MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Linh Đạo Tông Đồ Fatima, Lm F.x.m Hoàng Văn Nghĩa
Chủ Nhật, Ngày 5 tháng 12-2010

LINH ĐẠO TÔNG ĐỒ FATIMA

Vào đề

Trở nên trọn lành là điều mà Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã mời gọi tất cả những ai muốn theo Ngài phải thực hiện : « Vậy, các con hãy nên trọn lành như Cha của các con ở trên trời là Đấng trọn lành. » (Mt 5.48)
« Theo Chúa », không có nghĩa là vào dòng tu hay trở thành linh mục, tu sĩ ; « theo Chúa » trong Phúc Âm nghĩa là trở nên con cái của Thiên Chúa qua Phép Rửa Tội và là thành viên của Giáo Hội. Như thế « nên thánh, nên trọn lành » là lời mời gọi dành cho tất cả mọi tín hữu, có chức thánh hay không có chức thánh, sống bậc tu trì hay sống ở giữa trần thế, sống đời sống gia đình hay sống độc thân. Mọi người, không trừ một ai, đều được mời gọi « nên trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành ».

Đường trọn lành trong Giáo Hội Công Giáo chỉ có một. Đường đó chính là Chúa Giêsu, vị sáng lập Giáo Hội : « Ta là đường là Chân Lý và là Sự Sống. Không ai đến với Cha mà không qua Ta. » (Jn.6) Tuy nhiên, lịch sử Giáo Hội đã cho chúng ta thấy đường lối tu đức hay « linh đạo » của người tín hữu đã được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, qua các thời đại, tùy hoàn cảnh, dưới sự hướng dẫn đích thực của Thánh Linh. Đường lối tu đức trong Giáo Hội giống như một vườn hoa, muôn sắc muôn mầu, đã tươi nở để làm chứng cho sự hiện diện của Đấng Sáng Lập Giáo Hội là một điều hiển nhiên :  « Và Ta, Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế ». (Mt 28.20b)

Khi nhìn ngắm Giáo Hội qua các hội dòng, các tu hội đời và những hội đoàn sống đức tin theo tinh thần Phúc Âm, dưới nhiều hình thức khác nhau để được « trở nên trọn lành » như  ý Chúa muốn. Chúng ta nhận ra được đường lối tu đức trong Giáo Hội đã mở cho chúng ta nhiều cánh cửa khác nhau, để mỗi người tùy nghi lựa chọn cho hợp với tâm tình của mình. Dù khác nhau, nhưng tất cả đều dẫn về một con đường duy nhất là kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa và phụng sự Người qua tha nhân. Để cuối cùng, ai cũng có thể nói được như thánh Phaolồ : « Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi. » (Ga 2.20a).

Từ lâu trong Giáo Hội, hễ nói đến vấn đề tu đức là người ta nghĩ ngay đến các Đấng Thánh lập dòng : thánh Bênêđictô, với các đan viện mang tên của Ngài, thánh Anphôngxô, dòng Chúa Cứu Thế, thánh Phanxicô, dòng khó khăn, thánh nữ Têrêxa Avila với dòng Carmel, thánh Gioan Bosco với dòng Don Bosco, thánh Clara với dòng Clara, thánh Gioan Baotixita Lasan với dòng Lasan, dòng các Sư Huynh.v.v…

Nói chung, người ta nghĩ rằng muốn trở nên thánh phải vào dòng tu, theo nghĩa tu đức rất hạn hẹp là phải lánh xa trần thế, ăn chay hãm mình và làm những việc đạo đức hết sức phi thường. Lối nhìn về vấn đề tu đức đó, đã làm cho Tin Mừng của Đức Kitô, phần nào, trở nên như một lề luật chỉ dành cho những người được tuyển chọn. Thật ra, mọi người đều được gọi để trở nên trọn lành trong môi trường họ sống. Với Đức Kitô và trong Giáo Hội của Người, kẻ có chức thánh hay người sống đời sống gia đình, hoặc người tuyên giữ những lời khấn trong bậc tu trì, tất cả đều được gọi để bước đi trên con đường duy nhất là chính Người, để qua con đường của Người họ thấu hiểu được Sự Thật, và Sự Thật đó chính là Tình Yêu mà Người đã mang đến cho nhân loại, và cuối cùng chính nhờ Tình Yêu đó, họ sẽ chiếm được đời sống viên mãn mà Chúa Cha đã ban cho nhân loại qua con yêu dấu của Ngài.

