CUỘC ĐỜI MẸ MARY MACKILLOP, VỊ NỮ THÁNH ĐẦU TIÊN CỦA ÚC CHÂU
Mary MacKillop là một người Úc. Mẹ sinh vào ngày 15/1/1842 trong ngôi nhà nhỏ trên đường Brunswick Fitzroy, không xa nhà thờ chính tòa bao nhiêu. Mẹ được rửa tội tại nhà thờ thánh Phanxicô và ghi sổ rửa tội tại nhà thờ chính tòa St Patrick ở melbourne. Ông Alexander MacKillop và bà Flora McDonald là những người di dân từ Scotland.
Mary là người chị cả trong gia đình 7 người con. Vì gia đình nghèo nên Mẹ không được học hành đến nơi đến chốn. Mẹ học từ chính ba của mình, đó là chuyện bình thường trong giai đoạn đầu của những người di dân đến Úc thời đó. Chúng ta có rất ít tài liệu về thời niên thiếu của mẹ. Có lẽ mẹ được học tại trường tiểu học St Francis và một hai học kỳ tại trườc Accademy... Có lẽ mẹ cùng gia đình sống một thời gian ở Portland; nhưng sau đó về Penola và về Adelaide. Có lẽ ông Alexander cũng theo dấu chân những người đi tìm vàng... Nhưng một việc chắc chắn là ông để lại cho con gái mình một gia sản đức tin và lòng đạo đức nhiệt thành.
Thập niên 1850
Mỏ vàng ở Ballarat được khám phá ra vào tháng 8/1851, đã làm dấy lên những đợt sóng ồ ạt người đổ về Ballarat và Bendigo trên toàn lãnh thổ Úc Châu. Vào những năm đó số vàng được tìm thấy ở Úc đã thu hút nhiều đợt sóng di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về làm bộc phát lên nhiều đổi thay. Melbourne trở thành một thành phố đông đảo, giá nhà cửa và đất đai tăng vụt. Nhiều chuyến tầu đổ vào cảng Port Phillip Bay. Vì con số tới đông qúa nên Port Phillip Bay chứa không nởi nên nhiều chuyến tầu phải rời về cảng Adelaide... tạo nên nhiều dịch vụ nhưng cũng nhiều vấn đề.
Mary Mackillop làm thư ký và cô giáo
Mẹ đã làm thư ký cho nhà in và cửa tiệm văn phòng phẩm cho tổ hợp Sands và McDougall – sau đó cho Sands và Kenny – để kiếm tiền sinh sống. Sau này nhờ công sức của cha cô mà cô đã đạt được trình độ học vấn được Chính phủ địa phương ở Nam Úc thừa nhận, nên từ năm 1860 cô bắt đầu trở thành một cô giáo tại một trường Công giáo ở Portland (Victoria), với ít lương của chính phủ. Ngay sau đó cô đã thành lập một trường nội trú cho thiếu nữ. Chính trong công việc này mà cô được cha xứ Tenison Woods, vị linh mục mà cô đã gặp 4 năm trước đây hỗ trợ.
Khởi đầu tại Penola
Vào cuối năm 1865 cha Tenison Woods mời cô dạy học ở ngôi trường nhỏ tại Penola. Đầu năm 1866 cô dọn về tiểu bang Nam Úc với 2 người em gái và cậu em trai. Tại Penola từ một chuồng gia xúc bỏ hoang được mướn và người em trai là John MacKillop đã bỏ công sức làm việc cật lực để biến cái chuồng gia xúc này thành trường học. Trường mang tên là trường Bêlem do các sơ dòng thánh Giuse và Thánh tâm Chúa đảm trách. Trong dịp lễ kính thánh Giuse năm 1866, Mary MacKillop, là sơ đầu tiên của dòng thánh Giuse bắt đầu dạy học cho các em học sinh mặc dù mãi tới lễ Đức Mẹ lên trời năm 1867 sơ mới được khấn lần đầu tại Adelaide và được gọi là sơ Maria Thánh Gía. Ngày lễ thánh Giuse 19/3 hàng năm vẫn được coi là ngày khai sinh ra Tu Hội.
