Mẹ Maria, Đấng
duy nhất được lãnh nhận ơn Tiền Cứu
Rỗi (1)
Lời
giới thiệu: Trong những
ngày này, khi toàn thể nhân loại đang sửa soạn cử
hành mầu nhiệm Giáng Sinh, vai trò quan trọng mang tính cách
quyết định của Mẹ Maria trong kế hoạch
cứu độ của Thiên Chúa luôn được nhắc
tới và đề cao. Thật vậy, nhờ hai tiếng
„xin vâng“ hoàn toàn tự nguyện của Mẹ trước
lời loan báo của Thiên sứ Gabriel, Ngôi Hai Thiên Chúa mới
có thể xuống thế và nhập thể trong cung lòng Mẹ
để cứu chuộc nhân loại. Tuy nhiên, sự tuyển
chọn Mẹ Maria làm Mẹ Chúa Cứu Thế đã từ
đời đời nằm trong kế hoạch của
Thiên Chúa. Và cũng vì thế, Mẹ Maria đã tuyệt
đối được gìn giữ trước vết
nhơ tội Nguyên tổ cũng như các tội riêng, và
dĩ mhiên nhờ vào cuộc khổ nạn thập giá của
Đức Kitô. Nói cách khác, Mẹ Maria đã được
hưởng ơn tiền cứu độ của Đức
Kitô. Sau đây chúng tôi xin mời quý bạn đọc cùng
suy gẫm ơn cao trọng này của Mẹ Maria:
Tuy Mẹ Maria
là một thành viên thực sự của Giáo Hội,
nhưng vì do sự tiền định từ đời
đời của Thiên Chúa muốn kén chọn Mẹ làm Mẹ
Con Một Người khi xuống thế làm người,
Mẹ Maria đã được hưởng ơn tiền
cứu rỗi, nói cách khác, Mẹ đã được
hưởng trước ơn cứu rỗi mà Đức
Kitô sẽ mang tới cho nhân loại qua cuộc khổ nạn
thập giá của Người, và chỉ một mình
được hưởng ơn ấy mà thôi. Điều
đó muốn nói rằng, ngay từ giây phút đầu tiên
khi Mẹ Maria được cưu mang trong lòng mẹ mình,
thì Mẹ đã được gìn giữ khỏi bị
vướng mắc tội Tổ tông và tất cả mọi
tội lỗi khác, vì: trước hết, đó là thánh ý của
Chúa Cha và tình thương bao la khôn tả của Người
dành cho Mẹ; và tiếp đến, nếu Đức Kitô
là Thiên Chúa, là Đấng Thánh tuyệt đối, thì Đấng
cưu mang Người là Mẹ Maria cũng phải hoàn toàn
tinh tuyền thánh thiện, không thể vướng mắc
vào bất cứ tì ố tội lỗi nào, dù là Nguyên tội
hay tội riêng mình. Thật vậy, nếu Đức Kitô
là Đấng Thánh và nắm trọn mọi quyền lực
trong tay để tiêu diệt tội lỗi và giải thoát
nhân loại khỏi ách tội lỗi, thì tất nhiên Mẹ
Người cũng không thể nằm dưới ách thống
trị của tội lỗi được. Trái lại,
chính Mẹ là Người Nữ đạp nát đầu
con mãng xà xảo quyệt, tức ma quỷ (x. St 3,16).
Hơn nữa,
Mẹ Maria không chỉ một mình được hưởng
ơn tiền cứu rỗi như thế, nhưng Mẹ
cũng được hưởng trọn vẹn ơn cứu
rỗi do cuộc khổ nạn thập giá của Đức
Kitô mang lại, ơn cứu rỗi mà mỗi Kitô hữu
được lãnh nhận khi chịu Phép Rửa Tội.