Cũng vậy, Tông Đồ Fatima cũng có một linh đạo đặc biệt cho các hội viên của mình, linh đạo này đã được chính Mẹ Maria ban cho nhân loại. Chính Mẹ hướng dẫn và giúp những ai muốn chọn lựa Mẹ như là con đường dẫn đến cùng Thiên Chúa. Đường tu đức do Mẹ thiết lập không quy hướng vào Mẹ, nhưng quy hướng về Thiên Chúa. Đây là điểm chúng ta cần phải nhấn mạnh, để chúng ta không lầm lẫn hay hiểu sai việc thực hiện đường tu đức của Mẹ Maria.

Đời Sống Thiêng Trong Tông Đồ Fatima

Đức Cha Luna, chủ tịch phong trào thế giới Fatima, đã nói với các tham dự viên Đại Hội Tông Đồ Thánh Mẫu Fatima lần thứ nhất vào năm 1992, tại Beauraing - Vương Quốc Bỉ như sau : « Tông Đồ Fatima là câu trả lời tốt nhất của chúng ta đối với Đức Mẹ Fatima ». Ý Ngài muốn nói rằng Phong Trào Tông Đồ Fatima chính là phong trào có nhiệm vụ thực hiện những mệnh lệnh Fatima. Và từ đó, những mệnh lệnh của Đức Mẹ Fatima được coi như là nền tảng của một trường phái tu đức trong sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Thật ra, Đức Mẹ không ra mệnh lệnh như chúng ta vẫn thường quan niệm, phải nói là Đức Mẹ đã chọn Fatima để giáo huấn con cái của Ngài. Thực vậy, qua ba trẻ Fatima, Đức Mẹ đã dậy chúng ta phải cầu nguyện, cải thiện đời sống, ăn năn đền tội, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Ngài. Giáo huấn của Đức Mẹ tại Fatima có thể coi như là linh đạo của Tông Đồ Fatima, linh đạo của Đức Mẹ Fatima. Gia nhập phong trào Fatima là coi Đức Mẹ như  người Thầy dậy về đời sống tu đức, để nhờ Mẹ, hội viên của phong trào được trở nên trọn lành theo lời Phúc Âm.

Khi chấp nhận thực thi những lời nhắn nhủ của Mẹ tại Fatima, là chúng ta thực sự đi trên con đường tu đức do chính Mẹ hướng dẫn. Trên con đường tu đức này, những huấn lệnh Fatima, hay nói một cách tâm tình hơn, những lời nhắn nhủ ân cần trong sáu lần hiện ra ở đồi Cova da Iria, được coi như lề luật căn bản trên con đường trọn lành mà mọi thành viên Tông Đồ Fatima phải nhất tâm tuân giữ.

Cầu Nguyện Bằng Kinh Mân Côi

Một trong những điều luật của đường tu đức Fatima, cầu nguyện là việc được truyền dạy trước hết, Đức Mẹ đã dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào ? Và tại sao lại phải cầu nguyện ?

Ở Fatima, Đức Mẹ đã đơn sơ dạy chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân Côi, một phương thế giản dị, nhưng có nhiều hiệu quả, vì theo như lời Đức Mẹ, phép lần hạt Mân Côi có sức ngăn ngừa chiến tranh và đem lại hòa bình. Nếu chúng ta muốn vào trường do Đức Mẹ thiết lập để được trở nên trọn lành, chúng ta phải giữ điều luật đầu tiên của ngôi trường thánh thiện này là lần chuỗi Mân Côi.

