Một nhà tâm lý học
thực hiện một cuộc khảo cứu với những người lính trong trại tập huấn như sau. Mỗi bữa ăn, nhà tâm
lý đứng phía trước bàn thức
ăn tự chọn, và lần lượt đặt câu hỏi cho từng người lính tới lấy thức ăn. “Anh
không muốn ăn quả mơ đúng không?” Với câu hỏi này, chín mươi phần trăm có câu
trả lời là “không.”
Cũng những người
lính ấy, nhưng lần khác câu hỏi được đặt là, “Anh muốn ăn quả mơ có đúng
không?” Với câu hỏi này, số người trả lời “có” chiếm hơn năm mươi phần trăm.
Lần thứ ba, anh
đặt câu hỏi với những người lính này như sau. “Anh ăn một đĩa quả mơ hay là hai
đĩa?” Kết quả là, bốn mươi phần trăm lấy một đĩa, và năm mươi phần trăm lấy hai
đĩa.[i]
* *
*
Câu chuyện trên
nói lên điều gì trong mục Sống Sao Cho Đẹp? Đó là “Tính hiệu năng của lời nói
tích cực!” Từ ngữ có thể như nhau, nhưng cách diễn đạt khác nhau sẽ sinh ra hiệu
quả khác nhau. Câu hỏi thứ nhất, nhà tâm lý học nhấn mạnh đến “không” thì kết
quả “không” chiếm chín mươi phần trăm. Câu hỏi thứ hai nhấn mạnh khía cạnh
“có,” thì số người đồng ý chiếm trên năm mươi phần trăm. Lần thứ ba, khi sự chọn
lựa chỉ còn là “một” hoặc “hai,” thì kết quả là hầu như mọi người đều chấp thuận
lấy một hoặc hai, tức là hầu như tất cả mọi người đều đồng ý “có.”
Như thế đã rõ,
bày tỏ thái độ tích cực, diễn đạt lời nói tích cực chắc chắn góp phần không nhỏ
trong lối ứng xử đẹp với nhau và tôn trọng nhau. Đã biết rằng nói tốt về người
khác, và hành xử tích cự sẽ đem lại niềm vui và sự khích lệ cho người khác, thế
nhưng con người vẫn có chiều hướng suy nghĩ điều tiêu cực và nói điều tiêu cực
về người khác. Vậy những điều tiêu cực này đến từ đâu? Hay nói cách khác, lý do
gì mà trong tâm mình đã “sản sinh” ra những điều tiêu cực này? Một trong những
nguyên nhân cho sự tiêu cực ấy có lẽ là mình không hài lòng với chính mình về một
điểm nào đó trong con người mình. Cũng có thể là mình đang bị thiếu hụt điều gì
đó trong tâm hồn mình mà chưa được lấp đầy. Khi không hài lòng với chính mình,
khi không được lấp đầy những thiếu hụt ấy, thì luật bù trừ tự nhiên xuất hiện.
Hành xử hay nói tiêu cực về người khác, một cách nào đó, nó là sự thể hiện cho
sự bù trừ này - “Tôi cảm thấy hơn một chút.”
Trong cuộc hội
thảo tại Đại Chủng Viện St. Vicent de Paul, Florida, khi bàn đến nguyên nhân của
sự cô đơn, chuyên gia tâm lý Dr. Carlos Gomez đã kết luận rằng, nguyên nhân đầu
tiên chính là sự phê bình chỉ trích về người khác. Suy nghĩ thấu đáo, kết luận
trên phản ảnh trung thực những biến chuyển nội tâm con người. Khi ta phê bình
chỉ trích ai, một cách nào đó, ta đã vô tình xây nên một rào cản giữa mình và đối
tượng ấy. Vì là rào cản này, nên mình tự tách mình ra khỏi mối quan hệ với người
ấy – mình trở nên cô đơn. Vì là càng thêm cô đơn, nên mình càng muốn bù trừ - nếu
không bù trừ được bằng hành động thì bằng lời nói. Như thế, phê bình, nói tiêu
cực, hành động tiêu cực cũng là sự phản ảnh của sự cô đơn. Ai có thể giúp ta thấy
được nhược điểm này trong con người mình nếu không phải là tự chính ta trong
thinh lặng để nhìn lại con người mình?
* *
*
Nhiều gia đình
Việt Nam định cư tại các nước có nền giáo dục tiến bộ, như Hoa Kỳ và các nước tại
Châu Âu, phần nào nhận nhận thấy rằng, sự khích lệ, động viên, và ca ngợi (good
job, congratulation) là những câu nói được các nhà giáo dục lập đi lập lại cho
học sinh hơn gấp nhiều lần so với những lời trách mắng, phê bình. Chính trong
thái độ cư xử khích lệ này đã làm cho các em (kể cả người lớn) cũng cảm thấy tự
tin và vươn lên phía trước. Thực tế cho thấy rằng, một em học sinh chơi thể
thao trong trường không đạt hạng nhất điều đó đâu có nghĩa là em đó “dỡ” phải
không? Khả năng của em chỉ có chừng ấy thì chỉ thế thôi. Sự khích lệ “good job”
lúc ấy rất cần thiết vì giúp em ấy khẳng định rằng lời khen “good job” ấy nói
lên sự thật là em đã làm tốt những gì em cần phải làm. Lời khích lệ ấy còn mở
ra cơ hội để em tự cố gắng vươn lên trong những lần tới. Ngược lại, cũng trong
hoàn cảnh tương tự trên, nếu ta thay lời khích lệ bằng việc khiển trách thì hậu
quả sẽ như thế nào? Có thay đổi được kết quả không? Có giúp gì cho bản thân em ấy
không? Thái độ tích cực trong giáo dục giúp con người lớn lên, ngược lại thái độ
quan tòa xét án sẽ đẩy con người vào ức chế, bao che, và mặc cảm.
* *
*
Thật phù hợp khi
chúng ta xem Steve Jobs, đồng sáng lập viên máy tính Apple, như là hoa trái của
lối suy nghĩ và hành động tích cực của một con người. Dù là một đứa bé bị bỏ
rơi, một kẻ bỏ học, một doanh nhân thất bại, nhưng Steve Jobs đã trở thành một
trong những ngôi sao sáng trong lãnh vực máy tính trong thời đại chúng ta. Nói
một cách cụ thế, ông đã góp phần không nhỏ trong sự thay đổi thế giới con người.
Theo ông, dù đã từng bị mất một phần tư tỷ Mỹ Kim trong một năm, nhưng
kim chỉ nam cho sự thành đạt của ông chính là, “Think Different” (Nghĩ khác).
Thưa bạn, những hoàn cảnh khó khăn mà bạn
đang đối diện, những con người khó tính mà bạn đang gặp hằng ngày, và những
khuyết điểm trong người mà bạn đang trăn trở, hôm nay bạn thử “nghĩ khác” xem
sao? Chắc chắn một điều, nếu bạn “nghĩ khác” thì những điều tiêu cực trên sẽ
“không giống” nữa, nó sẽ “khác.” Thử xem bạn!
Br. Huynhquảng
|