Một gia đình
nhà vợ khóc than thương tiếc trước thi hài 5 người thân sõng soài
đẫm máu trong đó có một phụ nữ mang thai và ngay cạnh là xác người
chồng gây ra thảm cảnh rồi lạnh lùng tự kết liễu đời mình.
Một đức lang
quân bị trói cứng, tay ôm bụng dưới rên siết đau đớn vì bị vợ phục
thuốc cắt đứt cơ quan sinh dục khi đã tỉnh thuốc mê.
Đó là hậu
quả của những cặp vợ chồng đã một thời đầu gối tay ấp, thề non,
hẹn biển mà bây giờ thì sóng gió hận thù, thưong tích, chết chóc.
Những hành vi mà nhân viên công lực điều tra sơ khởi cho là một
góc cạnh của nan giải xã hội “Bạo Hành Gia Đình”
Bạo Hành Gia Đình (Domestic Violence) là nhóm
chữ dùng để chỉ những hành vi có tính cách hung bạo như Bạc Đãi
Người Già hoặc Lạm Dụng Trẻ Em. Nhưng thông thường hơn là nói đến
hoàn cảnh ngang trái của một lứa đôi đã có nhiều gắn bó tình cảm
rồi dần dần một người lại dùng bạo lực để tỏ uy quyền, khống chế
người kia. Nói rõ ra là người chồng dùng vũ lực để hành hạ người
vợ.
Hành vi này không phải là chuyện mới đây, mà
đã thấy từ thuở xa xưa.
Tại một số quốc gia Á Đông, vào thời kỳ mà
quan niệm “Tứ Đức Tam Tòng” được ăn xâu vào tâm thức con người ,
khi mà triết lý Khổng Mạnh được tuân theo triệt để, thì người vợ
thường được coi như sở hữu chủ của người chồng. Khi người chồng
cho là có bổn phận hoặc có quyền “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” thì
việc bạo hành trong hôn nhân được coi như chuyện thế gian sự
thường.
Cùng ý nghĩ đó, người Hy Lạp cổ xưa thường
dạy vợ bằng chân tay rồi cười xòa giải thích: “Đàn ông chúng tôi ở
đây đều hành động như vậy vì đã làm điều tốt để giúp vợ sửa mình”.
Đã có thời kỳ, dân Nga xưa có câu châm ngôn:
“Người vợ có thể yêu người chồng không bao giờ đánh đập vợ, nhưng
bà ta không bao giờ kính trọng ông ta”.
Luật tập tục trước đây ở vương quốc Anh cho
phép chồng trừng phạt vợ bằng khí giới không lớn hơn ngón tay cái.
Chịu ảnh hưởng
trên, luật lệ Hoa Kỳ thời xưa cũng ủng hộ ý kiến là chồng có thể
“kỷ luật” vợ, thậm chí tới thập niên 1960, các tòa án ở đây vẫn
không chịu xét xử các trường hợp bạo hành gia đình, cho đó là
chuyện trong nhà, cần đóng cửa bảo nhau. Mãi đến năm 1994 Quốc Hội
Hoa Kỳ mới thông qua Violence Against Woman Act, tập trung vào mức
độ phổ biến và trầm trọng của bạo lực gia đình, tấn công tình dục
và ngạo mạn đe dọa đối với nữ giới. Tháng 10 hàng năm đã được
dành riêng để nhắc nhở mọi người về thàm cành bạo hành trong gia
đình (
Domestic Violence Awareness Month), làm sao để tránh và làm gì để
cứu giúp nạn nhân.
Có người cho rằng Bạo Hành Gia Đình là một sự
việc tự nhiên trong mọi xã hội cho nên không thể ngăn ngừa và sửa
chữa được. Lập luận này không đứng vững vì đã có nhiều quốc gia
trong đó hành vi áp bức này hầu như không có.
Trái với tin tưởng thông thường, bạo hành gia
đình không chỉ xảy ra ở giai cấp hạ lưu kém lợi tức mà là vấn đề
của mọi giai tầng xã hội, của những cặp hôn nhân đồng tính cũng
như dị tính.