Trong lần hiện ra thứ ba vào ngày 13/7/1917 Đức Mẹ đã nhắc lại những điều khuyên dạy trong hai lần trước là : « Cần phải lần chuỗi mỗi ngày để kính Đức Bà Mân Côi »…Đừng lý luận hay đặt câu hỏi tại sao lại phải cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Hãy vâng lời và thi hành điều luật căn bản đó. Vì chính nhờ sự trung tín thực hành điều luật căn bản này trong tinh thần khiêm tốn và vâng phục, chúng ta sẽ dễ dàng bước đi trên con đường trọn lành mà chính Mẹ đã vạch sẵn cho chúng ta. Điều thiết yếu trong việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, là hãy cùng với Mẹ, suy niệm những mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, của Chúa Giêsu.

Hãy xác tín điều này : khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi  Mân Côi, chúng ta kết hiệp thật sự với người Thầy thiêng liêng và là Mẹ của chúng ta là Đức Maria. Cùng với Mẹ chúng ta sống mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa. Cùng với với Mẹ chúng ta suy niệm sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giêsu và tung hô khen ngợi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Lần hạt mỗi ngày như lời Mẹ truyền dạy, là điều đầu tiên và quan trọng nhất để được nhìn nhận là học viên chính thức của ngôi trường tu đức thánh mẫu. Việc thực thi lề luật, được coi là dấu chỉ duy nhất cho chúng ta biết, chúng ta có đủ khả năng tiếp tục tuân giữ những lề luật kế tiếp hay không ? Vì tất cả mọi điều còn lại tùy thuộc ở điều luật căn bản, nhưng hết sức đơn sơ này. Căn bản vì chíng Đức Mẹ đã lặp đi lặp lại điều này mỗi  khi hiện ra ở Fatima. Đơn sơ nhưng vô cùng thâm sâu và có một giá trị thần học hết sức sâu sắc. Vì đây là ước muốn đến từ trời cao chứ không phải là sáng kiến của phàm nhân.

Nếu như Đức Mẹ coi đây là điều quan trọng nhất, thì tại sao chúng ta lại dửng dưng và coi thường điều mà Mẹ muốn chúng ta thực hiện. Nếu chúng ta không đủ đức tin để vâng lời Mẹ, thì làm sao chúng ta có thể thực hiện những điều còn lại mà Mẹ đã dạy chúng ta. Hãy tự coi mình là chiến sĩ can trường chỉ biết thi hành một cách kính cẩn mệnh lệnh của Mẹ, là vị chỉ huy tối cao của chúng ta. Vì Kinh Mân Côi giúp chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa qua Mẹ Maria. Kinh Mân Côi là lợi khí của những người muốn sống cho Mẹ vì Chúa, muốn thực hiện ý Chúa qua sự hướng dẫn thần thiêng của Mẹ.

Cải thiện đời sống

Linh đạo Tông Đồ Fatima là linh đạo của Đức Mẹ, nghĩa là chính Đức Mẹ đã sáng lập đường lối tu đức đặc biệt này, không phải dành cho những kẻ được tuyển chọn, những người đã tốt nghiệp đại học hay các trường cao đẳng, những kẻ có bằng cấp chuyên môn hay những người thông thái. Linh đạo Tông Đồ Fatima, trước hết dành cho trẻ em, hay nói một cách chính xác hơn, dành cho những người có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ. Vì chính qua ba trẻ ở Fatima : Luxia 10 tuổi, Phan xicô 9 tuổi, Giaxinta 7 tuổi, học thuyết này đã được mạc khải. « Quả thật , Ta nói cho các con biết, nếu các con không sửa đổi và không trở nên như những em nhỏ, thì các con sẽ không vào Nước Trời được. » (Mt 18.3)