Adelaide – và vườn dầu
Giai đoạn 8 năm kế tiếp là một giai đoạn thử thách lớn lao cho sơ Maria Thánh Gía. Thời gian minh chứng cuộc đời mẹ gắn liền với danh xưng mẹ chọn. Chỉ nội trong 5 năm cộng đoàn của mẹ đã tăng vọt lên con số 120 sơ. Ý niệm các sơ phải tu trong dòng không được vào đời và tu hôi bị giới hạn trong giáo phận không được mở rộng thành hội dòng giáo hoàng dù tu hội đã được thành hình cả 30 năm đã tạo nên những cấm đoán ngăn cản từ các đấng bản quyền trong giáo phận. Mẹ Mary và các con cái của mẹ đã cảm nghiệm được lời của Thầy Chí Thánh: "Người ta sẽ trục xuất các con khỏi hội đường và xác tín là họ đang làm vinh danh Chúa..." Mẹ đã đối diện với những thảm trạng trên trong tình bác ái và khiêm hạ trung thành với đấng bản quyền.
Mary MacKillop – con người của Mẹ
Mẹ là một cô thiếu nữ trẻ 32 tuổi xuân không được thừa hưởng một trợ cấp hay bổng lộc nào. Danh tiếng của Mẹ được đồn xa tới tận Pháp quốc và Roma, tới Anh quốc và Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan quê cha đất tổ....Trước cảnh tũng quẫn, Mẹ đã nhận được nhiều lời tưởng thưởng và khích lệ.... Trong lần họp tổng tu hội lần đầu tiên tại Adelaide vào năm 1875 có nhiều những bất đồng và hiểu lầm... nhưng tất cả đều vượt qua...
Giờ lâm chung của Mẹ MacKillop
Dù mẹ thành công trong nhiều công cuộc, nhưng sự thông đạt giải tỏa được những thiên kiến và hiểu lầm đã theo mẹ trong suốt cuộc đời tới tận giờ lâm chung, đem lại cho mẹ những khổ đau đúng với tên xưng của mẹ là Maria Thập Tự. Trong năm cuối đời mẹ phải ngồi xe lăn và bại liệt vì chứng đột qụy. Cảm phục trước những hy sinh tận tụy của mẹ, chính phủ Tân tây Lan đã thiết lập con đường hỏa xa tới Dominion hầu mẹ có thể tới thăm viếng các nhà của dòng của mẹ mới mở ở đó.
Cuối cùng cái ngày cay nhiệt 8/8/1909 đã tới, cái ngày cướp đi sinh mạng của mẹ, nhưng đó cũng là ngày hồng phúc, vì chính qua cái chết mẹ được về gặp gỡ Đức Lang Quân của mẹ là Đức Giêsu Kitô.
"Bình an luôn ở đó"
Trong năm thánh 1925, mẹ tổng quyền Lawrence, cùng với sơ Francis đi tham dự cuộc triều yết Đức Thánh Cha tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo... nơi đây mẹ Lawrence gặp một nhóm sinh viên người Úc họ đã hỏi mẹ “Điều gì mẹ ghi nhớ nhất về mẹ Mary MacKillop?” Mẹ đã nhanh nhẹn trả "sự an bình... một sự bình an sâu thẳm từ nội tâm. Bất chấp những khổ đau, khó khăn thành công hay thất bại... sự bình an luôn luôn tỏa ra từ nội tâm của mẹ..."
Cảm nếm vinh quang
Mẹ Mary MacKillop hiểu rất rõ là dù ở đâu Melbourne, Portland, Penola, hay Adelaide? Và lúc nào Mẹ không hay, chỉ cóa Chúa biết! nhưng Mẹ sẽ được tháp nhập vào sự biến hình với Chúa Kitô. Chính niềm xác tín và sự tiên cảm đó giúp mẹ thắng vượt muôn vàn khó khăn và bền bỉ dấn thân... và cùng các sơ tới những nơi xa xôi hẻo lánh xa đô thị phồn hoa tiện nghi, thiếu thốn về mọi mặt ngay cả nhu cầu tâm linh như không có các linh mục lui tới để ban bí tích... Nhưng mẹ có thể thân thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Chúa, thật là tuyệt hảo chúng con được ở nơi đây!”
