AI KHÔNG CẦU NGUYỆN SẼ MẤT LINH HỒN (Th. Anphong, Sáng lập DÒNG CCT)
Trong khi tình hình thế giới loạn lạc và vô cùng bất an hiện nay, chỉ có cầu nguyện là ưu tiên hàng đầu trên hết mọi ưu tiên. Cầu nguyện là quan trọng hàng đầu trên hết mọi điều quan trọng! Hãy chiến đấu với Sự Dữ bằng sự cầu nguyện liên lĩ không bao giờ ngưng nghỉ! Bất cứ lời cầu nguyện nào dâng lên Thiên Chúa là CHA đều được Cha đáp ứng trả lời!
Chúng ta chiến đấu và chiến thắng Sự Ác, trong và với Thiên Chúa, qua Mẹ Maria Đấng sẽ đạp nát đầu Satan là đầu mối mọi sự dữ!
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm và đau khổ, xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ có tội chạy đến cùng Mẹ, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.
PHẢI CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO LÀ THÀNH SỰ, LÀ ÐẸP LÒNG THIÊN CHÚA ?
LNĐ: Ðức Mẹ hiện ra tại Medjugorje (Mễ Du) mời gọi chúng ta cầu nguyện. Giáo hội Việt nam bấy lâu nay thường dùng từ ‘đọc kinh’. Các cha, các trưởng hội đoàn…và hầu hết giáo dân VN đều dùng từ ‘đọc kinh’ thay cho từ ‘cầu nguyện. Và từ đó, nhiều Kitô hữu cố ráng mà đọc cho to cho nhiều vào là đạt! Từ chỗ dùng sai từ ngữ có thể dẫn đến lệch lạc về ý nghĩa; bởi vì chỉ cần đọc những kinh nọ kinh kia, giữ đúng và tham dự đầy đủ những nghi lễ đòi buộc, một cách hời hợt máy móc… là tưởng đã chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa! Thế là chúng ta chẳng khác nào những người pharisiêu, chỉ lo giữ những tập tục bên ngoài, nhiều khi mang tính trình diễn nữa (!), còn tâm lòng thì vẫn còn ở xa Thiên Chúa! Thực ra, cầu nguyện là gì? Cha Tomislav Vlasic, linh hướng tại Mễ Du, có bài nói về cầu nguyện rất hay như sau:
Cầu nguyện phải xuất phát từ một tình yêu, hoàn toàn tự do, thư thái ở trong lòng chúng ta mà ra. Tình yêu này thúc giục chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa, chứ không phải do một sự bó buộc (luật buộc) nào ở bên ngoài. Thực tế có người cho rằng họ bị ngăn trở không được tự do. (đang mắc bận lo lắng những sự việc thế gian, đang mắc tội trọng? đang bị quỷ dử khống chế và sử dụng cho kế đồ của chúng mà không hay biết? Tính tham lam của cải trần gian cũng là tội tôn thờ ngẩu tượng; không thể một trật vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa tôn thờ thần tài, ngẩu tượng, v.v…)
Cầu nguyện thành sự là do việc lắng nghe trong thâm tâm mình tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy cầu nguyện đâu phải là nhắm đến việc xin cho được các sự việc, sự vật hoặc xin giúp giải quyết các vấn đề khó khăn? Câu nguyện chỉ được hiểu là để ta cảm nhận có sự hiện diện của Thiên Chúa, qua Ðức Giêsu Kitô, và nhờ Ngài dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha. Còn các nhu cầu khác, các vấn đề khác trong cuộc sống của ta, một khi đã có Chúa ở cùng, thì chính Chúa sẽ lo liệu cho. Có Chúa hiện diện, có Chúa ở cùng, cuộc đời của ta trở nên tốt hơn; Ngài chữa lành ta, làm cho ta bừng sống lại, làm cho ta lớn lên mỗi ngày và cho đơm hoa kết trái.
* Vậy bạn có biết loại hình cầu nguyện này không?
* Bạn có hiến dâng thì giờ cho loại hình cầu nguyện này không?