Học thuyết tu đức Fatima, là học thuyết của Phúc Âm, là học thuyết dành cho những tâm hồn nhạy cảm trước tình thương bao la của một người Mẹ. Muốn khám phá sự kín nhiệm của học thuyết này, phải biết yêu mến với một tình thương của một người con chí ái, đối với một người mẹ có một tình thương vượt xa tình cảm bình thường của người đời. Tình thương trong học thuyết của linh đạo Fatima giống như một con đường hai chiều, nghĩa là không phải chỉ có tình mẹ thương con, nhưng còn có tình con đối với Mẹ ; không phải chỉ có tình mẹ với con và tình con với mẹ, nhưng còn có tình huynh đệ đậm đà thân ái với nhau và liên kết với nhau, như là dấu chỉ đích thực của tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy. Tình Mẫu Tử này khi nhìn dưới ánh sáng Phúc Âm, sẽ vượt ra khỏi biên giới của tình thương gia đình. Vì mọi người đều là con của Mẹ, bởi thế, mến yêu Mẹ là phải yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai. Ngay cả những người mà họ cho rằng chúng ta  là kẻ đối nghịch với họ.

« Nhưng hãy yêu thương kẻ thù của các con, hãy làm việc thiện và hãy cho người ta vay mà đừng mong người ta trả lại. Như thế phần thưởng của các con sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái của Đấng Tối Cao, bởi vì Ngài thì tốt lành với cả những kẻ vô ơn và những quân hung dữ ». (Lc 6.35).

Nếu như cải thiện đời sống được coi như linh đạo thứ hai của đường tu đức theo tinh thần Fatima, thì việc hoán cải này phải được bắt đầu bằng tình bác ái bất vụ lợi theo tinh thần Phúc Âm. Phải biết yêu thương kẻ thù nghịch, nghĩa là biết tha thứ và yêu thương theo tinh thần của Chúa Kitô. Cải thiện nghĩa là làm cho cuộc đời của mình, mỗi ngày một phù hợp với tinh thần Phúc Âm. Điều này tùy thuộc hoàn toàn ở việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, vì khi tâm hồn biết kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ giúp tâm hồn thay đổi lối sống của mình. Cải thiện đời sống qua đức ái, nhưng phải biết tập từ bỏ những thói hư tật xấu mỗi ngày. Một thói xấu dù nhỏ bé cũng phải tập dứt bỏ. Tập nhìn tha nhân hay cuộc đời với con mắt khoan dung. Vì muốn sống theo đường lối tu đức của Mẹ Maria, phải tập nhìn tất cả những biến cố của đời mình dưới ánh sáng của đức tin. Cải thiện đời sống là tập sống những nhân đức của Đức Mẹ và thực hiện những công việc hằng ngày giống như là công việc của Đức Mẹ vậy, nghĩa là xin Mẹ giúp mình thánh hóa bản thân qua công việc bổn phận hằng ngày, chúng ta có thể nói, chúng ta làm ăn kiếm sống hằng ngày như tất cả mọi người, nhưng khác với họ là chúng ta làm với tâm tình hiến dâng lên Chúa, tất cả cuộc sống thường nhật của mình. Phải luôn luôn xác tín rằng sống đức tin là đổi mới mỗi ngày. Mỗi một ngày mà chúng ta chưa thấy mình thay đổi, thì hãy tin là mình đang lùi dần vào trong cái vỏ tự mãn và sẽ xa dần linh đạo của Mẹ Maria. Muốn đổi mới cuộc đời phải biết thích nghi, học hỏi và suy niệm Lời Chúa. Đổi mới cuộc đời bằng chính ánh sáng Phúc Âm hay nói một cách tích cực hơn, là để cho Phúc Âm đổi mới đời mình. Khi Lời Chúa là đuốc sáng soi dẫn cuộc đời, chúng ta sẽ thấy cuộc đời của mình sẽ trong sáng hơn và nó sẽ giúp chúng ta thấy rõ vết nhơ của tội lỗi hơn trong tâm hồn của mình. Không thể nào cải thiện cuộc đời, nếu chúng ta không để cho Lời Chúa, chiếm một chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Vì lời Chúa là ánh sáng chiếu soi cuộc đời, giúp cuộc đời nhận diện được chính Thiên Chúa đang đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, chúng ta cảm nhận được một cách minh mạch hơn, cải thiện đời sống theo linh đạo Fatima là phải sống tinh thần hy sinh hãm mình, là biết khiêm tốn nhìn nhận con người yếu hèn của mình trước mặt Thiên Chúa và xin Ngài ban cho mình ơn được thánh hóa mỗi ngày.

