20-9: THÁNH ANRÊ KIM, PHAOLÔ CHUNG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO TRIỀU TIÊN
Năm 1984 Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn mừng kỷ niệm 200 năm (1784-1984) dân tộc Triều Tiên được diễm phúc lãnh nhận hồng ân Đức Tin và bí tích Rửa Tội. Nhân dịp đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã long trọng nâng 103 vị Tử Đạo Đại Hàn lên hàng hiển thánh. Thánh Lễ diễn ra tại Hán Thành (Séoul) thủ đô Nam Hàn vào Chúa Nhật 6-5-1984, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Á Châu và Thái Bình Dương. Và lễ nhớ 103 thánh tử vì đạo Đại Hàn được ấn định vào ngày 20-9.
Ngược dòng thời gian, năm 1866 là năm Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn bị bách hại thật gắt gao. Trong số các chứng nhân Đức Tin gục ngã dưới lưỡi gươm ác nghiệt của triều đình có đông đảo các tín hữu giáo dân. Cái chết anh hùng của các Vị Tử Đạo được truyền miệng nhau hầu khuyến khích mọi người sẵn sàng chết vì Đức Tin khi đến thời thuận tiện. Xin giới thiệu cuộc đời thánh Gioan Ni, một giáo lý viên nhiệt thành.
Thánh Gioan Ni sống về nghề nông, lập gia đình có vợ con và trạc 55 tuổi khi cơn bắt đạo Công Giáo dữ dội xảy ra vào năm 1866 tại Đại Hàn. Với thân hình cao lớn cộng thêm bộ râu dài và rậm, trông ông Ni thật oai nghiêm. Nhưng nhất là ông làm cho mọi người yêu kính vì tính tình cương trực, nhân hậu và luôn trung tín với bổn phận của một tín hữu Công Giáo.
Sau này, người con dâu tên Agnès Pak làm chứng trước tòa án giáo phận: - Cha con cư xử rất tốt với con cái và họ hàng. Con chưa bao giờ thấy người nổi giận la mắng ai.
Ông Gioan Ni xứng đáng thuộc về một dòng tộc mà qua bao nhiêu đời, ngoài nhiệm vụ làm xã trưởng, còn gánh vác thêm chức vụ thầy giảng, tức giáo lý viên. Ông chu toàn bổn phận trong vòng 30 năm cho tới khi bị bắt vì Đạo Công Giáo vào ngày 18-11-1866.
Hôm ấy, ông Gioan Ni đang ngồi trước nhà. Bỗng ông trông thấy một toán lính cùng với dân làng bên cạnh tiến vào làng mình. Ông có đủ giờ để chạy trốn nhưng ông ngồi yên không nhúc nhích. Bọn lính cất tiếng hỏi: - Ai là xã trưởng?
Ông Gioan Ni dõng dạc đáp: - Chính tôi!
Những người lính hỏi tiếp: - Ông có theo tà đạo không? Và có bao nhiêu đồng bọn?
Ông Gioan Ni giải thích: - Tôi không theo tà đạo nhưng theo chính đạo, tức là đạo thánh Đức Chúa Trời. Cùng theo đạo thánh với tôi, có các tín hữu Công Giáo trong làng.
Bọn lính tuyên bố: - Chúng tôi tuân lệnh nhà vua đến bắt và mang ông đi.
Nói rồi, họ xông tới và còng tay ông Ni lại. Nhưng ông phản kháng: - Cho dù các anh không còng tay, tôi cũng không chạy trốn. Vậy hãy cởi còng ra!
Nhóm lính nới còng ra một chút. Họ bắt thêm 8 người trong gia đình và một số tín hữu Công Giáo trong làng. Tổng cộng khoảng 30 người. Bọn lính giải các tín hữu Công Giáo về Moun-Kyeng và giam nơi nhà các người canh tòa án.
Vì quan tổng trấn đi vắng nên không có các buổi khảo cung. Tuy nhiên, bọn lính tìm cách hành hạ ông Gioan Ni để ông phải cho họ tiền. Ông nói với họ: - Các anh cứ đến nhà tôi rồi muốn lấy gì thì lấy!
Trong những lần hỏi cung sau đó, ông Gioan Ni cương quyết không hé môi tiết lộ bất cứ điều gì có hại cho Giáo Hội Công Giáo tại Đại Hàn. Vào lần hỏi cung sau cùng, nhóm tù nhân 70 tín hữu Công Giáo được phân thành 3. Nhóm thứ nhất gồm những người chối đạo, phụ nữ và trẻ em. Nhóm này được thả về nhà. Nhóm thứ hai gồm 21 tín hữu Công Giáo trung thành. Tất cả bị đưa đến Syang-tjyou và được chết vì đạo tại đây. Nhóm thứ ba chỉ có ba người: ông Gioan Ni và hai anh em ông Kim. Cả ba bị tố cáo trong tư cách là thầy giảng, tức là đạo trưởng. Cả ba vị bị đưa về Tai-kou.
Ông Gioan Ni thật vui mừng khi nghe mình bị kết án và bị xử tử tại Tai-kou. Trước khi lên đường, ông nói với các con: - Cha ra đi chịu chết vì đạo. Phần các con, hãy trở lại nhà, nhớ cẩn thận tuân giữ các giới răn của Chúa, rồi bước theo Cha.
Ông Gioan Ni kín múc sức mạnh và lòng can đảm tuyên xưng Đức Tin Công Giáo trong kinh nguyện. Các tín hữu cùng bị giam với ông làm chứng: - Ông cầu nguyện liên miên. Ông cầu nguyện không ngừng. Ông an ủi và khuyến khích mọi người. Mặc dù bị mang gông nặng nề, ông luôn luôn tỏ ra vui tươi và hạnh phúc.
Tại Tai-kou, ba chứng nhân Công Giáo anh hùng bị giam giữ vỏn vẹn trong vòng ba ngày. Ngày 31-1-1867, cả ba vị được đưa ra pháp trường ở ngoài thành phố. Nơi đây, người ta dọn cho ba vị tử đạo một bữa ăn thịnh soạn. Hai anh em ông Kim không cầm được nước mắt. Thấy thế, ông Gioan Ni an ủi và khuyến khích hai vị can đảm. Rồi ông ăn uống một cách ngon lành. Sau đó, ông gọi tên đao phủ đến, trao cho anh 25 quan tiền và nói: - Người ta gọi cái này là của cải. Tôi không muốn chết với mấy đồng tiền trong túi. Vậy anh hãy cầm lấy rồi cẩn thận chém đầu tôi với một nhát gươm thôi!
Nói xong, ông tự đặt đầu mình vào khung gỗ và chờ đợi tên đao phủ vung gươm chém đứt ..
... ”Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh chị em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh chị em đừng cho mình là khôn ngoan. Đừng lấy ác báo ác. Hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. Anh chị em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của THIÊN CHÚA làm việc đó, vì có lời chép: ”Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù con có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống. Làm như vậy, con sẽ chất than hồng lên đầu nó”. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Roma 12,14-21).
(Paul Destombes, MEP, ”Au Pays Du Matin Calme”, Paris 1968, trang 224-228)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|