“ CON NHÀ TÔNG KHÔNG GIỐNG LÔNG CŨNG GIỐNG CÁNH ” (Chúa Nhật thứ VII TN năm A)
“ Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con là Đấng trên trời hoàn thiện” (Mt.5,48).
Phụng vụ lời Chúa hôm nay Chúa Nhật thứ VII TN, tất cả những dòng suy tư, chia sẻ đều xoay quanh và nhấn mạnh đến bản chất của người Kitô hữu trong vai trò chứng nhân Tin Mừng như không hận thù, luôn yêu thương, tha thứ và quan tâm đấn nhu cầu của anh chị em mình. Nhất là giửa bối cảnh xã hội hôm nay.
Vào mỗi buổi sáng cầm trên tay tờ tạp chí, hoặc lướt trên trên các trang báo điện tử, ta thấy nhan nhản những vụ án hình sự, những cuộc trả thù, thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng tội phạm, giữa người với người bất kể tuổi tác, trình độ, nghành nghề…. đưa đến những cái chết thương tâm, những thương tổn về mặt tâm lý cũng như thể xác cho nhiều người, từ trẻ em, tới người già; hiện tượng phá thai lan tràn, các trung tâm nạo phá thai chính quy cũng như lén lút mọc lên như nấm; hiện tượng tranh dành quyền lực từ đạo đến đời, gây nên chia rẽ, hận thù, trả thù…; vì ý riêng và lợi ích riêng, cộng thêm thiếu sự quan tâm, đồng cảm trong mối tương quan gia đình cũng như xã hội, dẫn đến nhiều gia đình tan nát, cha, mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bè bạn coi nhau như kẻ thù… Những hiện tượng trên cho ta thấy một xã hội đang bị băng hoại về mặt đạo đức một cách trầm trọng, mối tương quan tình yêu giữa người và người đang dần bị mai một; chân lý và công lý đang bị bẻ cong, con người dần sống đồng hóa với tội…Thực trạng này do đâu và vì đâu? Xin thưa:
Về mặt quản lý xã hội, người ta đổ lỗi cho sự hội nhập, du nhập văn hóa, lối sống phương tây, tình trạng tăng dân số cơ học, gia đình không quan tâm giáo dục con cái…Các nhà lãnh đạo tôn giáo, tâm lý thì cho rằng chủ nghĩa hiện sinh, thực dụng, vô thần đã đẩy đưa con người rơi vào vòng xoáy của hưởng thụ, tranh dành và tàn ác, về phía gia đình thì đổ lỗi cho xã hội và ngược lại. Dưới ánh sáng của Lời Chúa sẽ cho ta thấy rõ nét vì đâu mà con người thời nay rơi vào tình trạng bi đát như thế: “ Kẻ ngu si tự nhủ: "Làm chi có Chúa Trời! Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện. Từ trời cao, Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không ” (Tv.14,1-3)
Vâng! Từ biến cố nơi vườn địa đàng, sau khi tổ tông của ta là ông Adong và bà Eva phạm lỗi, con người luôn bị sự dữ dẫn dắt và lôi kéo bước vào đường tà, đường lối nghịch lại với sự thánh thiện của Thiên Chúa, ngày dần đánh mất đi những đức tính tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban tặng. Vì thế, vào thời Cựu Ước Thiên Chúa mời gọi, hay nói đúng hơn Ngài ra chỉ thị cho dân Ít-ra-en, dân riêng của Thiên Chúa qua ông Môsê: “ Các ngươi phải nên thánh và phải sống thánh thiện vì ta là Đấng thánh, là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv.19,1-2).
Là người Kitô hữu sống giữa xã hội ngày hôm nay, không ít thì nhiều ta cũng bị ảnh hưởng và đễ dàng bị cuốn theo vòng xoáy đó, nhất là lớp trẻ. Thiên Chúa luôn yêu thương, bảo vệ ta và Ngài cũng nhắc nhở và mời gọi ta qua Đức Kitô: “ Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt.5,48). Nhưng để ta mạnh dạn và mau mắn đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô, trước tiên ta phải xác tín Thiên Chúa là gì của ta và ta là gì của Ngài? Vì “ vô tri thì bất mộ” ( không biết , không hiểu thì không có thể yêu), nếu đã không yêu thì sao ta có thể đễ dàng lắng nghe, để tâm và đem ra thực hành được chứ!
“ Các ngươi phải nên thánh và phải sống thánh thiện vì ta là Đấng thánh, là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv.19,1-2). Vâng! Thiên Chúa là Đấng Thánh, tuyệt đối Thánh, Thiên Chúa không chỉ là Đấng thánh theo cách diễn đạt của các Ngôn sứ, Tiên Tri hoặc như ông Môsê giới thiệu cho dân Do Thái xưa, nhưng Thiên Chúa đã mạc khải Ngài là Đấng Thánh, Sống Thánh và tuyệt đối Thánh qua Con Người và cuộc đời của Đức Kitô, khi Đức Kitô mang bản tính nhân loại, sống giữa nhân loại, ngoại trừ tội lỗi.