Hy sinh, hãm mình và đền tội là khởi điểm của việc cải thiện đời sống. Dần dần, việc hy sinh, hãm mình,  đền tội, sẽ giúp mình trở thành những tông đồ đích thực của Mẹ, vì không phải chỉ hy sinh, hãm mình để đền tội riêng, nhưng là để xin ơn ăn năn hối cải cho những tội nhân, cho các linh hồn ở trong luyện ngục. Như thế, việc cải thiện đời sống trong linh đạo Fatima không phải chỉ nhắm tới phần rỗi của chính mình, nhưng là phần rỗi của những anh em cùng một Cha và cùng có chung một người Mẹ là Mẹ Maria. Đức ái trong đường tu đức Fatima phải đạt tới như vậy mới được gọi là hoàn thiện.

Tôn sùng trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria

Đây điểm đặc biệt nhất trong linh đạo Fatima. Trong lần hiện ra thứ hai, chính Đức Mẹ đã mạc khải cho Luxia biết là Chúa Giêsu muốn dùng chị để làm cho mọi người biết Mẹ và yêu mến Mẹ. Đức Mẹ cũng nói là Chúa Giêsu muốn thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Cuối cùng, để an ủi và khích lệ Luxia trong sứ mệnh này. Đức Mẹ hứa sẽ không bao giờ bỏ rơi Luxia một mình trong sứ mệnh cao cả này. Đức Mẹ cũng cho Luxia biết là Trái Tim của Đức Mẹ là nơi ẩn náu an toàn cho cuộc đời của Luxia và là đường dẫn Luxia đến với Thiên Chúa.

Những lời thân tình này là những lời mà Mẹ muốn nói với mỗi một thành viên trong Phong Trào Tông Đồ Fatima. Qua Mẹ, Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta thực hiện lòng sùng kính Trái Tim Mẹ của Người và là Mẹ của chúng ta, trong thời đại chúng ta đang sống . Vì Mẹ là người Nữ sẽ đạp dập đầu rắn hỏa ngục. Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng như  Mẹ đã hứa tại Fatima. Bởi thế, theo lời Mẹ, sùng kính Trái Tim Mẹ là một phương thế giúp chúng ta thắng được mưu mô của tên cám dỗ và đến với Thiên Chúa một cách trực tiếp và tốt lành nhất. Chúng ta hãy tìm hiểu lời Mẹ nói với Luxia vào ngày 13 tháng 6 năm 1917 : «  Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho người ta hiểu biết Mẹ và yêu mến Mẹ. Người muốn thiết lập trên thế gian việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ ».

Qua lời này, chúng ta hiểu rằng việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là ước muốn của Chúa Giêsu, không phải điều mà một người nào trong Giáo Hội đã bày ra. Nhưng là ý định của Chúa Giêsu.

