Xin chào người anh chị em trong Chúa
Kitô,
Không biết đã có vị nào trả lời chưa cho những câu
hỏi rất lý thú và cần thiết này, chẳng những để giảng dạy mà còn để nắm vững
niềm tin sống đạo của chúng ta nữa, tôi xin được mạo muội góp ý từng câu
như thế này nhé:
1. Tại sao Chúa không trực
tiếp ban ơn cho chúng ta mà lại phải ban ơn qua các Bí tích
?
Tại vì Chúa "đã hóa thành nhục thể" (John
1:14), để nhờ nhân tính của mình như phương tiện hay bí tích cứu độ (xem
Luke 8:43-48), Người có thể thông ban ân sủng và sự sống thần linh của
Người cho những ai "chấp nhận Người" (John 1:11): "Ai tin và chịu
phép rửa sẽ được cứu rỗi..." (Mark 16:16).
Nếu không có các Bí Tích nói chung và Thánh Thể nói
riêng, Lời Nhập Thể là Chúa Kitô đã không cần phải thiết lập Giáo Hội để làm
thừa tác viên ban phát ân sủng và sự sống thần linh của Người là những gì được
Người mang lại cho nhân loại qua cuộc Vượt Qua của nhân tính Người.
2. Nói rằng: "Các Bí tích
là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng" nghĩa là gì
?
Nghĩa là tự dấu chỉ ấy đã chất chứa ân sủng và ai
xứng hợp để tiếp nhận thì được ban cho ân sủng thần linh cần thiết từ dấu
chỉ ấy.
Chẳng hạn hình bánh và hình rượu (dấu chỉ), sau
khi được truyền phép trong Thánh Lễ, đã (hữu hiệu) trở thành Mình Thánh và Máu
Thánh Chúa Kitô, thì ai xứng hợp để hiệp lễ sẽ nhận được sự sống và Thánh
Linh bởi Thánh Thể Chúa Kitô.
3. Các Bí tích phù hợp với những giai đoạn nào của đời sống
con người ?
Phù hợp với trọn cuộc đời của người Kitô hữu, từ khi
sinh ra (Rửa Tội), tới khi có trí khôn (Xưng Tội và Rước Lễ Lần Đầu), rồi
trưởng thành (Thêm Sức) và chết đi (Xức Dầu).
Ở đây chỉ nói theo tiến trình cuộc sống của một Kitô
hữu được rửa tội từ lúc mới sinh trong gia đình theo đạo gốc, chứ không nói tới
trường hợp của thành phần dự tòng người lớn khi trở thành tân tòng lại lãnh nhận
3 bí tích một lúc (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể).
Ngoài ra, các bí tích còn phù hợp với hai ơn gọi
chính yếu và chuyên biệt để phục vụ xã hội và Giáo Hội của đời sống Kitô
hữu nữa, đó là ơn gọi hôn nhân (Hôn Phối) và ơn gọi linh mục
(Truyền Chức).
4. Người không lãnh Bí tích Rửa tội có thể được ơn cứu độ
không ?
Theo nguyên tắc thì ngoài Giáo Hội không có ơn cứu
rỗi (xem Mark 16:15-16).
Nhưng trên thực tế, theo Công Đồng Chung
Vaticanô II (1962-1965), trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (đoạn
16) thì vẫn được cứu rỗi với những điều kiện tối thiểu, nguyên văn như
sau:
"Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm
của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và
dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công
việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những
kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng
sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết
để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ
như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi
người ban cho hầu cuối cùng họ được sống" (theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà
Lạt).
5. Sao không để trẻ em lớn lên, có ý thức rồi hãy rửa tội cho nó
?
Tại vì không ai sinh ra một đứa con vào lúc nó
18 tuổi.
Không ai trong chúng ta khi còn là một thai nhi ý
thức được mình sắp được sinh ra và đã tỏ ra đồng ý về việc ra đời của mình
rồi mẹ chúng ta mới có quyền hay mới được sinh ra chúng ta.
Nếu Phép Rửa là bí tích thanh tẩy thì con người cần
phải được sạch nguyên tội sớm bao nhiêu có thể.
Nếu Phép Rửa là bí tích tái sinh vào sự sống thần
linh thì con người đã chết bởi vướng mắc nguyên tội cũng cần phải có sự
sống thần linh càng sớm càng tốt.
Xin quí Cha, quí Tu Sĩ và quí Anh Chị bổ khuyết cho
để vấn đề vấn đáp với tính cách thân hữu đồng đạo ở đây được chính xác và thấu
đáo hơn, nhờ đó cùng nhau học hỏi sống đạo nhé.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL
|