MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Sống Đạo, Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 10-2010

SỐNG ĐẠO, Lm. Giuse Trần Việt Hùng

“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,

người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."  (Mk 3:35).

Truyện kể trong một tu viện Phanxicô có một thầy trợ sĩ chuyên làm nghề thợ may áo dòng cho các thầy. Ngày thầy Leon sắp từ giã cõi trần, các thầy khác vây quanh cầu nguyện cho kẻ liệt. Bỗng thầy nói: Xin đem cho tôi chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Người ta đem đến cho thầy cuốn: Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng. Thầy lắc đầu. Người ta lần lượt đưa cho thầy: Thánh giá, qui luật, tràng hạt, nhưng cũng không phải. Ai cũng ngỡ ngàng! Sau cùng có một thày đoán ra và đi tìm chiếc kim khâu mà thầy Leon đã dùng bao năm qua. Mặt thầy sáng lên nở nụ cười mãn nguyện. Thầy nói: Hỡi bạn cũ kỹ, chúng ta đã làm việc nhiều nhưng tôi đã hiến dâng mọi công việc để rạng danh Chúa. Giờ đây sự ràng buộc đã hết, bạn là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho tôi. Nói rồi, thầy tắt thở. Nở nụ cười trên môi.

1.     Thao Thức

Mỗi người có những thao thức sống đạo khác nhau. Có những người được Thiên Chúa yêu thương ấp ủ ngay khi mới mở mắt chào đời như thánh Nữ Maria Goretti và thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Có những vị đã trải qua bao đau thương dằn vặt tìm kiếm, cuối cùng đã nhận biết tình yêu của Chúa như thánh Phaolô và thánh Augustinô. Có những bậc tìm kiếm Thiên Chúa qua những suy tư thần học và triết học như thánh tiến sĩ Thomas Aquinô và thánh Bonaventura. Chúa đến với mỗi người một cách khác nhau. Điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có dám mở cửa đón Chúa vào hay không.

Có những người đón nhận Chúa cách rất đơn sơ qua những kinh nguyện và những sinh hoạt đời thường. Có những người cần những bước xa hơn và cao hơn để gặp gỡ Chúa như canh thức, đi cấm phòng, đi hành hương hay viếng thăm đất thánh. Lại có những người gặp gỡ Chúa nơi tha nhân ngay chỗ làm việc và hội họp. Có những người cần có liều lượng mạnh hơn như phải dấn thân vào các hoạt động tôn giáo và xã hội. Có những người tìm kiếm Chúa mọi nơi và họ thích những cách thế mới lạ để tìm gặp Chúa một cách cụ thể có thể sờ chạm được. Biết rằng không phải chúng ta cứ vào nhà thờ hay tụ họp đọc kinh là chúng ta gặp gỡ được Chúa. Có nhiều lúc tâm hồn chúng ta chạm đến Chúa qua lời kinh đơn sơ, qua một nụ cười với tha nhân, qua một cử chỉ yêu thương với người khác hay một câu nói xây dựng sự hiệp thông.

2.     Sống Niềm tin

Dân Do-Thái xưa, được Chúa yêu thương dẫn dắt từng bước trong sa mạc về Đất Hứa. Khi vào đất hứa rồi, dân dần dần sống xa Chúa, tôn thờ các thần ngoại bang và rơi vào các thói tục của dân ngoại. Chúa đã sai gởi các tiên tri mời gọi Dân Chúa trở về nhưng chứng nào vẫn tật đó. Họ bị kéo lôi và xuôi theo những nhu cầu khao khát của bản năng con người và cứ thế họ cứ từ từ xa Chúa. Chúa cảnh cáo họ, rồi ra hình phạt, bắt đi lưu đầy và chịu mọi cơ cực lưu đầy. Đau khổ đến cùng tận, dân Chúa vẫn còn hy vọng và họ lại ăn năn sám hối trở về.

