Mẹ
Maria, Đấng duy nhất được lãnh nhận
ơn Tiền Cứu Rỗi (3)
4.3. Những phát biểu của
Tòa Thánh
Cuộc
tranh luận giằng co kéo dài hàng thế kỷ giữa hai
học phái Scotisten (môn sinh của Duns Scotus) thuộc Dòng
Phan-xi-cô và Thomisten (môn sinh Thomas Aquinô) thuộc Dòng Đa Minh,
về sự „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ Maria, hay
nói đúng hơn giữa hai quan điểm đối lập
nhau: một bên khẳng định Mẹ Maria hoàn toàn vô nhiễm
Nguyên tội; còn bên kia lại quả quyết Mẹ Maria
không vô nhiễm nguyên tội, ít là trong một thoáng thời
gian nào đó.
Vào
năm 1477, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV (1414-1484), xuất thân
là một Thầy Dòng Phan-xi-cô, đã cho cử hành Đại
Lễ „Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội“ vào
ngày 8 tháng 12 hằng năm với những lời nguyện
và bài đọc riêng (x. DH 1400)(1). Trong Tông hiến „Grave
Nimis“ của ngài ban hành năm 1483,
ĐGH Sixtus IV đã kết án tất cả những ai cho rằng
quan điểm của những người ủng hộ
ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ Maria là lạc đạo
và khẳng định rằng Giáo Hội Roma chỉ chấp
nhận sự thánh hóa của Mẹ Maria trong dạ mẹ
trước khi được sinh ra mà thôi (x DH 1425tt).
Trong
quy tắc 6 của Sắc Lệnh về tội Nguyên tổ
ban hành năm 1546, công đồng Tridentinum đã dựa theo
Tông Hiến „Grave Nimis“ và giải
thích: „Nhất trí với giáo huấn này (Tông hiến Grave
Nimis), Công đồng không có ý nói bao hàm cả Mẹ Maria, Rất
Thánh Trinh Nữ vô nhiễm nguyên tội và là Mẹ Thiên Chúa,
khi đề cập tới tội Nguyên tổ“ (DH 1516).
Và
từ từ khuynh hướng các ý kiến trong Giáo Hội
đã nghiêng hẳn về quan điểm quả quyết „Đức
Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội“, đến nỗi
năm 1617 Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã ra lệnh cấm
không ai được phép công khai đưa ra ý kiến
ngược lại với giáo huấn về sự „Vô Nhiễm Nguyên Tội“ của
Mẹ Maria. Tuy nhiên, Đức Phaolô V vẫn
không chống lại quan điểm ngược lại.
Sau đó, vào năm 1622 Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô XI áp dụng
lệnh cấm của Đức Phaolô V một cách nghiêm ngặt
hơn nữa. Ngài chỉ cho phép các nhà thần
học thuộc Dòng Đa Minh chỉ được tiếp
tục tranh luận về vấn đề trong nội bộ
Dòng mà thôi.
Và
với phong trào sùng kính Mẹ Maria được bành
trướng sâu rộng và mạnh mẽ trong Giáo Hội
vào thế kỷ XIX, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã đích
thân can thiệp vào vấn đề. Năm 1849, ngài đã
viết thư thỉnh ý tất cả các Giám Mục trên khắp
thế giới về vấn đề „Vô Nhiễm Thai“
của Mẹ Maria. Trong số 606 Giám Mục trên khắp thế
giới trả lời thư của Đức Thánh Cha, có
tới 546 vị đồng ý việc tuyên bố giáo huấn
„Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội“ thành tín
điều. Một điều đáng chú ý là hầu hết
các Giám Mục còn tỏ ra do dự, đều thuộc vùng
lãnh thổ nói tiếng Đức. Thái độ do dự của
các vị Giám Mục này đã nói lên tình trạng nội bộ
của Giáo Hội tại Đức quốc vào lúc bấy
giờ, những điều kiện bên ngoài đáng lo ngại
của đời sống Giáo Hội và cả những vấn
đề thần học.
Thật vậy, quan điểm của
đa số các đại học thần học ở
Đức đều không tán thành việc tuyên bố thành
tín điều. Nhưng không chỉ các nhà thần học Đức,
mà ngay cả một số các nhà thần học ở Roma
cũng tỏ thái độ dè dặt và thật trọng.
Lý do chính thường được đưa ra là giáo huấn
đức tin về ơn „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ Maria thiếu nền tảng
Kinhn Thánh. Tuy nhiên, đại đa số các nhà thần học
này hoàn toàn sẵn sàng ủng hộ, nếu Đức Giáo
Hoàng tuyên bố thành tín điều.
