MUÔN ĐỜI CHÚA VẪN TRỌN TÌNH THƯƠNG
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay tôi muốn được cùng với Anh Chị Em suy niệm về một Thánh Vịnh, tổng hợp cả lịch sử cứu độ mà Cựu Ước minh chứng cho chúng ta. Chúng ta đang đề cập đến một Thánh Vịnh trong đại, ngợi khen Thiên Chúa trong nhiều hình thức, được lập đi lập lại tỏ ra lòng tốt lành của Người trong lịch sử con người, đó là Thánh Vịnh 136 - hay 135 theo truyền thống Hy-lạp - La-tinh.
1 - Lời cầu nguyện trọng thể để cảm tạ, được biết đến dưới danh hiệu "Hallel Cao Cả". Đây là Thánh Vịnh, theo truyền thống, được hát lên vào phần kết thúc bửa ăn tối Lễ Vượt Qua và có lẽ cũng được Chúa Giê-su cầu nguyện trong Buổi Tiệc Ly cùng với các môn đệ, mà dường như các tác giả Phúc Âm có liên tưởng đến: "Hát Thánh Vịnh xong Chúa Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu" (Mt 26, 30; Mc 14, 16).
Như vậy, viễn ảnh của lời hát ngợi khen chiếu sáng lên con đượng đầy khó khăn hướng về đồi Golgota. Cả Thánh Vịnh 136 được khai triển dưới hình thức một lời kinh cầu, được nhấn mạnh bằng cách lập đi lập lại: "muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương". Dọc theo cấu trúc của Thánh Vịnh, nhiều việc can thiệp lạ lùng của Chúa trong lịch sử con người được liệt kê ra và Người vẫn tiếp tục can thiệp cho lợi ích dân Người. Và mỗi lần tuyên xưng một động tác cứu độ của Chúa, sau đó là câu đáp ứng của cộng đoàn bằng lời xướng kinh khởi đầu (vừa trích dẫn), nói lên lý do chính đáng của lời kinh chúc tụng ngợi khen, tình yêu thương muôn đời của Chúa. Đó là tình yêu thương, mà theo từ ngữ Do Thái được dùng, hàm chứa cả lòng trung tín, nhân hậu, tốt lành, ân sủng và lòng âu yếm.
Đó là lý do liên kết cả Thánh Vịnh, được lập đi lập lại dưới hình thức như nhau, trong khi các lần can thiêp đúng lúc và thực tiển của Người: việc tạo dựng, việc cứu thoát trong thời kỳ xuất hành, biến cố ban cho đất đai, sự giúp đỡ quan phòng và bền vững của Chúa cho dân Người và cho mọi tạo vật.
Sau ba lần kêu gọi hãy cám tạ Chúa (Ps 136, 1-3), Thánh Vịnh cất tiếng lên để ca ngợi Chúa như là Đấng làm những điều lạ lùng: "Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại..." (Ps 136, 4), mà một trong những kỳ công đó là công cuộc sáng tạo: trời, đất, các tinh tú: "Tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình..., trải mặt đất nầy trên dòng nước bao la..., đặt trăng sao hướng dẫn ban đêm..." (Ps 136, 5-9). Thế giới được dựng nên không phải chỉ là bối cảnh, trên đó động tác cứu độ của Chúa được thực hiện, mà chính là khởi đầu của động tác kỳ diệu đó. Với công trình tạo dựng, Thiên Chúa tỏ ra tất cả lòng tốt lành và sự đẹp đẻ của Người, với đời sống được nảy sinh, Người tỏ cho thấy lòng tốt lành của Người, từ đó thoát xuất ra mọi động tác cứu độ khác. Trong Thánh Vịnh của chúng ta, lấy lại tư tưởng của chương I Sách Sáng Thế Ký, thế giới được dựng nên và được phối hợp trong tất cả các yếu tố chính của nó, bằng cách nhấn mạnh một cách đặc biệt đến các vì tinh tú, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, những tạo vật tuyệt vời tuần hoàn cai quản ngày và đêm.
