Thánh Phanxicô và phương thuốc đem lại hòa bình và niềm vui
Dù Thánh Phanxicô Assisi được người thời nay liên hệ với vấn đề phúc lợi thú vật và môi sinh nhiều hơn, nhưng nếu khảo sát kỹ đời sống và giáo huấn của ngài, ta sẽ khám phá ra một phương thuốc kỳ diệu có tính Kitô Giáo cho một xã hội bị khóa kín trong lo sợ và đầy biến động.
I. Khung Cảnh
Tuy tọa lạc trên một đỉnh đồi lởm chởm đá tại thung lũng Spoleto miền trung Nước Ý, Assisi của hậu bán thế kỷ 12 vẫn đủ sức đem lại cho các chàng tuổi trẻ đủ mọi thứ cám dỗ của cuộc sống đô thị thời trung cổ. Và dù Perugia và Assisi ngày nay có sức quyến rũ về phong cảnh nên thơ tuyệt diệu của chúng, nhưng những thành quách trên đỉnh đồi đủ nhắc người ta nhớ tới vị thế một thời cạnh tranh đầy bạo lực của chúng. Vốn bị Perugia che mất hào quang cả hai thế kỷ, nên tới năm 1200, Assisi kiêu hãnh bỗng trang bị cho mình một tư thế để chiếm thế thượng phong. Bầu khí trong vùng bỗng trở nên ngột ngạt vì Perugia can thiệp vào nội bộ khiến giai cấp cùng đinh và giai cấp quí tộc của Assisi nổi lên chống nhau. Assisi muốn trả thù. Không khí dân sự vì thế trở thành không khí trả đũa.
Sinh ra trong bầu khí ấy lại được kích thích bởi một nền kinh tế đang đi lên của năm 1181, Thánh Phanxicô là con trai của thương gia giầu có ngành vải là Pietro di Bernardone và người vợ quê vùng Provencal là Pica. Từ thiếu thời, ngài đã bị người cha mớm cho ý niệm này: của cải vật chất là thước đo cuộc hiện sinh. Cho nên chẳng ngạc nhiên gì khi cậu trở thành một thanh niên ham hố và cái ham hố ấy biểu lộ cả trong lãnh vực công dân. Năm 1202, Assisi chính thức phát động chiến tranh chống Perugia. Các nguồn tài liệu cho ta hay: chàng thanh niên Phanxicô, hiện thân của lòng kiêu ngạo, của óc trả thù, của lòng ham hố và vênh vang Assisi, hết sức hân hoan tiến ra trận tiền. Vì cuộc vận động hòa bình sau này của Thánh Phanxicô, nên những người viết tiểu sử của ngài quả không phải chỉ kể lại một câu truyện, mà là dạy ta một bài học.
Cuộc tranh chấp vượt quá sự thù nghịch thông thường. Perugia lớn hơn vốn trung thành với ngôi vị giáo hoàng, trong khi Assisi nhỏ hơn lại về phe với Hoàng Đế Rôma Thần Thánh (Holy Roman Emperor), một tình thế từng khuyến khích bạo lực khắp cả nước Ý trong suốt hai thế kỷ 12 và 13 giữa lúc Đế Quốc Rôma Thần Thánh đang bước vào hồi tan rã. Các cuộc chiến tranh giữa các đô thị Ý như Assisi và Perugia vì thế mà kéo dài liên miên. Các thành thị nhỏ nhiều khi phải sử dụng đến cả những chiến binh con nít tuổi 14. Đời sống hàng ngày trong thế giới Trung Cổ tại Ý được mô tả là “chiến tranh, bất ổn, rối loạn, hận thù, ghen ghét và thèm khát quyền lực”. Sự bất ổn ấy một phần do thiếu thẩm quyền trung ương. Bị dính cứng giữa những lòng trung thành mâu thuẫn đối với giáo hoàng và hoàng đế, các cộng đồng tại thung lũng Spoleto trở thành những miếng mồi cho bạo động. Vì những tranh chấp liên miên ấy, các giai cấp tranh chấp nhau mỗi ngày một trở nên tàn bạo hơn kể từ thế kỷ thứ 10. Theo nhận định của một sử gia, “khủng bố” trở thành phổ biến từ đó. Binh lính chiến đấu bằng cách “cướp bóc và tàn phá giai cấp nông dân không có vũ trang, triệt phá các thửa đất họ canh tác, hơn là chiến đấu trong những trận đánh ‘lương thiện’ với kẻ thù có vũ trang như mình”.
