ gì Chúa ban cho chúng con một nơi trú ngụ an toàn, một sự nghỉ
ngơi thánh đức và sau cùng sự an bình thực sự”
Cuối cùng, điều
quan trọng là nhận ra được việc chúa Giêsu đã làm sau khi ngài chữa lành bệnh
người đàn bà trong câu chuyện Tin Mừng thánh Marco. Chúa đã đi cầu nguyện. (Mc
1:35). Chúng ta có làm như vậy
không giữa cái thế giới ồn ào náo nhiệt và bận rộn mà chúng ta đang sống, giữa
những cơn sốt nóng bỏng của cuộc đời và những công việc hàng ngày đè nặng đôi
vai chúng ta?
Chớ gì những
thời gian đầu tiên của sứ vụ tông đồ của Chúa Giêsu như diễn tả trong Tin
Mừng thánh Marco dạy cho chúng ta
biết nhận ra được điều tốt lành mà Chúa đả ban cho chúng ta trong cuộc sống hàng
ngày, đồng thời cũng phải hiểu là những điều tốt lành đó không phải là của riêng
ta, giữ lấy cho riêng chúng ta. Quyền năng chữa lành bệnh của chúa Giêsu vẫn còn
hiệu quả cho đến nay, nó bay lan xa, vươn tới chúng ta để chữa lành chúng ta và
cải đổi cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp cho bạn bè, tha nhân,
đồng bào chúng ta đến gần Chúa để Chúa chữa lành bệnh tật cho
họ.
Hãy vui với
người vui
Đau khổ với kẻ
khổ đau.
Fleming
Island , Florida
Feb. 2, 2012
NTC
|