Ở đây Thánh Vịnh không nói đến việc tạo dựng con người, nhưng con người vẫn luôn luôn hiên diện, mặt trời và mặt trăng là để cho con người, để nói lên thời gian cho con người, nhắc nhỡ con người liên hệ với Đấng Tạo Hoá , nhứt là để chỉ cho con người các thời gian dành cho phụng vụ. Và chính Lễ Vượt Qua được nói lên liền sau đó, khi nói về việc Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử,
- khởi đầu bằng biến cố trọng đại của việc giải thoát khỏi chế độ nô lệ ở Ai-cập,
- rồi đến biến cố xuất hành, bằng cách kể lại những yếu tố có ý nghĩa nhứt; cuộc giải thoát khỏi Ai-cập với cuộc đau thương của các con đầu lòng Ai-cập;
- ra khỏi Ai-cập, đến biến cố vượt qua Biển Đỏ,
- cuộc hành trình trong sa mạc cho đến lúc vào đất hứa(Ps 136, 10-20). Chúng ta đang ở vào thời điểm khởi đầu của lịch sử Do-thái. Thiên Chúa đã mạnh mẻ can thiệp, để đem dân Người đến miền tự do, qua trung gian của Mô-sê, sứ giả của Người, Thiên Chúa hiện diện trước mặt Pha-ra-on cho thấy tất cả sự cao cả của Người và sau cùng, Người đã bẻ gảy sức đối kháng của Ai-cập bằng đại hoạ khủng khiếp với cái chết của các con trưởng nam của họ. Như vậy, Israel có thể rời bỏ Xứ của Nô Lệ, cùng với vàng của những kẻ đàn áp mình: "Con cái Israel đã làm theo lời ông Mô-sê; họ đã xin người Ai-cập những đồ bạc, đồ vàng và áo xống; Thiên Chúa cho dân được cảm tình của người Ai-cập, chúng làm như lời họ xin, và họ đã tước được của cải người Ai-cập " (Ex 12, 35-36), ra đi "giơ tay đắc thắng" (Ex 14, 8) trong dấu hiệu khải hoàn của cuộc chiến thắng.
Cũng vậy, ở Biển Đỏ, Thiên Chúa tác động với lòng đại lượng đầy quyền lực. Trước mặt dân chúng Israel đang khiếp sợ khi đoàn quân Ai-cập đuổi theo, đến nỗi than thân trách phận vì đã bỏ Ai-cập ra đi, "Khi Pha-ra-on tới gần, con cái Israel ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Israel kinh hãi, liền lên tiếng kêu cầu Chúa. Ho nói với ông Mô-sê: " Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: "Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập, còn hơn chết trong sa mạc!" (Ex 14,10-12).Và Thiên Chúa, như Thánh Vịnh chúng ta thuật lại:"đã chia Biển Đỏ ra làm hai (...) đã chôn vùi pha-ra-on và quân đội của ông ta" (Ps 136, 13-15).
Hình ảnh Biển Đỏ "bị chia làm hai" dường như gợi cho liên tưởng đến hình ảnh biển như là con ác thú khổng lồ bị chia cắt làm hai và như vậy làm cho nó trở thành vô hại. Sức mạnh của Thiên Chúa chiến thắng nguy hiểm của các sức mạnh trong thiên nhiên và sức mạnh quân sự được con người dàn trận ra: biển có vẻ như chặn đường Dân Chúa. Sức mạnh của Thiên Chúa để cho Israel vẫn có đường khô để đi qua và đóng lại trên người Ai-cập làm cho họ phải chết đuối: "Thiên Chúa của ngươi đã giang cánh tay mạnh mẽ uy quyền..." (cfr. Dt 5, 15; 7, 19; 26, 8) nói lên tất cả sức mạnh cứu độ. Kẻ đán áp bất công đã bị bại trận, bị nước cuốn đi, trong khi dân Chúa "đi ngang qua ở giữa" để tiếp tục cuộc hành trình của mình tiến đến tự do...