Có cái may, những cuộc tranh chấp ấy khiến các cộng đồng đoàn kết lại. Ý niệm phong kiến về lòng trung thành (fidelitas) không bị lãng quên với việc xuất hiện các thị trấn. Lòng trung thành phong kiến ấy dần dà biến thành lòng trung thành công dân hay cộng đồng, một lòng trung thành đã dựa vào việc sử dụng bạo lực và tranh chấp làm phương tiện tạo ra sự đoàn kết đô thị. Thí dụ, bạo lực vốn có trong xã hội phong kiến trở thành một nguyên tắc cấu thành và tổ chức các nơi như Assisi vì lòng trung thành ấy và việc đòi hỏi quyền lợi không còn là điểm mạnh của các chiến binh nữa. Các hoạt động thị xã, các thương vụ và các biểu thức tôn giáo tất cả đều là cơ hội và dịp may để tham dự vào bạo lực mà thị xã đang phải gánh chịu. Người ta có thể nói rằng không có bạo lực và nỗi sợ khiến dân đoàn kết lại, các đô thị và thị trấn của miền trung và miền bắc Ý đã không được khai sinh. Tuy nhiên, Thánh Phanxicô đã bị cuốn hút vào cơn bạo loạn này. Một trong các nhà viết tiểu sử của ngài cho hay: “không hề nghĩ đến phần hồn của mình và hoàn toàn buông thả đối với thân xác, không hề dùng đầu để phán đoán mà chỉ biết dùng xúc cảm… ngài quả theo đuổi điều hư ảo” (1). Cậu tnah niên Phanxicô không chỉ đi tìm vinh dự bản thân, nhưng còn bị vướng vào cả ý muốn trả thù cho danh dự của thị trấn mình và khẳng định niềm kiêu hãnh chính trị của nó.
Một khía cạnh khác cần xem sét là cơ cấu và thẩm quyền Giáo Hội lúc ấy trong các cộng đồng đang lớn lên. Vào hai thế kỷ 12 và 13, khi các thị trấn Ý mọc lên và cạnh tranh nhau để được độc lập (đối với cả giáo hoàng lẫn hoàng đế), họ thường thấy mình nằm bên ngoài cấu trúc chính thức của Rôma. Cộng đồng đan viện và các cha xứ vẫn theo truyền thống mà làm việc bên trong cơ cấu phong kiến. Họ thường không được trang bị để xử lý những người dân đang sống và làm việc tại một thị trấn mà lạc giáo nền tảng là chủ nghĩa tự do phóng khoáng. Nói chung, giữa lúc sự kiêu căng thế tục và sức mạnh quân sự đang tự tung tự tác, thì người ta thấy vắng bóng hẳn một ảnh hưởng tương xứng từ phía Giáo Hội. Căn cứ vào những khiếu nại lên đức giáo hoàng về con số các giảng thuyết viên giáo dân càng ngày càng gia tăng tại các vùng thành thị, và các vấn đề do họ gây ra cho các vị giám mục sở tại, người ta thấy quả Giáo Hội không được trang bị đầy đủ để đương đầu với các vấn đề tôn giáo độc đáo tại các vùng thành thị.
Vì thiếu kỷ luật tôn giáo, nên cuồng loạn đôi khi đã xẩy ra tại các khu vực đó. Ta hãy nghe một nhân chứng nói về “đời sống bên trong các bức tường thì thường sôi động, ồn ào, cãi lộn. Việc tái lập trật tự bằng cách kéo chuông nhà thờ hay nhờ các đội tuần phòng của thị xã hay chính quyền thị xã là việc xẩy ra hàng ngày”. Cảnh xáo trộn ấy đã góp phần tạo ra những người hành khổ thân xác (flagellants), một phong trào khá thịnh hành tại Perugia vào năm 1259 và tại Bologna vào năm 1260. Lý do thông thường nhất khiến người ta thực hành những hành vi phạt xác đầy bạo lực này là do các giáo huấn sai lạc của Joachim thành Fiore về ngày tận thế. Tình trạng này, tuy thế, vẫn đã tạo cơ hội cho nhiều người ăn năn trở lại (conversion)
II. Ăn Năn Trở Lại
Các thành thị là nơi xẩy ra nhiều vụ ăn năn trở lại, và chính chữ ăn năn trở lại này cũng mang theo một ý nghĩa mở rộng. Ngày nay, nó thường bao hàm việc chấp nhận các giáo lý nền tảng của một tín ngưỡng nào đó. Khởi điểm thường là vì không biết hay không tin. Đối với người Âu Châu thế kỷ thứ 13, thì Kitô Giáo và ý niệm thế giới Kitô Giáo (Christendom), nếu không phải đã trở thành một sự kiện, thì ít nhất cũng là thành phần của một truyền thống chính thức. Nên ăn năn trở lại không có nghĩa như trên, mà có nghĩa là tham gia một dòng tu nào đó. Tuy nhiên, với việc xuất hiện cuộc sống thành thị và sự hiện hữu của những giảng thuyết viên lưu động (itinerant preachers), ý niệm ăn năn trở lại đã có thêm một ý nghĩa nữa đó là một hình thức thay đổi nội tâm, từ lòng đạo cho có lệ thành lòng đạo có hiệu năng. Giữa khung cảnh rối như tơ vò của cuộc sống đô thị, các sứ điệp đơn giản khích lệ người ta trở về với những điều cơ bản của niềm tin Kitô Giáo bỗng được nhiều người lưu ý. Với các chủ thuyết căn bản trong niềm tin Kitô Giáo không bị nghi vấn, nhiều người đi tìm phương thức bất bạo động để làm nguôi sự phán xét của Thiên Chúa tỏ lộ qua chiến tranh, tàn sát, dịch bệnh và nhiều tranh chấp khôn nguôi khác.