Đến những nơi như Jindabyne, Adaminaby và Nimmitabel hay chốn núi cao phủ tuyết Banjo Paterson. Tới các khu quặng mỏ xa xăm bát ngàn Kalgoorlie và Kelleberrin, Boulder và Southern Cross bên Tây Úc tới vùng Texas, Taroom, Diranbandi và Crow's Nest ở vùng đất Nữ Hoàng Queensland. Trong những nhà chòi đơn sơ nhưng đoá là những tu viện, có mai che thân cho hai nữ tu mà Đức Kitô sai đi... tới các vùng xa xôi hẻo lánh bất chấp nóng lạnh nghèo khổ...
"Vùng đất mây trắng"
Vượt biển Tasmania Mẹ viết các lá thư mẹ đang lắng tai đi về các vùng đất phủ đầy tuyết để nghe được những điệu nhạc của người thổ dân Maoris mãi tận Remuera và Matata những vùng đất được tìm thấy từ thế kỷ trước và tới Paeroa, Rotorua, Whangarei là những vùng đất mới được khám phá vào các thập niên 1900 ở miền nam như Port Chalmers, Waimate và Temuka Các sơ của Mẹ đã sinh sống ở Temuka bốn năm trước khi vùng đất được nâng lên thành giáo phận Christ-church. Mẹ thật là người khai phá và đặt nền móng cho vùng đất Tân Tây Lan như Mẹ sai các sơ đi mở nhà ở Temuka một hải đảo phía nam của Tân Tây Lan dù Mẹ mới bắt đầu lập dòng ở Penola được 17 năm và Mẹ mới từ Roma trở về Úc được 8 năm.
Dù ở đâu và thời nào đi nữa các con cái mẹ luôn nghe văng vẳng bên tai lời Đức Kitô được vang vọng qua những lời xác tín của bà Ruth nói cho Naomi: "Bất cứ nơi nào con đi tới, dân tộc của mẹ cũng là dân tộc của con... Nơi nào con cắm lều, mẹ cũng sẽ ở đó với con... Nơi con an nghỉ cũng là chốn mẹ chết và được mai táng... và mẹ nguyện cầu dù sống hay chết không gì có thể tách lìa mẹ khỏi Thiên Chúa..."
Tinh thần của Mẹ Mary Thánh Giá
"Thiên ý của Chúa, cùng đích cuộc đời," là một trong các đề tài giảng thuyết hay nhất của Hồng Y Chân phước Newman. Nhìn vào mẫu gương của Đức Maria có lẽ nhân đức trổi vượt ngời sáng nhất của Mẹ là rộng mở tâm lòng trước tôn ý Thiên Chúa. Như chính Thầy Chí Thánh đã kêu lên cùng Thiên Chúa Cha: "Bất luận điều chi làm đẹp Cha, con hằng quyết thực hiện." (St. John viii, 29.) Tương tự như lời mời gọi: "Hãy lên hoàn thiện như Cha các con ngự trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mathêu v, 48.)
Một sơ gìa của dòng đã viết về những khổ đau và thử thách của Mẹ MacKillop như sau: "Đối với tôi cuộc đời của Mẹ Mary MacKillop từ ngày lập dòng cho tới giờ chết là một cuộc tử đạo dai dẳng. Mẹ chịu cam khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ bị đối xử thật bất công và bị hạ nhục. Nhưng tình yêu Mẹ dành cho con cái của Mẹ là niềm vui và sức mạnh cho Mẹ như có lần Mẹ đã thốt lên: "Khi nào mẹ chết tu hội sẽ phát triển. Mẹ cố gắng dọn con đường êm xuôi cho người kế vị Mẹ. Mẹ biết Chúa Giêsu chọn phần tốt nhất cho mẹ và mẹ tạ ơn Chúa cho mẹ được thông phần khổ đau với Chúa."
