ĐỨC MARIA MẪU GƯƠNG VÂNG PHỤC
“ Này tôi là tôi tớ Chúa! Tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc.1, 38)
Thực trạng xã hội ngày hôm nay đã và đang bị quyền lực sự dữ xui khiến con người nhân loại khước từ “ văn hóa nhân bản ”, vì khước từ “ văn hóa nhân bản, nên con người dần đi vào con đường của “văn hóa thành công”. Một trong những thành quả của “văn hóa thành công” là thiếu đức vâng lời, sự bất tuân phục, không chấp nhận lời xin vâng…
Hệ quả của sự bất tuân phục đã đưa đến thực trạng như: Xúi bẩy một vài vị có chức phẩm trong Giáo Hội Trung Hoa không vâng phục quyền bính của Đức Thánh Cha, người được chính Thiên Chúa chọn thay mặt thánh Phêrô trong nhiệm vụ cai quản và dẫn dắt Giáo Hội tại thế; là thành viên trong cộng đoàn tu trì nhưng không vâng phục bề trên, là đàn chiên trong Giáo Hội và giáo xứ nhưng không vâng phục giáo quyền, là thành viên trong công đoàn nhưng không vâng phục người có trách nhiệm, con cái không vâng lời cha mẹ, anh chị, học trò không vâng lời thầy cô….Đây là điều tất yếu đưa đến sự chia rẽ, nghi kỵ và cuối cùng là phản chứng Tin Mừng, làm biến dạng hình ảnh của Thiên Chúa, nhất là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng đã vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết nhục nhã trên cây thập tự giá để cứu độ nhân loại.
Nơi vườn địa đàng năm xưa, dại diện cho gia đình nhân loại là ông Adong và bà Eva đã không vâng phục Thiên Chúa, vì không vâng phục Thiên Chúa, họ và đàn con cháu phải gánh lấy những hệ quả khôn lường, đáng sợ nhất là mất đi sự thanh khiết, hạnh phúc và quý nhất là sự sống đời đời. Thiên Chúa là người Cha Nhân Hậu, Ngài đã không bỏ mặc con người chìm đắm trong sai lầm, vất vưởng và bơ vơ. Vì thế, Ngài đã ban tặng cho con người nhân loại một tấm gương sống động về đức vâng phục. Đó chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Nhìn vào đời sống của Đức Trinh Nữ Maria, trong bổn phận làm con cái Thiên Chúa, bổn phận người con, người mẹ, người vợ nơi mái ấm gia đình. Ta có cảm tưởng như chuyện bình thường và rất bình thường của một người phụ nữ, nhất là người phụ nữ trong tập tục, văn hóa của xã hội, tôn giáo Do Thái thời Đức Giêsu xuống thế làm người. Theo tập tục và văn hóa của người Do Thái thời bấy giờ, người phụ nữ không có tiếng nói nơi gia đình, công chúng, luôn bị xem thường, rẻ rúng….
Ấy thế mà trong lời kinh Magnificat Mẹ Maria đã cất lên một cách minh định: “ Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc.1,48). Do đâu và vì đâu Mẹ Maria được mọi người, mọi thời khen ngợi Mẹ diễm phúc?
Có phải chăng Mẹ tài ba lỗi lạc, có khả năng quy tụ được nhiều người, nhiều thành phần đến, tin nhận Thiên Chúa? Có phải chăng Mẹ là nhà hùng biện, nhà thuyết giảng lỗi lạc như thánh Tổ phụ Đa Minh, thánh Anphongso…? Có phải chăng Mẹ là nhà truyền giáo lỗi lạc như thánh Phanxicôsavie…? Hay Mẹ có biệt tài và năng quyền cầu nguyện, đặt tay trừ quỷ, chữa lành cho nhiều bệnh nhân, hoặc giả Mẹ có khả năng thực hiện những công việc, những chuyến cứu trợ bác ái một cách rầm rộ chăng?