2 - Về cuộc hành trình vừa kể, giờ đây Thánh Vịnh của chúng ta đề cập đến, bằng cách nhắc lại qua một câu văn ngắn ngủi chuyến lữ hành của Israel hướng về đất hứa: "Chúa dẫn đưa dân Người qua sa mạc..." (Ps 136, 16). Mấy lời ít ỏi vừa kể chứa đựng một kinh nghiệm bốn mươi năm, một khoảng thời gian quyết định để cho Israel, để mình được Chúa hướng dẫn, học hỏi được bìết sống trong đức tin, trong vâng lời và dễ dạy đối với lề luật Chúa.
Đó là những năm đầy khó khăn, được đánh dấu bằng cuộc sống khổ cực trong sa mạc, nhưng đồng thời cũng là những năm hạnh phúc, liên hệ thân tình với Chúa, sống trong tình tin cậy con cái; đó là cuộc sống của thời " thơ ấu ", như tiên tri Giê-rê-mi-a đã cho biết, khi ngài nói với Israel, nhân danh Chúa, bằng những phương thức diễn tả đầy âu yếm và thương nhớ: "Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi, lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi, khi ngươi mới hứa hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng" (Gr 2, 2). Thiên Chúa như người mục tử của Thánh Vịnh 23, mà chúng ta đã có dịp suy niệm trong một bài giáo lý, trong suốt bốn mươi năm đã hướng dẫn dân Người, đã dạy dỗ và yêu thương, dẫn dắt đên tận miền đất hứa, lướt thắng cả những cuộc chống đối và thù nghịch của các dân thù địch, muốn cản trở cuộc hành trình giải thoát: "sát hại bao lãnh chúa hùng cường (...) tiêu diệt những quân vương hiển hách (...) vua Seon của dân Amorrei (...) và vua Og miền Basan nữa" (Ps 136, 17-20).
Trong tiến trình nối tiếp xảy ra các "công trình kỳ diệu" mà tác giả Thánh Vịnh chúng ta liệt kê ra, chúng ta đạt đến ơn quyết định được ban cho, đó là việc thực hiện lời Chúa đã hứa với các Tổ Phụ: "Người ban đất cho họ làm gia sản, muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Gia sản cho tôi tớ Người là Israel, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Ps 136, 21-22).
Trong biến cố cử hành mừng tình thương muôn ngàn đời của Thiên Chúa, giờ đây dân Israel nhớ lại ơn ban cho đất đai, một ân huệ mà dân chỉ phải lãnh nhận, chớ không cần phải chiếm cứ, sống trong thái độ tiếp tục đón nhận biết ơn và cảm tạ. Dân Israel nhận lãnh đất đai nơi đó họ cư ngụ như là "gia sản ", từ ngữ nói lên một cách tổng quát trạng thái có được một của cải từ một người khác, một quyền tư hữu, một cách đặc biệt, liên quan đến gia sản của cha ông để lại. Một trong những đặc tính cá biệt của Thiên Chúa là "ban cho", và giờ đây, vào phần kết thúc của con đường xuất hành, Israel là chủ thể thừa tự, như là một đứa con, đi vào Xứ Sở của lời hứa được thực hiện.
Thời gian lữ hành lang thang đã chấm dứt, dưới các chiếc lều, đánh dấu một cuộc sống bấp bênh, tạm bợ. Giờ đây khởi đầu thời gian hạnh phúc vững bền, vui mừng để xây cất nhà cửa, trồng trọt vườn nho, sống trong an ninh (cfr. Dt 8, 7-13).
