Một phóng viên phỏng vấn một số khán giả
vừa xem một bộ phim nổi tiếng: “Bạn thấy bộ phim này thế nào?”
Người thứ nhất trả lời: “Phim rất hay. Tôi
sẽ xem lại lần nữa để thưởng thức hết cái tinh tế của nó.”
Người thứ hai nói: “Tôi coi được khoảng hai
mươi phút thì đã chán lắm rồi. Ráng coi cho hết vì tiền vé hơi
mắc.”
Người thứ ba đáp: “Nói chung thì cũng tạm
tạm. Nhưng tôi thích bộ phim tôi coi lần trước hơn mặc dù nó
không nổi tiếng như phim này.”
Cùng một bộ phim nhưng mỗi người mỗi cảm
nhận riêng. Ai đúng hơn ai?
++
Bé mới học được cách nấu một món ăn mới từ
bạn bè. Hôm nay bé xung phong nấu cho cả nhà. Dọn cơm ra, bé vừa
hào hứng vừa hồi hộp, chờ đợi phản ứng của mọi người.
Mẹ nếm thử. “Bé nấu ngon lắm!” Mẹ khen.
“Nhưng mà hơi nhạt.” Ông anh nếm xong nhận
xét.
Cu tí cũng tham gia: “Anh nói thế nào ấy
chứ em thấy mặn.”
Bé phân vân bối rối buồn buồn. Không biết
làm sao để làm vừa lòng mọi người. Hôm nay bố đi ăn cưới. Nếu bố
có nhà thì không biết bố sẽ nói gì.
++
Dưới phố tuần này có triển lãm tranh của
danh họa nổi tiếng thế giới Picasso. Đây là một trong những dịp
hiếm có. Nó nghe nói Picasso có những bức tranh trị giá cả triệu
mỹ kim. Cả triệu mỹ kim, một số tiền khổng lồ mà chắc cả đời nó
làm việc quần quật cũng chẳng kiếm được. Nó góp tiền với mấy đứa
bạn đi xem triển lãm nghệ thuật.
Sau nghi thức khai mạc hoành tráng. Mọi
người bắt đầu đi thưởng lãm. Mấy đứa bạn, có đứa há hốc miệng
trầm trồ khen ngợi tài năng Picasso, có đứa im lặng ngắm chẳng
nói gì, còn nó thì không thấy bức nào bắt mắt cả. Nếu bạn có mặt
ở đó mà ngắm tranh Picasso thì không biết bạn sẽ cảm thấy thế
nào nhỉ?
++
Một nhóm bạn trẻ họp mặt để lên kế hoạch
cho buổi tĩnh tâm Giáng Sinh cho giới trẻ giáo xứ. Một trong
những câu hỏi đưa ra bàn thảo là: Cầu nguyện cách nào thì đạt
hiệu quả nhất?
Một bạn lên tiếng: “Em nghĩ rằng cầu nguyện
trong thinh lặng sẽ giúp các bạn gặp gỡ Chúa dễ hơn giữa một thế
giới đã quá nhiều mệt mỏi xô bồ.”
Bạn khác góp ý: “Em không thấy cầu nguyện
thinh lặng thích hợp cho giới trẻ vì các bạn vốn năng động. Mình
nên mời tất cả đọc chung một số kinh gia đình như các bạn đã
quen đọc ở nhà.”
“Mình thì lại nghĩ khác,” một bạn nữa lên
tiếng, “giới trẻ cả năm mới có dịp ngồi lại với nhau, cách tốt
nhất là nên hát chung những bài thánh ca trẻ trung với nhau cho
đỡ nặng nề.”
Cuộc họp mỗi lúc một ồn ào, rồi căng thẳng.
Bạn muốn tham gia góp ý không?
+++++
Còn nhiều lĩnh vực khác mà việc đánh giá
đúng – sai, hay – dở, đẹp – xấu, … mang tính rất tương đối. Bởi
vì bản chất của sự việc là tương đối nên các mâu thuẫn nảy sinh
khi ai cũng cho mình là có lý nhất. Ừ, nhìn thoáng qua thì đúng
là ai cũng có cái lý riêng, nhưng xét kỹ ra thì nhiều khi những
cái lý mà họ khư khư bảo vệ cho đến cùng chỉ là …lý toét hay lý
sự cùn !
Quan sát ở đời cho thấy nhiều chuyện đổ vỡ
nghiêm trọng có khi chỉ bắt đầu từ những việc nhỏ tí tị ti. Nói
một cách khách quan, những khác biệt trong cuộc sống thường ngày
chẳng mấy khi mang tầm vóc ghê gớm của những vấn đề sống chết,
hay lựa chọn quyết liệt. Đa số chỉ là những việc thường tình,
đến rồi đi, như gió thoảng mây trôi, chẳng quan trọng gì, xong
là hết. Ấy vậy mà bao nhiêu xích mích, cãi cọ, bất bình, chê
bai, đố kỵ, thậm chí đoạn tuyệt xảy ra chỉ do não trạng “Tôi mới
là người có lý.” Cố chấp để giành phần “có lý” về mình trong khi
vấn đề chẳng quan trọng gì thật ra là đang “tự vô lý” vì cuộc
đời còn bao nhiêu điều quan trọng hơn gấp bội. Một ý kiến về
đúng – sai cho một vấn đề cỏn con đâu thể nào quan trọng hơn
việc làm vui lòng nhau. Một khẩu vị mình không thích đâu đáng để
làm mất tinh thần người đã hy sinh nấu ăn cho mình. Những khác
biệt về “gu” âm nhạc, hội họa, sở thích này nọ… đâu đáng để dẫn
đến chê bai, khích bác nhau. Một thoáng vụng về rớt ly bể chén
đâu đáng để nhiếc mắng nặng lời. Một câu nói lỡ đâu đáng để đánh
đổi sự bình an quý giá của tâm hồn. Ôi, còn nhiều, nhiều lắm
những thứ cỏn còn con gây ra những đổ vỡ đáng tiếc. Con người sợ
“thua” trong những chuyện bé tẻo tèo teo vì cái tôi quá lớn.
Nhiều người nghĩ rằng tầm vóc là phải oai vệ. Chưa chắc, vì đa
số những người tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài thực ra khá yếu đuối bên
trong. Ít ai hiểu rằng người sống khiêm hạ đích thực là người
rất bản lãnh. Nghịch lý ở đời vẫn rõ đấy thôi: hơn là thua, thua
là hơn. Bỏ chín thì giữ được mười trong khi khăng khăng giành
cho được một thì lại mất hết.
Một người có công tạo nên bản sắc cho cả
nền văn hóa Kitô giáo Châu Âu và thế giới đã viết thế này: “Anh
em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng
khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi
ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa
anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô
Giêsu.
Ðức Giêsu
Kitô
vốn dĩ là
Thiên Chúa
mà không
nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy
thân nô lệ,
trở nên
giống phàm nhân
sống như
người trần thế.
Người lại
còn hạ mình,
vâng lời
cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên
cây thập tự.
Vì thế
Thiên Chúa đã tôn vinh Người
Và ban cho
Người một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”
(Trích thư
của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Phi-lip-phê, chương 2 câu 3-8)
Giuse Việt,
O.Carm.