Để trả lời cho những câu hỏi này, đại đa số cho rằng Mẹ là người phụ nữ đã được Thiên Chúa tiền định, điều đã được trình thuật trong những chương đầu của sách Sáng Thế như: “ Đức Chúa phán với con rắn hình bóng của Satan, sau khi cám dỗ ông Adong và bà Eva lỗi nghịch cùng Thiên Chúa nơi vườn địa đàng: Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ của mi và miêu duệ người ấy…” (St.2,15). Vì thế, Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, ban cho Mẹ muôn ơn lành, giúp Mẹ có một đời sống đẹp lòng Chúa…
Vâng! Tất cả những gì Mẹ Maria có được đều khởi đi từ sự quan phòng và lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nhưng nếu ta chỉ dừng lại với cách nghĩ như thế nơi cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria, thì nơi Mẹ Maria có gì đáng cho ta học hỏi, noi gương và tôn kính… trong đời sống và bổn phận làm con cái Chúa, là phần tử của Giáo Hội nơi đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến… Như ta đã biết, cuộc đời của Mẹ Maria chỉ được các Thánh sử lược thuật trong Tin Mừng một cách rất hạn chế như:
Theo Thánh Matthêu: - Truyền tin cho ông Giuse đón nhận Mẹ Maria làm bạn trăm năm (x.Mt.1,18-25) - Mẹ Maria chứng kiến ba nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu (x.Mt.2,1-12) - Mẹ Maria cùng với thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu Trốn sang Ai cập (x.Mt.2,13-23) - Mẹ Maria tìm gặp Đức Giêsu, khi Đức Giêsu đi rao giảng (x.Mt.12,46-48)
Theo thánh Luca: - Sứ Thần truyền tin cho Đức Maria (x. Lc.1,26-38) - Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét (x. Lc.1,39-56) - Đức Maria để tâm suy nghĩ việc những mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu (x.Lc. 2,1-20) - Đức Maria và thánh Giuse tiến dâng Đức Giêsu cho Thiên Chúa (x.Lc.2, 22-38) - Đức Maria, thánh cả Giuse và Đức Giêsu trẩy hội đền thờ (x. Lc.2,41-50) - Đức Maria được người phụ nữ Do Thái khen tặng (x.Lc.11,27-28)
Theo thánh Gioan: - Đức Maria nơi tiệc cưới Cana (x Ga.2,1-12) - Đức Maria đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu (x.Ga.19,25-27)
Thiên Chúa là Đấng quyền uy tối thượng, là Đấng mà sách Thánh Vịnh năm xưa đã mô tả: “ Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần, nắm trong tay bao vực sâu lòng đất, giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao. Đại dương Chúa đã tác thành là của Chúa, lục địa do tay Ngài nhào nắn cũng thuộc về Ngài. Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là đấng dựng nên ta” (Tv.95,3-6).
Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng tôn trọng quyền tự do của con người nhân loại một cách tuyệt đối như lời sách Huấn Ca đã minh định: “ Từ nguyên thủy, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. Nếu con người muốn, thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người” (Hc.15,14-15). Vì thế, dù việc lớn hay nhỏ, Thiên Chúa luôn tôn trọng và chờ đợi sự cộng tác của con người nhân loại.
Sau khi trở về với Chúa. Thánh Augustinô đã cảm nhận và xác tín một chân lý như sau: “ Khi sinh dựng nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến của ta. Nhưng khi Ngài muốn cứu chuộc ta, Ngài cần sự cộng tác của ta”
Đức Trinh Nữ Maria xét theo lẽ tự nhiên, Mẹ cũng là một trong muôn vàn thụ tạo do chính Thiên Chúa tác dựng, vì thế Mẹ Maria không đi ngoài quỹ đạo và đường lối mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho mỗi con người. Thế thì ta hướng về Mẹ Maria, Mẹ kính yêu của ta qua lăng kính nào? Để từ đó, ta học hỏi nơi Mẹ cách sống đạo, ta nhờ Mẹ lãnh nhận nguồn ân sủng mà Thiên Chúa đã và đang trào đổ xuống trên Mẹ. Đặc biệt là sau khi Mẹ cất tiếng Xin Vâng cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Giờ ta tìm, suy lời Xin Vâng của Đức Trinh Nữ Maria dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, từ đó giúp ta sống xứng đáng hơn trong vai trò và bổn phận làm con Thiên Chúa, con của Mẹ Maria, con của Giáo Hội, cộng đoàn, gia đình
Qua lịch sử, phim ảnh vào thời phong kiến các thiếu nữ từ thôn quê, tới thị thành khi được bước vào chốn cung vàng, điện ngọc, họ đều ao ước mang trong thân xác họ giọt máu của thiên tử, hoặc giả là những quan triều có thế giá, vì thế họ đã dùng tiền, tài, sắc đẹp, và cả những thủ đoạn tàn độc để triệt hạ lẫn nhau, để đạt được những ước mơ của họ… Một khi đã sở hữu được dòng máu, mầm sống của thiên tử, quan triều, việc đầu tiên là họ thay đổi y phục, cách xưng hô, cách hành xử, chọn người hầu hạ cho xứng với phẩm giá mà họ có được.