Chúa vẫn yêu thương ấp ủ và tha thứ. Cuộc sống đạo của mỗi người chúng ta cũng giống như những người Do-thái thời xưa. Chúng ta cũng nhiều lần thờ ơ sống đạo. Chúng ta đã lạc xa Chúa tìm kiếm nơi nương tựa là của cải phù vân. Chúa mời gọi chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Chúng ta càng sống đạo lâu, càng phải cố gắng nhiều hơn. Chúng ta cần cầu nguyện, trau dồi sự hiểu biết về đạo và thực hành sống đạo nhiều hơn. Để củng cố lòng tin, chúng ta cần có những tổ chức sinh hoạt, tham dự học hỏi và phấn khích niềm tin.

Có nhiều người chân thành nhận biết Chúa một cách rất đơn sơ như các mục đồng khi xưa nơi hang Belem . Có nhiều người cảm nghiệm tình yêu của Chúa qua đời sống gia đình và nơi con cái. Có người nhận biết Chúa qua lời cầu kinh và kinh đẹp nhất là kinh “Lạy Cha”. Có người nhận ra Chúa qua ơn Chúa Thánh Thần đánh động trong tâm hồn. Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người tham dự vào chức vị làm con Chúa. Khi nhận biết và tin theo Chúa, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa. Theo Chúa lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi: Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc. 9:23).

3.     Theo Đạo

Theo đạo, giữ đạo, sống đạo và hành đạo phải là một cố gắng không ngừng. Cuộc sống đạo là một hành trình đi về nhà Cha. Chúng ta cũng không thể gấp gáp đòi hỏi mọi người phải hoàn thiện ngay được. Thời gian là thuốc chữa tất cả các chứng bệnh trong đời sống. Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân.

Mức độ tìm kiếm Chúa nơi các tín hữu rất khác biệt. Có những người thông thái tìm kiếm Chúa trong sách vở và lý thuyết. Có người tìm kiếm Chúa nơi các khoa học, họ muốn một Thiên Chúa cụ thể và có chứng nghiệm, đôi khi họ tìm mãi mà chẳng gặp. Có những người tìm kiếm Chúa nơi những suy tư triết học, những chiêm niệm sâu lắng. Có những người gặp Chúa ngay khi mở mắt nhìn những kỳ công của Chúa. Chúng ta biết rằng Chúa đã không mặc khải cho những kẻ khôn ngoan biết những mầu nhiệm của nước trời nhưng tỏ ra cho những kẻ bé mọn. Đây là cách thế Thiên Chúa đã dùng để tỏ lộ và sống với con người. Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn(Mt 11:25).

4.     Giữ Đạo

Hôm rồi tôi đi bác sĩ, sau khi khám và chẩn bệnh, đương nhiên là ai trong người chẳng có chút tật này bệnh nọ. Tôi hỏi bác sĩ là có cần uống thuốc không? Bác sĩ nói rằng không nên uống thuốc khi không cần thiết. Khi uống quen thuốc rồi, sẽ phải uống tiếp. Nếu chúng ta dùng loại thuốc nào, chúng ta cứ phải dùng hoài và càng dùng càng phải lên đô. Nhu cầu của thân xác cũng như những nhu cầu đòi hỏi của tinh thần. Thân xác con người có những nhu cầu cần đáp ứng, nhất là sự yếu đau bệnh tật. Mỗi người cần dùng những liều lượng thuốc khác nhau. Khi những người không quen dùng thuốc chỉ cần uống một vài viên thuốc như Aspirin cũng có hiệu qủa và khỏi bệnh. Bệnh nào thuốc đó, thuốc đắng giã tật mà. Thuốc dùng để phòng bệnh và chữa bệnh, để giúp thân xác được khỏe mạnh. Ai trong chúng ta cũng phải dùng thuốc. Thuốc chữa bệnh, thuốc ngừa bệnh, thuốc tăng sinh lực và thuốc giúp điều hòa sự lưu chuyển máu huyết trong cơ mạch.

