Qua bài viết này, con xin tri ân
Giáo sư võ sư Bùi Thế Cần, Giáo sư võ sư Nguyễn Tăng Vinh, thầy
Hiệp, thầy Tiến, thầy Phong, thầy Hậu, thầy Hoàng; và cũng hết
lòng cám ơn quí bạn đồng môn của hai CLB Aikido Phú Nhuận và Đạo
Đường Đa Kao.
Vào tháng
giêng năm 2010, trong dịp đi thăm bệnh nhân hằng tuần tại bệnh
viện Columbia, thành phố West Palm Beach, Florida, tôi gặp một
bệnh nhân khoảng chừng 70 tuổi. Cũng như vài bệnh nhân tôi đã
gặp, ông đã đặt câu hỏi về sự dữ, sự ác, sự bất công trong thế
giới loài người. Dù ông tỏ lộ niềm vui khi gặp một chủng sinh
công giáo, nhưng đồng thời ông cũng tỏ thái độ thách thức đối
với tôi, người mà theo ông có thể biết về Kinh Thánh, thần học.
Ông hỏi như thách thức: “Anh hãy cho tôi biết, tại sao Chúa lại
để cho cháu gái tôi, mới 9 tuổi đã phải mắc bệnh ung thư? Tại
sao Chúa không để cho tôi mắc bệnh ung thư thay cho nó? Nếu có
Chúa, tại sao Ngài lại để như vậy? Sao Ngài lại để cho sự ác
hoành hành trong thế giới con người? Anh hãy cho tôi biết đi để
tôi tin vào Chúa! Tôi có làm gì gian ác đâu mà sao Ngài lại
trừng phạt tôi? Cháu tôi chỉ là đứa bé vô tội, sao Chúa lại
trừng phạt nó? Anh hãy nói đi, hãy trả lời đi để tôi tin vào
Chúa”
Tôi nhìn
người đàn ông với ánh mắt thông cảm, yêu thương. Tiến lại gần
hơn, nắm tay ông, nhìn ông, cúi gần xuống, tôi nói. “Thưa ông,
cho tôi xin lỗi. Tôi không biết.”
Nghe xong câu
trả lời, sắc mặt ông đột nhiên biến đổi; từ thái độ thách thức,
tức giận, oán than, qua thái độ chấp nhận và chia sẻ. Với giọng
nhỏ nhẹ, ông đáp, “Anh nói đúng, tôi đồng ý với anh. Anh không
biết.” Tiếp theo, ông không còn tỏ thái độ “thách thức” tôi nữa;
ông đón nhận tôi, ông chấp nhận sự hiện diện của tôi bằng cách
bộc bạch những khó khăn trong đời sống, trong gia đình, và trong
cuộc đời ông. Ông cũng dần dần nhận ra Chúa trong đời ông, trong
hoàn cảnh mà cháu ông gặp phải. Tóm lại, ông đã mở lòng để thấy
sự hiện diện của Chúa trong những hoàn cảnh đau thương trong
cuộc đời ông.
Ngay khi mới
gặp bệnh nhân này, tôi như bị “tấn công” bằng những đòn hiểm độc.
Ông “ra chiêu” đánh thẳng vào “Thiên Chúa của tôi.” Ông đánh
thẳng vào Truyền thống, vào Giáo hội, vào tất cả những nền tảng
mà tôi tin, tôi sống, và tôi theo đuổi bảo vệ. Máu anh hùng, máu
hiểu biết trổi dậy trong tôi ngay lập tức. Cái cám dỗ muốn dùng
kiến thức Kinh Thánh, thần học để lý giải và để giúp cho ông
hiểu đã trổi dậy trong tôi. Tôi muốn dùng kinh nghiệm đau khổ cá
nhân để nói về sự quan phòng của Thiên Chúa. Tôi muốn dùng hình
ảnh khổ nạn của Chúa Giêsu để khuyên ông vâng phục như Ngài. Tôi
muốn chia sẻ với ông những tư tưởng của các thánh, của Mẹ Têrêsa
Calcultta về giá trị của đau khổ,… Nhưng không, tôi dừng ở đó,
tôi im lặng và nhìn ông, nắm tay ông (điều mà không phải ai ai
cũng làm khi gặp bệnh nhân, nhất là người ấy không phải là người
thân của mình). Tôi nhớ đến kỹ thuật Aikido, tôi áp dụng nó, và
kết quả dường như giúp ông phần nào.