1. Những ghi nhận về sự
cứu rỗi của Mẹ Maria
Trong cuốn
tiểu thuyết của bà với tựa đề „Gottesdiener“
– (Người tôi tớ của Thiên Chúa), bà Petra Morsbach kể
lại tiểu sử của Linh mục Isidor Rattenhuber một
cách hết sức cảm động. Trong tác
phẩm, nữ tác giả đã diễn tả một cách rất
ranh mãnh và tinh quái, nhưng đồng thời cũng rất
đậm tình người. Bà viết: „Cái luận
lý mơ hồ và luộm thuộm mà Linh mục Isidor đã
phải sử dụng để bênh vực các giáo lý của
Giáo Hội, những giáo lý mà chính ông lại không xác tín, chẳng
hạn như sự vô nhiễm thai của Đức Trinh
Nữ Maria.“(1) Phải chăng hiện tượng Lm
Isidor Rattenhuber không còn xác tín vào những giáo huấn trọng
yếu của Giáo Hội về Đức tin, chỉ là một
trường hợp ngoại trừ? Hay ông là một đại
diện cho nhiều người khác cùng quan điểm
như thế trong Giáo Hội? Phải
chăng điều đó thực sự có quan hệ đến
các tín điều của Giáo Hội, nhất là những tín
điều về Mẹ Maria, mà người ta có thể
bênh vực bằng những „luận lý mơ hồ và luộm
thuộm“? Nếu quả thực
sự thật là như thế, thì các nhà thần học
cũng như tất cả các tín hữu phải được
báo động một cách hết sức khẩn cấp.
Tuy nhiên, cả khi hoàn cảnh không đến
nỗi trầm trọng như bà Petra Morsbach thêu dệt lên,
thì người ta cũng cần thiết phải luôn nỗ
lực tìm hiểu và đào sâu thêm các tín điều của
Giáo Hội về Mẹ Maria.
Đức Hồng
Y Lê-ô Scheffczyk đã hoàn toàn có lý khi cho rằng những giáo
huấn về Mẹ Maria trước hết là nhằm mục
đích làm phát huy và thắp sáng các chân lý về Đức
Kitô. Đấy cũng là điều mà nhà thần học Karl Barth (1886-1968)(2) đã đề cập tới, nhưng
dĩ nhiên bằng thái độ phê bình và phủ nhận.
Nhà thần học Tin Lành này nhận thức được
rằng „Môn thần học Công Giáo về Thánh Mẫu học
được gắn liền với tổng thể nền
thần học Công Giáo một cách bất khả phân ly“(3).
Khi sự tương quan giữa Mẹ Thiên Chúa và mầu
nhiệm Đức Kitô được xác định bởi
ân sủng và ý chí tự do của con người, thì các mầu
nhiệm khác cũng rực sáng lên nơi con người Mẹ
Maria, đó là: Mầu nhiệm đồng trách nhiệm của
con người trong công trình cứu chuộc, mầu nhiệm
Giáo Hội được cưu mang trong tâm tình người
Mẹ đồng trinh, mầu nhiệm cứu độ
và ân sủng, mầu nhiệm sự cầu thay nguyện
giúp của cộng đồng các Thánh hay cũng được
gọi là mầu nhiệm các Thánh thông công, mầu nhiệm
sự hoàn thiện, bao gồm cả thể xác nữa. Tất
cả những chân lý đức tin này đều quy tụ lại
trong con người Mẹ Maria „như trong một chóp
đỉnh sống động“(4).
Qua
mối quan hệ gắn bó chặt chẽ đặc biệt
với Đức Kitô, Mẹ Maria đóng một vai trò vô
cùng quan trọng và đặc thù trong lịch sử cứu
độ. Bởi vậy,
người ta không thể so sánh sứ mệnh của các
Tông Đồ hay của bất cứ vị Thánh nào với
sứ mệnh mang tính cách hoàn toàn riêng biệt của Mẹ
Maria được. Với lý do là không một Thánh nhân nào
đã nắm giữ một vai trò đầy thách đố
và mang tính cách quyết định trong lịch sử cứu
độ của Thiên Chúa như Mẹ Maria.
Bởi vậy,
chiều kích Giáo Hội học về tất cả các mầu
nhiệm về Mẹ Maria cũng đều nhấn mạnh
một cách rõ ràng: Sự „Vô nhiễm thai“
của Mẹ Thiên Chúa là một hình ảnh thực tiễn
nói lên sự thánh thiện chân chính của Giáo Hội, một
sự thánh thiện mà cả tình trạng tội lỗi hay
sự bất toàn của các thành phần của Giáo Hội
cũng không thể ảnh hưởng hay liên hệ tới
được. Giáo sư Joseph Ratzinger – hiện là ĐGH
Bênêđíctô XVI – cũng đã tham chiếu trong thần học
của ngài về các Giáo Phụ hình ảnh „Ecclesia
Immaculata“ – Giáo Hội tinh tuyền (Ep 5,27) đã viết:
„Giáo huấn về sự „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ
Maria là … một phát biểu muốn nói lên một cách đầy
tin tưởng chắc chắn rằng quả thực có một
Giáo Hội thánh thiện – vì sự tinh tuyền thánh thiện
của Mẹ Maria với tư cách Mẹ là một cá thể
riêng, nhưng đồng thời Mẹ cũng là đại
diện cho Giáo Hội. Vậy, trong nghĩa này, giáo huấn
„Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ Maria là một phát biểu
hoàn toàn chắc chắn về sự thánh thiện của
Giáo Hội“(5). Và giáo sư Ratzinger còn thêm.