Nơi Thánh Phanxicô, phương thức ấy đầu tiên chính là sự nghèo khó theo gương Chúa Kitô và các Tông Đồ. Theo truyền thống, khía cạnh giải thoát của nghèo khó đã được đề xướng như là khía cạnh nền tảng của phong trào Phan Sinh. Và sự kiện ngài không tham gia việc quân sự nữa cũng có nghĩa là ngài từ khước không bảo vệ sự giầu có của người khác, trong đó có những thương gia như chính thân phụ ngài. Do đó, dần dần, Thánh Phanxicô tự tách mình ra khỏi những cạm bẫy của sự giầu có ngay chính lúc nó càng ngày càng được dùng làm thước đo địa vị cho con người ở các thành thị miền trung và bắc Ý. Nhưng thời khắc này khá ngắn. Thoạt đầu, phương pháp từ bỏ của cải vật chất của ngài được chấp nhận và còn tỏ ra hấp dẫn, nhưng tới lúc ngài sắp qua đời, một số anh em của ngài cho rằng của cải vật chất cũng cần thiết cho Dòng. Quan điểm của ngài về nghèo khó quyết liệt đến nỗi ngài thà từ bỏ quyền lãnh đạo vào năm 1220, 6 năm trước khi ngài qua đời, hơn là phải chứng kiến việc chấp nhận để dòng tu của mình thu tích của cải vật chất.
Theo nhà viết tiểu sử của ngài, dù Thánh Phanxicô không bao giờ chỉ trích Giáo Hội, nhưng phương pháp nghèo khó của ngài quả là một khiển trách nặng nề đối với sự giầu có của giáo triều Rôma. Đây cũng có thể là lý do tại sao ngay trước khi qua đời vào năm 1226, ngài đã được di chuyển từ tòa giám mục Assisi về Porziuncola, một trong những cơ sở được ngài trùng tu hồi mới bắt đầu thừa tác vụ.
Dù nghèo khó là điều quan trọng, nhưng vào đầu thừa tác vụ của ngài, đức vâng lời cũng là một nét chủ yếu, đến nỗi mọi khía cạnh khác đều liên kết với nó. Thực vậy, vâng lời là yếu tính của việc ngài ăn năn trở lại. Dù các nhà viết tiểu sử truyền thống vốn nhấn mạnh tới đức khó nghèo của Thánh Phanxicô, nhưng lối giải thích này có hơi đơn giản hóa. Ngài không từ bỏ thế gian nhưng thay đổi tập chú của ngài từ việc tùy thuộc vật chất tới việc tùy thuộc “logos”, tùy thuộc Tin Mừng và Giáo Hội. Nói theo một tác giả, thì cuộc ăn năn trở lại của Thánh Phanxicô là một cuộc trao đổi. Ngài trao đổi chiến tranh lấy hòa bình, tiệc tùng vui chơi lấy đau khổ, của cải vật chất lấy nghèo khó, tất cả là vì tùng phục. Đây là một khước từ chính các giá trị riêng của mình và nên được coi như một từ bỏ bản thân hơn là việc lên án các giá trị của xã hội nói chung.