Có những người đã lạm dụng thuốc, thấy ai mách bảo thuốc nào có công hiệu chữa bệnh là tìm kiếm cho bằng được. Ngày nay có nhiều các bác sĩ, y sĩ không chuyên môn đoán bệnh không mất tiền. Họ có những áp dụng chung chung cho mọi thứ bệnh, đôi khi gây hoang mang cho các bệnh nhân. Người ta nói lắm thầy thối ma là vậy.Chúng ta hãy cẩn thẩn dùng các loại thuốc này. Thuốc thang giống như ơn thiêng cần có cho linh hồn. Ơn thiêng giúp chúng ta tăng nguồn sinh lực sống đạo. Như cành nho nối kết với cây để có sự sống, chúng ta liên kết với Chúa và với nhau để truyền lan sự sống thiêng liêng.

5.     Sống Đạo

Nhìn chung qua cách sống đạo, chúng ta nhận thấy rằng có nhiều thành phần tham dự vào đời sống Giáo Hội khác nhau. Có một số người thì thích gia nhập nhiều Hội Đoàn, lòng chay nào cũng có nước mắt. Họ muốn tham dự vào mọi biến cố và dịp lễ của cộng đòan giáo xứ. Nhưng trái lại cũng có rất nhiều tín hữu đang sao lãng việc giữ đạo và hành đạo. Một số người chỉ đến nhà thờ vào vài dịp lễ lớn hay dịp có ấn tượng như lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Rước Lễ Lần Đầu và Bí Tích Thêm Sức. Họ tham dự một năm vài lần vào dịp Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh và Lễ Quan Thầy như San Juan, Our Lady of Guadalupe… Nhiều người không còn đến nhà thờ thường xuyên nữa. Họ không muốn tham dự vào bất cứ đoàn thể hay sinh hoạt nào của giáo xứ.

Nhiều người vẫn muốn mang danh là người Kitô Hữu nhưng niềm tin và cuộc sống còn khoảng cách rất xa. Tôi gặp rất nhiều anh chị em tín hữu thường đi tham dự các cuộc hội họp, cầu nguyện và cả tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Đi vào đời sống cụ thể, tôi cũng không hiểu cách thực hành đạo thế nào mới là thích hợp. Vấn đề bức xúc nhất, vẫn là vấn đề cuộc sống hôn nhân gia đình. Phần lớn những người đến từ Nam Mỹ, họ quan niệm và sống rất tự do về vấn đề hôn nhân. Họ có con, có cháu, có bà nội, bà ngoại nhưng các con cháu ít biết về ông và bố. Vai trò của người đàn ông không còn quan trọng nhiều trong gia đình. Có rất nhiều người mẹ đơn chiếc (single mother) nuôi dậy và giáo dục con cái. Họ vẫn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.

Cách sống thử và tạm thời trong cuộc sống lứa đôi đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lớp trẻ Á châu. Những năm qua, đã có nhiều bạn trẻ Việt đang chạy theo kiểu sống vội này. Các bạn trẻ dần dần rời xa nền văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp. Có nhiều người trẻ muốn có con mà không muốn lấy chồng. Có người thì sống chung với nhau như bạn trai, bạn gái không có hợp luật và hợp lệ. Có nhiều bạn trẻ công giáo chỉ làm giấy hôn thú ngoài tòa đời và không muốn dấn thân sống đời hôn nhân trong Bí Tích Hôn Phối. Mục vụ nói gì bây giờ. Phải rất tế nhị khi đặt vấn đề với họ. Nên thánh hay sống thánh là một tiến trình và từng bước tiến gần tới Chúa. Nếu chúng ta không quan tâm tới họ, họ sẽ buông xuôi luôn. Và chúng ta sẽ không có cơ hội gặp lại. Chúng ta chỉ còn biết phó thác vào lòng nhân lành của Chúa.