„Theo phạm vi sự hiểu biết của chúng tôi, thì
sự tinh tuyền thánh thiện ấy được hiểu
nơi Mẹ Maria và chỉ nơi Mẹ Maria mà thôi, một
cách hoàn toàn và trọn vẹn, bởi vì Mẹ đại diện cho
Giáo Hội, đối với Mẹ ơn được
cứu độ sau cùng không còn chỉ là một lời hứa
nữa, nhưng là một thực tại.“(6)
2. Chiều
kích đại kết trong việc tôn sùng Mẹ Maria
Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II nhìn thấy trong tinh thần đại
kết của các Thánh chiều kích đại kết đầy
thuyết phục nhất.
Bởi vì, theo ngài, chính cộng đoàn hoàn toàn hiệp nhất
của các Thánh, hay mầu nhiệm các Thánh thông công, là cả
một tiếng nói còn hùng hồn và đầy xác quyết
về sự hiệp nhất cần thiết giữa các
Kitô hữu hơn những kẻ đã gây nên những cuộc
ly khai và chia rẽ(7). Trong Thông điệp về đại
kết của ngài „Ut unum sint“ - Để chúng nên một
(1995), Đức Gioan Phaolô II đã khẩn cấp cho thấy
rằng cộng đồng chưa trọn vẹn của
các Giáo Hội và của các cộng đoàn các tín hữu
được đặt nền tảng chắc chắn
một cách vô hình „trên cộng đồng trọn vẹn
của các Thánh, nghĩa là của những người
đã luôn sống một cuộc sống trung thành với
ân sủng trong sự kết hiệp mật thiết với
Đức Kitô hiển vinh“(8).
Cả các Giám
Mục và các nhà thần học thuộc các Giáo Hội và các
cộng đoàn Kitô giáo khác cũng đã nhận thức
được tầm quan trọng to lớn của các
Thánh và của việc tôn sùng các Thánh trong
những bước tiến của công cuộc đại
kết. Cuộc đối thoại chân thành và cởi mở
song phương giữa các đại diện Hội Đồng
các Giám Mục Đức và các đại diện của
Giáo Hội Tin Lành Luther Thống Nhất ở Đức vào năm 2000 đã mang đến
một kết quả quan trọng ngoài sự mong đợi
của mọi người, đó là tập tài liệu: „Communio
Sanctorum – Die Kirche als Gemeinschaft der Heiligen: Các Thánh Thông Công –
Giáo Hội là cộng đoàn của các Thánh“ (9). Một
phần trong tập tài liệu quan trọng này (số:
253-268) được dành để đề cập tới
sự tôn sùng Mẹ Maria với tựa đề: „Die
Verehrung Maria, der Mutter des Herrn“ - Sự
tôn sùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, tập
tài liệu nói trên của hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành
Lu-the-rô ở Đức cũng không quên cho rằng, đối
với các tín hữu Tin Lành, không chỉ sự tôn sùng Đức
Maria, nhưng kể cả sự phát triển các giáo huấn
về Đức Maria của Giáo Hội Công Giáo „đã và
đang đặt thành nghi vấn“ (số
257). Nhưng nhất là việc công bố tín điều về
Đức Maria: „Sự Vô Nhiễm Thai“ (1854) và tín
điều „Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời“
(1950) đã gây nên những thách đố đối với
phía Tin Lành. Theo quan điểm của phía anh em Tin Lành thì hai
tín điều ấy không hề được đề cập
tới một cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Mãi cho tới quá
khứ gần đây nhất, người ta vẫn luôn cho
rằng hai tín điều Vô Niễm Thai và Đức Mẹ
Hồn Xác Lên Trời đã gây nên một sự mâu thuẫn
bất khả vượt qua được giữa Giáo Hội
Công Giáo và Giáo Hội Tin Lành, đến nỗi mãi tới
nay khoa Thánh Mẫu học và sự tôn sùng Mẹ Maria ít khi
trở thành đối tượng của những cuộc
đối thoại đại kết. Thế
nhưng trong những năm vừa qua cục diện của
vấn đề đã hoàn toàn thay đổi.