Thánh Phanxicô không phải là một nhà canh tân chính trị. Trong các trước tác của mình, ngài ít khi lên tiếng cho cả nhóm, mà đúng hơn nói về mình để gây ích lợi cho người khác. Quan niệm hòa bình của ngài mang sắc thái bản thân với giá trị chân thực cho linh hồn cá nhân và cho cả mối liên hệ với người khác. Phương pháp này được chứng tỏ qua mẫu người đến tham gia phong trào của Thánh Phanxicô. Mặc dù từ bỏ giầu có và tài sản, các đệ tử đầu tiên của Thánh Phanxicô đều là những người có gia sản, nhưng chán ghét cảnh tranh chấp khôn nguôi. Sau khi từ bỏ của cải của mình, Thánh Phanxicô thưa với vị giám mục của Assisi rằng: “có của là có nhu cầu dùng vũ khí để bảo vệ nó”. Như thế, rõ ràng, đối với ngài, có của bao hàm chém giết, điều mà ngài hoàn toàn bác bỏ. Trong tinh thần này, ngài khuyên các thập tự chinh không nên dựa vào phương thế quân sự mà dựa vào lý lẽ giúp “anh Thổ Nhĩ Kỳ” trở lại. Với một đức tin bản thân mà ngài cho là chân thật, ta không còn gặp trở ngại nào nữa, và không một kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu, mà ta không dùng đức vâng lời đối với chân lý ấy để chinh phục được.
Vâng lời trước nhất là vâng lời Tin Mừng, sau đó là vâng lời người canh giữ Tin Mừng ấy, là Giáo Hội. Đức vâng lời này xem ra đi ngược hẳn lại các giá trị chính trị thời đó. Thánh Phanxicô không chống đối sự thịnh vượng của thị trấn, mà chỉ chống đối hậu quả tiêu cực của sự thịnh vượng này. Một cách đặc trưng, Thánh Phanxicô dựa vào kinh nghiệm của mình để dạy người ta rằng của cải không có nghĩa là hạnh phúc. Ngài bảo rằng các thói hư căn để chính là việc dửng dưng đối với các bất hạnh của người khác. Ngài khuyên các đệ tử hãy sống bác ái, khiêm nhường và bố thí vì lối sống này sẽ rửa sạch mọi tội lỗi của ta. Phúc thay người nâng đỡ láng giềng mình trong các yếu đuối của họ như thể mình muốn được người khác nâng đỡ nếu rơi vào cùng một hoàn cảnh. Phúc thay đầy tớ nào biết hoàn lại cho Chúa Chủ mọi của cải vì bất cứ ai giữ lại cho mình điều gì là giấu tiền của Chúa Chủ cho riêng mình, và những gì anh ta nghĩ là của anh ta sẽ bị lấy mất đi (2).
Sự quan tâm xã hội này không đơn thuần chỉ là hậu quả của việc chuộc lỗi tạ tội. Trong Di Chúc (1226) của mình, ngài mô tả kinh nghiệm của ngài về người cùi: “Khi tôi còn sống trong tội, thấy người cùi quả là một điều kinh khủng. Chính Chúa đã dẫn tôi tới với họ và tôi đã tỏ lòng xót thương họ. Và khi tôi từ giã họ, điều trước đây kinh khủng đối với tôi thì nay đã biến thành dịu ngọt cho cả linh hồn và thân xác tôi” (3). Thoạt đầu, người cùi làm ngài nôn giọng nhưng khi đã tỏ lòng xót thương họ, thì nỗi khốn cùng của họ trở thành nguồn an ủi thiêng liêng và thể lý. Ý nghĩa ở đây là ta phải chia sẻ nỗi đau của người khác. Đối với Thánh Phanxicô, kinh nghiệm này chính là việc tích cực vâng theo Tin Mừng, một cuộc ăn năn trở lại của ngài.
Ý niệm dịu ngọt được nhiều nhà viết tiểu sử ngài cho rằng hết sức có ý nghĩa. Trong diễn trình ăn năn trở lại này, bất kể là đổi áo với người hành khất, từ bỏ chiến tranh hay xa lánh chúng bạn, Thánh Phanxicô đều cho thấy có dolcezza ẩn tàng trong đó. Họ cho rằng từ ngữ này đồng bộ hóa ba nhận thức tri giác: thị giác (đáng yêu), khứu giác (dịu ngọt) và xúc giác (êm dịu). Tóm lại, việc từ bỏ các giá trị thế tục đã đổ đầy tâm hồn ngài sự dịu dàng đối với thế giới. Việc đồng bộ hóa này thực ra hết sức tiệm tiến. Thoạt đầu, ngài chỉ cảm thấy sự phá sản của các giá trị mà người đời thường dùng để đo lường thành công. Sau đó, ngài mới thấy niềm vui trong việc từ bỏ các giá trị thế tục để sống theo tính đơn sơ của Tin Mừng. Từ đó, ngài cảm thấy hạnh phúc mỗi khi hành động ngược với sự khôn ngoan trần thế.