Với Mẹ Maria thì sao? Có thể nói, Thiên Chúa không áp đặt Mẹ vào chương trình của Ngài. Nhưng Ngài mời gọi và chờ đợi sự ưng thuận của Mẹ qua việc Ngài sai Sứ thần đến truyền tin (mời gọi) Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại với vai trò và nhiệm vụ mang thai con Vua Trời, sinh hạ và nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế. Khi Sứ Thần báo tin cho Mẹ “ Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao….” (Lc.1 31). Thật là điều không tưởng!
Là một cô thôn nữ chân chất, đơn sơ, trong một gia cảnh không có chút tiếng tăm cả về vật chất lẫn danh phận xã hội. Ấy thế mà khi Mẹ Maria được mời gọi, hay nói đúng hơn là Thiên Chúa chiếu cố ban cho Mẹ một ân sủng cao trọng, điều mà các cô thôn nữ cùng trang lứa mong ước. Một chút thận trọng, đan xen nỗi âu lo và đắn đo Mẹ Maria đã thưa với Sứ Thần: “ Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc.1,34). Lời thắc mắc của Mẹ với Sứ Thần đã minh chứng Mẹ không màng chi danh vọng, nguyện hứa giữ mình đồng trinh để dâng hiến cuộc đời trong việc tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa
Sau khi nghe Sứ thần giải thích cặn kẽ, hơn nữa qua lời của Sứ Thần xác tín một cách mạnh mẽ rằng: “ Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc.1,37). Từ đây, Mẹ nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ đã trao hiến cuộc đời cho Ngài. Với lòng tin tưởng và phó thác một cách đơn sơ, Mẹ đã cất lên lời Xin Vâng trong khiêm hạ: “ Này tôi là tôi tớ Chúa! Tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền” (Lc.1, 38). Sau lời Xin Vâng, Mẹ đã minh nhiên trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vua Trời, một danh phẩm rất cao trọng, từ cổ chí kim chưa một phàm nhân nào có được.
Không như các thiếu nữ chốn cung vàng điện ngọc trần gian, họ cảm thấy hãnh diện, tự cao, tự đại…khi trong thân xác mình mang dòng máu thiên tử, quan triều. Mẹ Maria thì trái ngược hoàn toàn, lời kinh Magnificat: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng…..Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới….” (Lc.1,46-56) Mẹ cất lên đã minh chứng điều đó.
Khi cất lên lời Xin Vâng, đồng nghĩa với việc Mẹ chấp nhận bản án tử qua lời nói và hành xử của luật pháp, của người đời; cất lên lời Xin Vâng, đồng nghĩa với việc Mẹ từ bỏ hoàn toàn ước mơ, ý riêng của mình để thuận theo ý Chúa; khi Mẹ cất lên lời Xin Vâng, Thiên Chúa và triều thần Thiên Quốc hớn hở reo vui, toàn thể nhân loại bước vào một khung trời mới, khung trời của niềm vui, sự bình an, khung trời được cải tử hoàn sinh…Vì Thiên Chúa có được cơ hội xuống thế sống và ở với con người nhân loại, đồng cam cộng khổ và cứu độ nhân loại…
Sau khi cất lời Xin Vâng, Mẹ đã không đóng khung lời xin vâng như một kỷ niệm đẹp trong ngày truyền tin và trong cuộc đời Mẹ. Mẹ đã sống và làm cho lời Xin Vâng ngày càng thăng hoa và sinh nhiều hoa trái không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng để cho danh Chúa và ý Chúa được tỏ hiện, điều đẹp nhất là lan tỏa đến những người chung quanh qua việc Mẹ vội vã lên đường thăm viếng người chị họ Êlisabét đang “bụng mang dạ chửa”, không chỉ thăm nhưng Mẹ còn hạ mình trở thành người phục vụ một cách khiêm hạ. Cuối cùng, lời Xin Vâng đã song hành với Mẹ qua các biến cố vui cũng như buồn trong suốt hành trình Đức Tin của Mẹ. Đặc biệt Mẹ đã thưa trọn lời Xin Vâng để được cộng tác với Con yêu của Mẹ là Đức Giêsu qua sự kiện Mẹ song hành với Chúa trên đường khổ giá và kiên cường đứng dưới chân thập giá Chúa trên đỉnh đồi Canvê khi Chúa trút hơi thở cuối cùng vào buổi chiều thứ sáu tang thương.
Vâng! Với ba nhân đức Khiêm Nhường, Xin Vâng và Chịu Đựng, Mẹ kính yêu của ta đã lập nên những kỳ tích hiển hách trong đời sống Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và trở thành mẫu gương cho ta học hỏi và noi theo. Đặc biệt là lời Xin Vâng (đức vâng lời). Từ đây, ta có thể nói Mẹ Maria được Chúa yêu thương ban tặng những đặc ân cao trọng, người đời ngưỡng mộ và ca tụng không chỉ một thời mà mọi thời. Mẹ đạt được điều đó không thuần túy bằng đời sống đạo đức, thánh thiện, bằng tài năng, nhưng bằng một lòng Yêu, sự Khiêm Nhường trọn hảo. Từ lòng Yêu và sự Khiêm Nhường trọn hảo đã giúp Mẹ cất lên lời Xin Vâng bằng cả con tim và khối óc.