Ðó là những câu hỏi căn bản. Có lẽ chúng ta cầu nguyện chuỗi Mân Côi hằng ngày, đúng như Ðức Mẹ yêu cầu; và thường thì chúng ta cũng không biết là chúng ta đã làm gì?! Có ‘đọc’ có ‘lần’ chuỗi đó, nhưng cũng có thể là chúng ta mới đứng ở bên ngoài, chưa hoặc không vào được bên trong bầu khí cầu nguyện gì cả! Bạn cần phải định tâm lại và phải đặt mình trước mặt Thiên Chúa, rồi thưa: “Lạy Mẹ Maria, con xin Mẹ giúp con bước vào cuộc gặp gỡ tâm giao với Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi Vị. Xin các Thiên Thần và các Thánh, các ông bà tổ tiên, các linh hồn, cùng cầu nguyện với con. Này con đây, con mở lòng ra để sẳn sàng lắng nghe tiếng Chúa và để bước những bước đi mới trên đường dẫn đến sự sống thật…v.v…”
Và rồi, chúng ta có tìm được một nơi thanh vắng thuận tiện và một khoảng thời gian dành riêng để cho Thiên Chúa bước xuống vào tâm lòng chúng ta không? (nên nhớ: khoảng thời gian này là thời gian ta hiến dâng cho việc cầu nguyện thờ phượng Thiên Chúa, là thời gian ta kể là quan trọng nhất; bởi vì cầu nguyện là yêu mến, cầu nguyện là gặp Chúa, cầu nguyện là việc ưu tiên hàng đầu trước khi, trong khi và sau khi làm một việc gì. Thiên Chúa là trên hết, và do đó, cầu nguyện là quan trọng nhất và trên hết. Vậy bạn có quyết tâm dành thì giờ ưu tiên cho Thiên Chúa là Ðấng mà bạn kính tin và yêu mến trên hết không?)
• Nếu chúng ta quá bận bịu những chuyện nọ chuyện kia, đến nỗi không có một chút thì giờ dành riêng cho Chúa, thì chúng ta chẳng khác nào những tên trọc phú, dành hết cả thì giờ và sức lực của mình cho việc thu tích tiền của, rốt cuộc phải chết vì đã quên chăm sóc ngó ngàng đến sức khoẻ của mình!
• Người Kitô hữu cũng thế, chúng ta có nguy cơ phải chết trong một thứ tôn giáo rặc triết thuyết, thành thuộc giáo lý, giữ đúng giữ đủ những nghi lễ…v.v…,
-nếu không cho phép Thiên Chúa Toàn Năng biến đổi chúng ta,
-nếu lơ là, hoặc bỏ qua những chiều kích sâu thẳm của lòng mình,
-nếu không muốn Thiên Chúa soi sáng những mầu nhiệm kín ẩn trong đời sống và ban cho lời giải đáp về những yêu cầu sâu xa nhất của chúng ta. -nếu chúng ta không dành riêng thì giờ và nơi chốn thuận tiện để nâng trọn vẹn con người chúng ta lên, để mong muốn thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa...v.v…
• Trong trường hợp như thế, việc cầu nguyện của chúng ta chẳng có giá trị gì, cho dẫu đã tốn bao công sức và thời giờ thì cũng chẳng có ích lợi gì cả!
• Thiên Chúa đã bước xuống và ở giữa loài người, nhưng loài người đã không nhận biết Ngài! Ngài muốn tiếp tục bước xuống ở giữa con cái của mình, tỏ mình ra và còn tiếp tục trở nên ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’. Nhưng nếu chúng ta không tìm cách mà lui ra nơi thanh vắng để cầu nguyện và nếu không dành ưu tiên thời giờ cho Vị Thiên Chúa này, thì chúng ta cũng không thể nào sống mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa trong lòng chúng ta được nốt!
• Cầu nguyện là mở tâm lòng ra cho Chúa Giêsu trong Thánh Linh. Muốn sống tinh thần cầu nguyện này, chúng ta cần phải được giải thoát khỏi những ràng buộc sau đây:
- đứng đầu là tính ích-kỷ, là yêu chính mình. Bảy mối tội đầu là kiêu căng, keo kiệt, tham ăn, mê dâm dục, ghen ghét, giận dữ và lười biếng là những kiểu ích kỷ khác nhau, là những hình thức buông thả nhằm thoả mãn theo ý riêng mình. Ích kỷ đồng nghĩa với tội lỗi.
- kế đến là tính giả-dối được che đậy rất kỹ: nói dối như thật, làm giả làm dối, làm bộ, giả hình…Bề ngoài xem ra ai cũng khen là hay, đẹp, tốt, giỏi, đạo đức…., nhưng bên trong là nấm mồ!
- buộc mình phải đọc kinh nọ kinh kia, vì tự cho đó là những kinh nguyện trung tâm, rất quan trọng, không thể bỏ! - những tình cảm thương mến thuần tuý phàm trần; loại tình cảm này thường bao trùm đám đông, nhưng lại không nâng người ta lên chút nào. Cần chú ý: loại tình cảm thương mến ướt át này là một cái bẩy vì nó làm ta ra mủi lòng trắc ẩn. Ai dễ động lòng trắc ẩn thì cũng dễ bị nhận chìm vào trong nỗi khổ đau của người khác và chẳng giúp được gì cho họ. (ví dụ; quỳ gối lâu tội nghiệp, ăn chay thì sợ bị thiếu chất, thiếu gì dịp khác để hy sinh! v.v...) Lòng yêu thương của Thiên Chúa thì trái lại, nâng chúng ta lên cao. Chúa Giêsu đã không dừng lại trên đường lên Jêrusalem chịu chết, mặc dầu các môn đệ không muốn tiến tới, cho dù Simon Phêrô, theo lẽ tự nhiên vì thương Thầy sợ Thầy bị hại mà can ngăn, liền bị Chúa mắng cho là satan, hãy lui ra đằng sau!...(không phải Phêrô là satan, nhưng lúc ấy ông nghe theo tiếng nói tiêu cực của satan). Chúa Giêsu sống mà tâm lòng luôn luôn hướng về Cha. Chúa cứu giúp mọi người, nhưng Chúa không để bị cuốn hút trong những nỗi sợ hãi và bệnh hoạn cố hữu của con người.