Đi tìm tôn ý Chúa
Mẹ chia sẻ là mẹ cảm nghiệm được rằng: nếu muốn thực thi tôn ý Chúa thì phải có nhân đức anh hùng vì tình yêu Chúa thì hay đi ngược lại với khát vọng và mơ ước bình thường của bản tính con người chúng ta như có lần mẹ chia sẻ: "Trong một thánh lễ lúc hiệp lễ mà mẹ không thể cầm lòng cầm trí cầu nguyện được! mẹ chỉ biết trao hiến trọn vẹn mẹ cho tình yêu của Chúa... và trao hiến trọn vẹn là dâng hiến từ những điều nhỏ nhặt nhất đền những người mà Chúa gửi đến cho mẹ yêu thương săn sóc... Lúc ấy mẹ sẵn lòng chấp nhận sống trong tăm tối và bị cấm cản suốt đời ngay cả chịu đau khổ đời này lẫn đời sau ngoại trừ một khát vọng duy nhất là đừng để mẹ xa lìa Chúa nhưng giúp mẹ luôn biết phục vụ Chúa và thực thi tôn ý Chúa muốn cho mẹ và cho các thụ tạo của Chúa..."
Khi nhận được tin Đức Thánh Cha can thiệp giải quyết những vấn đề cho mẹ đã về tới giáo phận vào năm 1870, Mẹ thốt lên: "Ngợi khen chúc tụng Thánh Ý Chúa." Và năm 1871, lúc mẹ chịu một thánh giá nặng nề cho chính cuộc sống của mẹ, mẹ đã thốt lên: "Con không biết phải nói sao về cảm xúc của con, nhưng con vui mừng vì biết Chúa ở gần con hơn lúc nào hết. Con cảm nghiệm được sự thanh thản, sự hiện diện tốt lành của Chúa mà con sẽ nhớ mãi suốt đời!" Vào năm 1872, một năm sau khi Đức Giám mục Sheil qua đời, vẫn còn nhiều điều đáng buồn xảy ra cho Giáo phận Adelaide Nam Úc. Mẹ đã viết tâm sự cùng cha Woods như sau: "Cầu xin Chúa giúp cho giaó phận vượt qua được những thương đau." Cũng cùng năm ấy mẹ viết: "Lạy Chúa nhân từ, Chúa biết con đau khổ khi nhìn thấy những người con yêu bị đau khổ, con tha thiết xin Chúa thể hiện thánh ý Chúa nơi con và ban cho con chỉ tìm được an vui nơi Chúa trên thiên quốc và trong tthánh ý của Chúa mà thôi."
Một sơ gìa trong Tu hội đã ghi lại tư tưởng trong bài chia sẻ của Mẹ MacKillop nhu sau: "Chúng ta không làm theo ý của chúng ta, nhưng chúng ta phải tìm bước đi trong con đường Chúa muốn và dọn sẵn cho chúng ta.. . nên Tôn ý Chúa là trên hết dù chúng ta phải vác thêm thập gía và chịu thêm nhiều đau khổ vì chúng ta chỉ có thể an nghỉ khi chúng ta đi về với Ngài." Khi phải đối diện với nhiều lo lắng và đau khổ vào năm 1877, mẹ đã ghi lại: "Chúng ta hãy làm theo tôn ý Đấng chúng ta yêu mến, và đừng khát vọng gì cho cuộc sống hay sự chết ngoại trừ điều làm đẹp lòng Chúa; đừng để điều chi của trần thế vương vấn trong tâm hồn chúng ta ngoại trừ tình yêu Chúa và dành trọn cho mình Ngài mà thôi!"
Tín thác vào Chúa
"Chúng ta đừng bận tâm lo lắng cho tương lai của Tu hội, mẹ không lo vì Chúa Đấng muốn Tu hội thành hình sẽ lo lắng cho Tu hội." Tư tưởng này phản ánh lời Thánh vịnh: "Hãy phó thác vận mệnh bận trong tay Chúa, Ngài sẽ lo lắng cho bạn." (TV. 54, 23.) "Chúng ta hãy phó thác tất cả cho Chúa và nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trong mọi sự theo Ý Chúa. Khi suy tưởng về điều này chúng ta hãy thân thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa xin hãy dùng con theo thánh ý Chúa."
Có lẽ chúng ta đã nói đủ về điểm này vì đau khổ và thử thách như gắn liền với vận mệnh của mẹ, nhưng mẹ lúc nào cũng nhìn thấy đó là thánh ý của Chúa và là một ơn lành Chúa gửi đến cho mẹ.
