Tam "Rol"
(cholesterol)
Khái niệm
tổng quát về bệnh cao cholesterol
Cholesterol là một loại mỡ trong cơ thể. Vì mỡ lưu chuyển
trong dòng máu (plasma) của chúng ta, nó có thể bám vào bên trong của
mạch máu và làm nghẽn những mạch máu nhất là mạch vành tim (coronary
arteries).
Cholesterol có trong đồ ăn nhưng cũng được chế tạo ra
từ gan (liver) của chúng ta.
Cholesterol được dùng để làm vỏ của
tế bào (cells walls), chất kích thích tố (hormones), vitamin D, mật xanh
(bile acids) v.v.. Nếu lượng cholesterol trong máu lên cao vì gan chế
tạo quá nhiều cholesterol thì bệnh nhân sẽ bị cao lượng cholesterol
trong máu. Từ đó những mạch máu dễ bị nghẽn và dẫn đến bệnh. Vì chỉ có
động vật mới có cholesterol bệnh nhân ăn thịt sẽ bị lên cholesterol
nhiều hơn thực vật. Tuy nhiên, mỡ từ thực vật sẽ biến chế trong cơ thể
bệnh nhân để tạo ra cholesterol. Vì thế ăn nhiều dầu (tức là mỡ thực
vật), sẽ dẫn đến bệnh cao cholesterol.
Những loại
mỡ cholesterol
Khi đi thử máu, phòng thử nghiệm sẽ đo lượng cholesterol
tổng cộng, lượng cholesterol HDL (mỡ tốt), và lượng Triglycerides. Từ đó
họ sẽ tính ra lượng cholesterol (LDL) xấu. Phòng thí nghiệm máu có thể
đo lượng cholesterol LDL xấu nhưng ít khi bác sĩ cần đo như
vậy.
Cholesterol LDL xấu vì nó làm nghẽn những mạch máu dẫn đến
bệnh. Cholesterol HDL tốt vì nó giúp cholesterol xấu ra khỏi mạch máu và
làm mạch máu bớt bị nghẽn.
Sơ lược lịch sử của bệnh cholesterol
Vào đầu thế kỷ 20, khoa học gia khám phá được chất
Nicotinic acid (Niacin) và Nicotinamide (vitamin B3) là một loại
Vitamins B cần thiết trong đồ ăn. Vào năm 1955, ông Altschul khám phá
được tính chất giảm Cholesterol của Niacin. Năm 1961, bác sĩ Parsons trị
cho 50 bệnh nhân bị bệnh cao Cholesterol và cho biết Cholesterol xấu LDL
và Triglyceride giảm 23-29%, và Cholesterol tốt HDL lại tăng. Ông cũng
diễn tả chính xác những ảnh hưởng xấu của thuốc này (xin xem bài Thuốc
Dùng Trị Bệnh Cao Cholesterol).
Vào thập niên 1960, cơ quan Y Tế
Thế Giới (World Health Organization, gọi tắt là WHO) dùng thuốc
Clofibrate để thử trị bệnh cao Cholesterol. Ðến bây giờ, cuộc nghiên cứu
này vẫn là cuộc nghiên cứu lớn nhất. Hơn 10 ngàn người đã tham dự chương
trình thử nghiệm này. Kết quả vào năm 1978 cho thấy thuốc Clofibrate làm
giảm Cholesterol 8%. Tuy nhiên chương trình khảo cứu này có nhiều khuyết
điểm, và thêm vào đó vì tỉ lệ những người tham gia chương trình khảo cứu
này chết vì các bệnh khác không phải vì bệnh tim mạch khá cao, bác sĩ đã
không xem trọng cuộc khảo cứu lớn này.
Vào năm 1984, kết quả của
cuộc nghiên cứu từ Trung Tâm Khảo Cứu Mỡ (Lipid Research Clinics) được
phổ biến. Hơn 3,8 ngàn người bệnh cao Cholesterol được trị bệnh bằng
thuốc Cholestyramine (Questran). Kết quả cho thấy thuốc Cholestyramine
làm giảm lượng LDL Cholesterol và tăng HDL Cholesterol, và đồng thời tỉ
lệ bệnh tim mạch cũng giảm xuống. Năm 1987, kết quả của cuộc nghiên cứu
thuốc Gemfibrozil (Lopid) từ nhiều trung tâm thuộc Helsinki Study được
phát hành. Hơn 4 ngàn bệnh nhân bị cao Cholesterol được uống thuốc
Gemfibrozil. Thuốc này làm giảm Cholesterol xấu LDL (11%), giảm mỡ
Triglyceride (35%), và làm tăng lượng Cholesterol tốt HDL được 11%. Tỉ
lệ chết vì bệnh tim mạch cũng được giảm xuống.
Vào năm 1987, cơ quan Food and Drug Administration (FDA)
chấp thuận cho thuốc Lovastatin (Mevacor) được bán ra ở Hoa Kỳ. Thuốc
này được bào chế ra từ một loại thuốc tương tự là Mevastatin (xuất phát
ra từ con nắm Penicillium citrinum). Lovastatin là một khám phá lớn
trong lịch sử thuốc trị bệnh cao Cholesterol, vì đây là thuốc đầu tiên
của nhóm thuốc Statins mà hiện nay đang được thông dụng vì có rất ít ảnh
hưởng phụ xấu mà lại có nhiều hiệu quả.