Tại sao ? - Ý Thiên Chúa luôn luôn nhiệm mầu vượt xa sự suy tư của loài người. Nhưng ở đây chúng ta có thể quảng diễn tư tưởng của Chúa Giêsu như sau : Việc thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ nói lên lòng yêu thương dạt dào của Chúa đối với Mẹ của Người. Hơn nữa, trước khi tử nạn trên thập giá, Chúa đã ban Mẹ Maria cho nhân loại và Ngài cũng đã trối nhân loại trong tay Đức Mẹ. Vì thế, nhân loại trở thành con của Mẹ và Mẹ là Mẹ thật của tất cả mọi người. Bởi vậy, là con,  chúng ta có bổn phận phải yêu mến Mẹ một cách đặc biệt . Khi Chúa Giêsu nhắn nhủ nhân loại tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, Người muốn nói với loài người : Trái Tim đầy tình thương xót của Mẹ hằng yêu thương loài người và chịu đau khổ vì loài người. Ngoài ra, Chúa Giêsu xác nhận rằng mầu nhiệm vô nhiễm nguyên tội của Mẹ là một chân lý. Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn để trở nên Mẹ của Người, và Người ban cho Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, nghĩa là Mẹ không mắc tội do tổ tông loài người là Adong Evà đã phạm trong vườn địa đàng. Như vậy, sự Dữ không hề làm hoen ố tinh thần cũng như  thể xác của Mẹ. Để hiểu rõ sự trinh khiết vẹn toàn của Mẹ, chúng ta cần nói rõ ở đây là Mẹ không hề bị sự Dữ lấn lướt và cám dỗ. Mẹ được ân sủng đặc biệt và được Thiên Chúa gìn giữ tâm hồn luôn luôn vẹn sạch giống như tình trạng của Adong Evà khi chưa sa ngã. Bởi vì, ngay khi Adong Evà phạm tội, thì Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Người và được Người che chở khỏi tội tổ tông truyền.

Đặc ân Thiên Chúa ban cho Mẹ nằm trong chương trình cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Qua đặc ân này, Thiên Chúa muốn mạc khải cho nhân loại tình mẫu tử của Người dành cho mọi người. Thiên Chúa đã yêu thương loài người bằng trái tim của một người Mẹ. Chính vì vậy mà khi chúng ta tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là chúng ta làm cho vinh danh của Thiên Chúa được sáng ngời. Vì nếu không có Thiên Chúa, nếu Chúa không yêu thương  nhân loại, chắc chắn, sẽ không có Mẹ Maria. Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria là tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người. Chính vì vậy mà Mẹ Maria đã nói với Luxia : Trái Tim Mẹ là đường dẫn con đến cùng Thiên Chúa, nghĩa là khi chúng ta yêu mến Mẹ Maria thì Mẹ sẽ giúp chúng ta có lòng yêu mến Thiên Chúa như Mẹ ; và hiến dâng cho Mẹ trọn vẹn cuộc đời của chúng ta thì cũng là hiến dâng cho Thiên Chúa vậy. Vì ở đâu có Mẹ,  ở đấy có Chúa Giêsu và ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đấy có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave. Thánh Luca đã xác nhận là khi Mẹ vào nhà bà Isave và chào bà thì thánh Gioan Baotixita, khi còn đang ở trong bụng mẹ đã nhảy mừng. « Khi, bà Isave nghe lời chào của Đức Maria, thì con trẻ nhảy mừng trong lòng bà và bà Isave được đầy ơn Chúa Thánh Thần ». Qua đoạn Phúc Âm này, ta có thể suy diễn như sau : ở đâu có Đức Mẹ thì ở đó có sự hiện diện của Chúa Thánh thần.