Mary MacKillop – Đức Tin Cậy Mến
Giáo hội luôn nhìn vào ba nhân đức đối thần này để định giá sự thánh thiện của một người nào đó. Thật vậy trong mọi chặng đường sống nào của mẹ MacKillop, ba nhân đức này lúc nào cũng trổi vượct.
Đức Tin sâu xa
Qua niềm tin mẹ nhìn thấy bàn tay Chúa trong mọi biến cố. Như năm 1883 mẹ viết từ Sydney vì mẹ buộc phải đổi về Sydney, xa vắng các sơ yêu qúi của mẹ ở Adelaide, trong đêm tăm tối mẹ chia sẻ: "Chúng ta có nhiều đau khổ và sẽ còn khổ đau nhưng thử thách không làm suy giảm hạnh phúc của chúng ta ngược lại chúng thanh luyện chúng ta, và đem trái tim chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn. Cảm nghiệm này có nơi mỗi người, nên mẹ khẩn khoản nài xin chúng con mỗi người hãy chấp nhận thánh gía ngoại cảnh để xây dựng lẫn nhau trở nên những sơ đích thực của Tu hội thánh Giuse và là những phu quân khiêm hạ của vì Thiên Chúa khiêm nhường. Hãy lãnh nhận thương đau để kết hợp với Thiên Chúa."
"Chúng con biết rằng tình thân ái thường là những vết thương không tên từ sự tùng phục những điều nhỏ nhặt hay do những phê bình nhận xét thường ngày. Những điều này thường xảy đến nhưng các con cần biết rằng thánh gía lớn và nặng thì Chúa thường đặt để trên vai bề trên. Mẹ chia sẻ điều này để các con được vui mừng hạnh phúc và những đau khổ mẹ chịu không hóa ra luống công."
Chắc chắn đức tin của Mẹ MacKillop thật vững mạnh nếu không làm sao mẹ vượt thắng nổi những thánh giá khuyếch xù và những hiểu lầm to tát bất công xảy đến cho mẹ! Thật đúng đường lối của Chúa thì khác với đường lối của con người! Một sơ lớn tuổi nói: "Mẹ MacKillop có những lúc tăm tối buồn chán! Tôi có hỏi mẹ và mẹ trả lời: 'Thật đáng thương vì mẹ đã không biết lợi dụng mọi đau khổ như tình thương Chúa gửi để thanh luyện tâm hồn của mẹ, ngược lại nhiều khi còn than trách Đấng Hóa Công..."
Đức cậy tuyệt đối
Chúng ta không cần nói nhiều về nhân đức này vì cả cuộc đời của mẹ thể hiện và nói nên niềm cậy trông tín thác tuyệt đối vào Chúa, Đấng thống trị cõi lòng và tâm hồn của mẹ. Dù gặp khó khăn trăm bề, chống đối tứ phía, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, vậy mà mẹ không chùn bước và không ngừng mở rộng vòng tay chia sẻ với những người túng quẫn. Viết cho một sơ nản lòng chùn bước mẹ viết: "Con hãy vững lòng cậy trông can đảm giữa những khó khăn thử thách, vì Đức Lang Quân của con gửi cho con để con chạy tới Ngài và giúp con tới gần Ngài hơn." Vào năm 1874, lúc đợi chờ Tòa thánh châu phê luật dòng, mẹ viết: "Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, còn chúng ta thì không biết được điều xảy đến có tốt đẹp hay không! Nhưng chúng ta xác tín rằng ‘chúng ta ở trong tay của Giáo Hội thì chẳng có gì phải lo!”
Viết cho Đức Cha Reynolds, Đức Hồng Y Simeoni, chủ tịch thánh bộ Giám mục và Dòng tu viết "Ở Roma, sơ Mary tỏ ra rất bình thản, nói lên sự tín thác tuyệt đối vào Vị đại diện Chúa Kitô và đức cậy trông vào Thiên Chúa.
