THÁNH ĐA MINH
Nhân ngày đầu năm dương lịch 2012, xin gửi đến Gia Đình Lectio divina lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Gửi đến từng thành viên, đặc biệt các anh chị em Đa-minh bài viết của cha François Cassingena-Trévedy, bản dịch việt ngữ của chị Thérèse Thiết.
Fr. Bảo Tịnh O.Cist
Ta có thể đặt tên cho chi tiết này của bức hoạ “Đức Kitô chịu xỉ nhục” là “Lectio divina”. Qua tư thái của Thánh Đa-Minh, thật là cả một lý tưởng, cả một linh đạo cho Lectio divina mà thánh nhân gợi mở cho chúng ta. Thái độ của ngài nói lên một vẻ thanh thoát rất trịnh trọng, một đời sống nội tâm thật trầm lắng; trầm lắng mà không hề căng thẳng. Một “người con của ánh sáng” (1Th 5, 5).
Ngôi sao trên đầu thánh nhân khiến ta liên tưởng đến ngôi sao huyền nhiệm mà ngày ấy đã dừng lại “trên nơi Hài Nhi” (Mt 2, 9); ngôi sao đã dừng ngay trên nơi Ngôi Lời ngự… Nhưng ngôi sao này còn làm ta nghĩ đến “lưỡi lửa” đã đậu trên đầu các Tông Đồ ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2, 3). Đó là một cách biểu tượng khác của sự hiện diện, sự trợ lực kín đáo của Thần Khí, giống như hình ảnh chim bồ câu của Thánh Grêgôriô Cả. Qua ngôi sao này, Fra Angêlicô nhắc nhở ta rằng Lectio divina được thực hiện dưới sự trợ lực của Thần Khí và Mẹ Maria…
Những ngón tay thon dài, thanh lịch, như trong các bức hoạ đông phương ; tay phải tưởng như đang ban phép lành cách kín đáo. Ngón tay áp nhẹ vào cằm, một thái độ suy tư, chất vấn; người đọc thực sự chăm chú vào cuốn sách; chất vấn cuốn sách và chất vấn chính mình: Lectio divina là một cuộc tìm kiếm.“Đức tin tìm để hiểu”. Tay trái, thẳng góc với tay phải (hai chiều của thánh giá), sẵn sàng mở sang trang mới: cuốn sách mời mọc ta luôn tiến xa hơn về phía trước, để không ngừng tra cứu từ trang đầu đến trang cuối; đó là một cuốn sách còn được tiếp nối.
Cuốn sách được mở rộng trên đầu gối; nó choán hết chỗ trong lòng người đang ngồi đọc; chỗ của tim gan mà Thiên Chúa thấu suốt; người đọc chìm sâu vào nội tâm. Chân phải co vào, trong khi chân trái hơi duỗi ra là tư thái mềm mại của người sẵn sàng đứng dậy để thi hành điều đã được ghi chép trong sách. Lectio divina triển nở trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ta đừng quên rằng dáng hình này của thánh Đa-minh chỉ là chi tiết của tổng thể bức họa; thánh nhân ngồi dưới chân bục ngai tòa của Đức Ki-tô đang chịu xỉ vả. Thật lạ lùng khi thấy người đọc sách, thay vì chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, lại đắm chìm trong việc chiêm ngắm cuốn sách; có phải là chia trí, là dửng dưng? Hoàn toàn không. Chỉ cần quan sát kỹ, ta sẽ thấy góc trái cuốn sách, ngón trỏ của bàn tay phải, giao điểm của hai mắt và ngôi sao vẽ thành một trục nối dài tới gương mặt Đức Ki-tô. Người đọc sách khám phá ra từ cuốn sách, như trong tấm gương, khuôn mặt Đức Ki-tô; họ đọc trong đó việc kiện toàn lời các ngôn sứ của Người Tôi Tớ Đau Khổ; họ kiểm chứng trong sách sự chính xác về “tất cả những gì liên quan tới Đức Ki-tô Giê-su” (Lc 24, 27); họ nhận biết trong Khổ Hình việc thực hiện lời Kinh Thánh (Ga 19, 3). Ngồi dưới chân bục, thánh Đa-minh nhắc nhở chúng ta rằng trọn vẹn Lectio divina được thực hiện trong màu nhiệm vượt qua, dưới chân Thánh Giá.