Như thế, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ không phải là một việc đạo đức được làm theo tình cảm thường tình ; nhưng là một việc đạo đức giúp cho chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa một cách thâm sâu nhất và vững bền nhất. Vì chính Mẹ là động lực giúp chúng ta yêu mến Chúa như Mẹ đã yêu mến, hiến dâng cho Chúa như Mẹ đã hiến dâng. Muốn cho việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được trọn vẹn, trước hết chúng ta phải dâng mình cho Đức Mẹ, để cuộc đời của chúng ta thực sự thuộc về Mẹ, chúng ta không còn giữ lại một điều gì nữa mà tất cả phải thuộc hẳn về Mẹ. Có như thế, chúng ta mới có lòng yêu mến Mẹ một cách vô vị lợi. Khi chúng ta còn nhắm đến lợi ích vật chất để đến với Mẹ, chúng ta chưa thực tâm tôn sùng Mẹ. Hãy đến với Mẹ chỉ vì Mẹ và cho Mẹ mà thôi.  Muốn đạt được điều này, chúng ta phải để cho Mẹ chiếm đoạt chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận tất cả, ngay cả đau khổ và sự chết. Vì nhờ Mẹ, chúng ta nhìn đau khổ với đôi mắt của Mẹ, nghĩa là chúng ta sẽ khám phá ra rằng đau khổ sẽ giúp chúng ta thánh hóa đời mình, đau khổ sẽ được coi như món quà chúng ta hiến dâng cho Chúa mỗi ngày. Nếu như đau khổ được coi như là phương thế thanh luyện đời sống thiêng liêng của chúng ta, chắc chắn đau khổ sẽ không làm cho chúng ta sợ hãi hay xa lánh Chúa. Trái lại, nó sẽ đưa chúng ta đi trên con đường hoàn thiện một cách dũng cảm hơn.

Khi Mẹ Maria nói với Luxia : « Trái Tim Mẹ sẽ là nơi nương ẩn của con » không có nghĩa là Đức Mẹ sẽ giúp Luxia tránh được hết mọi đau khổ mà chị phải chịu. Đọc lại Hồi Niệm của chị viết, chúng ta thấy : chẳng những là Luxia không được sống một cách bình thường, kể từ ngày chị được Đức Mẹ hiện ra ; mà chị còn  phải chịu hết nổi đắng cay này đến sự cơ cực khác, cho đến khi trở thành một nữ tu trong dòng thánh Đôrôtê, chỉ cũng vẫn chưa hết khổ đau. Như vậy lời hứa của Đức Mẹ có ý nghĩa gì khi chúng ta so sánh với cuộc đời đau thương của chị Luxia.

Chắc chắn Trái Tim Đức Mẹ không phải là nơi giúp chị Luxia trốn thoát đau khổ của cuộc sống, nhưng giúp chị có đủ can đảm vượt thắng tất cả, chấp nhật tất cả với một tâm tình yêu mến thực sự, để chị không bao giờ phàn nàn, không bao giờ thất vọng, không bao giờ sa ngã và nản lòng, nản chí. Trái lại, những thử thách gian truân của đời sống, giống như ngọn lửa thanh luyện tấm lòng trinh trong của Luxia, để chị hiểu rằng : lòng yêu mến Đức Mẹ và việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ giúp chị chìm ngập trong tình yêu của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, những lời mà Đức Mẹ hứa với chị Luxia, thì Đức Mẹ cũng hứa với mỗi người chúng ta, là những kẻ muốn thực hiện lời nhắn nhủ của Mẹ. Điều quan trọng là chúng ta, cũng như Luxia, phải xác tín điều Đức Mẹ đã nói với chúng ta qua chị, đừng nghĩ rằng con người yếu đuối đầy tội lỗi chúng ta không thể làm được. Hãy thử nghiệm đi, hãy yêu mến Mẹ hết tình đi, hãy thực hiện những điều Mẹ đã dạy một cách trung tín đi. Chúng ta sẽ cảm thấy chúng ta đã được Mẹ Maria thương mến một cách rất đặc biệt mà chúng ta không bao giờ ngờ được. Vì không phải chúng ta đã yêu mến Mẹ trước, nhưng chính Mẹ là người đã yêu thương chúng ta trước mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới.