Đức Kitô là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, nhưng Đức Kitô đã xin vâng, để rồi qua lời xin vâng, Ngài đã tự hạ mang lấy bản tính nhân loại, cùng đồng cam, cộng khổ với nhân loại qua việc yêu thương vô vị lợi, tha thứ trọn vẹn, phục vụ tận tình, và cuối cùng hiến thân mình làm của ăn, của lễ đền tội cho nhân loại. Qua việc Đức Kitô tự hiến thân mình làm của lễ hiến tế trên đỉnh đồi Can-vê, Ngài đã trở thành cầu nối, hay nói đúng hơn là Ngài nối lại mối tương quan giữa Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, từ tâm với con người yếu đuối trong tình nghĩa Cha con. Đây chính là điều mà Thánh Phao lô đã cảm nghiệm một cách sâu sắc qua thư ngài gửi cho giáo đoàn Ê-Phê-Xô: “ Theo ý muốn và lòng nhân ái của Thiên Chúa, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu…” (Êp.1,1-6).
Thật hạnh phúc và tuyệt vời khi ta là những con người yếu đuối, luôn luôn sa ngã và làm buồn lòng Đấng tạo Hóa. Vì cái yếu đuối của kiếp người mà ta mang phải nơi thân xác hữu hạn những thương tổn, bệnh hoạn và cái chết. Thế nhưng, tuy ta yếu đuối đó, bất toàn đó, phải chết đó… nhưng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương đón nhận và ban tặng cho một phẩm giá cao trọng. Đó là ta được phúc trở thành con cái Thiên Chúa, luôn được Ngài bảo bọc và săn sóc như sách Thánh Vịnh đã mô tả:
“Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao.
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên
Cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv.8, 2-7).
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “ Con nhà tông không giống lông, cũng giống cánh ”, điều này phản ánh nét đẹp, nét văn hóa của gia đình và dòng tộc nơi gia đình trần thế. Tuy gia đình, dòng tộc nơi trần thế chỉ giới hạn từ ba đến bốn đời, rồi sẽ qua đi theo cái hữu hạn của vạn vật vũ trụ và của đời người. Ấy thế mà người ta rất coi trọng, luôn bảo vệ và lưu truyền những cái hay, cái đẹp. Những bậc bề trên trong gia đình, dòng tộc luôn mong ước con cái của mình học hỏi và noi theo cách sống của mình, họ cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện với đời khi các thành viên trong gia đình, dòng tộc biết trân trọng, lắng nghe, cũng như học đòi theo cách sống của họ.
Đối với đại gia đình Thiên Chúa, một gia đình vượt không gian và thời gian, một gia đình trường tồn vĩnh viễn, một gia đình mà Người Cha chính là Thiên Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử, Đấng làm chủ vạn vật vũ trụ và cả mạng sống con người, Đấng thánh và tuyệt dối thánh, tuyệt đối hoàn thiện. Thì điều tất nhiên Ngài cũng và mong và chờ đợi ta là con cái của Ngài luôn biết trân trọng, lắng nghe, cũng như học nơi Ngài cách sống, cách hành xử, thấm nhuần chất Thánh, chất hoàn thiện từ nơi Ngài qua lời của Đức Kitô: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt.5,48)
Đã là con người, sống kiếp con người bình thường ai cũng nhận ra chân lý đó, nhất là người Kitô hữu. Thế nhưng, thực tế ta chỉ là những phàm nhân yếu đuối, luôn mang nơi đời sống những bất toàn, những hạn chế về mọi mặt. Quả thật! Khi sống trong phạm vi nhỏ hẹp nơi gia đình và dòng tộc, dòng tu, cộng đoàn.... Những bậc bề trên luôn ở bên ta, không ít thì nhiều ngày đêm tâm sự, nhắc nhở, khuyên răn ta, giúp ta sống tốt. Ấy thế mà lắm khi ta “ phớt tỉnh ăng lê”, ta suy nghĩ và hành động theo ý riêng…! Điều đem đến cho những bậc bề trên những thất vọng, buồn phiền và cũng đem đến cho chính ta những điều không mấy tốt đẹp trong mối tương quan nơi gia đình trần thế.
Trong mối tương quan với Thiên Chúa và nhất là với đại gia đình của Ngài. Tuy ta được giới thiệu, dạy dỗ và xác tín Ngài là Cha, nhưng Ngài hiện diện nơi ta, dạy dỗ và mời gọi ta qua Lời của Ngài nơi Kinh Thánh qua các vị lãnh đạo Giáo Hội, qua cha mẹ và người thân, bè bạn quanh ta, hơn nữa ta chỉ cảm và nhận ra Ngài qua đời sống Đức Tin thì dễ gì ta trân trọng, lắng nghe và mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài, nếu nơi ta chưa thực sống đức khiêm nhường, chưa sống và đào sâu đời sống đức tin, và nơi ta lòng mến còn hời hợt thì sao ta có thể là “ Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” khó và rất khó!