Đức Mến hăng nồng
Đức ái chân thành của mẹ bao gồm tình yêu Chúa và tình thương cận nhân. Cả cuộc đời của mẹ lúc nào cũng qui hướng về tình yêu Chúa. Những lời mẹ cầu xin, những bài viết của mẹ và các lời khuyên dạy của mẹ thấm nhuần tình bác ái. Đức Tổng Giám Mục Vaughan thâu vén tình yêu của Đức Kitô trong đời của mẹ nhờ thế mà mẹ trải rộng tình yêu tới cho mọi người dân Úc sống rải rác trên châu lục bao la xa xôi hẻo lánh này.
Một sơ gìa biết về mẹ đã viết: "Ngay từ giây phút gặp mẹ, mẹ đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu xa, thái độ hiếu khách và lịch thiệp của mẹ... dù mẹ bận rộn trăm bề, thế mà mẹ luôn có giờ để an ủi, giúp đỡ những người gặp khó khăn... đặc biệt mẹ dành yêu thương cho những người nghèo khổ và cho giới trẻ. Những lần đi thăm viếng các sơ, thấy các sơ thiếu thốn mẹ khích lệ:”Mẹ vui khi thấy chúng con khoẻ mạnh, an vui và quảng đại hài lòng với những thiếu thốn”, nhưng mặt khác mẹ cố gắng cung ứng cho các sơ những gì cần thiết để có được một cuộc sống tiện nghi hơn...
Mẹ ít khi nhắc tới các việc mẹ làm giúp cho người khác, như chỉ mình Chúa biết mà thôi, như khi các sơ dòng Đaminh tới Adelaide, mẹ đã đi gặp cha chính địa phận và hiến tặng tu viện ở đường Franklin cho qúi sơ, trong lúc đó các sơ của dòng mẹ dọn về một cái nhà nhỏ ở đường Gouger. Cũng như khí các sơ dòng Mercy tới, Mẹ đưa các sơ đi thăm các trường của dòng và sẵn sàng hiến tặng cho các sơ một trường tùy theo các sơ lựa chọn. Các sơ đã chọn ngôi trường ở đường Russell. Mẹ cũng tặng ngôi trường ở Gawler cho các sơ dòng Good Samaritan."
Tóm lại tình thương săn sóc cho các hội viên, những người túng nghèo lúc nào cũng ươm tràn tâm lòng của mẹ.
Đời cầu nguyện tha thiết
Theo cha Woods và xem xét qua những suy tư trong các bài viết của mẹ thì sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa qua tâm tình cầu nguyện là nét ưu việt của đời sống thiêng liêng và nội tâm của mẹ. Ví dụ khi hay tin má qua đời, mẹ đã vào thẳng nhà nguyện và cầu nguyện cả hai tiếng trước Thánh Thể Chúa. Linh mục O'Neill viết: "Mẹ Mary yêu thích cầu nguyện, nhiều người đã chứng kiến việc mẹ ngây ngất thức với Chúa vào thứ năm tuần thánh hàng năm. Gương mặt rạng ngời như được xuất thần và tâm hồn mẹ ngất ngây như hòa nhập tâm tư của Đức Giêsu trước giờ Ngài trao hiến vì yêu thương thế trần."
Một điều hiển nhiên là mẹ rập khuôn theo tinh thần của cha linh hướng là linh mục Woods, với một tình yêu lớn lao và niềm sùng kính sâu xa dành cho Đức Maria, Người mẹ tuyệt mỹ và đáng yêu đáng mến của nhân loại."
Đức phục tùng tuyệt đối vào vị đại diện Chúa Kitô
Theo tinh thần của cha ông luôn trung thành với vị Đại diện Chúa Kitô nơi trần thế nên "Roma phán là quyết!"
Vào năm 1873 mẹ lặn lội đi hành hương về đế đô La Mã khiêm hạ xin Đức Thánh Cha phê chuẩn công cuộc mẹ đang thực hiện. Từ Roma mẹ viết về cho các sơ: "Mẹ không có lấy một người quen ở đây... Mẹ biết Chúa sẽ chúc lành cho công việc của chúng ta... Vào Chúa nhật lễ hiện xuống, mẹ hạnh phúc được triều yết Đức Thánh cha Piô IX, Ngài ấu yếm ban phép lành cho mẹ và các sơ yêu qúi của mẹ... Mẹ cảm nghiệm được tình phụ tử của vị đại diện Chúa Kitô khi ngài đặt tay trên đầu của mẹ..."