Đối với
quan điểm người Công Giáo, những tín điều
về Đức Mẹ được công bố vào các thế
kỷ XIX và XX là kết quả của những tìm hiểu
và suy tư trong suốt hằng bao thế kỷ của
Giáo Hội. Những tín điều ấy đã giải
đáp cho vấn nạn: Thiên Chúa đã tác động thế
nào trong cuộc sống Mẹ Maria, Đấng mà Người
đã kén chọn một cách hoàn toàn đặc biệt
để làm Mẹ Con Một Người? Tín điều
„Vô Nhiễm Thai“ của Đức
Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, được đặt
cơ sở trên sự nhận thức đầy tin tưởng
về sự trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa,
Đấng đã làm cho tất cả mọi sự trở
nên thiện hảo nơi những người, mà theo sự
an bài từ đời đời của Người,
Người đã kêu gọi (Rm 8,28). Tín điều khẳng
định rằng ngay từ giây phút đầu tiên
được thụ thai trong lòng mẹ, Mẹ Maria đã
được gìn giữ khỏi vết nhơ của tội
Nguyên tổ, một tội mà tất cả mọi con cái
loài người đều bị lây nhiễm.
Dĩ nhiên, việc
Mẹ Maria được gìn giữ khỏi tội Nguyên tổ
như thế ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ
được thụ thai trong lòng mẹ mình, nói cách khác, việc
Mẹ Maria được hưởng ơn tiền cứu
độ mà Chúa Cứu Thế, Con Mẹ, sẽ mang đến
cho nhân loại bằng cuộc khổ nạn thập giá của
Người sau này, thì hoàn toàn là do ân sủng và tình
thương vô biên của Thiên Chúa Cha ban cho Mẹ, chứ
không phải là do công trạng riêng của Mẹ. Thật vậy,
cũng như tất cả mọi con cái loài người
khác, Mẹ Maria cũng chỉ là một thụ tạo, và
vì thế Mẹ cũng cần đến ân sủng của
Chúa qua sự trung gian của Đức Kitô, Đấng là
nhịp cầu duy nhất nối kết giữa trời
và đất, giữa Thiên Chúa Cha và con cái loài người.
Do đó, „ngoài Đức Kitô không có sự cứu rỗi“ (thánh I-rê-nê), hay như chính Đức Giê-su
đã khẳng định: „không có Thầy, các con không thể
làm được gì cả“ (Ga 15,5).
Vậy, Mẹ
Maria được cứu rỗi là nhờ ơn công chính
hóa của Thiên Chúa ban cho Mẹ qua Đức Kitô. Mẹ
Maria „được đầy ơn phúc“ (Lc 1,28) và hoàn toàn được gìn giữ khỏi
mọi tội lỗi, tội nguyên tổ cũng như các
tội riêng, là do Mẹ được kết hiệp mật
thiết với Đức Giê-su Kitô một cách đặc
biệt, một sự kết hiệp mà không một ai trong
con cái loài người có được. Bởi vì:
· Mẹ là Mẹ Đức Kitô,
·
Mẹ đã cưu mang
Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa trong cung lòng đồng
trinh của Mẹ,
·
Mẹ đã yêu mến và
tin tưởng Con Mẹ hơn bất cứ ai khác,
·
Mẹ là Đấng cộng
tác hoàn toàn vào chương trình cứu độ của Chúa
Cứu Thế hơn bất cứ ai khác,
·
Vâng, Mẹ là Đấng
Đồng Công đúng nghĩa và trọn vẹn trong cuộc
khổ nạn của Đức Kitô.
Tất cả
những điều ấy cũng muốn nói lên chân lý
đức tin này: Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm
Nguyên tội ngay từ giây phút đầu tiên khi được
thụ thai trong lòng mẹ, là duy nhất nhờ vào công trình
cứu chuộc của Đức Kitô qua cuộc khổ nạn
và cái chết của Người trên thập giá, trong khi các
Kitô hữu khác chỉ được khỏi tội Nguyên
tổ qua Bí tích Rửa tội.