• Lời cầu nguyện của chúng ta thường thường là: Lạy Chúa, lạy Mẹ, xin cho con…, xin cho con…,con cần cái này…, xin giúp con cái kia…! Vậy, có khi nào bạn khởi sự cầu nguyện bằng việc chiêm ngắm Thiên Chúa tốt lành không? Có khi nào bạn nhận ra Thiên Chúa đang sống vì bạn và cho bạn không? Vậy có bao giờ bạn cảm nhận có một Sức Sống Thần Linh đang lưu thông trong chính hữu thể bạn, trong toàn vẹn con người bạn chưa?
• Trong thời gian ân sủng này, lúc Mẹ Maria đang hiện diện tại Mễ Du thì Thiên Chúa ban những ân sủng đặc biệt và mời gọi những ai sẳn sàng mở tâm lòng ra cho Ngài. Mở ra cho Ngài trước, rồi Chúa Thánh Linh, Ðấng an ủi, Ðấng dạy dỗ, Ðấng thánh hoá… sẽ đến làm nốt những gì tiếp theo, là triển khai từng thánh ân của Ngài cho họ, trong nét độc đáo của riêng từng người.
• Phần đông nhiều người thường cậy dựa vào những vị linh mục, nhờ các ngài đóng vai Chúa Thánh Linh. Thật là tiện! Thật ra mỗi người phải tự mình khám phá Chúa Thánh Linh trong chính cõi lòng mình thì hơn. Biết bao lần, Mẹ Maria mời gọi chúng ta vâng theo Thần Khí Thiên Chúa, lắng nghe tiếng dạy bảo của Chúa Thánh Linh. Trong cuộc sống chúng ta, có những chuyện tưởng chừng như không lối thoát, nhưng nếu ta mở lòng ra cho Chúa Thánh Linh thì mọi sự sẽ được êm xuôi. Nếu ta mở lòng ra cho Ngài, thì dầu ta mang nỗi âu lo ấy vào trong giấc ngủ, như Thánh Giuse lo nghĩ về bào thai nơi Mẹ Maria…, thì Chúa cũng sẽ dạy bảo cho ta trong giấc ngủ. (Ngạn ngữ Pháp có câu: “La nuit porte conseil”- đêm cho ta lời khuyên, với điều kiện trước khi đi ngủ bạn hãy tin tưởng và phó thác tất cả cho Thiên Chúa)
• Cầu xin, cầu khẩn, yêu cầu cái này điều kia…,không sai. Cầu nguyện, chuyển cầu cho người khác, không sai. Nhưng, cầu xin ơn nọ ơn kia, chuyển cầu cho kẻ khác… mà trong khi tâm lòng mình vẫn còn ở ngoài vòng kết nối với Thánh Linh, mới là sai. Không biết nâng tâm lòng mình lên với Thiên Chúa mới là sai. Bởi vì, “không có Thầy các con chẳng làm gì được!”
- Những ai đang trong tình trạng mất khả năng sống với Thiên Chúa (bị vướng mắc điều gì đó chưa được giải thoát), người ấy bị phong toả, không thể cầu nguyện được; cầu nguyện của họ bị đọng lại, không có dòng chảy. Nếu muốn tấn tới trên đường cầu nguyện, chúng ta cần phải khai thông cho hết những mớ bòng bong chằng chịt trong tâm lòng chúng ta trước đã. (Khiêm nhường ăn năn sám hối, xưng thú tội thực lòng và quyết tâm chừa bỏ tội lỗi). Satan tìm mọi cách để phong toả, không cho chúng ta cầu nguyện được: Nó xoay chiều đổi hướng, gây hoang mang sợ hãi hoặc gây thêm những nỗi lo lắng trong lòng chúng ta. Nhưng, bí quyết không để bị mắc bẩy trong guồng máy của nó, là hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa và tuyệt đối để Ngài dẫn dắt.
