YÊU THƯƠNG KẺ THÙ (CN7 TN - A), Lm Joseph Nguyễn Thái
Ngày 13/5/1981 là ngày ÐGH Gioan Phaolô II bị mưu sát ở quảng trường thánh Phêrô tại Vatican. Vào tháng 1/1984, trong nhà tù Rebibbia, ngài êm ái cầm lấy đôi bàn tay trước đó ba năm đã nắm chặt khẩu súng để giết ngài. Trong khoảng 21 phút, ÐGH ngồi đối diện với kẻ đã muốn giết ngài, Mehemet Ali Agca, và tha thứ cho anh. ÐGH Gioan Phaolô II đã thi hành lệnh truyền của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: “Các con cũng đã nghe dạy rằng hãy yêu thương tha nhân và ghét thù địch. Còn Thầy, Thầy bảo các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con.” Ở buổi tiệc ly Chúa Giêsu cũng đã truyền dạy phải yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù (Ga 13:34). Chúng ta còn nhớ khi để cập đến lề luật, Chúa phán: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Vấn đề luật cũ và luật mới lại được Chúa Giêsu đề cập và bổ túc cho hoàn hảo trong giới luật yêu thương. Luật cũ dạy yêu thương tha nhân và ghét thù địch. Chúa Giêsu dạy hãy yêu thương hết mọi người, kể cả kẻ thù. Ngài đã đưa ra ba thí dụ của tinh thần mới:
1-“Nếu ai vả má bên phải, thì hãy đưa má bên kia…” Giả sử người vả thuận tay phải, nếu muốn vả má bên phải của người đối diện, thì phải vả bằng lưng của bàn tay phải. Theo luật, vả bằng lưng bàn tay sỉ nhục gấp hai lần. Do đó, Chúa muốn nói là dù bị vả vừa đau vừa nhục cũng vẫn phải tha thứ.
2- “Ai muốn kiện để đoạt áo trong, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa.” Áo mặc ở bên trong là chiếc áo dài bằng vải. Một người có thể có nhiều áo để thay đổi. Áo choàng bên ngoài giống như cái mền, mỗi người chỉ có một cái. Theo luật, áo trong có thể bị cầm như một bảo chứng, nhưng không phải cầm áo ngoài (Xh 22:26). Áo choàng bên ngoài là quyền pháp lý cho phép con người giữ lại. Trao cả áo choàng, Chúa muốn nói vì tình thương, người Kitô hữu không cần pháp lý bảo vệ, không nghĩ đến quyền lợi.
3- “Ai bắt đi một dặm, thì hãy đi với nó hai dặm.” Theo hệ thống bưu điện ngày xưa, mỗi con đường chia ra nhiều đoạn để trao thư. Ở mỗi trạm có lương thực và nước uống cho người đi thư và cỏ khô cho ngựa. Trong một nước bị đô hộ bởi đế quốc, người bản xứ bị ép buộc phải cung cấp lương thực, chổ ở và ngựa, bị ép phải mang thư tới trạm khác cho kẻ thù. Dùng ví dụ này, Chúa muốn nói rằng khi một bổn phận bị bó buộc phải làm, dù là bổn phận vô lý và đáng ghét, đừng làm nó với sự thù oán và căm phẫn. Nếu chúng ta muốn trở nên hoàn thiện và bước theo gương của Chúa hãy cố gắng thi hành điều Chúa dạy, cho dù là rất khó, nhưng Chúa sẽ giúp sức cho chúng ta.
Tác giả Joseph Nguyễn Thái. Lm.
|