HÀI
HÒA.
1.
Sự
Quan sát
Khi đi học hội họa, thầy giáo đòi hỏi các học sinh làm bài tập
mỗi ngày. Bài tập đầu tiên là quan sát một vật chung quanh và vẽ lại hình ảnh
của vật đó. Một chi tiết rất kỳ thú trong bài học vẽ là không chỉ vẽ sự vật
một lần, mà phải thực tập vẽ đúng 100 lần cùng một vật đó qua những khía cạnh
khác nhau. Thực hành ban đầu thật khó những dần dà với sự kiên nhẫn, các học
sinh đã học được một bài học rất trân qúi. Mọi vật thể mà chúng ta xem thế mà
không phải thế. Có muôn vàn cách diễn tả một vật thể qua nhiều góc độ. Góc độ
của ánh sáng, góc độ của không gian, góc độ của thời gian và ảnh hưởng của các
vật chung quanh.
Cái nhìn của không gian một chiều, hai chiều và ba chiều khác
nhau rất nhiều. Nếu chúng ta để tâm quan sát cảnh vật chung quanh, thật lạ
lùng của sự khác biệt này. Mỗi một thụ tạo và sự hình thành của một thụ tạo
khác nhau nhưng rất hài hòa với nhau. Triêu triệu lá rừng, không có lá nào
giống lá nào. Ngàn triệu bông hoa, không có hoa nào giống hoa nào một trăm
phần trăm. Đôi khi chúng ta nói, giống nhau như đúc, nhưng đúc cùng khuôn cũng
chẳng thể giống nhau hoàn tòan. Nếu có sự giống nhau hoàn toàn chúng ta đâu
cần sự lựa chọn khi mua hàng.
Muốn có sự hài hòa trong môi trường cũng như trong cách xử thế,
chúng ta phải chấp nhận có sự khác biệt và đối nghịch. Người ta chế tạo máy
móc bao giờ cũng có hai bộ phận trọng yếu là phát động và chận đứng, Trong xe
hơi cái phát động làm cho tốc lực mạnh nhưng kề bên có cái thắng để kềm chế
tốc lực. Nhờ đó tránh được mọi sự hiểm nghèo có thể xảy ra. Hai bộ phận mâu
thuẫn ở bên nhau nhưng thực sự là bổ túc cho nhau. Trong xã hội chúng ta
đang sống cũng cần có các thứ đối lập như là lưỡng đảng, đa đảng, nhờ đó có sự
kiềm chế và phát triển vững vàng. Như vậy dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng
phải chấp nhận đối lập, chứ đừng tìm để tiêu diệt.
2.
Sự
Khác Biệt
Chúng ta suy về mầu nhiệm của sự sáng tạo. Thiên Chúa sáng tạo
mọi sự từ hư vô. Mọi sự vật được sinh ra hoàn toàn mới. Thụ tạo nào cũng có
hai giống, giống đực và giống cái, có âm và dương. Lòai người có nam có nữ. Âm
dương hòa hợp, trời đất giao hòa. Đây chính là nguồn mầu nhiệm của sự truyền
sinh. Truyền sinh là sự lặp đi lặp lại cùng một phương thức nhưng kết quả là
một sự sống mới hoàn toàn. Mỗi vật sinh ra dù qua các phương tiện can thiệp
của con người và khoa học thế nào đi nữa, nó đều có một sự sống mới khác biệt.
Chúng ta quan sát mỗi độ Đông về, mọi cây cối lá rụng trơ
trọi. Xuân đến, các cây cối đâm mầm non và hoa lá bắt đầu sinh chồi nẩy lộc.
Mỗi một chiếc lá, một bông hoa đều là kỳ công của Thiên Chúa sáng tạo. Chúng
là thụ tạo hoàn toàn mới trong không gian và thời gian.
Vạn vật khác biệt nhưng luôn hài hòa với nhau tạo ra một cảnh
sống thiên nhiên tuyệt vời. Nhất là vào mùa Thu, khi đi qua những cánh rừng,
chúng ta mới cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa và sự hùng vĩ của thụ tạo. Hình như
Đấng Sáng Tạo vẫn luôn chăm sóc thiên nhiên từ những côn trùng nhỏ bé, những
đàn chim bay lượn và những cánh hoa nhỏ cho đượm thêm màu sắc. Có những nơi
bốn mùa thay đổi, cho dù chẳng bao giờ có dấu chân của con người đặt tới. Cảnh
thể vẫn có đó, vẫn thay đổi mùa này sang mùa khác và vẫn phát triển năm này
qua năm kia. Chúng ta tự hỏi công trình sáng tạo đó để ai nhìn ngắm, ai chăm
sóc và ai đã làm cho nên hình nên dạng. Phải chăng chính là Thiên Chúa, Đấng
đã sáng tạo và tiếp tục công trình của Ngài cho đến tận
cùng.
3.
Phát
Triển
Con người cao qúi hơn mọi loài, vì con người được tạo dựng nên
giống hình ảnh Chúa. Nhìn quanh, chúng ta thấy có biết bao loại người khác
biệt từ màu da, tiếng nói, văn hóa, niềm tin, tôn giáo, ý thức hệ và có nhiều
truyền thống khác nhau. Càng có nhiều khác biệt thì kiến thức của con người
càng đa dạng. Chính sự đa dạng làm nên lịch sử văn minh của nhân loại. Kho
tàng văn hóa đến từ những khả năng khác biệt. Tuy khác biệt về mọi lãnh vực
hiểu biết nhưng con người có thể trao đổi, cảm thông và bổ túc cho nhau nên
hoàn hảo. Nhìn xã hội văn minh với những phát minh khoa học vượt bực, đó là
kết qủa công khó của biết bao nhiêu đời người. Bao nhiêu chất xám suy tư và
phát minh đã góp phần trong việc kiến tạo nền khoa học kỹ thuật tân tiến ngày
nay.
