CÓ ĐƯỢC CẦU NGUYỆN VÀ AN TÁNG TRONG NGHĨA TRANG CỦA
XỨ ĐẠO NHỮNG AI ĐÃ CHẾT VÌ TỰ TỬ KHÔNG ?
Trước khi
trả lời câu hỏi trên, xin được nói qua về những thay đổi trong giáo
lý của Giáo Hội về việc hỏa táng, (cremation) và cầu nguyện cho những
người đã tự tử chết.
Chắc mọi tín hữu còn nhớ là trước Công Đồng Vaticanô II (1962-65),
Giáo Hội cấm việc hỏa táng xác người chết vì lý do có bè rối
(heresy) kia đã chống lại niềm tin về sự sống lại của xác kẻ chết
như giáo lý Giáo Hội dạy. Nhóm này đã hô hào đốt xác người
chết để thách đố xem Giáo Hội còn gì nữa để tin vào sự sống lại của
xác kẻ chết đã ra tro bụi..
Vì thế, Giáo Hội đã cấm các tín hữu không được thiêu xác người chết để
không làm cớ cho những kẻ sai lầm nói trên huyênh hoang quảng bá tà thuyết
của chúng.
Mặt khác, từ trước đến nay, Giáo Hội vẫn dạy rằng tự tử
chết không những là tội nghich điều răn thứ Năm, mà còn là một gương xấu to lớn
phải tránh. Cho nên, đã có thời Giáo Hội, đặc biệt ở Viêt Nam trước Công
Đồng Vaticano II, đã cấm cử hành tang lễ cho người tự tử cũng
như không cho an táng trong đất thánh của họ Đạo vì gương xấu tự
sát.
Nhưng phải nói ngay là thời đó Giáo Hội cấm vì gương xấu của tội tự sát
chứ không phải vì muốn phán đoán rằng người tự tử đã sa hỏa ngục rồi, nên
không cần cầu nguyện cho họ nữa.
Rồi thời gian trôi qua, bề rối kia cũng tiêu tan, vì không ai
tin theo họ cả, nên từ sau Công Đồng đến nay, Giáo lý mới của Giáo Hội, được Đức
cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ( nay là Chân Phước ) ký ban hành ngày 11 tháng 10
năm 1992 có những lời dạy đáng chú ý như sau về việc hỏa táng
và an táng kẻ chết vì tự tự.
1- Về việc hỏa táng (cremation) xác
kẻ chết:
Giáo lý mới mới dạy rằng : “Giáo Hội cho phép hỏa
táng, nếu việc này không động đến niềm tin vào sự sống lại của xác kẻ
chết”. (x. SGLGHCG, số 2301)
Nghĩa là theo Giáo Hội dạy, thì dù được chôn cất và bị tiêu tan
trong lòng đất hay được hỏa thiêu thành tro bụi, xác kẻ chết vẫn được
quyền năng của Thiên Chúa cho sống lại, kết hợp cùng với linh hồn để hoặc
được vào an nghỉ muôn đời với Thiên Chúa trong Nước Hằng Sống hay bị xa lìa
Thiên Chúa vĩnh viễn trong nơi gọi là hỏa ngục.
Do đó, người tín hữu ngày nay được phép hỏa táng thân nhân đã qua đời hay
đem chôn cất ngoài nghĩa trang như tục lệ đã có từ lâu đời. Nhưng phải tôn
trọng xác chết của thân nhân được mai táng hay được thiêu đốt thành
tro bụi đựng trong các hộp để cất giữ trong gia đình hay ở nơi nhà thờ nào
có nhận cất giữ các hộp tro này. Nghĩa là được hỏa táng nhưng phải tin xác dù
đã ra tro bụi, vẫn sẽ được sống lại như Giáo Hội dạy. Do đó, phải cất giữ
tro của xác được hỏa táng chứ không được đem ra trải ngoài sông, hồ
hay biển cả như những người ngoài Công giáo đã làm. Vì
như vậy, là vô tình chia sẻ niềm tin của những người này cho rằng
con người là hư không nên phải trở về với hư vô, để tan biến trong thiên
nhiên vũ trụ, và không còn hy vọng nào về sự sống lại nữa. Đây là điều
nghich với niềm tin của Kitô Giáo dạy phải “tin xác loài người ngày sau
sống lại” (dù được chôn cất hay hỏa thiêu), như chúng ta đọc trong
Kinh Tin Kính mỗi ngày Chúa Nhật và Lễ trọng..
2- Về những người đã tự tử
chết:
Giáo lý mới của Giáo Hội cũng dạy rằng : “Tự tử là nghịch với tình yêu
của Thiên Chúa hằng sống…Nhưng không nên tuyệt vọng về ơn cứu độ
của những người đã tự tử. Thiên Chúa có thể dành cho họ một cơ hội để sám hối
bằng những con đường mà chỉ mình Ngài biết. Giáo Hội cầu nguyện cho những người
đã tìm cách hủy hoại mạng sống mình.” ( x. SGLGHCG, số 2281,
2283).