Từ thuở xa xưa, đa số người bị hành hung, lạm
dụng là người thường được coi là phái yếu, phụ thuộc: người vợ.
Nhưng người nam đôi khi cũng là nạn nhân của bà vợ “đành hanh”,
“nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ”.
Những hình thức bạo hành
Bạo
hành là một loạt những hành động có tính cách vũ phu, khống chế mà
người này áp đặt lên người kia. Nó là phần bất hạnh trong quan hệ
tình cảm giữa con người với con người. Bạo hành không chỉ là hành
động thể chất mà còn diễn ra dưới nhiều hình thức.
1- Bạo lực, thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Bực mình, không
vừa ý thì cứ nện cho một trận, “cho cạch tới già”. Hành động có
mục đích gây thương tích cho nạn nhân như đấm, đá, đạp, đẩy, tát,
nắm tóc kéo lê, vặn cổ tay, đâm chém bằng dao là phương thức
thường dùng. Và ngày nay thì súng ngắn súng dài. Ngoài ra còn dùng
các phương tiện làm suy yếu sức khỏe như dấu thực dược phẩm, quấy
rối không cho ngủ, ép dùng rượu, cần sa ma túy, bỏ rơi quãng đường
vắng, nguy hiểm.
2- Uy hiếp tinh thần
Nạn nhân liên
tục bị nghe những lời đay nghiến khủng bố đến nỗi bị hoảng loạn
tinh thần. Có thể là dọa nạt cắt nguồn tài chánh, nhục mạ trước
công chúng; dùng lời đường mật cho có hy vọng rồi cố tình quên đi;
luôn luôn truy hỏi, nặng lời để hạ nhân phẩm, mất niềm tự trọng;
kể lại một cách diễu cợt cho đối phương những vụ tình ái riêng tư;
hăm dọa cho sợ hãi bằng lời nói, cử chỉ cũng như khóe mắt; đập phá
đồ đạc, đánh chó chửi mèo để thị uy.
3- Bao vây kinh tế
Tạo ra hoàn
cảnh để đối tượng phải lệ thuộc về tiền nong, bắt phải hỏi xin, kê
khai mọi chi tiêu lớn nhỏ, tìm cách không cho có việc làm để ngày
ngày phải ngửa tay xin tiền.
4- Lạm dụng tình dục
Cưỡng bức giao
hợp, dày vò cơ quan sinh dục, làm tình hậu môn, cưỡng hiếp khi nạn
nhân đang ngủ hoặc đau ốm, chê bai cách làm tình của vợ, đi với vợ
mà cứ để ý tới phụ nữ khác, không lưu tâm tới nhu cầu sinh lý của
vợ.
5- Cô lập,
kiểm soát từ việc làm tới giao du,
di chuyển. Không cho thăm viếng thân nhân, bạn bè.
6- Tác phong
“Chồng chúa vợ tôi”, độc tài,
quyết đoán mọi việc lớn nhỏ, coi vợ như “ne pas”.
7- Hành hạ
pháp lý, gây khó dễ khiến đối
phương phải liên tục ra tòa vì những lý do không đâu như chậm trả
tiền trợ cấp, không cho thăm viếng con cái, gán cho là bất lực bất
xứng.
Những yếu tố tăng nguy cơ bạo hành
Cá nhân lạm
dụng vũ phu với phụ nữ có thể là người chồng người tình đương thời
hay đã chia tay. Từ thâm tâm, họ có nhiều lý do hoặc chính đáng
hoặc ngụy tạo để bào chữa cho hành động của mình. Đồng thời cũng
có những hoàn cảnh, những xáo trộn trong đời sống đưa đẩy khiến họ
trở nên hành động mất lý trí.
1- Nghiện ngập
Kết quả nhiều
nghiên cứu cho hay, có đến quá nửa trường hợp bạo hành là do người
nghiện rượu, nghiện thuốc cấm gây ra. Khi say, lý trí bị tê liệt,
họ có những hành động không hợp lý. Đôi khi họ cũng giả say, hành
hạ vợ để tránh lưới pháp luật.