Nhưng mục
đích tiên quyết mà tín điều „Vô Nhiễm Thai“
của Mẹ Maria là nhằm đề cao và làm nổi bật
quyền năng vô biên của ân sủng Thiên Chúa, Đấng
hoàn toàn tự do muốn kêu gọi ai và kêu gọi bằng
cách thức nào là tùy thánh ý của Người quyết
định.
Và tín điều
„Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời“
cũng được bắt nguồn từ trong lời
Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, như sau: „Những
ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người
cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi,
thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người
đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng
phúc vinh quang.“ (Rm 8,30). Nói cách khác, nếu
một khi Thiên Chúa muốn tuyển chọn và ban ân sủng
cho một ai đó, và nếu người ấy biết
đầy lòng tin tưởng phó thác đón nhận ân sủng
của Người cũng như nỗ lực sống
theo ân sủng ấy, thì Thiên Chúa sẽ ban tặng cho toàn diện
thực thể của người ấy, tức cả hồn
lẫn xác, ơn được diễm phúc thông hiệp trọn
vẹn với Người. Điều mà chúng ta hằng
tuyên tín trong câu cuối cùng của Kinh Tin Kính: „Tôi trông
đợi kẻ chết sống lại, và sự sống
đời sau“, là niềm hy vọng của tất cả
mọi tín hữu và đồng thời đó cũng là
điều mà tín điều „Đức Mẹ Hồn
Xác Lên Trời“, được tuyên bố năm 1950, muốn
minh chứng một cách hùng hồn và cụ thể.
Nhưng điều mà Mẹ Maria đã đạt tới
được, còn tất cả chúng ta thì đang trên
đường tìm kiếm và mong đợi, đó là: Sự
sống lại từ cõi chết và cuộc sống vĩnh
cửu, hoa quả thực tiễn của ơn thánh hóa của
Thiên Chúa.
Nói tóm lại,
hai tín điều về Mẹ Maria là „Vô Nhiễm Thai“ hay „Vô Nhiễm
Nguyên Tội“ và „Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời“,
được công bố trong các thế kỷ XIX và XX, mà
các nhà thần học Tin Lành vốn coi như là những cản
trở khó vượt qua trên con đường đại
kết, thì trên thực tế chỉ nhằm phụng sự
vinh quang Thiên Chúa như là mục đích tối hậu mà
thôi. Các tín điều ấy chứa đựng một chiều
kích hết sức sâu xa trong việc tán tụng và ca ngợi
Thiên Chúa, nghĩa là các tín điều ấy nhằm ca tụng
và cảm tạ các ơn lành của Thiên Chúa như là mục
đích tối hậu. Nếu các anh em Tin Lành biết khám
phá và hiểu rõ được nội dung chính yếu của
các tín điều về Mẹ Maria một cách đúng đắn
như thế, chắc chắn họ sẽ nhận thức
được rằng trên nguyên tắc, hai tín điều
này thực sự được bắt nguồn trong mặc
khải(10).
Sự tôn sùng
Mẹ Maria luôn cần phải được định
hướng theo Đức Kitô, hay nói
cách khác, sự tôn sùng Mẹ Maria luôn luôn phải nhằm tôn
vinh Đức Kitô như là mục đích tối hậu. Dựa
theo những hướng dẫn của ĐTC Phaolô VI trong
Tông thư thời danh của ngài về sự tôn sùng Mẹ
Maria „Marialis cultus“ (11), thì sự tôn
sùng Mẹ Maria phải được đặt nền tảng
trên Kinh Thánh, phải được thể hiện trong Phụng
Vụ, một cách phù hợp với khoa nhân chủng học
và tinh thần đại kết ngày nay. Để củng
cố sự hiệp nhất trong đức tin, các anh em
Tin Lành Lu-the-rô cần đánh giá cao sự nỗ lực của
các tín hữu Công Giáo trong việc thiết đặt vai trò
Mẹ Maria trong Kitô học và Giáo Hội học. Đối
với quan điểm Công Giáo, Mẹ Maria là hiện thân cho
sự kiện được thánh hóa nhờ vào ân sủng và qua đức tin. Cả hai tín
điều cuối cùng về Mẹ Maria như vừa
đề cập ở trên, đều muốn làm nổi bật
chân lý này là: nếu Thiên Chúa tuyển chọn một người
nào đó theo sự an bài của Người, tương tự
như trường hợp Mẹ Maria, thì quan điểm
Kitô giáo luôn cho rằng sự kêu gọi đó liên hệ
đến con người toàn diện của người ấy.
