Một bích họa “đức tin” vô cùng đa dạng và sống động, đó là điều mà có lẽ ai cũng nhận ra khi về với Đại lễ bế mạc Năm thánh của Giáo hội Việt nam năm 2010 tại Lavang. Về mặt số lượng, Theo thông báo từ Ban tổ chức, chỉ tính đến chiều 5/1, đã có hơn 400 ngàn khách hành hương tập trung về Thánh địa, và dĩ nhiên, mỗi người đến đây đều mang theo tâm tình của riêng mình. Từ góc độ văn hóa vùng miền, đó là sự góp mặt của tất cả 26 Giáo phận đến từ 3 Giáo tỉnh. Trước một phối cảnh quá phong phú như vậy, chỉ xin được ghi lại một dấu chấm nhỏ, qua câu chuyện của buôn làng Lang Ko Yahlong.
Lang Ko Yahlong thuộc cứ điểm truyền giáo Plei tột, Pleiky, giáo phận Kon tum, cách Thánh địa Lavang chừng 800 km. Sáng sớm ngày mồng 4/11, bà con Yahlong đã lặn lội ra khỏi buôn làng, bắt xe đò ra Lavang cho kịp ráp chương trình diễn nguyện. 800 ngàn là chi phí cho hai lần đi và về, số tiền không quá lớn nhưng với bà con Yahlong, đó là cả một vấn đề. Chẳng vậy mà
“Buôn làng Ko Yahlong có 132 người, nhưng chỉ có 6 người đến đây thôi, ai cũng muốn đi, nhưng họ không có tiền” (Phó tế vĩnh viễn Siu Kxor, người dẫn đoàn cho biết).
Nói như thế để thấy, để có thể góp được khuôn mặt của mình vào đoàn con cái Mẹ, bà con Yahlong đã phải hy sinh rất nhiều. Họ không chỉ
“ra khỏi buôn làng, khỏi văn hóa nương rẫy thường nhật” như lời người dẫn Đình Bảng đã nói trong đêm Diễn nguyện, khi nói về các bà con các dân tộc Tây Nguyên, mà hơn thế, họ còn ra khỏi những níu giữ, ngăn trở vì khó khăn vật chất; khỏi những lý lẽ bạc tiền.
Nhưng câu chuyện về buôn làng Yahlong chưa dừng lại ở đó. Tôi thực sự bất ngờ khi thầy Siu Kxor cho biết:
“Ko Yahlong là làng của các bệnh nhân mắc bệnh phong cùi” . Một nụ cười nhẹ, một cái lắc đầu khi tôi hỏi:
“Để ra được Lavang, mấy chị có vất vả lắm không?” . Hai chữ vất vả mà tôi đã dùng xem ra quá nhẹ, bởi chỉ trong sinh hoạt hằng ngày, để có thể đối diện và vượt qua dị nghị của cộng đồng, với mặc cảm của chính mình, họ cũng đã quá vất vả rồi, nói chi đến việc hiện diện giữa một Đại lễ, với những người hoàn toàn xa lạ.
Sáu khuôn mặt của làng Yahlong, một con số quá nhỏ trước biển người ngột ngạt, nhưng lại là những khuôn mặt nổi bật, bởi họ đã mang trong mình tất cả những gì mà mỗi khách hành hương phải có, khi đến với Mẹ Lavang. Qủa thực họ đã mang trong mình “pram jua Đaõ gưt kơj ăp khăp kơtang” (niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa) ; đã thực hiện một cuộc vượt qua giữa đời thường.
Cám ơn Đức Mẹ, vì với con, được gặp họ giữa biển người này là một “bưng hiem” (ân ban) thực sự.
Antôn Minh Vũ