Là những người con của Thiên Chúa, Mẹ Maria, Giáo Hội, thiết tưởng ta cũng được Chúa yêu thương và người đời mến mộ, nếu ta đi theo con đường mà Thiên Chúa đã vạch sẵn cho ta như Ngài đã vạch sẵn cho Đức Trinh Nữ Maria. Có điều là ta có thực sự yêu, thực sự khiêm hạ và nhờ yêu và lòng khiêm hạ, giúp ta cất lên lời xin vâng trong công việc, trong bổn phận của ta hay không? Đặc biệt là lời xin vâng đó dành cho người trên ta, nhưng lại yếu kém hơn ta về tuổi đời, tri thức, tài lộc…
Quả thật! Nhược điểm của con người thường thích làm theo ý riêng, thích người đời ca tụng trong mọi công việc, đôi khi trong cả những công việc lành thánh, việc đạo đức. Ta có thể phớt lờ sự góp ý, hướng dẫn, mời gọi, nhắc nhở của các bậc bề trên, ta cho ta là có tài, có đức, có khả năng… Vì thế, ta thực hiện công việc, lời nói và cách hành xử của ta, theo ý riêng, tuy trước mắt ta cảm và cho rằng ta thành công, ta làm được những việc to tát, vĩ đại, đem lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng ta có cảm nhận ra được nỗi buồn của những bậc bề trên khi ta thiếu lời xin vâng, đức vâng lời. Đây là nhân đức căn bản đưa ta đến văn hóa nhân bản.
Riêng về lĩnh vực đạo đức, thánh Tôma Aquinô đã để lại một câu nói rất hay: “ Không phải tất cả các công việc đạo đức đều khởi đi từ lòng yêu mến Chúa cả đâu! ”. Vì đôi khi từ công việc đạo đức ta mưu lợi cho mình một cái danh, một chân đứng, một số thành viên ủng hộ ta, tung hô, cầu cạnh ta…Để rồi ta rơi vào cạm bẫy của satan khi ta thực hiện công việc vô tình đưa đến điều “ Sáng danh tôi, tối danh Cha”, tệ hại hơn nữa là ta đi ngược lại lời giáo huấn của Chúa, của Giáo Hội và những bậc bề trên trong đời sống tận hiến, đời sống giáo dân. Còn đó lời nhắc nhở của thánh Phaolô: “ Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng” (2Cr.11,14)
“ Vâng lời trọng hơn của lễ ”. Đây là chân lý bất di bất dịch và là phương thế giúp ta đạt được sự yêu thương của Thiên Chúa và mọi người một cách trọn vẹn ngay cả đời này và cả đời sau. Chúa Thánh Thần vẫn luôn nhắc nhở ta qua ngôn ngữ của thánh Phaolô như sau: “ Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèn phèn, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi có được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr.13,1-3). Thánh nhân còn nhấn mạnh: “ Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1Cr.13,13)
Vâng! Nếu ta nói ta có lòng mến mà ta chưa cất được tiếng xin vâng, không có đức vâng lời trong mọi công việc, hoàn cảnh, thì ta nên xem lại lòng mến của ta. Một khi ta chưa có lòng mến đủ thì dễ gì đưa ta đến sự khiêm hạ mà coi người khác hơn mình. Điều dễ đẩy đưa ta vào con đường cao ngạo “ coi trời bằng vung ”. Đây chính là điều satan luôn cám dỗ và dẫn dắt ta theo đường lối của chúng, hòng chia rẽ ta với Chúa và với mọi người.
Lạy Mẹ Maria! Mẹ đã sống trọn lời Xin Vâng trong khiêm hạ, trong lòng mến. Xin Mẹ giúp con trong từng ngày sống, trong công việc, trong bổn phận luôn có được những nhân đức mà Mẹ đã sống, nhất là đức khiêm nhường và đức vâng lời. Xin Mẹ cũng giúp con có được niềm tin tưởng, phó thác vào Chúa một cách đơn sơ, và cất lên hai tiếng xin vâng theo thánh ý Chúa qua các bậc bề trên, qua anh em hèn mọn chung quanh. Nhờ đó mà dẫu cuộc đời có khó khăn, có không thể, nhưng với Chúa mọi sự đều có thể. Amen.
Sài Gòn ngày 23/08/2011 Antôn Lương Văn Liêm
|