Như thế rõ rệt cho thấy là, mặc dù lên án hành vi tự sát hay trợ
giúp cho hành vi này, nhưng Giáo Hội không phán đoán gì về số phận đời đời của
những người tự tử mà chỉ dạy phải cầu nguyện cho họ mà thôi. Có nghĩa là vẫn
phải dành cho họ mọi nghi thức an táng như Thánh lễ ở nhà thờ hay cầu nguyện
ngoài nhà quàn (Funeral Home) và được chôn cất như mọi tín hữu khác. (việc này
các giáo xứ ở Mỹ đang làm. Khi có ai chết thì cha xứ phải làm lễ chọ họ
theo lời yêu cầu của thân nhân, nhưng không được hỏi lý do chết và từ chối
lễ an táng nếu người chết đã tự tử). Sở dĩ thế, vì không có khoản
giáo lý, giáo luật nào cấm đem xác người tự tử vào nhà thờ để cầu nguyện hoặc
cấm chôn cất xác đó ở nghĩa trang Công giáo.
Do đó, nơi nào cấm đoán như vậy là đã đi ngược lại với giáo lý của Giáo
Hôi dạy phải cầu nguyện cho những người tự sát như đã trích dẫn ở trên. Cầu
nguyện cho họ có nghĩa là mình không biết Chúa đã phán đoán họ ra sao, nên
chỉ biết phó thác họ cho lòng nhân từ , khoan dung vô biên của Chúa mà
thôi. Đây là quan điểm thần học quân bình hơn về phần rỗi của kẻ chết, và cách
riêng của những người tự sát , vì chỉ một mình Thiên Chúa biết rõ lý do
đã thức đẩy họ đến chỗ tự tử. Chúng ta tin tưởng lòng nhân từ
và phán đoán công minh của Thiên Chúa dành cho những người chẳng may đã tự
chọn hay bị thức đẩy vào con đường tự hủy hoại đời mình, nhất là thông cảm và
nâng đỡ cho thân nhân nhân còn sống của những người đã tự tử chết.
Trong tang lễ, linh mục cũng phải tránh không nên nói gì về nguyên nhân cái chết
mà chỉ nhấn mạnh đến lòng thương xót vô biên và phán đoán công minh của Chúa
để phó thác người đã chết cho lòng thương xót của Chúa mà
thôi.
Tuy nhiên, giáo luật của Giáo Hội có cấm việc cử hành tang lễ theo nghi
thức của Giáo Hội cho những ai rơi vào một trong những trường hợp sau
đây:
1- Những người lạc giáo (heretics) tức những người cố
chấp phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý đức tin phải tin, sau khi đã
được rửa tội trong Giáo Hội Công giáo
2- Những người bội giáo
(apostates) là những người chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô Giáo và ngoan có
không chịu thay đổi sai lầm của mình.
3- Những người ly giáo (schismatics) là những người không
còn muốn tùng phục Đức Thánh Cha và những vị thay mặt ngài coi sóc tín hữu trong
toàn Giáo Hội.Nghĩa là không còn muốn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo do Đức
Thánh Cha là Chủ Chăn duy nhất có sứ mệnh chăn dắt “các chiên của
Thầy” thay mặt cho Chúa Kitô trên trần thế này.
4- Những người chọn hỏa
táng thi hài của mình vì những lý do nghịch với đức tin Kitô Giáo. (không tin
xác ngày sau sống lại)
Nếu những người nói trên không tỏ dấu ăn năn thống hối nào trước
khi chết thì phải từ chối an táng họ theo nghi thức của Giáo
Hội. ( x.giáo luật số 1184). Có nghĩa là không được cử hành lẽ tang
theo nghi thức của Giáo Hội.
Ngoài những trường hợp trên , không có khoản giáo luật hay giáo lý nào
cấm cử hành tang lễ cho người tự tử cũng như cấm chôn xác đó trong nghĩa trang
công giáo.
Như vậy, ai cấm đoán như trên là đã tự ban hành luật riêng của
mình, trái ngược với giáo lý và giáo luật của Giáo Hội.
Tại sao người ta lại tự dành quyền phán đoán số phận đời đời của kẻ
chết ?
Tại sao không nghĩ rằng những người tự tử không hẳn là đã hoàn toàn chối
từ Thiên Chúa, (mà có thì cũng không ai biết được, trừ một mình Chúa). Họ chọn
cái chết có thể vì những hoàn cảnh vô cùng khó khăn gặp phải trong
cuộc sống, hoặc những đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công xã
hội hay vì hoàn cảnh éo le, tuyệt vọng trong gia đình... đã thúc đẩy
họ chọn cái chết để tự giải thoát mà không biết đó là điều trái nghịch với tình
thương của Chúa là Đấng duy nhất nắm quyền sinh tử của mọi
người.
Hơn thế nữa, tại sao lại muốn giới hạn lòng thương xót vô biên của
Thiên Chúa, “ Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân
lý” (1Tm 2 :4) để tự ý ban hành luật riêng của mình cấm
cầu nguyện hay cho an táng người tự tử trong nghĩa trang của họ
Đạo?
Sau hết, làm như vậy có giúp an ủi, nâng đỡ thân nhân người chẳng
may đã tự sát, hay là bêu xấu họ cách công khai trong giáo xứ địa phương, và do
đó, có thể làm mất đức tin của họ chỉ vì chủ chăn không biết cảm thương và thực
hành giáo lý mới của Giáo Hội dạy phải cầu nguyện cho những
người tự tử, nghĩa là không được phán đoán gì về số phận đời đời của họ như đã
trích dẫn ở trên.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô tôn
Huấn
|