* * *
Aikido (合気道)
– Hiệp Khí Đạo là môn võ
thuật được tổ sư Morihei Ueshiba (1883 –1969) sáng chế. Nguyên
tắc của Aikido là hòa hợp, là lấy nhu thắng cương, là lấy yếu
chế ngự mạnh. Theo tiếng Anh, Aikido có nghĩa là “the way of
harmonious spirit,” tạm dịch, “phương cách hòa hợp tinh thần.”
Aikido không phải là môn võ tấn công, thắng hay bại, nhưng là
tự vệ (self-defense) và hòa hợp. Vì thế, để tập luyện cần phải
có hai người để cùng giúp nhau mỗi ngày mỗi cảm nghiệm thêm và
cùng thăng tiến cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong một dịp tĩnh
tâm tại chủng viện St. Mary, Philadelphia, vào năm 2009, tôi tìm
gặp bốn nguyên tắc trong Aikido mà theo tôi, bốn nguyên tắc này
có thể được dùng để áp dụng cho đời sống tinh thần, đặc biệt cho
đời sống nội tâm, cũng như trong mục vụ. Vì lẽ đó, tôi chia sẻ
bốn nguyên tắc này, để dù bạn là người không hề biết Aikido là
gì, nhưng nếu bạn nghiền ngẫm bốn nguyên tắc này, phần nào bạn
có thể tìm thấy vài ích lợi nho nhỏ trong đời sống nội tâm và
mục vụ.
1.
Observe – Quan sát:
Khi hai đối thủ gặp nhau, điều quan trọng trước tiên phải là
quan sát. Quan sát xem thử đổi thủ “ra chiêu” gì. Aikido không
có chiêu thức gì cả, nhưng chỉ chờ đối thủ ra chiêu và dùng sức
mạnh của đối thủ để chế ngự đối thủ. Trong đời sống nội tâm cũng
vậy, có những hoàn cảnh “trái ý” xảy đến, ví dụ như những lúc
ta cô đơn, buồn phiền, nghịch cảnh. Điều ta cần phải làm là dừng
lại để “quan sát” chúng. Thông thường ta ít khi dừng lại để quan
sát, mà ta thường có phản ứng (react) ngay. Ví dụ ai nói điều gì
động đến ta, ta dễ dàng “nói lại” (talk back) ngay; ta dễ dàng
trả đũa trong những hoàn cảnh trái ý ngay. Theo nguyên tắc thứ
nhất này, thay vì phản ứng, ta có thể dừng lại để “quan sát” sự
kiện làm ta khó chịu hay bực mình. Ta có thể dừng lại để “nhìn”
nó, và để chỉ nhận ra nó mà thôi.
Trong trường
hợp trên, tôi đã dừng lại để quan sát thái độ “ra chiêu” của ông
lão và nhận thấy rằng, thực ra nơi ông cũng có những đau khổ, lo
sợ của một kiếp người. Những câu hỏi “tấn công” tôi liên tục
biểu hiện một thái độ lo sợ cho sự an toàn, lo sợ cho tương lai;
ông dường như mất niềm tin vào Thiên Chúa. Nhờ quan sát tôi nhận
ra rằng, điều ông đang cần là tìm một ai đó để chia sẻ, để lắng
nghe, chứ chưa chắc ông đã oán giận Thiên Chúa thực sự.
2.
Receive – Đón nhận:
Mức độ thuần nhuyễn của người tập luyện Aikido là ở chỗ biết
tiếp nhận/cảm nhận lực tấn công của đối phương. Aikido không
dùng sức để chống lại, để đối kháng, mà trái lại, áp dụng nghệ
thuật tiếp nhận/cảm nhận sức mạnh của đối phương và dùng chính
sức mạnh của họ đó để chuyển hướng họ. Trong đời sống nội tâm
cũng thế. Những cuộc tấn công như vũ bão của thế gian, xác thịt
là có thật. Nếu ta chạy trốn chúng, thì ta sẽ chạy đến bao giờ?
Làm sao ta chạy trốn khỏi thân xác, khí huyết ta được? Làm sao
ta có thể chạy trốn khỏi thế giới này được? Danh-Lợi-Thú có đó,
hiện diện đó trong thế giới và trong mỗi con người. Hãy quan sát
chúng và đón nhận chúng như chúng là. Không suy nghĩ gì thêm
hơn, không tưởng tượng gì thêm hơn; hãy nhìn và chấp nhận sự
hiện diện của chúng như chúng là.