Vì
thế, sau khi được các Ủy ban thần học,
nhất là hai nhà thần học nổi danh thuộc Dòng Tên
là các giáo sư Giovanni Perrone và Carlo Passaglia, nghiên cứu, phân
tích, tìm hiểu và sửa soạn một cách khách quan,
đầy đủ và khoa học, Đức Giáo Hoàng Piô
IX đã tuyên bố trong Sắc chỉ „Ineffabilis Deus“
vào ngày 8.12.1854: „Giáo huấn dạy rằng Đức
Trinh Nữ Rất Thánh Maria, do một ân sủng đặc
biệt đã được Thiên Chúa toàn năng ban cho, nhờ
vào công nghiệp Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc
nhân loại (intuitu meritorum Christi Jesu Salvatoris humani generis),
đã được gìn giữ khỏi mọi vết
nhơ của Nguyên tội (ab omni originalis culpae labe
praeservatum immunem) ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ
được cưu mang (in primo instanti suae conceptionis),
đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải
được tất cả các tín hữu tin tưởng
một cách chắc chắn và bất lay chuyển“(2).
Như
vậy, với sự hưởng ứng rộng rãi của
các tín hữu và của các Giám Mục trong toàn Giáo Hội,
Đức Giáo Hoàng Piô IX đã kết thúc sự phát triển
của giáo huấn đức tin về sự „Vô Nhiễm
Nguyên Tội“ của Mẹ Maria và long
trọng tuyên bố thành tín điều, nghĩa là một sự
thật đã được mặc khải từ trời
cao và vì thế, mọi tín hữu Công Giáo đều bó buộc
phải tin nhận.
Đứng
về phương diện nhân chủng học thì tín điều
„Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội“ mang một ý nghĩa rất quan trọng,
giúp ta hiểu được việc Thiên Chúa kén chọn và
ban ân sủng cho mỗi người theo sự an bài đầy
khôn ngoan và yêu thương của Người (như
nơi Mẹ Maria), cũng như sự hiện thực sự
tự do của con người. Nói cách khác, sự tự do
bất khả xâm phạm của con người mà Thiên Chúa
đã ban cho mỗi người khi Người dựng nên
họ, không chút mảy may bị hạn chế hay giảm
thiểu bởi sự an bài hay tiền định của
ân sủng trong việc cứu rỗi con người,
nhưng trái lại càng giúp con người một cách tích cực
hơn trong việc hiện thực sự dự do của
mình một cách đúng đắn.
Trong
Sắc chỉ về sự định nghĩa tín điều
„Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai“ của ngài, ĐGH
Piô IX đã trưng dẫn chính những hình thức tôn sùng
Mẹ Maria khác nhau trong Giáo Hội. Vì không chỉ các nhà thần
học ở Đông phương, nhưng cả các nhà thần
học ở Tây phương cũng đều cho rằng
việc ca tụng Mẹ Maria bằng những ngôn từ
hay đẹp, bóng bảy và chải chuốt là điều
cần thiết, nhưng chưa đủ để làm nổi
bật được phẩm giá cao cả và vai trò quan trọng
của Mẹ Maria một cách thực tiễn. Chỉ khi
các tín hữu cử hành một cách sốt sắng lòng tôn
sùng Mẹ Maria với tất cả tình yêu mến và sự
biết ơn qua các kinh nguyện và thánh ca Phụng Vụ của
Giáo Hội.
Đây cũng là quan điểm của
thánh Anselm thành Canterbury, tổ phụ của phái
Kinh Viện. Thánh nhân lồng
ghép những luận cứ của mình về Thánh Mẫu học
vào trong thái độ sùng kính Mẹ Thiên Chúa và tâm tình cảm
tạ Chúa vì Mẹ. Theo thánh Anselm, nếu giả thử Con
Thiên Chúa được sinh ra bởi một người nữ
có tội, thì vẫn không có gì là vô lý khi khẳng định
rằng Người „được cưu mang bởi một
người Mẹ hoàn toàn tinh tuyền cả. Nói đúng
hơn, người trinh nữ ấy cần phải tỏa
sáng ra trong một sự tinh tuyền như thế, bởi
vì người ta không thể tưởng tượng
được là sự cao cả của nàng lại không
đến từ Thiên Chúa“(3).
Lối
suy tư nhằm „tuyệt hảo hóa“ phẩm
giá Mẹ Maria một cách vượt mực như thế,
đã được nhà thần học Wilhelm von Ware(4), và
rõ ràng nhất là nhà thần học Chân phước Duns
Scotus, đã nâng lên thành nguyên tắc. Bởi vì, trong Thánh Mẫu
học, người ta luôn luôn có những lý do chính đáng
và đầy thuyết phục, để khẳng định
được rằng không ai có thể có được
tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng đầy
tích cực và tuyệt hảo, vì Mẹ Maria là Đấng
tuyệt hảo, hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Nơi Mẹ không vấn vương bất cứ
tì vết tội lỗi nào, dù Nguyên tội hay tội riêng
và dù nhỏ mọn đến đâu.