- Không có cách nào khác có thể cứu vớt chúng ta. Chỉ có cách là làm sao đạt cho được một đời sống quan hệ với Thiên Chúa trong sự tự do. (tự do ở đây nên hiểu là không bị ràng buộc bởi những đam mê, tham lam, ích kỷ, tội lỗi. Ví dụ: bỏ uống rượu là được tự do, còn nghiện là còn bị ràng buộc, là mất tự do, là không quan hệ được với TC. Cũng vậy, mê của cải, mê sắc dục, mê quyền lực…là mất tự do, không thể cầu nguyện được.).
- Lúc này chúng ta không còn chỉ nói là ‘đọc kinh’, ‘đọc’ Kinh Thánh, là xem Lễ, dự Lễ, là rước lễ, là ‘đọc’ hoặc ‘lần’ chuỗi Mân Côi nữa, mà là chúng ta sống đời cầu nguyện, sống tinh thần sám hối, sống Lời Chúa, sống Thánh Lễ, sống Bí tích Thánh Thể, sống những mầu nhiệm Mân Côi, tựa như cá sống trong nước vậy. Không có nước cá chết. Người Kitô hữu không cầu nguyện, hoặc cầu nguyện quá ít, sẽ chết mất linh hồn, như lời Thánh Anphong, Thánh Tổ Dòng Chúa Cứu Thế quả quyết. Nếu những ai đang sống những mầu nhiệm như vừa kể mà phải qua khỏi đời này (= chết phần xác và được biến đổi), thì người ấy vẫn tiếp tục sống yêu thương như vậy trong cõi đời đời. Ở đời này, họ tin, yêu và mòn mõi đợi chờ; qua khỏi đời này, họ được sống trọn vẹn trong Tình Yêu Thương của Thiên Chúa Vĩnh Hằng.
Một yêu cầu cuối cùng: Chúng ta có dành thì giờ để tái sinh không? Ăn năn sám hối và đi xưng tội là việc làm cần thiết để được ơn tha tội. Nhưng hoán cải là thay đổi cuộc sống, là biết tổ chức, dọn dẹp, sắp xếp đời sống của mình sao cho có được Sự Sống của Thiên Chúa, có một đời sống mới bắt đầu sinh lại trong chúng ta, đó mới là điều thật sự quan trọng. Việc tổ chức lại đời sống cần phải có sáng kiến, phải có ơn soi sáng, hướng dẫn của Thánh Linh, qua cầu nguyện. Có những hình thức đọc kinh cầu nguyện dài dòng, rập khuôn, không có gì thay đổi…, gây mệt mỏi buồn chán, do đó đời sống cầu nguyện của người tín hữu không tiến lên được. Không tiến tức là lùi, mà tình yêu của Thiên Chúa thì phong phú, mênh mông bao la, vô biên vô tận! Hãy thường xuyên khám phá Thiên Chúa bao lâu còn có thời giờ. Bỏ phí thời giờ sẽ phải hối tiếc!
Có nhiều cách cầu nguyện…Cầu nguyện là biết nghỉ ngơi trong Thiên Chúa. Cầu nguyện là dìm mình trong thiên nhiên một cách thân thương trìu mến, bởi vì Thiên Chúa đã sắm sẳn nó cho chúng ta. Cũng như khi ta chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của bông hoa, là ta nâng lòng lên ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa đã trồng nó cho chúng ta. Như vậy là Thiên Chúa đang mĩm cười với bạn khắp nơi, qua những sắc màu tươi đẹp, chẳng lẻ nào bạn đi qua mà bạn không nhìn thấy, không chiêm ngắm?
Nếu chúng ta không họp nhau lại tìm cách thay đổi cách cầu nguyện, nếu chúng ta vẫn còn bị lệ thuộc vào những khuông mẫu định sẵn, chỉ họp nhau lại là để đọc kinh nọ kinh kia mà thôi, thì e rằng chúng ta chẳng thể nào tiến tới trên con đường chúng ta phải đi. Vẫn mãi ở nguyên trạng bất động!
Tóm lại, chúng ta hãy học biết cách đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Hãy dành thì giờ để bước vào trong mối tương quan sống động với Thiên Chúa, hoặc riêng tư cá nhân, hoặc cùng với nhóm, với cộng đoàn. Cần phải giải thoát khỏi những lo sợ, những ngại ngùng e thẹn, nhất là những ràng buộc với chính mình (cái tôi). Tất cả mọi chiều kích trong đời sống chúng ta đều phải gặp lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Bấy giờ chúng ta mới hiểu được sức mạnh Chúa Thánh Linh sẽ xâm nhập và luân lưu trong mọi chi tiết đời sống chúng ta: khi làm việc, khi ở nhà, khi nghỉ ngơi. Sức mạnh của Ngài sẽ theo ta đi khắp mọi nơi, để biến đổi chúng ta thành những tạo vật ngày càng tự do hơn, hạnh phúc hơn.
Écho de Medj. No 172
Simon Maria Trần
|