GIÁO PHẬN THÁI BÌNH TỔ CHỨC LỄ KHÁNH
NHẬT TRUYỀN GIÁO
TẠI GIÁO XỨ THƯỢNG PHÚC
9 giờ sáng ngày 17/10/2010, Đức cha
Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái
Bình đã chủ sự thánh lễ Khánh Nhật Truyền Giáo,
tại giáo xứ Thượng Phúc, giáo hạt Thái Thụy,
trùng hợp với tuần chầu lượt của giáo xứ. Cùng đồng tế
với Đức cha có cha quản hạt Luca Nguyễn
Văn Định – chánh xứ Thượng Phúc và quý cha trong
giáo phận, cùng sự hiện diện của nhiều giáo
dân trong khu vực lân cận.
Trời miền Bắc bắt đầu
vào đông, cùng với những cơn mưa nhỏ rải
rác, những làn gió đông thổi mạnh làm không khí lạnh
thêm, nhưng khi tới thánh đường giáo xứ
Thượng Phúc không khí như nóng lên, vì có tới hàng ngàn
người đã xếp thành hai hàng cùng với các đoàn
hội cờ, hoa, kèn và trống chào đón vị chủ chăn
giáo phận.
Trước khi vào thánh lễ,
tại quảng trường cuối nhà thờ, các hội
đoàn như: ban kèn, giới trẻ và các em thiếu nhi của các giáo xứ chúc mừng Đức
cha với các vũ điệu thật hoành tráng. Sau đó
cha chánh xứ Luca lên tặng hoa Đức cha và xin Đức
cha ban lời huấn dụ cho cộng đoàn.
Mừng ngày lễ
Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, mở đầu bài giảng
Đức cha nhắn nhủ mọi người hãy dâng lời
tạ ơn Thiên Chúa, vì muôn ơn lành Chúa ban cho giáo phận,
cho giáo xứ và cho mỗi người chúng ta. Ngài kêu gọi
anh chị em tín hữu hãy cám ơn các bậc tiền nhân
đã can đảm tuyên xưng Đức Tin và gìn giữ
kho tàng Đức Tin, lưu truyền cho chúng ta đến
ngày hôm nay. Chúng ta là con cháu các ngài, chúng ta được thừa
hưởng gia tài quý báu đó, chúng ta có nhiệm vụ rao
truyền đức tin ấy cho nhiều người khác
nữa: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”
(1 Cr 9:16), ngài
nhắc lại lời thánh Phaolô khẩn thiết kêu gọi
mọi người cùng cộng tác với nhau để
đem Chúa đến cho người khác.
Đức cha nhấn
mạnh: “Lâu nay chúng ta nói nhiều về truyền giáo,
nhưng xem ra không có hiệu quả; hãy biến lý thuyết
thành hành động cụ thể, những hành động
truyền giáo cụ thể. Chớ gì mỗi gia đình Công
Giáo hãy chọn lấy một gia đình không Công Giáo để
truyền giáo cho họ, bằng cách cầu nguyện cho họ,
viếng thăm và mời họ cùng chung vui trong những
ngày đại lễ hay những cuộc dã ngoại. Cứ
mỗi năm chúng ta chọn một gia đình cầu nguyện
và giúp đỡ họ, cha tin rằng chúng ta gieo, Chúa sẽ cho mọc lên”.
Đức cha cũng kêu gọi các bậc
cha mẹ hãy nêu gương sáng cho con cái trong đời sống
hằng ngày. Vì như thế mới mong có gia
đình êm ấm, thuận hoà. Khi nào gia đình hạnh
phúc, giáo xứ sẽ bình an và phát triển.
Giáo xứ ngày một thăng tiến, giáo phận
sẽ ngày một phát triển. Như vậy,
chúng ta đã đóng góp vào việc giới thiệu Chúa cho
người khác.
Thánh lễ kết
thúc sau phép lành toàn xá. Lời bài hát
“chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây”
được hát lên như thôi thúc mỗi người cùng
cất bước lên đường đem Chúa đến
cho thế giới này. Ước mong những hạt giống
nhỏ bé chúng ta gieo vãi hôm nay sẽ nảy mần và trổ
sinh hoa trái ngày mai.
Lược sử giáo xứ
Thượng Phúc
Trước
đây, Thượng Phúc thuộc tổng Hạ Động,
huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Hiện nay
Thượng Phúc thuộc xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy,
tỉnh Thái Bình.
Vào khoảng năm Canh Thìn
(1700), thời vua Lê Hy Tông, có một đoàn các đấng
giảng đạo đã đến gieo Tin Mừng vào mảnh
đất Thượng Phúc này. Giáo họ
Thượng Phúc được khai sinh từ đấy
và thuộc về xứ Kẻ Hệ. Năm 1720, giáo dân dựng
một ngôi nhà nguyện nhỏ sáu gian cách nhà thờ hiện
nay khoảng 50m về phía tây bắc.
Năm 1735, họ
giáo Thượng Phúc lại xây dựng ngôi nhà thờ thứ
hai nay gọi là Đền Thánh Giuse ở phía bắc nhà thờ.
Sau cuộc bách hại của Tự
Đức, năm 1889 điều tra lại dân số và
thôn Thượng Phúc được quy hoạch lại. Số giáo dân tăng gấp ba lần so với
trước.
Năm 1900, họ giáo Thượng
Phúc được Đức cha Maxime Fernandez Định, Giám
mục địa phận Trung, tách khỏi xứ Kẻ Hệ
nâng lên hàng giáo xứ với 13 họ lẻ và nhận Đức
Mẹ Mân Côi làm quan thày. Đồng thời bề
trên bổ nhiệm cha Đaminh Chuẩn làm cha xứ tiên khởi.
Thượng Phúc có họ
Duyên Trữ nhận là cố hương của Thánh Nguyễn
Văn Mới, theo đó khi còn nhỏ
thánh nhân đã đến làng Bồ Trang, rồi theo ông Lang
Điều đến Kẻ Mốt làm ăn, bị bắt
vì đạo tại đó. Trong thời gian Tự Đức
bắt đạo, tại họ An Lệnh (nay là họ Bằng
Lương) có nơi gọi là So Hót đã là pháp trường
xử nhiều vị tử đạo. Thượng
Phúc đã góp phần làm xanh vườn vạn tuế Thái
Bình với 6 nhành lá chiến thắng tử đạo thắm
tươi.
An Bình