Từ lúc có Lovastatin,
những thuốc Statins tương tự khác như Pravastatin, Simvastatin,
Fluvastatin, Atorvastatin, Cerivastatin đã được cơ quan FDA chấp thuận
bán ra thị trường. Những cuộc nghiên cứu lớn gần đây như WOSCOPS
(Pravastatin), AFCAPS/TexCAPS (Lovastatin), 4S Study (Simvastatin), CARE
(Pravastatin), LIPID (Pravastatin) chứng minh chắc chắn rằng dùng thuốc
Statins để trị bệnh cao Cholesterol sẽ giúp cho bệnh nhân ít bệnh tim
mạch, tai biến mạch máu não, và sống khỏe, sống lâu
hơn.
Cao lượng
cholesterol sẽ dẫn đến triệu chứng gì?
Lượng Cholesterol cao sẽ không gây ra triệu chứng gì cả
nhưng cao cholesterol sẽ đưa đến những biến chứng làm ra triệu chứng
bệnh. Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng cao lượng Cholesterol sẽ gây ra nhức
đầu, mệt mỏi, khó chịu trong người. Những điều này không đúng. Nếu chúng
ta bị cao lượng Cholesterol nhưng chưa bị tai biến mạch máu não, nhồi
máu cơ tim, nghẽn mạch máu chân, v.v... thì sẽ không có triệu chứng gì
cả tuy nhiên một khi bị rồi thì thường hay quá trễ. Một trường hợp ngoại
lệ là những bệnh nhân có lượng Triglyceride trên 1.000 (ngàn) thì dễ bị
sưng tụy tạng (acute pancreatitis).
Tại sao ta
phải trị bệnh cao cholesterol?
Như đã đề cập ở trên, lượng Cholesterol cao trong máu sẽ dễ
dẫn đến những bệnh tim mạch như nghẽn mạch vành tim, nhồi máu cơ tim
(Coronary Heart Disease), tai biến mạch máu não, nghẽn mạch chân. Vì
vậy, làm giảm lượng Cholesterol trong máu sẽ giúp bệnh nhân tránh hay ít
bị những bệnh này.
Bệnh nhân có phải uống thuốc giảm cholesterol suốt
đời hay không?
Vì gan là bộ phận chế tạo Cholesterol trong người của chúng
ta, nếu không có thuốc mỗi ngày thì lượng Cholesterol sẽ từ từ tăng lên.
Vì vậy chúng ta phải uống thuốc giảm Cholesterol mãi mãi. Thế nhưng
những bệnh nhân chịu tập thể dục thường xuyên và cữ ăn theo đúng tiêu
chuẩn để lượng Cholesterol thấp xuống thì có hy vọng bỏ thuốc được. Có
nhiều bệnh nhân bỏ uống thuốc sau khi đã dùng vài tháng vì họ đo lại
lượng Cholesterol và thấy xuống thấp. Ðiều này rất sai lầm vì chỉ trong
một thời gian ngắn thì lượng Cholesterol của họ sẽ bị lên cao trở lại.
Làm thế nào để tránh bị bệnh cao
cholesterol?
Vì cholesterol có trong đồ ăn có nguồn gốc động vật, chúng
ta phải ăn ít những loại đồ ăn như mỡ, thịt, trứng. Nếu uống sữa tươi
thì dùng loại low fat hay nonfat. Vì dầu là loại mỡ có nguồn gốc thực
vật và giúp cho cơ thể chế tạo ra nhiều cholesterol, nên chúng ta cần
nên ăn ít những loại dầu. Những loại dầu dừa hay đậu phộng hay
vegetables làm nghẽn mạch máu nhiều hơn dầu granola hay dầu olive. Chúng
ta nên ăn ít lại nếu bị nặng cân hay bị mập vì giảm cân thì cholesterol
cũng giảm.
Chúng ta cũng đừng quên tập thể dục vì thể dục cũng
giúp giảm lượng cholesterol LDL xấu và làm tăng lượng cholesterol HDL
tốt.
Có khám phá mới gì trong vấn đề trị bệnh Cholesterol
gần đây hay không?
Gần đây bác sĩ đã nghiên cứu được rằng những người đã có
bệnh nghẽn mạch vành tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hay
bệnh tiểu đường thì cần có lượng Cholesterol thấp hơn những bệnh nhân
khác. Vì thế, những bệnh nhân này nên để ý đến lượng Cholesterol và sức
khỏe của mình kỹ hơn.
Vậy lượng Cholesterol bao nhiêu mới được xem là
tốt?
Khi bác sĩ nói đến Cholesterol của bệnh nhân, họ thường đề
cập đến lượng Cholesterol tổng cộng (total Cholesterol). Con số được coi
là "trung bình" nằm vào khoảng 200. Nếu thấp hơn 200 thì được xem là
"tốt". Nếu nằm trong khoảng 200 đến 240 thì được xem là "hơi cao" hay
borderline. Và nếu trên 240 thì xem là cao nhiều. Tuy nhiên, lượng
Cholesterol tổng cộng gồm có Cholesterol xấu LDL, Cholesterol tốt HDL,
một phần của mỡ Triglyceride. Phòng thí nghiệm máu thường chỉ đo lượng
Cholesterol tổng cộng, Cholesterol HDL, lượng Triglyceride và từ đó họ
tính ra lượng Cholesterol LDL. Vì vậy, dùng số lượng Cholesterol cá nhân
LDL, HDL, và lượng Triglyceride sẽ chính xác hơn. Chương trình Quốc Huấn
(National Cholesterol Education Program) khuyên ta nên đo Cholesterol
tổng cộng, lượng Triglyceride và Cholesterol tốt HDL ít nhất 5 năm một
lần. Bệnh nhân cần nhịn ăn sáng trước khi thử. Bắt đầu từ tuổi 20 bệnh
nhân cần thử ít nhất một lần mỗi 5 năm. Nếu lượng cholesterol bị cao thì
cần thử lại thường hơn.
|