Trong hoàn
cảnh trên, tôi đón nhận người bệnh nhân này. Tôi để ông “tấn
công” tôi và tôi tiếp nhận những “chiêu thức” của ông. Tôi không
phản ứng ngay, nhưng cứ để ông “ra đòn.” Khi người ta uẩn ức,
buồn phiền, lo lắng, người ta chỉ muốn tìm một ai đó để trút
“bầu tâm sự.” Đó là lúc ta tiếp nhận họ, tiếp nhận “chiêu thức”
của họ. Làm như vậy không có nghĩa ta bị lép vế, bị thua cuộc.
Nhưng thực ra ta đang phần nào giúp họ thoát ra tình cảnh buồn
phiền, uẩn ức. Ta tỏ bày tình yêu và sự quan tâm đến họ. Họ cần
người có khả năng lắng nghe và cảm thông với tất cả trái tim và
khối óc.
3. Relax –
Thả lỏng: Trên sàn đấu võ, ta trở thành mục tiêu để đối
phương tấn công. Mục tiêu ấy có thể là tay, chân, hoặc thân thể
của ta. Khi hai kình địch gồng tay nhau, bỗng một bên thả lỏng,
người kia sẽ hớ đà. Khi chiêu thức của đối phương vừa “chạm” đến
ta, ta thả lỏng, không chống cự, nhưng chỉ xoay người làm cho
đối phương bị hớ đà vì do ta đã thả lỏng hoặc né tránh. Đánh vào
mục tiêu thì có giá trị, chứ đánh vào khoảng không thì vô nghĩa,
chỉ mất thăng bằng, hớ đà và té ngã. Đời sống nội tâm của ta
phần nào cũng tương tự như vậy. Khi bị tấn công từ những cơn cám
dỗ, bị hiểu lầm, bị lên án, gặp nghịch cảnh,… Đừng “gồng mình”
để tự biến mình thành mục tiêu cho “đối phương” tấn công. Chết
ngay, ta không đủ sức chống lại chúng đâu! Đừng nghĩ là mình có
đủ sức mạnh để chống trả, để quật ngã chúng. Hãy di chuyển mục
tiêu làm chúng bị hớ và té ngã. Hãy thả lỏng và chuyển mục tiêu
“ta, tôi” qua Bí tích Thánh Thể. Hãy thả lỏng và để Chúa trở nên
mục tiêu của chúng. Chúng làm được gì với sức mạnh của Thánh Thể?!
Tại bệnh viện,
tôi đã thả lỏng vì hiểu rằng, những “đòn” tấn công của bệnh nhân
đó thực sự đâu có nhắm vào tôi. Nếu một chủng sinh khác có mặt
hôm đó thì bệnh nhân ấy cũng sẽ tuôn ra những lời tương tự như
vậy. Hóa ra, ông đâu ghét gì tôi mà “chửi” hay “thách thức” tôi.
Nếu tôi phản ứng bằng cách “giảng dạy, lên lớp” ông thì tôi mắc
bẫy, tôi bị cuốn vào một cuộc chiến hơn thua giữa tôi với ông.
Ông sẽ thêm giận, tôi cũng thêm bực mình. Và có thể tồi tệ hơn
là ông sẽ gọi bảo vệ, y tá để “tống” tôi ra khỏi phòng của ông.
Những bất bình, nghịch cảnh là có thật trong đời sống, nhưng
thực ra chúng đâu hiện diện mãi mãi trong đời ta được. Đừng quá
để ý đến chúng, đừng để ta trở thành mục tiêu cho chúng. Hãy thả
lỏng, đừng nắm giữ chúng lại – chúng đến rồi đi như nước - chảy
- mây – trôi.
4. Let go
– Buông thả (té ngã): Khi ta (mục tiêu) đã xoay chuyển hướng,
thì cú đòn của đối phương nhắm vào ta đã bị chuyển vào khoảng
không, vô giá trị. Từ thế yếu, ta chuyển qua thế mạnh; từ kẻ bị
tấn công, ta làm chủ thế trận. Như thế, chỉ cần một động tác nhỏ
là ta có thể quật ngã được đối phương. Tương tự như thế trong
đời sống nội tâm của ta. Những khúc mắc, điểm đen, ma quỉ khi
không còn nhận ta làm mục tiêu cho chúng nữa, mà mục tiêu chính
là Bí tích Thánh Thể, chúng sẽ tháo lui, té ngã, bỏ chạy.