Nhưng đây cũng là thời điểm của cơn cám dỗ tôn thờ thần tượng, của cơn bị gây ô nhiểm liên hệ với các dân ngoại, thời gian tự cho mình tự túc đầy đủ làm cho mình quên đi Nguồn Gốc của ơn được ban cho. Bởi đó tác giả Thánh Vịnh đề cập đến việc thay đổi trở nên đê tiện và đến các kẻ thù nghịch, thực thể của sự chết, trong đó Thiên Chúa một lần nữa, mạc khải mình là Đấng Cứu Độ. "Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, gỡ ta thoát khỏi tay thù địch, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Ps 136, 23-24). 3 - Đến đây chúng a có thể tự hỏi làm sao chúng ta có thể làm cho Thánh Vịnh nầy cũng trở thành lời cầu ngguyện của chúng ta, làm sao chúng ta có thể làm cho trở nên là của chúng ta được? Điều quan trọng là bối cảnh của Thánh Vịnh, từ lúc khởi đầu cho đến lúc cuối: đó là việc sáng tạo. Chúng ta sẽ trở lại biến cố nầy: công cuộc sáng tạo như là ơn trọng đại được Chúa ban cho, mà nhờ đó chúng ta sống, trong đó Người mạc khải Người với lòng tốt lành và cao cả.
Như vậy, lưu tâm đến công trình sáng tạo như là ơn Chúa cho, là một định điểm chung cho tất cả chúng ta. Kế đến, tiếp theo là lịch sử cứu độ. Dĩ nhiên chúng ta có thể nói đến biến cố cứu độ nầy khỏi Ai-cập, đến thời gian trong sa mạc, đến biến cố vào Thánh Địa và những vấn đề khác nữa, rất xa xôi đối với chúng ta, không phải là lịch sử của chúng ta.
Nhưng chúng ta nên lưu ý đến cấu trúc nền tảng của lời cầu nguyện nầy (trong Thánh Vịnh). Cấu trúc nền tảng, đó là Israel nhớ lại lòng tốt lành của Chúa. Trong dòng lịch sử đó, có nhiều thung lủng tối tăm, có nhiều đoạn đường khó khăn phải vượt qua và chết chóc, nhưng Israel vẫn nhớ rằng Thiên Chúa tốt lành và họ có thể sống sót trong thung lủng tối tăm đó, trong thung lủng của sự chết đó, bởi vì Thiên Chúa nhớ đến họ. Israel có trí nhớ đến lòng tốt lành của Chúa, đến sức mạnh của Người, lòng nhân từ của Nguời có giá trị muôn đời.
Điều nầy cũng quan trọng đối với chúng ta: nhớ đến lòng tốt lành của Chúa. Ký ức trở thành sức mạnh của niềm hy vọng. Ký ức nói với chúng ta: có Thiên Chúa, Thiên Chúa tốt lành, lòng nhân từ của Người vô hạn. Như vậy, ký ức mở ra cho chúng ta, ngay cả trong thời điểm tối tăm của một thời gian, con đường hướng về tương lai, là ánh sáng và là vì sao hướng dẫn chúng ta. Chúng ta cũng có ký ức về điều tốt lành, về tình yêu thương nhân lành, vô tận của Chúa.
Lịch sử Israel đã là một ký ức cho cả chúng ta, như Thiên Chúa tỏ mình Người ra thế nào, đã tạo dựng nên dân Người như thế nào. Kế đến Thiên Chúa đã trở nên người, một con người như chúng ta: đã sống với chúng ta, đã chịu đau khổ với chúng ta, đã chết cho chúng ta. Thiên Chúa vẫn còn ở với chúng ta trong Phép Bí Tích và trong Lời Người. Đó là một dòng lịch sử, một ký ức về lòng tốt lành của Chúa, bảo đảm cho chúng ta lòng tốt lành của Người, tình yêu thương của Người vẫn mãi mãi đến muôn ngàn đời.
Và kế đến trong hai ngàn năm lịch sử nầy của Giáo Hội, luôn luôn vẫn được lập lại lòng tốt lành của Chúa. Sau thời gian tăm tối cơn bách hại của Đức Quốc Xã và Cộng Sản, Chúa đã giải thoát chúng ta, đã tỏ ra rằng Người tốt lành, Người có sức mạnh, lòng nhân từ của Người muôn đời vẫn có giá trị. Và, như trong dòng lịch sử chung, tập thể, chính ký ức về lòng tốt lành nầy của Thiên Chúa trợ giúp chúng ta, trở thành vì sao của niềm hy vọng chúng ta.