2- Ghen tuông
Người chồng
thường buộc tội vợ lăng nhăng với người khác; có thai với mình
nhưng cứ ngạo ngược nói con ai đó, rồi hành hung vợ.
3- Khó khăn
tài chánh, trở ngại công việc làm
ăn, giảm thu nhập hoặc nội tình xáo trộn vì bệnh tật, vì mâu thuẫn
bố mẹ, con cái.
4-
Một số người còn ôm lấy cái quan niệm cũ
xưa, cho rằng vợ là sở hữu chủ, muốn chứng tỏ họ là chúa, cho nên
chỉ với một bực mình nhỏ nhặt là mang vợ ra hành hạ.
5-
Có người khi còn bé chứng kiến bạo lực
xảy ra giữa bố mẹ rồi lớn lên hành động tương tự, cho rằng dùng vũ
lực với vợ là chuyện bình thường trong mọi hôn nhân.
Hậu quả của bạo hành
Nạn
nhân của bạo hành sẽ mang nhiều thương tích về thể chất cũng như
bất ổn về tinh thần.
Trên da có
nhiều vết bầm, vết sẹo, những gẫy xương, trầy niêm mạc miệng, dưới
cơ quan sinh dục. Có nạn nhân bị hư thai, sanh non hoặc mang thai
ngoài ý muốn vì bị hãm hiếp. Họ thường xuyên đau ốm lặt vặt, rối
loạn tiêu hóa, nhức đầu. Thậm chí tử vong vì súng đạn khí giới
cũng có thể xảy ra.
Về tinh thần là
những hoảng sợ, lo âu, thiếu tự tin, trầm cảm, tự trách mình đã
gây ra lỗi lầm với chồng cho nên mới sinh chuyện. Nhiều nạn nhân
nói là cái đau về thể xác đôi khi còn chịu đựng được chứ cái đau
tinh thần sao mà quá mãnh liệt, không chịu đựng nổi cho nên đôi
khi đưa tới tìm quên trong rượu chè, hút xách. Họ thường xuyên là
thân chủ trung thành của phòng cấp cứu hoặc bác sĩ gia đình.
Đa số các vụ
bạo hành gia đình không được đưa ra ánh sáng vì kẻ chủ mưu đương
nhiên phủ nhận mà nạn nhân lại dấu giếm. Một đằng thì sợ luật pháp
can thiệp, ra tòa. Đằng kia thì sợ sẽ bị hành hạ trả thù nhiều hơn,
cho nên cắn răng chịu đựng. Họ cũng không muốn ai biết chuyện
chẳng lành vì nếu hôn nhân tan vỡ thì miệng người đàm tiếu, quy
trách nhiệm cho nạn nhân.
Một thắc mắc
thường được nhắc tới là, tại sao nạn nhân không chịu dứt khoát xa
lánh người đã hành hạ mình. Có nhiều lý lẽ được nêu ra:
a. Chia tay là
một việc cần sửa soạn chứ không phải đùng đùng xách gói ra đi;
b. Dù bị áp bức
nhưng trong lòng vẫn còn chút thương yêu, quyến luyến, hy vọng anh
ta sẽ đổi tính, đối xử khá hơn
c. Bị phụ thuộc
tài chánh;
d. Muốn cho con
cái có cột trụ gia đình là người cha;
e. E sợ chồng
bắt mất con, đe dọa tính mệnh mình hoặc thân nhân;
g. Tự trách
mình đã làm chồng phật ý vì vụng về, không làm đầy đủ bổn phận;
h. Tôn giáo,
gia đình ngăn cản, không cho phép dứt bỏ.
Không ít anh
chồng vũ phu cũng nhiều đòn phép, tỏ vẻ hối hận ăn năn, thề thốt
sẽ không bao giờ đụng tới chân lông vợ. Nhẹ dạ, cả tin, vợ cho
chồng có cơ hội để thay đổi. Nhưng rồi ngựa quen đường cũ, đâu vẫn
hoàn đó. Và hậu quả chẳng lành có thể xảy ra.