Và sự kêu gọi đó bắt đầu
trong giây phút đầu tiên của cuộc đời
người ấy và luôn đồng hành với người
ấy mãi, chứ không bao giờ từ bỏ người ấy
nữa.
________________
1. B. Schwens-Harrant, Rez. Von: P. Morsbach,
Gottesdiener, Frankfurt a. M. 2004, in: Die Presse (Wien) vom 21.8.2004, S. VI.- H.B. Wuermeling (trong: Die Tagespost Nr. 106/04.09.2004,
13) gọi cuốn Tiểu thuyết này một „áng văn
chương hay“ (literarische Wohltat) và cho rằng việc
đọc cuốn Tiểu thuyết „có thể tránh cho Giáo
Hội được nhiều tường thuật thiếu
thuật lợi của công ty McKinsey“. McKinsey là một công
ty tư vấn và chuyên nghiên cứu dư luận, v.v…
2. Karl
Barth là một nhà thần
học Tin Lành nổi tiếng, người Thụy Sĩ.
Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình một giáo sư thần
học ở tỉnh Basel, nằm trên biên giới Thụy
Sĩ-Đức. Cho đến năm 1909, ông theo học thần
học lần lượt tại các đại học
Bern, Berlin, Tübingen và Marburg. Năm 1911 ông thừa hành chức
Mục sư tại một Xứ đạo ở Thụy
Sĩ. Sau trận thế chiến I, ông đề xướng
một khuynh hướng thần học quan trọng và mới
mẽ trong nội bộ Giáo Hội Tin Lành: Thần học
biện chứng.
3.
Karl
Barth, Kirchliche Dogmatik I, 2, 157.
4.
L.
Scheffczyk, Katholische Glaubenswelt. Wahrheit und Gestalt, Aschaffenburg 2. Aufl.
1978, trang 270-277, câu này ở trang 272; xin xem tiếp: Die
Mariengestalt im Gefüge der Theologie. Mariologische Beiträge, Regensburg 2000; W.
Beinert, Die mariologischen Dogmen und ihre Entfaltung, in: ders./H. Petri
(Hg.), Handbuch der Marienkunde, Regensburg 2. Aufl. 1996, trang 267-363.
5.
Joseph Ratzinger, Die Tochter Sion. Betrachtungen
über den Marienglauben der Kirche. (Kriterien 44) Einsiedeln 1977, trang 61-83, câu này ở
trang 70.
6.
như
trên, trang 80. Xin xem thêm HY Joseph Ratzinger/Hans-Urs von Balthasar, Maria
– Kirche im Ursprung, Einsiedeln 4. Erw. Aufl. 1997; H.U. von Balthasar, Maria
für heute. (Kriterien, 98), Einsiedeln, Neuausgabe 1997, trang 36-49.
7. xem Tông thư „Tertio millennio adveniente“, số
37.
8. Thông điệp „Ut unum sint“, số 84.
9.
xem
Bilaterale Arbeitsgruppe der Deutschen Bischofskonferenz und der Kirchenleitung
der Vereinigten Evangelisch-Lutherischen Kirche Deutschlands: „Communio
Sanctorum – Die Kirche als Gemeinschaft der heiligen“, Paderborn-Frankfurt a.M.
2000.
10. H. Schmoll (Đúng
như Luther đã mong muốn. Sự đánh giá của phân
khoa thuộc đại học Erlagen và Tübingen về tập
tài liệu „Communio Sanctorumg“, trích trong nhật báo „Frankfurt
allgemeine Zeitung“, số 86, ra ngày 13.4.2002, trang 12) trái lại
cho rằng công trình nghiên cứu song phương giữa
đại diện Công Giáo và Tin Lành chỉ muốn „làm
cho người Tin Lành cảm nhận được sự
thú vị trong việc tôn sùng các Thánh của người
Công Giáo, không hơn không kém.“ Các giáo sư thuộc phân
khoa thần học Tin Lành của đại học Tübingen
đã xác định sự đánh giá của họ về
tập tài liệu „Communio Sanctorum“ như sau: việc
cho rằng, dựa theo nguyên tắc, hai tín điều về
Đức Maria trong thời tân đại hoàn toàn phù hợp
với mặc khải, là một điều không thể chấp
nhận được.
11. Paul VI, Marialis cultus, 1974, Nr. 29-39.
(Còn tiếp)
Lm
Nguyễn Hữu Thy