Chủ đề nổi bật được Giáo Hội nhấn mạnh là Chúa Kitô là người chiến thắng và là người thống trị. Từ lúc Đế Quốc Rôma sụp đổ vào thế kỷ thứ 5 và sự thăng trầm của các thế lực phong kiến, Giáo Hội càng ngày càng trở thành một thẩm quyền bền vững và ổn định. Dù không thách thức tư cách đó, Thánh Phanxicô chú mục tới những nhấn mạnh khác. Đối với ngài, Chúa Kitô là mẫu mực của đau khổ và lăng nhục, một mẫu mực được ngài coi là thích hợp hơn đối với con số người nghèo mỗi ngày một gia tăng nơi phố thị. Tại những thị trấn như Assisi, người giầu người nghèo càng ngày càng cách biệt nhau trông thấy. Chính gia đình ngài xem ra cũng vừa leo lên bình diện tân phú gia, nhóm người luôn coi các giai cấp thấp hơn, nhất là giai cấp công nhân tay chân, là loại đáng khinh. Như một phần trong cuộc ăn năn trở lại, ngài không chỉ nổi loạn chống lại thẩm quyền của cha mình. Đúng hơn, ngài liên minh với người nghèo của thị trấn mà có người cho là chiếm đến 95% số người “làm những việc đổ mồ hôi”. Thực vậy, thừa tác vụ đầu tiên của ngài là làm việc chân tay để tái thiết các nhà thờ đổ nát. Nhiều học giả Phan Sinh nhấn mạnh tới các khía cạnh thiêng liêng của phong trào, nhất là sau khi Thánh Phanxicô qua đời, nhưng đối với ngài, các cố gắng thể lý cũng quan trọng không kém các khía cạnh thiêng liêng kia. Trong Di Chúc, ngài viết rằng: ngài bắt tay làm những việc chân tay ấy vì ngài thấy “Con Thiên Chúa tối cao ở trong đó một cách sờ mó được”. Lao công thể lý, từng bị giai cấp quí tộc tởm gớm, đã nối kết Thánh Phanxicô với người nghèo thị trấn cũng như với đau đớn của con người và việc hạ giá mẫu mực của họ là Chúa Kitô. Người ta vốn để ý tới việc ngài hay mang theo mình cây chổi để bất cứ khi nào vào một thánh đường, ngài có thể quét dọn.
Đối với Thánh Phanxicô, hạnh phúc hay niềm vui liên kết chặt chẽ với việc từ bỏ các khoái lạc trần gian và vâng phục Thiên Chúa. Việc ngài tách mình ra khỏi thế gian diễn ra theo từng giai đoạn mà ta có thể minh họa qua thái độ của ngài đối với luật pháp và đối với người cùi. Trên đây, chúng tôi đã nhắc tới thái độ đối với người cùi của Thánh Phanxicô rồi. Ở đây chỉ nói tới thái độ của ngài đối với luật pháp. Theo Thánh Bonaventura, trong một buổi cầu nguyện tại Nhà Thờ San Damiano, Thánh Phanxicô bỗng nghe có tiếng từ tượng chịu nạn nói với ngài: “Hỡi Phanxicô, con hãy đi và sửa lại nhà Ta. Con thấy đó: nó đang sụp đổ”. Ngài thất kinh khi nghe giọng nói nhưng sứ điệp của nó thì thấm tận vào tim gan nên ngài ngất đi.
Cuộc ngất trí ấy chiếm thế thượng phong, khiến Thánh Phanxicô không những phá luật Giáo Hội mà còn phá luôn luật nhà nước bằng cách đánh cắp một cuộn vải từ kho của cha, mang bán đi để lấy tiền tu sửa ngôi nhà thờ đổ nát San Damiano. Hành vi làm trái ý cha và đánh cắp tài sản của cha này, theo luật, đáng phạt phát vãng. Tuy nhiên, có chứng cớ cho thấy đức cha giáo phận Assisi tỏ ra có thiện cảm với hành vi của Thánh Phanxicô và đã hỗ trợ việc ngài công khai từ bỏ gia đình và quyền thừa kế. Nhưng phần lớn người đồng thời coi ngài như một thứ pazzo (điên). Ngài rất vui với “tước hiệu này”: “Chúa bảo tôi rằng Người muốn tôi là một tên điên mới trong thế giới” (4).
