GIỚI TRẺ CẦN BẬC TÔN SƯ DÁM BÊNH VỰC CHÂN LÝ, CÔNG BẰNG VÀ HÒA BÌNH
... Đối với một nhà giáo trong một trường công lập ở tỉnh lỵ, thì làm môn đệ Đức Chúa GIÊSU KITÔ ngày nay có nghĩa là quảng đại phục vụ học sinh. Hoặc nói đúng hơn, tận tâm tận lực thi hành bổn phận của mình hầu giúp giới trẻ vừa mở rộng kiến thức vừa hấp thụ một nền giáo dục vững vàng để có thể tự chuẩn bị cho tương lai. Nhà giáo cũng có nghĩa là nhà giáo dục, mặc dầu việc giáo dục người trẻ dành ưu tiên và nhiều trách nhiệm hơn cho các bậc làm cha làm mẹ.
Nhiều lúc đi trong hành lang của trường, tôi chứng kiến cảnh các thiếu niên nam nữ ôm hôn nhau. Tôi thông cảm với con tim non nớt của các em. Tuy nhiên, tôi không nhắm mắt làm ngơ. Tôi luôn luôn tìm cơ hội để nói với các em về vẻ đẹp của một tâm hồn trong trắng trong một thân xác thanh sạch. Rồi tôi cũng giải thích với các em về lòng kính trọng người khác và kính trọng chính mình. Đôi khi tôi cũng cảm thấy ngại ngùng vì phải đề cập đến các vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo và luân lý đạo đức. Nhưng tôi tự nhủ: - Mình phải làm, vì đây là một trong những bổn phận chính yếu, hàng đầu của một nhà giáo, tức nhà giáo dục.
Ngoài ra tôi cảm thấy có bổn phận phải hướng dẫn các em trong cung cách cư xử thường ngày, vì tôi là một bà giáo đứng tuổi và là một tín hữu Công Giáo. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy thật đau lòng khi thấy các học sinh của tôi thường mù tịt về giáo lý hoặc về các bản văn Kinh Thánh. Người trẻ ngày nay sống bất cần THIÊN CHÚA hoặc sống như thể THIÊN CHÚA không hiện hữu!
Hiện tượng đáng buồn này thúc đẩy tôi phải tìm mọi cách để làm chứng tá cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ loài người. Tôi thường rao giảng luân lý bằng chính cuộc sống Đức Tin của tôi. Rồi tôi chọn những đoạn văn có phẩm chất luân lý cao để từ đó nói với các thanh thiếu niên về lòng quảng đại, về tình huynh đệ, tình liên đới. Tôi để ý thấy người trẻ thường nhạy cảm về các vấn đề thuộc phạm vi nhân bản, bác ái.
Hàng năm, nơi trường tôi dạy, chúng tôi tổ chức chiến dịch gọi là ”Một Chén Cơm” để giúp một trường tiểu học nghèo bên Phi châu. Chiến dịch này rất được tất cả các học sinh hưởng ứng. Thường thường, các tiền quyên góp lên rất cao khiến chúng tôi có thể mua được nhiều dụng cụ học sinh và thể thao. Đôi khi chúng tôi cũng góp phần xây cất những lớp học mới cho các trường tiểu học nghèo.
Đối với các bạn đồng nghiệp, tôi cũng cố gắng sống chứng tá Đức Tin. Các bạn tôi biết rõ tôi là tín hữu Công Giáo sống đạo đàng hoàng, chứ không phải chỉ mang tên Công Giáo mà thôi. Tuy nhiên, đề cập đến vấn đề tôn giáo với các bạn đồng nghiệp thì khó hơn. Bởi lẽ, không ai thích nghe rao giảng hoặc bị sửa dạy cả! Do đó, tôi không lên mặt giảng dạy ai, nhưng chỉ thẳng thắn nói lên quan điểm Kitô Giáo của mình, mỗi khi cần phải can đảm làm chứng tá cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Giáo Hội Ngài.
Tôi thường nhớ đến và cầu nguyện cho các học sinh của tôi cũng như cha mẹ chúng. Đặc biệt trong những lúc thi cử, tôi nâng đỡ chúng bằng lời cầu nguyện chân thành của tôi.
Đối với tôi, để có thể sống chứng tá nhà giáo Công Giáo cách hữu hiệu trong thế giới tục hóa ngày nay, cần phải thực thi trước tiên tình yêu thương. Tôi yêu thương các học sinh bằng cách tận tâm giảng dạy chúng. Rồi tôi cũng theo dõi và lắng nghe các vấn đề khó khăn của các em. Đối với các em, điều quan trọng lôi cuốn các em không phải là những lời hay ý đẹp, nhưng là những hành động cao cả, quảng đại và anh hùng. Chung quanh người trẻ, có quá nhiều người lớn, nói mà không làm, không sống điều mình giảng dạy. Người trẻ chờ đợi những mẫu gương sống tích cực của người lớn để bắt chước theo. Hay nói đúng hơn, người trẻ cần trông thấy trước mắt những nhà giáo dục, những vị tôn sư, những bậc chỉ đạo, dám sống điều mình nói và dám công khai bênh vực cho chân lý, cho công bằng và cho hòa bình.
Đó cũng là những mục tiêu tôi cố gắng đạt đến trong tư cách là nữ giáo sư Công Giáo.
Chứng từ của bà Claudine người Pháp, 50 tuổi.
... ”Chúa CHA yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong Tình Yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong Tình Yêu của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã nói cho anh em biết” (Gioan 15,9-15).
(”Annales d'Issoudun”, Revue de Notre Dame du Sacré Coeur, Avril/1996, trang 122)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|