Trong căn
phòng bệnh viện ấy, với sự quan sát, tiếp nhận, và thả lỏng của
tôi, bệnh nhân ấy đã bộc lộ (buông thả) tất cả những nỗi lo âu,
sợ hãi của một kiếp người. Thái độ muốn thách thức, hơn thua
không còn nữa, mà nhường lại cho sự hòa hợp, cảm thông giữa hai
con người với nhau. Nỗi đau của ông cũng là nỗi đau của tôi; và
sự giới hạn của tôi cũng là sự giới hạn của ông. Ông và tôi gặp
nhau không phải trong sự thỏa mãn chiến thắng của mỗi người,
nhưng trong sự nhận biết giới hạn của nhau. Ông và tôi cũng hiểu
rằng, thay vì nặn óc dùng trí khôn để lý giải về điều ác, về bất
công, thì chúng ta hãy cùng cảm thông chia sẻ với nhau những vấn
nạn ấy.
* * *
Thưa bạn,
Chúa Giêsu cũng đã trải qua cơn cám dỗ về quyền lực, về hiểu
biết trong sa mạc và trên thập giá. “Nếu ông là con Thiên Chúa…”
(Mt 4:3; 27:40), “ông hãy biến đá thành bánh (Mt 4:3; Lk 4:3),
ông hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27:40). Chúa Giêsu đã không mắc
vào bẫy của ma quỉ, của bóng tối, nhưng Ngài quan sát, tiếp nhận
và phó thác cho Thiên Chúa Cha định đoạt số mệnh của mình thay
vì giải đáp bằng lý luận theo kiểu con người. Chắc chắn một điều
là ai ai trong chúng ta cũng gặp nhiều khúc mắc, vấn nạn trong
đời sống nội tâm và mục vụ mà không phải lúc nào ta cũng có thể
tìm câu trả lời, hay đáp ứng cho người khác được. Thực ra, Chúa
đâu kêu gọi ta để ta “sửa” hết những vấn nạn ấy đâu, nhưng quan
trọng hơn hết chính là sự hiện diện, và sự lắng nghe của ta để
khơi dậy niềm hy vọng bằng tình yêu và cảm thông cho tha nhân mà
thôi.
Ơn gọi là một
hành trình của đức tin – tiếp tục ra đi, tiếp tục khám phá, tiếp
tục gặp thử thách vấn nạn, chứ không phải là hành trình đi tìm
đáp số như một bài toán. Hôm nay tôi đang chia sẻ với bạn về
những cảm nghiệm về ơn gọi, về hành trình đức tin, nhưng có lẽ
chỉ ngày mai thôi, tôi mệt mõi, tôi lo âu, tôi ngã quị, nhưng
với ơn Chúa tôi sẽ tiếp tục đáp trả và tiến tới phía trước. Đáp
số của ơn gọi không thể chỉ tìm thấy ở những ngày tiến chức,
khấn hứa, bằng cấp, hay tổ chức thành công những lễ hội, nhưng
đáp số ấy cũng còn được tìm thấy trong từng ngày sống âm thầm
một mình, bị hiểu lầm, bị cô lập, và cả vào lúc tuổi già bóng xế,
mõi mệt. Nói như thánh Phaolô như trong cuộc chạy đua về đích
(cf. Cor 9:24), mỗi bước chạy của chúng ta đều là đáp số cho ơn
gọi. Khán giả bên vệ đường vỗ tay hay độc hành trên lộ trình,
từng bước chân của ta tiến tới là mỗi lời giải đáp và cũng là
mời gọi tiến lên trong hành trình ơn gọi. Bao lâu ta còn chạy,
ta còn hy vọng tìm thấy đáp số và còn hy vọng về đến đích. Đừng
để những tiếng gọi “lao xao” làm chệch hướng của ta, nhưng cứ
hãy: observe, receive, relax, và let go.
Br. Huynhquảng
www.
brhuynhquang.org
email:
brhq@brhuynhquang.org
Video minh
họa tại:
http://brhuynhquang.org/?p=1347
|