Con người khởi đi từ cuộc sống đơn sơ và chất phát. Bắt đầu họ
dùng sức lao động bằng tay chân và sức người. Đối diện với những khó khăn, con
người đã biết dùng lý trí và khả năng để khắc phục. Từ những phấn đấu cụ thể
đến những phát minh tân tiến. Cộng tác với nhau dưới mọi hình thức, con người
có được những kỹ thuật cao siêu và vượt bực. Không có loài thụ tạo hữu hình
nào vượt trên khả năng của con người. Nếu con người không có những cống hiến
chung, không biết cho đi và chia sẻ thì khả năng của con người sẽ bị đóng
khung hạn hẹp và không thể phát triển tốt được. Các nhà khoa học, bác học,
toán học, hóa học, vật lý học đã góp phần vào sự phát triển kỹ thuật khoa học.
Các nhà tư tưởng học, triết học, thần học, tâm lý học, ngôn ngữ học đã góp
phần vào sự hướng dẫn đời sống tâm linh của con người. Tinh thần và vật chất
không thể tách rời. Các khoa học ngày càng phát triển, con người càng văn
minh, các nhu cầu đòi hỏi càng cao và sự tiến bộ càng nhanh.
4.
Phán
Đoán
Những suy tư và hiểu biết của con người còn rất thiển cận và
giới hạn. Có nhiều người suy tư trong cách nhìn hạn hẹp của mình để phán đoán.
Nên sự phán đoán thường lệch lạc hoặc thiếu phân tích đúng đắn đã gây ra biết
bao hiểu lầm và xung khắc. Trong một vấn đề được trình bày, mỗi người sẽ nhìn
ở những khía cạnh khác nhau trong những môi trường khác nhau. Muốn thấu tỏ
quan điểm của người khác, chúng ta cần học hiểu thấu đáo vấn đề. Trên bề nổi
trình bày, đôi khi còn có những ý ẩn dấu bên trong. Đôi khi chúng ta bị rơi
vào cách lấy bụng ta suy bụng người hoặc là bị thiên kiến. Chân
lý thật bao la, mỗi người được chia sẻ một phần nào của chân, thiện, mỹ. Chúng
ta hãy tôn trọng những quan điểm mà đôi khi họ không cùng bên lề với chúng
ta.
Truyện kể có cô bé vâng lời bà nội đi quét nhà, quét
xong, đến thưa với nội là cháu đã quét sạch. Bà nội liền nói: Có thật là cháu
quét sạch không? Để bà xem lại. Thế rồi bà đi vòng quanh xem xét, bà trở lại
nói với cháu: Nhà chưa sạch, chỗ nào cũng còn đầy bụi, cháu hãy quét lại cho
sạch. Cháu gái vâng lời, lần này cô bé quét kỹ hơn. Sau khi bà xem lại, bà bảo
rằng vẫn chưa sạch, chỗ nào cũng còn đầy bụi. Cô bé nhỏ lại vâng lời đi quét
lại nữa. Bà nội xem xét xong cũng nói như trước. Cuối cùng cô bé phát giác ra
rằng đôi kính đeo mắt của bà nội dính đầy bụi đất. Vì thế mà chỗ nào bà nội
cũng thấy đầy bụi cả.
Ngạn ngữ Tây Phương nói rằng: Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi
nói. Có nghĩa là phải suy nghĩ thật kỹ trước khi phát biểu. Khi phát biểu
chúng ta chịu trách nhiệm về những lời của chúng ta. Quân tử nhất ngôn.
Lời nói của những người có uy tín, như những vị đại diện chính phủ, đại diện
tôn giáo, đại diện cho các nhóm hội, càng phải cẩn thận hơn nữa. Một lời nói
có thể ảnh hưởng đến cả một dân tộc hay một tôn giáo. Lời nói có thể xây dựng
hòa bình mà cũng có thể gây chiến tranh. Kinh nghiệm cho thấy chỉ vì một câu
phát biểu của một vị lãnh đạo, đôi khi bị hiểu lầm nên đã mất bao nhiêu bút
mực, bao nhiêu bài viết để giãi bày và biết bao nỗ lực để hòa
giải.
Nói tóm lại, nhìn sự hài hòa trong vũ trụ, chúng ta nhận
biết sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Con người xã hội cũng cần có
sự hài hòa để dựng xây một xã hội tốt đẹp. Khả năng và tài trí là món qùa của
Thượng Đế ban chung cho con người. Không ai có thể giữ làm của riêng nhưng
phải cùng chia sẻ và đóng góp vào ích lợi chung. Nền văn minh chúng ta đang
thừa hưởng chính là những hoa qủa của các tiền nhân để lại. Chúng ta dùng
những kỷ thuật hiện có để phát triển thêm trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Ước chi mỗi người chúng ta đều góp phần làm cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp,
thăng tiến và hài hòa. Hài hòa đưa dẫn chúng ta đến hòa giải và hòa hợp trong
tình yêu.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York
|