Giải quyết nan đề, tìm lối thoát
Theo cơ quan CDC, cứ ¼ người nữ và 1/9 người
nam tại Hoa Kỳ là nạn nhân của bạo hành gia đình với mức độ nặng
nhẹ khác nhau vào một thời điểm nào đó của cuộc đời.
Bạo hành thưởng mở màn với những hành vi kín
đáo khó nhận ra nhưng có tính toán từ kẻ chủ mưu. Như là tỏ vẻ
chăm sóc, cởi mở, bao bọc “chỉ đôi ta với nhau là đủ rồi”, để sau
đó dần dần cô lập, khống chế, gây sợ hãi. Ban đầu thì lâu lâu mới
nặng tay, rồi tỏ vẻ ăn năn, xin lỗi, hứa sẽ không tái phạm, nại cớ
đang bị căng thẳng. Sau đó mức độ bạo hành tăng dần kèm theo những
ghen tuông, nhiếc móc, cấm đoán, chê bai, ép buộc làm điều không
muốn khiến cho nạn nhân luôn luôn trong tình trạng bấp bênh, lo sợ,
không biết bao giờ chuyện chẳng lành xảy ra…
Khi thấy đời sống của mình và các con bị hành
hạ đe dọa thì nên sớm tìm giúp đỡ, thoát khỏi tai ương.
- Hãy tỏ bầy khó khăn với thân nhân, với bạn
tâm giao, hàng xóm tốt, các vị lãnh đạo tinh thần để họ góp ý kiến;
- Kể lại cho bác sĩ gia đình, các nhà chuyên
môn tâm lý, xã hội, y tá để được điều trị thương tích, bệnh tật,
hỗ trợ tinh thần, giới thiệu tới các cơ quan hữu trách;
- Tại Hoa Kỳ, kêu số điện thoại
National
Domestic Violence Hotline 1-800-799-SAFE (7233) hoặc cơ quan bảo
vệ nạn nhân bạo hành tại địa phương;
- Kêu cảnh sát
nếu thấy tình mạng bản thân và con cái bị đe dọa;
- Tìm kiếm nơi
tạm dung thân(shelter) mà địa phương nào cũng có.
- Mạnh dạn,
sáng suốt giải quyết khó khăn. Hãy nhớ là chỉ có mình thấu hiểu
hoạn nạn của mình. Đừng để ai đó lung lạc, quyến dụ, sui khiến làm
chuyện đâu đâu vô bổ.
Kết luận
Đề cập tới hậu
quả của thảm trạng bạo hành trong gia đình người Mỹ gốc Việt, Tiến
sĩ
Catherine Le Gales-Camus của Tổ
chức Y tế Thế giới có ý kiến rằng đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng,
chẳng khác chi bệnh tiểu đường, cao huyết áp, ung thư cổ tử cung.
Một cuộc thăm
dò hơn 200 gia đình người Việt tỵ nạn tại Houston do Tiến Sĩ Tuyên
Nguyễn thực hiện cho thấy có tới 31% trả lời đã có bạo hành trong
gia đình.
Theo Giáo sư Xã
Hội Học Bùi Hoan, Đại học Tennessee-Knoxville thì, so sánh với phụ
nữ bản xứ, phụ nữ Mỹ gốc Việt ít kêu cảnh sát để nhờ can thiệp
bảo vệ khi có chuyện bạo hành trong gia đình. Mà nếu cảnh sát có
tới thì đa số lại đều không muốn chồng bị làm khó dễ, câu lưu. Vì
hy vọng vớt vát thương yêu, đùm bọc gia đình
Để rồi từ đó,
bạo hành nối tiếp bạo hành. Nạn nhân lại bị hành hạ và kẻ chủ mưu
ngạo mạn “enjoy” hậu quả các hành vi vũ phu, mất nhân tính của
mình.
Và người vợ
tiếp tục sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, thay vì một mái ấm
gia đình có chồng có vợ, có con cái, xum họp hài hòa hạnh phúc bên
nhau.
Bác sĩ Nguyễn Ý
Đức
Texas- Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com