Do
đó, mỗi khi phát biểu điều gì về Mẹ
Thiên Chúa, thì điều đó tất nhiên phải là sự
vinh quang lớn lao nhất của Mẹ. Và cũng do
đó, mặc dù trong các suy tư thần học người
ta luôn cần phải giữ thái độ dè dặt và thận
trọng, nhưng không phải vì thế mà trong Thánh Mẫu
học người ta được phép thiếu đi
thái độ yêu mến, kính phục và cảm xúc được.
Bởi vì, sự tranh luận về Thánh
Mẫu học nhằm hướng tới một người.
Khi
đề cập tới chủ đề về „Mẹ
Maria“, Công đồng Vatican II cũng đã khẳng
định lại tín điều „Đức Mẹ Vô
Nhiễm Nguyên Tội“ và trình bày một cách tích cực,
nhưng đồng thời cũng rất ngắn gọn.
Trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội „Ánh Sáng Muôn Dân“ (Lumen Gentium), Công đồng Vatican II đã
viết: Mẹ Maria „tràn đầy thánh thiện, có một
không hai, ngay từ giây phút đầu tiên lúc mới
được thụ thai“ (LG, số 56). Cũng như
sự tương quan với Nguyên tổ A-dong theo dòng giống,
các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh đến sự
tham chiếu mang tính cách Kitô học của tín điều và
tầm quan trọng mang tính cách Giáo Hội học của
nó: Vì Mẹ Maria „thuộc dòng dõi A-dong, nên Mẹ cũng
liên kết với tất cả mọi người cần
được cứu rỗi“. Nhưng Mẹ
Maria „đã được cứu rỗi một cách kỳ
diệu nhờ công nghiệp của Con Ngài và hiệp nhất
mật thiết và bền chặt với Con“. Và vì
„Mẹ Maria đã lãnh nhận nhiệm vụ và vinh dự
cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó
làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần“
(LG, số 53).
________________
1. DH là viết tắt của chữ
Denzinger-Hünermann, một công trình tổng hợp tất cả
những quyết định về các giáo lý của Giáo Hội
Công Giáo, do hai nhà thần học Heinrich Denzinger và Peter
Hünermann thu thập và xuất bản.
2. DH 2803; xem Courth, Texte, Nr. 106.
3. De conceptu virginali et
originali peccato 18; xem Courth, Texte, Nr. 87.
4. Wilhelm, một nhà thần học thuộc
Dòng Phan-xi-cô, cất tiếng chào đời tại Ware
(Hertfordshire) vào khoảng năm 1255 và qua đời vào
năm 1300. Năm 1283 Wilhelm học tại đại học
Oxford và sau đó ông là người đầu tiên dạy
tại Học Viện của Dòng Anh Em Hèn Mọn cũng tại
Oxford và rồi ông cũng dạy tại Paris. Một
trong số những người học trò ưu tú của
ông là Chân phước Johannes Duns Scotus, nhà thần học thời
danh thuộc Dòng Phan-xi-cô. Qua cách suy tư và nhận thức
thần học của ông, Wilhelm von Ware đã quan tâm đặc biệt tới những kết
quả của nền thần học và triết học thế
kỷ XIII. Đặc biệt nhất là ông đã mạnh mẽ
bênh vực luận đề „Vô Nhiễm Nguyên Tội“
của Mẹ Maria, và chắc chắn rằng quan điểm
này của ông về Mẹ Maria đã có một ảnh
hưởng quyết định trên tư tưởng của
Duns Scotus sau này về chính luận đề „Vô Nhiễm
Nguyên Tội“ của Mẹ Maria. Còn về
tổng thể triết học, ông có khuynh hướng
thiên về học thuyết Aristote, nhưng trong các chi tiết
ông lại trung thành với quan điểm của thánh
Augustinô. Ý niệm khoa học của ông
hoàn toàn đặt cơ sở trên toán học. Trong khi
đó, khoa thần học đối với ông là quy tắc
chiêm niệm theo tư tưởng Thánh
Augustinô, chứ hoàn toàn không phải là một khoa học. Đối tượng chính của khoa thần học
là Thiên Chúa dưới góc nhìn sự thiện. Ông ca ngợi giáo huấn của thánh Augustinô về
Thiên Chúa Ba Ngôi.
(Còn tiếp)
Lm Nguyễn
Hưu Thy