Vâng! Nếu đời sống ta còn mang nặng chất tôi, luôn thích đời sống “trọng tâm”, chứ không thích đời sống “ nội tâm”; đời sống đức tin của ta chỉ trên giấy và nơi ngôi thánh đường, nhất là lòng mến của ta đối với Thiên Chúa và với nhau được đặt vào hàng thứ yếu trong cảm thức và hành động nơi cuộc sống thường nhật, thì lời Đức Kitô mời gọi ta hôm nay: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt.5,48) sẽ nặng tựa ngàn cân, con đường học nên thánh và hoàn thiện của ta chỉ là chuyện trong mơ, chuyện cổ tích! Dẫu biết rằng Thiên Chúa không thua ta, Ngài không bao giờ bỏ cuộc để lên đường đi tìm ta, mời gọi ta và thậm chí van xin ta.
Trên con đường học nên thánh và sống đời hoàn thiện đối người Kitô hữu, theo kinh nghiệm của thánh Phaolô, ngài đã nhấn mạnh trong đoạn kết của bài ca đức mến: “ Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại nhưng cao trong hơn cả là đức mến” (1Cr.13,13). Lời của Đức Kitô hôm nay vạch rõ cho ta phương thế để nên thánh và sống đời hoàn thiện: “Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa….Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng nghoảnh mặt…hãy yêu kẻ thù và những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái Cha trên trời…” (Mt.5, 38-45).
Nên thánh và sống đời hoàn thiện để thực sự trở thành con cái Thiên Chúa, để được ở cùng và trong Thiên Chúa ngay giây phút hiện tại cũng như mãi về sau là điều mơ ước của tất cả những ai tin nhận Thiên Chúa là Cha, tin nhận Đức Kitô là Cứu Chúa. Nhưng để mơ ước của ta trở thành hiện thực, ta thực sự trở thành những đối tượng mà nhiều người nhất là những người không tin, chưa tin vào Thiên Chúa sẽ nói: “ Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Thiết tưởng không còn con đường nào khác ngoài con đường ta tiếp cận với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, tìm hiểu, học hỏi và suy gẫm Lời của Ngài nơi Tin Mừng rồi đem ra thực hành, đón nhận sức mạnh từ nơi Ngài qua bí tích Thánh Thể.
Để kết thúc đôi dòng suy tư, người viết xin mượn câu chuyện ngụ ngôn “Cả Nhà Thành Tiên” do Cha Nhân Tài sưu tầm. Chuyện kể rằng: “ Đất Việt” (tên viết tắt của Quảng Đông.TQ) có một người làm nghề hái thuốc, hái được cây nấm độc vừa lớn vừa đẹp, phát ra màu sắc sặc sỡ. Ông ta rất phấn khởi đem về nhà, nói với vợ và con rằng: “ Cái này người ta nói là “nấm thần”, ăn vào có thể thành tiên. Ta nghe nói thành tiên thì phải có duyên phận, trời không thể tùy tiện cho người. Có người đi tìm nhưng mãi tìm không được, còn ta lại tìm được, đại khái là ta sắp thành tiên rồi!”
Thế là cả nhà ăn chay tắm rửa ba ngày, sau đó đem nấm tìm được đi nấu, nhưng vừa nuốt vào bụng liền tắc thở.
Đứa con thấy thế liền nói: “ Con nghe nói người được thành tiên phải vứt bỏ thân xác, nhiều người trên thế gian vì liên lụy đến thân xác, đến tất cả những vinh hoa phú quý nên không thể thành tiên. Bây giờ ba con đã thoát khỏi thân xác mà thành tiên chứ không phải chết” Nói xong bèn ăn miếng nấm thừa của cha và cũng “thành tiên”
Những người trong gia đình đầu ăn nấm ấy, người ăn không bị trúng độc, nhưng kết quả là tất cả đều “ thành tiên” !
Vâng! Vì mong ước thành tiên, dẫu biết rằng nấm độc, nhưng cả gia đình người hái thuốc vẫn cứ ăn, để rồi tiên đâu không thấy, tất cả đều chết.
Còn ta là người Kitô hữu, Thiên Chúa tặng ban cho ta hai món ăn để giúp ta nên thánh và sống đời hoàn thiện, món ăn thứ nhất đó là Lời của Ngài trong Kinh Thánh, như sách Thánh Vịnh đã điễn tả: “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi” (Tv.119,105); món ăn thứ hai rất quý và rất cao trọng, đó chính là Mình Máu Thánh Đức Kitô, thánh sử Gioan đã trình thuật cho ta rất rõ nét lời minh định của Đức Kitô: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời ”(Ga.6, 53-58).
Nếu trong cuộc đời Ki tô hữu, hay nói dúng hơn là trên hành trình học nên thánh và sống hoàn thiện, mà ta thờ ơ, khước từ, coi thường hai món ăn cao trọng mà Thiên Chúa ân ban, thì tất cả mọi nỗ lực của ta chỉ “ xôi hỏng, bỏng không”. Chỉ từ nơi Chúa con đường nên thánh và sống hoàn thiện của ta mới có kết quả, và từ nơi Ngài và ân sủng của Ngài ta mới thực sự trở thành “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Sài Gòn ngày 20/02/2011 An tôn Lương Văn Liêm
|