Nói cách khác với hai thái độ đối với người cùi và đối với luật pháp, Thánh Phanxicô muốn chứng tỏ một hình thức tác phong mới đem lại căn bản cho việc đưa xã hội nói chung trở lại với hình thức vâng lời và bác ái đầy cách mạng của Kitô Giáo, giúp phá đổ các giá trị thế tục và xây dựng các giá trị của Tin Mừng. Vào thời của ngài, hình thức tác phong này khá cấp tiến, giống như thái độ yêu kẻ thù của thời hậu 11 tây tháng 9, một thái độ được một số người gọi là “phong cách hiện sinh mới”. Ngài không cho đó là điều mới lạ, mà chỉ là lối sống phù hợp với những gì ta tuyên xưng. Chính nhờ khoác cho sứ điệp của mình bộ áo của Giáo Hội hay lòng đạo đức chính thức, mà ngài nằm ngoài bàn tay những người hay lên án những ai dám lên tiếng kêu gọi người khác trở về với tính đơn giản của Tin Mừng. Ngài từng viết: “Phúc thay người tôi tớ có niềm tin vào hàng giáo sĩ là những người sống ngay thẳng theo nghi thức của Giáo Hội Rôma” (5). Có người coi đây là hành vi vâng lời đầy khôn khéo của Thánh Phanxicô.
III. Hòa Bình
Kết quả của phong cách hiện sinh mới này dĩ nhiên là hòa bình. Thánh Phanxicô không đợi Rousseau dạy cho ngài hiểu tài sản dính kết với bạo lực; ngài thấy điều đó trong cuộc sống hàng ngày của mình. Ngài nói đến việc phải chấm dứt hận thù và sắp xếp một thoả ước mới về hòa bình. Trong “Thư gửi các Nhà Cai Trị các Dân Tộc” (1220), ngài thúc giục các nhà lãnh đạo gạt sang một bên các lắng lo và mưu toan của trần gian. Trong một lời khuyên, ngài viết rằng: “Người kiến tạo hòa bình thực sự là người, bất chấp phải chịu đựng điều gì trên thế giới, họ vẫn duy trì hòa bình… vì tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô” (6). Ngài không ngừng nhắc cho các thị trấn đang gây hấn với nhau hãy kiến tạo hòa bình, hãy thay thế hành vi trả thù bằng hành vi kiến tạo hòa bình trong khiêm hạ.
Cuốn “Những Bông Hoa Nhỏ của Thánh Phanxicô”, một tác phẩm thuộc thế kỷ 14, thuật lại nhiều sự kiện có ý nghĩa. Như truyện thị trấn Gubbio bị kinh hoàng vì một con sói hung dữ, không những rình ăn thịt thú vật mà cả con người nữa. Thánh Phanxicô đã hóan cải được con dã thú này và nó trở thành hiền lành, sống yên ổn với thị dân Gubbio sau đó. Bài học ở đây là: người tuy là sói đối với nhau nhưng tất cả đều được Thiên Chúa tạo dựng để làm anh em với nhau và để sống hòa bình với nhau. Ngài thêm vào “Ca Khúc Tạo Vật” năm 1225 câu gần cuối cùng khi nghe tin giữa các nhà cầm quyền dân sự và các nhà cầm quyền giáo hội tại Assisi có chuyện tranh chấp: “Lạy Chúa, xin ca ngợi Chúa vì những người biết tha thứ vì tình yêu Chúa, biết chịu đựng bệnh tật và khốn khó. Phúc thay những ai biết chịu đựng trong hòa bình vì Chúa, Lạy Chúa Cao Cả, xin Chúa cho họ được vinh quang” (7).
Cố gắng hòa bình của Thánh Phanxicô không có nghĩa là ngài đứng về phe này hay phe nọ. Trong bầu không khí thay đổi lòng trung thành như cơm bữa vào thời ngài, Thánh Phanxicô không biết đến chuyện “chống” lại ai. Ngay khi đứng trước vua quan Hồi Giáo, Thánh Phanxicô cũng không bao giờ lên án ai. Chính nhờ thế, mà vua quan Hồi Giáo chịu lắng nghe ngài. Thánh Phanxicô có khuynh hướng lý tưởng: Ngài muốn hòa bình mà không có người chiến thắng.