Không chỉ có một mình Thánh Đa-minh dưới chân Đức Ki-tô: Đối diện với thánh nhân còn có Đức Ma-ri-a, Mẹ cũng ngồi, nhưng không đọc sách. Mẹ Ma-ri-a không cần đến sách nữa, vì Mẹ đã đón nhận và kiện toàn tất cả cách trọn vẹn tận thâm cung lòng Mẹ rồi. Mẹ Ma-ri-a cũng còn là Giáo Hội hiện diện. Và Fra Angelico muốn chúng ta hiểu rằng Lectio divina còn phải được thực hiện trong và với Giáo Hội, trong cuộc đàm đạo không ngừng với Giáo Hội-Đức Nữ Trinh, người đã “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, mà suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).
Qua hình ảnh này của thánh Đa-minh, có thể Fra Angelico còn muốn gợi cho chúng ta rằng Thần Khí đã chiếm ngự hoàn toàn trên xác phàm: một sự trong suốt hoàn toàn trước ánh sáng, là công trình của một thinh lặng lâu dài; đời sống chiêm niệm, đời sống thánh hiến, đời sống đan tu đã đạt tới tuyệt đỉnh của thinh lặng, của ánh sáng, của an bình, của niềm vui nội tâm, trong sự ngoan ngoãn triệt để theo Ngôi Sao và việc suy niệm nơi cuốn Sách, nó “soi sáng cho cái nhìn” (Tv 19, 9); tóm lại, đây chính là Lectio divina đã đạt tới được cùng đích.
Xin giới thiệu với các bạn tác phẩm
Quand la parole prend feu
propos sur la lectio divina
François Cassingena-Trévedy (Auteur)
Editeur : Bellefontaine ( + de détails )
Date de parution : 10/11/1999 ( + de détails )
NB.
Gia Đình Lectio Divina cũng rất hân hạnh giới thiệu đến Quí Đức Cha, Quí Cha, Quí Vị hai “Tờ Bướm” (một dành cho người lớn - Khổ giấy A4 sẽ in hai mặt & một dành cho thiếu nhi - Khổ giấy một nửa tờ A4, cũng in hai mặt) chính là “Hướng dẫn thực hành Lectio Divina” một cách cô đọng nhất. Soạn giả là Lm. Marie Bảo Tịnh, O.Cist, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca (Nha Trang). Đây là một nội dung đã được chắt lọc với sự nghiên cứu và góp ý của nhiều tâm hồn luôn tha thiết với Lời Chúa. Nguyện ước duy nhất là mong sao mọi người Công Giáo Việt Nam đều có thể nhận được tài liệu này và đem ra thực hành sớm nhất, nhờ đó chính Lời Chúa sẽ biến đổi mọi sự nên tốt đẹp như lòng Chúa mong ước. (Vì thế xin vui lòng không nên tự ý sửa chữa thêm bớt phần nội dung).
Ngoài ra, soạn giả KHÔNG GIỮ BẢN QUYỀN ; trái lại rất vui mừng và biết ơn tất cả những ai sẵn lòng “nối vòng tay lớn” với chúng con để tận dụng mọi sáng kiến tuỳ nghi tự in ấn, phổ biến những tờ bướm này có thể đến được với hết mọi người thân yêu ruột thịt trong họ hàng, xứ đạo, hội đoàn, dòng tu, giáo phận… rộng khắp trên toàn cõi Việt Nam và Hải ngoại. Quí độc giả ở gần Saigon cũng có thể nhận bản văn đã được in sẵn tại Nhà sách Đức Mẹ (DCCT). Tài liệu này cũng được lưu trữ lâu dài bằng files tại www.conggiaovietnam.net. Chúng con xin chân thành cám ơn những trang mạng giúp đỡ chúng tôi phổ biến rộng rãi tài liệu này trên internet.
|