Rome phán quyết
Mẹ phải ở lại Âu Châu gần một năm đợi chờ quyết định của Roma. Suốt thời gian đó mẹ rất bình thản vì mẹ hoàn toàn đặt niềm tin tưởng và phán quyết chính đáng của Đức Thánh Cha như đó là thánh ý của Thiên Chúa. Cho tới ngày 21/4/1874, mẹ mới nhận được thư của Đức Hồng Y Franchi, chủ tịch của thánh bộ Truyền giáo viết như sau:
"Thưa Mẹ đáng kính, tôi xin chuyển đến mẹ bản hiến pháp được nhuận chính cho bộ luật mới của Tu hội của mẹ, thể theo yêu cầu của thánh bộ các dòng tu, sau khi đã được xem xét kỹ lưỡng và chuyển tới cho tôi. Căn cứ theo bản hiến luật mới này thì bản hiến luật cũ của Tu hội Thánh Giuse không được Tòa thánh châu phê. Tuy thế tôi hết lòng khen ngợi các việc làm của Tu hội của qúi sơ đang thực hiện để đem lại niềm hy vọng cho châu lục rộng lớn mênh mông của Úc Châu."
Điều đáng nói ở đây là niềm vui và sự hài lòng về những tu chính hiến pháp của Roma dành cho tu hội và mẹ chia sẻ niềm vui lớn lao này với nhiều bạn bè tại Úc, như cha O'Neill chia sẻ mục tiêu của Mẹ Mary trong chuyến đi Roma là tìm kiếm sự phê chuẩn Hiến pháp tu hội của Đức Thánh Cha và giờ này ước mơ của mẹ đã thành tựu dù hiến luật có bị sửa đổi nhiều... Mẹ có thể nhìn thấy viễn ảnh Tu hội trẻ trung của mẹ được Giáo hội chúc lành để được kiên vững mà tiến lên và phát triển qua các thế hệ tương lai.
Khó khăn thêm chồng chất
Dù được kiện cường do sự châu phê hiến pháp mới của tu hội, nhưng nhiều khó khăn khác ập tới như nhiều người ủng hộ tu hội trước đây bây giờ giã từ vì họ cho rằng hiến pháp mới không phù hợp với ý tưởng họ đề nghị trước đây! Trước thảm trạng này mẹ đã viết cho các sơ: "các sơ thân mến, dù hiến pháp được sửa chữa nhiều nhưng các con hãy đón nhận với con mắt đức tin là Chúa dùng Thánh bộ để soi dẫn ý Ngài cho tu hội..."
Chân phước (Á Thánh) & Hiển Thánh
Giáo hội Công giáo phong Chân phước hay Á thánh cho một ai nghĩa là Giáo hội nhìn nhận đời sống của ngưới ấy thánh thiện phi thường. Vị Chân phước ấy sẽ được mừng kính cách công khai trong thánh lễ. Việc mừng kính này thường giới hạn trong giáo phận, dòng tu hay tại quốc gia quê hương của vị Chân phước. Như trong trường hợp của mẹ Mary MacKillop được tất cả những người Úc tôn kính và Giáo hội đảm bảo rằng cuộc sống của Mẹ thánh thiện...
Sau những điều tra, học hỏi và nghiên cứu được bảo chứng bằng hai phép lạ hoàn tất thì nghi thức phong Chân phước được tổ chức. Đức cố Giáo hoàng John Paul ll đã tôn phong Chân phước cho Mẹ Mary MacKillop ngày 19/1/1995 tại sân đua ngựa Randwick ở Sydney.
Từ đó tới nay qua việc cổ súy và cầu nguyện Mẹ Mary lại thể hiện thêm phép lạ và được Ủy ban phong thánh và Đức Thánh Cha phê chuẩn thì nay vào ngày 17/10/2010 tại quảng trường Thánh Phêrô tại Roma, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ tuyên dương Mẹ lên hàng hiển thánh để cho Giáo Hội hoàn vũ tôn kính. Giáo Hội Úc Châu và toàn thể nước Úc đón nhận biến cố này một cách trọng thể với nhiều lễ hội tại địa phương cũng như cấp tiểu bang và Liên bang.
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
|