Cũng vậy, mỗi người có dòng lịch sử cứu rổi cá nhân của mình, và chúng ta phải nhận thực là gia sản dòng lịch sử nầy, luôn luôn có ký ức về những gì trọng đại Chúa đã làm cả cho cuộc đời của tôi: lòng nhân từ của Chúa có giá trị muôn đời. Và nếu hôm nay tôi đang ở trong đêm tối, ngày mai Người sẽ giải thoát tôi, bởi vì lòng nhân từ của Người có giá trị muôn đời.
4 - Chúng ta hãy trở lại Thánh Vịnh, bởi vì trong phần kết thúc,Thánh Vịnh trở lại cuộc sáng tạo của Chúa,bằng những lời nầy: "Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Ps 136, 25). Lời cầu nguyên của Thánh Vịnh được kết thúc bằng một lời mời gọi chúc tụng: "Hãy tạ ơn Thiên Chúa cữu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Ps 136, 26).
Thiên Chúa là Cha tốt lành và tiên liệu quan phòng, ban gia sản cho con cái mình và rộng lượng ban thức ăn cho tất cả để sống. Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên trời đất và các ánh sáng to lớn, là Đấng đi vào lịch sử con ngưòi, để đem đến ơn cứu rổi cho tất cả con cái Người, là Thiên Chúa làm cho cả vũ trụ đầy tràn sự hiện diện tốt lành, chăm lo cho đời sống và ban cho thức ăn.
Sức mạnh vô hình của Đấng Tạo Hoá là Thiên Chúa được hát lên trong Thánh Vịnh, mạc khải mình ra trong nhãn quang nhỏ bé của bánh, mà Người ban cho chúng ta, nhờ đó Người làm cho chúng ta được sống. Như vậy bánh hằng ngày tượng trưng và tổng hợp nói lên tình yêu thương của Thiên Chúa như là Cha, và mở ra cho chúng ta điều đã đươc thực hiện trong Tân Ước, đó là "bánh của sự sống", Thánh Thể, cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống người tín hữu, tiên báo cho niềm hân hoan quyết định bàn tiệc Đấng Cứu Thế trên Trời.
Anh Chị Em thân mến, lời chúc tụng ngợi khen của Thánh Vịnh 136 làm cho chúng ta lần bước trở lại những giai đoạn quan trọng trong lịch sử cứu rổi, cho đến mầu nhiệm phục sinh, trong đó động tác cứu độ của Chúa thể hiện đến thượng đỉnh. Như vậy với niềm hân hoan biết ơn, chúng ta hãy chúc tụng Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Thế và người Cha trung tín, "yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời" (Ga 3, 16).
Khi thời gian đã đến lúc, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để ban đời sống, để cứu độ mỗi người chúng ta, và hiến tặng mình như bánh trong mầu nhiệm Thánh Thể, để làm cho chúng ta được hội nhập vào giao ước của Người , là giao ước làm cho chúng ta trở thành con cái. Cùng thêm vào những gì vừa kể là lòng nhân từ của Chúa và đặc tính cao cả tuyệt vời " tình yêu thương muôn đời " của Người.
Tôi muốn được kết thúc bài giáo lý nầy, lấy lại các lời của thánh Gio-an, được viết lên trong Thư I, làm như là lời của tôi và chúng ta phải đặc tâm lưu ý trong lời cầu nguyện của chúng ta: "Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta chừng nào. Người yêu thương đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thục sự chúng ta là con Thiên Chúa" (1 Ga 3, 1).
Cảm ơn Anh Chị Em.
Phỏng dịch tư nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
(Thông tấn www.vatican.va, 19.10.2011).
|