6.     Hành Đạo

Hôm đó, đi tham dự thánh lễ về, chị buồn và nói rằng giá đừng đi lễ và đừng nghe giảng thì lương tâm đâu có bối rối. Tôi hỏi sao thế? Chị ta nói rằng hôm nay cha giảng về đức công bằng và sự thành thật. Mà cuộc sống này làm sao mà áp dụng chứ. Nếu cứ công bằng đóng thuế cho nhà nước, thì lấy gì mà ăn. Đây là tâm trạng chung của nhiều người tín hữu. Khi đi tham dự thánh lễ, nếu cha giảng nói về luân lý đạo đức thì nhiều người không vui. Họ lại than phiền rằng cha nói bóng nói gió về mình, chứ không lo tự xét mình thế nào. Vậy là họ tẩy chay cha xứ và không muốn nghe cha giảng nữa. Thực hành đạo là đời sống đi đôi với lời nói và việc làm. Biết rằng chúng ta không thể ngày một, ngày hai có thể thực hành tốt mọi điều luật truyền dạy. Có khi cả đời chúng ta cũng chưa tập tành được một nhân đức nhưng sự cố gắng tiến lên trọn lành là điều quan trọng.

Có một số người lý luận rằng tôi không đi xưng tội nữa, vì tôi xưng rồi, sau lại tái phạm. Tôi đâu có giữ được lời hứa, vậy tôi xưng tội để làm chi? Đúng thế, có những tội, chúng ta xưng đi xưng lại cả đời mà cũng chẳng chừa được. Nhưng sống và hành đạo cũng như chúng ta ăn cơm mỗi ngày, ăn rồi lại đói, đói rồi lại phải ăn. Hoặc hôm nay chúng ta tắm rồi, mai lại tắm nữa. Cuộc sống là những chuỗi giây kết hợp đi tới. Khoảng đời đã qua là đã đi vào qúa khứ. Chúng ta đang sống với những giây phút hiện tại. Sống giây phút này trong tình yêu của Chúa vẫn là một hồng ân. Tin đạo, theo đạo, giữ đạo, sống đạo và hành đạo phải luôn đan kết với nhau làm thành một đời sống. Sống đời Kitô Hữu là một dấn thân không ngừng. Bước theo Chúa Kitô không phải tùy hứng hay theo mùa nhưng là vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa. Thánh Phaolô nói rằng: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Galát 2:20).

Nói tóm lại, chúng ta được mời gọi theo Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta cùng được chia sẻ một nguồn sống là ơn Chúa qua các kinh nguyện và hiệu qủa của các Bí Tích. Trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sẽ gặp nhiều gian nguy, cám dỗ, thách đố, chịu đựng, khổ đau nhưng phần thưởng vinh quang đang đợi chờ chúng ta ở cuối đường. Chúng ta cùng chạy đua và hãy đua đến cùng đường và giữ vững đức tin trọn vẹn. Xin Chúa đổ tràn ơn thiêng xuống cho mỗi người, để chúng ta cùng được thông hiệp với Chúa như cành nho tháp nhập vào thân nho. Chúng ta sẽ cùng chung hưởng hạnh phúc muôn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York


  

 

 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thiên Chúa Sẽ Ban Cho Tôi Điều Tốt Nhất (10/16/2010)
Thiên Chúa Không Thể Làm Ngơ Trước Lời Cầu Xin Của Con Người (10/16/2010)
Ngoại Tình Với Cái Nhìn Tâm Lý Ðạo Ðức (10/16/2010)
Một Đồng Xu, Thanh Thanh (10/16/2010)
Cầu Nguyện Dễ Không? (10/16/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Tâm Hồn Phải Sâu Rộng, Cầu Nguyện Mới Đắt Lời. (10/15/2010)
Kiên Nhẫn Trong Lời Cầu (10/15/2010)
Dân Chúng Và Linh Mục Cùng Nhau Cầu Nguyện (10/15/2010)
Ngoại Tình Dưới Cái Nhìn Phân Tâm Học (10/15/2010)
Lòng Biết Ơn, Lm. Trần Việt Hùng (10/15/2010)
Tin/Bài khác
Cầu Nguyện Với Đôi Tay Rộng Mở (10/14/2010)
Cầu Nguyện Không Ngừng (10/14/2010)
Cầu Nguyện (4) (10/14/2010)
Cầu Nguyện (3) (10/14/2010)
Đỉnh Cao Của Cầu Nguyện, Lm Nguyễn Hữu An (10/14/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768