Sứ điệp của ngài tuy thế có một âm hưởng rất khẩn trương. Nhà thần học Phan Sinh Thomas Pavia, viết vào năm 1260, cho ta biết nguyên nhân tại sao khi trình bày tư tưởng của Joachim thành Fiore (1132–1202). Tác giả này đưa ra một mô thức để hiểu lịch sử thế giới, một lịch sử rất tương hợp với ba ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thời đại Chúa Cha được ông coi bắt đầu từ “tạo thiên lập địa” cho tới lúc Chúa Kitô sinh ra. Thời đại Chúa Con bắt đầu từ lúc Chúa Kitô sinh ra cho tới năm 1260. Thời đại cuối cùng, là thời đại Chúa Thánh Thần, kéo dài từ năm 1260 đến ngày tận thế.
Liên hệ trực tiếp tới thế kỷ 13, Joachim tiên đoán một dòng tu mới lấy Chúa Thánh Thần, vốn là Tình Yêu của Thiên Chúa, làm hình ảnh, vì dòng tu này không thể khinh chê thế gian và những gì thuộc về nó nếu nó không được Tình Yêu Thiên Chúa kêu gọi và không được cùng một Thần Khí đã dẫn Chúa Kitô vào sa mạc dẫn dắt. Dòng tu ấy không sống theo xác thịt nhưng sống theo Thần Khí. Các tu sĩ Phan Sinh nghĩ rằng lời tiên đoán ấy áp dụng xít xao vào chính mình. Vì Thánh Phanxicô hết sức nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần. Trong Luật Dòng năm 1221, ngài nhấn mạnh tới lối sống theo Thần Khí: “Nếu một người anh em nào đó rõ ràng nhất quyết sống theo xác thịt chứ không sống theo Thần Khí, thì bất cứ người anh em này ở đâu, các anh em khác cũng buộc phải cảnh cáo, giáo huấn và sửa trị người anh em ấy” (8). Con người sống theo thần khí đương nhiên là con người không ham hố và do đó là con người hòa bình.
Việc nhấn mạnh tới Chúa Thánh Thần không phải là điều mới lạ, tuy nhiên vẫn gây ra vấn đề. Thực thế, trước Thánh Phanxicô, vào đầu thế kỷ 12, Peter Abelard cho rằng chân lý được Thần Khí mạc khải và được lý trí chứng nghiệm (9). Dù không bác bỏ sức mạnh của Thần Khí, nhưng ông chủ trương phải khai triển điều ông gọi là vương quốc nội tâm của con người hay vương quốc của tâm trí. Việc khai triển” có tính cách “cá thể” này xem ra không phù hợp với ý niệm trung cổ về một Thế Giới Kitô Giáo thống nhất và thẩm quyền Giáo Hội thể hiện qua hệ thống đền tội hay xá giải (penance). Đối với thời ấy, nhìn nhận sức mạnh của Thần Khí trong mỗi tín hữu xem ra là bác bỏ một phần thẩm quyền của Giáo Hội trong lãnh vực cứu rỗi. Các phong trào nhấn mạnh tới tính thần khí hay tính linh đạo nội tâm từng bị dẹp bỏ trong quá khứ. Bởi thế, khi cuộc đời Thánh Phanxicô được giải thích theo khuôn khổ thần khí hay linh đạo của Joachim, vấn đề trước kia lại được khơi lại. Đến nỗi năm 1209, Đức Innocent III từng chỉ trích phong trào của ngài. Tuy nhiên, sau năm 1209, dòng tu của ngài phát triển nhanh đến độ phải nới rộng cả về tổ chức lẫn cơ sở vật chất. Có người nhận xét: kể từ đấy, sự tương phản giữa sự nghèo khó của tu sĩ Phan Sinh và sự giầu có của Giáo Hội đã giảm đi nhiều lắm.
