CN 1321: ƠN HOÁN CẢI ĐẾN TỪ SỰ ĐAU KHỔ
Nguồn: Curate’s Diary, by Fr. Thad Doyle
Đây là một cảm nghiệm thật của một vị bác sĩ người Mỹ:
1. Từ sự đau khổ mà gia đình ông được hoán cải
Dr. Chauncey Crandall là một vị bác sĩ người Mỹ chuyên về nội thương, đặc biệt là về tim mạch. Ông có một người con trai nhỏ bị bịnh ung thư máu (leukemia). Kể từ khi con trai ông bị bịnh ung thư thì vợ chồng ông được ơn hoán cải. Họ trở nên siêng năng cầu nguyện và thay đổi cuộc sống. Dr. Crandall sống phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ông gia nhập nhóm truyền giáo để phục vụ người nghèo tại một vùng nghèo khổ của Mexico.
2. Thiên Chúa chữa lành cho người tàn tật
Trong một buổi cầu nguyện chữa lành ở Mexico, Dr. Crandall thấy có một người phụ nữ tàn tật ngồi trong một cái lu và được những người khác khiêng đến nhóm họp. Rồi bà ta ngồi bệt xuống đất. Sau khi được nhóm cầu nguyện cho bà, thì người phụ nữ đứng thẳng lên và tự động đi lại một mình. Điều này làm cho vị bác sĩ quá ngạc nhiên trước ơn chữa lành của Chúa.
3. Chúa can thiệp theo đường lối của Ngài
Môt lần khác thì một người trong nhóm truyền giáo của ông bị xe đụng gẫy tay và trặc xương vai. Dr. Carandall chờ xem nhóm cầu nguyện có đặt tay cầu nguyện cho người bịnh không thì họ bảo rằng chính ông là vị bác sĩ, ông cần phải chữa trị cho bịnh nhân.
Thế là Dr. Crandall đành xin nhóm hãy cầu nguyện cho bịnh nhân trước rồi ông sẽ chữa bịnh cho bịnh nhân sau. Sau đó, Dr. Crandall kéo cánh tay bịnh nhân, đo cho đều đặn rồi ông giựt mạnh cánh tay bịnh nhân. Cánh tay được trở lại đúng khớp xương và bịnh nhân bớt đau ngay. Từ cảm nghiệm ấy, vị bác sĩ học được một bài học:
“Nghề bác sĩ của ông là một món quà, ông phải thực hành chữa trị cho bịnh nhân trước rồi Chúa sẽ giúp đỡ sau.”
Qua đó, ông tin rằng Chúa can thiệp theo trật tự chứ không phải lúc nào Chúa cũng chữa lành theo ý người xin.
4. Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa
Nhóm truyền giáo của Dr. Crandall vẫn tiếp tục sinh hoạt giúp người nghèo khổ ở Mexico. Trong nhiều năm qua thì đã có 11 người trong nhóm của Dr. Crandall bị giết chết. Một ngày nọ, nhóm của ông tới ngôi làng để họp nhóm thì chỉ có 12 người tới họp mà thôi. Sau đó, nhóm bị một bọn người quá khích ném đá. Dr. Crandall muốn chạy trốn nhưng nhóm truyền giáo cứ tiếp tục làm việc, ngay cả khi bị người ta ném đá tới tấp. Sau đó thì bọn người lạ không ném đá nữa. Một người trong nhóm kể rằng:
“Khi chúng tôi kêu Danh Thánh Chúa Giêsu và nói với Ngài rằng chúng tôi cần Ngài thì Chúa Giêsu đáp lời chúng tôi. Thật sự chúng ta không có ai bảo vệ ngoài Chúa Giêsu ra. Ở đây không có cảnh sát. Trong những trường hợp khó khăn thì chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mà thôi. Và chúng tôi học cách tín thác nơi quyền năng của Thiên Chúa.”
5. Dr. Crandall muốn trở thành nhà truyền giáo toàn thời gian
Đã có lần Dr. Crandall muốn rời bỏ chức vụ bác sĩ để trở nên một nhà truyền giáo toàn thời gian nhưng khi ông cầu nguyện để xin Chúa Thánh Thần soi sáng, Chúa đã biểu lộ cho ông biết rằng ông vẫn có thể là một nhà truyền giáo nhưng không thể bỏ chức vụ bác sĩ được. Ông có thể là nhà truyền giáo đối với những bịnh nhân của ông.
Dr. Crandall biết rõ rằng các bịnh nhân của ông thường phản đối Chúa. Thoạt tiên, ông hứa với Chúa rằng ông sẽ cầu nguyện mỗi tuần cho một bịnh nhân của ông. Cuối cùng, khi ông cầu nguyện cho một bịnh nhân nữ thì bà bắt đầu khóc. Ông lấy làm bối rồi nhưng bà bịnh nhân nói rằng:
“Trong suốt 40 năm qua, không ai cầu nguyện với tôi và cho tôi. Nay bác sĩ cầu nguyện cho tôi và tôi có cảm nghiệm rằng bàn tay của Chúa đang đụng chạm đến tôi, và tôi xúc động.”
SUY NIỆM:
Đau khổ và bịnh tật là một phần của đời sống cũng như hạnh phúc và niềm vui. Tuy nhiên có những lúc mà qua cơn đau khổ thì con người được thanh tẩy, thánh hóa và thăng hoa. Đó là trường hợp của Dr. Crandall. Sau đó, con trai ông chết vì bịnh ung thư khi mới có 15 tuổi. Cái chết của cậu bé không làm cho cha mẹ cậu bỏ Chúa nhưng trái lại, họ tìm được ý nghĩa cuộc sống là phục vụ người nghèo và mang ơn chữa lành của Chúa đển cho mọi người.
Kim Hà 16/10/2011
|