Kết Luận

Nghe nói về linh đạo Fatima như được trình bày trên đây, chắc hẳn có người sẽ tự nhủ :   « Ối giời ơi ! Còn biết bao nhiêu điều còn phải lo cho cuộc sống hằng ngày làm sao mà còn có giờ nhớ đến những việc đạo đức như vậy được. Chúa biết cho chứ ! Đức Mẹ hiểu cho mình chứ ! » Nếu nghĩ như thế, thì chúng ta chưa hiểu linh đạo Fatima là gì. Đức Mẹ không bảo chúng ta bỏ hết mọi sự mà chỉ chuyên tâm làm những việc đạo đức được Đức Mẹ dậy là đủ. Không ! Đức Mẹ không khuyên chúng ta trốn chạy cuộc sống hằng ngày với những lo lắng vất vả của cuộc đời ; nhưng Đức Mẹ dạy chúng ta chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con, làm công dân trong xã hội, làm người Kitô hữu, với tinh thần đã được Mẹ chỉ dẫn và dâng hết cho Mẹ trong tinh thần hiến dâng, đền tạ, hy sinh và hãm mình, để cầu nguyện cho các tội nhân. Đường tu đức Fatima không thúc giục chúng ta lánh xa những thực tại của trần thế, nhưng giúp chúng ta sống phúc Âm một cách tích cực hơn trong cuộc sống hằng ngày. Linh đạo Fatima giúp chúng ta hiểu rõ hơn, cuộc sống trần thế và đời sống thiêng liêng không bao giờ trái ngược nhau ; nhưng bổ túc cho nhau hỗ trợ lẫn nhau, để giúp chúng ta hiểu một cách minh bạch, những gì chúng ta thực hiện ở trần gian có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa.

Đời sống của chúng ta không phải chỉ có một mục đích là kiếm sống và tạo hạnh phúc ở đời, nhưng còn phải biết xây đắp hạnh phúc trên Nước Trời nữa. Nếu như thân xác cần thức ăn hằng ngày để sống, thì linh hồn cũng cần được bồi bổ một cách dồi dào hơn nữa. Linh đạo Fatima sẽ giúp chúng ta khám phá hạnh phúc ở đời và hạnh phúc vĩnh cửu đều có cùng một giá trị gần giống như nhau, khi cả hai được đặt trọn trong tình yêu Thiên Chúa qua tay Mẹ Maria. Nếu như tội nguyên tổ đã làm cho hạnh phúc trần gian bị tổn thương, thì hạnh phúc vĩnh cửu sẽ giúp chúng ta biết rằng mọi điều được Chúa chúc phúc trên trần gian này, đều dẫn chúng ta về hạnh phúc đích thực là được sống đời với Thiên Chúa.

Đức thánh Cha Piô XII khi cổ động việc truyền bá sứ điệp Fatima trong Giáo Hội, đã tuyên bố :

«Thực hiện ba huấn lệnh Fatima là phương thế cứu rỗi chắc chắn nhất "

Ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm mồng 8 tháng 12
Lm F.X.M Hoàng văn Nghĩa

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đức Mẹ Đang Bị "mạ Lị" Trong Một Vở Kịch Tại Đại Học Columbia (12/15/2010)
Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe (12/12/2010)
Đức Maria, Viên Ngọc Bích Tuyệt Hảo, 8/12/2010 (12/7/2010)
Bông Hồng Mầu Nhiệm (8/12) Giờ Ban Ơn Phước (12/6/2010)
Nét Đẹp Tuyệt Vời Của Mẹ Maria (12/6/2010)
Tin/Bài khác
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ngày 8/12 (12/8/2017)
Giờ Ân Huệ: Ngày 8/12, Đức Mẹ Hiện Ra Với Tước Hiệu Hoa Hồng Mầu Nhiệm (12/6/2010)
Cn 1193: Cuộc Hiện Ra Của Đức Mẹ Tại Wisconsin, Hoa Kỳ (12/4/2010)
Hiện Tượng Đức Mẹ Maria Hiển Linh Khắp Nơi Trên Đất Việt (12/1/2010)
Niềm Hy Vọng Khởi Đi Từ Thiên Chúa (11/26/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768