Yêu kẻ thù là thánh.
(Trích trong ‘Xây
Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)
Mở đầu sách Đại
học của Nho Giáo đã nêu rõ mục đích là
“Đại học chi đạo: Tại minh minh
đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”.
Kết thúc
Hiến chương nước Trời trong bài Tin Mừng
hôm nay cũng đặt rõ mục đích là “Anh em hãy nên hoàn
thiện như Cha trên trời... là yêu kẻ thù”.
Nho Giáo ở
phương trời Viễn Đông, Kitô giáo ở
phương trời Cận Đông, tuy xa nhau hàng ngàn
dặm, nhưng tình yêu đâu có khác nhau?
Một đàng muốn con
người nên chí thiện ở tại thân dân,
thương yêu dân.
Một đàng bảo: “Anh em hãy
nên toàn thiện ở tại thương yêu cả kẻ
thù”.
Một đàng: “Minh minh
đức”, minh là làm sáng tỏ, minh đức là
đức sáng láng của Trời; minh minh đức là làm
cho đức sáng của Trời sáng tỏ ra, chiếu sáng
ra.
Một đàng bảo: hãy cầu
nguyện, cốt yếu của cầu nguyện là làm cho
danh thánh Cha trên trời hiển sáng, chiếu sáng ra khắp
muôn dân. Thiên Chúa là ánh sáng, Đức Kitô là ánh sáng bởi ánh
sáng (Ga. 1, 9).
Phần kinh của sách
Đại học chỉ có 205 chữ: đây là
cương lĩnh, là Hiến chương của Nho Giáo,
mục đích đào tạo người học Thánh quân
tử, thánh nhân.
Hiến chương nước
Trời của Đức Giêsu cũng rất ngắn
gọn, vài trăm chữ, nhằm đào tạo con
người thành con Cha trên Trời, thành Thánh nhân của
Thiên Chúa.
Hai Hiến chương có lẽ
chỉ khác nhau ở chỗ: Tin Mừng nói rõ Cha trên
trời là Đấng hoàn thiện và hạnh phúc
Nước Trời; sách Đại học không nói rõ,
nhưng cũng ngầm hiểu: làm cho dân được
hạnh phúc là ở tới đích chí thiện; chí thiện
chính là Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm
nay đặt chương trình nên chí thiện, nên chí thánh
rất cụ thể.
Bài I (Lv. 19, 1-2; 17-18) Chúa phán dạy:
“Các ngươi phải nên thánh”. Nhờ sống thánh
thiện, mới tránh được: ghen ghét, oán hận,
trả thù; mới biết yêu đồng loại như
chính mình. Nền tảng của dân thánh đặt trên: “Ta
là Đấng Thánh”.
Ở thời Cựu Ước,
trước kỳ lưu đầy, khi nghe nói đến
“Đấng Thánh” thì dân nhớ đến Đền Thánh,
nhớ đến nơi cực Thánh trong cung thánh, nhớ
đến những ngày lễ Thánh, những việc Thánh
họ phải làm nơi đền thờ để
được nên thánh.
Đến thời lưu
đầy đền thờ bị phá hủy, dân bơ vơ, không còn điểm tựa
để nhận ra Giavê là Đấng Thánh cho dân nên thánh.
Họ phải nhớ lại giới luật giao
ước núi Sinai mà Giavê, Đấng Thánh đã ban cho
họ. Họ cần sống thực hiện
giới luật đó để họ nên thánh như
Đấng Thánh đã truyền dạy họ. Họ mới mong Đấng Thánh giải phóng họ
khỏi cảnh lưu đầy như Ngài đã giải
phóng tổ tiên họ khỏi nô lệ Ai Cập.
Bài II (1Cr. 3, 16-23)
Phaolô không nhắc tới đền thờ Giêrusalem, không
nhắc đến luật cũ nữa. Tân Ước là thời đại mới, dân Chúa
thực sự không nên thánh nhờ đền thờ hay
lề luật. Họ nên thánh, họ là dân thánh (1Phêrô
2, 9) nhờ được tái sinh bởi nước và
Thánh Thần. Phaolô cho họ thấy: “Anh em là đền
thờ Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em”
Từ nay họ là chi thể thánh của Đức Kitô “Anh
em thuộc về Đức Kitô, Đức Kitô thuộc về
Thiên Chúa”
Thánh Phaolô đã cho ta biết rõ,
bản chất cốt yếu của thánh thiện, không
nhờ đền thờ hoặc bất cứ ai dù là
Phaolô... hay luật lệ chỉ nhờ một mình Thiên
Chúa: “Chính nhờ Người, với Người và trong
Người” đã làm cho ta nên thánh.
Khi đã
nhờ Người mà nên thánh, thì chính nhờ Người
mà chúng ta mới có thể yêu kẻ thù.
Nhờ Người và như
Người, chúng ta sẵn sàng chịu vả má phải và
giơ thêm má trái cho họ vả, chứ không như
luật dạy: mắt đền mắt răng
đền răng. Nhờ Người và như
Người, chúng ta không cần che thân, không cần bảo
vệ, sẵn sàng chịu bóc lột áo trong cũng như
áo ngoài. Nhờ Người và như Người không có hòn
đá gối đầu, chúng ta không tiếc xót khi cho vay
mượn, không bám gót của cải, dễ dàng cho đi,
bỏ đi.
Nhờ Người và như
Người đã vác khổ giá, chúng ta sẵn sàng phục
vụ công việc như nô dịch, làm phu như ông Simon vô
cớ bị quân dữ bắt làm phu vác đỡ thánh giá
Chúa. Hơn nữa, còn phải sẵn sàng hy sinh cả
mạng sống để yêu kẻ thù.
Như thế, mới
được trở nên con Cha, Đấng đã làm cho
mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng
như người tốt và cho mưa xuống cho kẻ
dữ cũng như người lành. Chiêm ngắm những
kỳ công bao la đó, Nho gia xưa đã rất ngạc
nhiên kêu lên: “Ôi đạo của bậc thánh vĩ
đại thay! mênh mông như biển
cả, sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục, thánh hóa tất
cả vạn vật trong vũ trụ từ đất
đi tới trời cực kỳ tốt đẹp:
Đại tai thánh nhân chi đạo! dương
dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn
cực vu thiên” (Trung Dung - chương 27)
Thánh như vậy đã “phối
hợp với trời đất rộng dầy cao minh:
bác hậu phối địa, cao minh phối thiên” (Trung Dung
- 26)
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta
thấy ba mức độ thánh thiện:
-
Thánh thiện ở đền
thờ, kinh lễ như hạng tư tế, bị Chúa
phê: quân này mến Ta bằng môi miệng và lòng nó xa Ta.
-
Thánh thiện ở giữ
trọn lề luật như chàng thanh niên giàu có, nhưng
anh thiếu một điều là: hãy về bán những gì
anh có mà cho người nghèo, người nghèo là kẻ thù
của người giàu.
-
Thánh thiện ở yêu kẻ thù,
yêu kẻ thù mới thực là tình yêu chí thiện, chí thánh
phản ánh rõ nét tình yêu Thiên Chúa đã thí mạng sống Con
Một cho kẻ thù: kẻ thù của Thiên Chúa là kẻ
tội lỗi.
Lạy Chúa, xin thánh hóa tình yêu con,
cho con biết yêu mến mọi người, nhất là
những người thù ghét, oán hận con. Amen.