IV. Niềm Vui
Việc Thánh Phanxicô chủ trương nghèo khó phải được nhìn trong bối cảnh ra đời của ý niệm thị xã tại Ý. Khi tự ý từ bỏ mọi gia sản, Thánh Phanxicô chỉ bước theo khuôn mẫu ăn năn trở lại chung của mọi thời đại. Tuy nhiên, hình thức cực đoan của ngài đã được khai sinh như một phản ứng chống lại tính bạo lực, tính hào nhoáng và sự bất ổn của cuộc sống đô thị lúc đó. Ngài quay trở lại với sự nghèo khó như một lý tưởng, một niềm vui. Trong một tài liệu không rõ niên hiệu, ngài đưa ra một định nghĩa về niềm vui đích thực. Nó không hệ ở các thành tựu trần thế hay ngay cả các phép lạ như chữa được người bệnh chẳng hạn. Ngài mô tả niềm vui là chịu đau khổ, chịu lăng nhục và chịu bị bác bỏ. Ngài tự cho mình có liên hệ với cảnh khốn cùng của người nghèo trong thị trấn và cho thấy rằng tình cảnh đó có thể được chấp nhận một cách hân hoan và còn có thể có ích cho phần rỗi của con người. Ngài đã biến mọi khía cạnh tiêu cực của cuộc sống thành thị thành tích cực.
Sứ điệp của Thánh Phanxicô rất có liên quan tới thời đại của ngài. Đối với ngài, các thành thị không chỉ thiếu vắng Thiên Chúa, chúng thiếu cả các nhân đức. Niềm kiêu hãnh, từng dẫn Assisi tới chiến tranh với Perugia, nên được thay thế bằng khiêm nhường và hòa bình; việc mưu cầu của cải, giầu sang, nên được thay thế bằng khó nghèo. Bầu khí sợ sệt của cuộc sống thành thị, một sợ sệt thường đi đôi với đau khổ, đói nghèo và đe dọa, phải được chữa trị bằng sự tùng phục Kitô Giáo.
Trong chủ trương của Thánh Phanxicô, không chỗ nào dành cho trả thù, trả đũa; niềm vui luôn phải đi đôi với tùng phục. Dù lối sống đơn giản của ngài bị thay đổi phần nào ngay lúc ngài còn sống, nhưng sự nổi tiếng của nó đã được hàng ngàn tu sĩ Phan Sinh chứng tỏ khi họ tràn vào các thị trấn đang xuất hiện của Âu Châu và hiện thân hóa điển hình sống theo Kitô Giáo của ngài. Đó là một điển hình không mưu cầu đối kháng nhân danh chủ nghĩa duy vật làm phương thuốc cho sợ sệt, nhưng là bác bỏ các thói hư đi đôi với việc chấp nhận đau khổ một cách lạc quan, đầy hòa bình, vâng phục và hân hoan.
Ghi Chú
(1) Henry D’Avranches, The Versified Life of Saint Francis of Assisi (1232–1239) trong Francis of Assisi: The Saint, 430.
(2) “Later Admonition and Exhortation To the Brothers and Sisters of Penance (Bản Thứ Hai của Thư Gửi Tín Hữu) (1220?) trong Francis of Assisi: The Saint, 47; “The Undated Writings, Admonitions [18: Cảm Thương Người Lân Cận]” trong Francis of Assisi: The Saint, 134.
(3) “The Testament,” Francis of Assisi: The Saint, 124.
(4) Celano, “First Life,” Writings and Early Biographies, 12.
(5) “The Undated Writings, Admonitions [26: Các Tôi Tớ Chúa Hãy Kính Trọng Hàng Giáo Sĩ]” Francis of Assisi: The Saint, 136; Xem thêm “Luật Đầu Tiên (Luật Chứa Được Đức Giáo Hoàng Chuẩn Nhận)” (1209/10-1221) [Chương 19: Anh em Nên Sống Như Người Công Giáo] trong Francis of Assisi: The Saint, 77.
(6) “The Undated Writings, Admonitions” [15: Hòa Bình], Francis of Assisi: The Saint, 134.
(7) “The Canticle of the Creatures” (1225) trong Francis of Assisi: The Saint, 113–14.
(8) Thánh Phanxicô theo gương Thánh Phaolô, “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8:6). Thánh Phanxicô Assisi, “Luật năm 1221,” trong Writings and Early Biographies, 35–36.
(9) Abelard vẫn được truyền thống coi là đặt lý trí lên trên mạc khải trong cuộc đi tìm chân lý, nhất là lúc ông tranh luận với Thánh Bernard thành Clairvaux. Tuy nhiên, đó chỉ là cái hiểu bị bóp méo vì ông vốn nhìn nhận các nguy hiểm của việc lẫn lộn hứng khởi xúc cảm với đức tin. Ông cho rằng lý trí có vai trò minh xác những điểm chưa được giải quyết của đức tin. Xem Heer, The Medieval World, 112–13; Southern, The Middle Ages, 231–32.
Theo Christian Ohan, Logos số 1, bộ 13 năm 2010.
Vũ Văn An
|