NHỮNG TỪ NGỮ?
Có những từ ngữ cần ta tìm hiểu về nghĩa, cách sử dụng cho chính xác, để tránh nguy cơ hiểu không đúng, hành xử không đúng, rồi sống không đúng.
Yêu thương Thiên Chúa và tha nhân (Mt 22, 37.39)
Hai giới răn này là 2 mặt của một vấn đề. Không thể yêu điều nào trước, mà phải cùng lúc mới có giá trị. Giống như đồng tiền phải có đủ 2 mặt và phải in đúng tiêu chuẩn của quốc gia hay quốc tế. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng không phải là yêu chung chung, yêu đại khái, yêu trong lòng, mà phải được diễn tả bằng hành động cụ thế. Đó là yêu anh em như chính mình.
Nhưng không được lấy lý do là tôi yêu anh em, vậy suy ra là tôi yêu Chúa. Không phải. Yêu anh em là yêu anh em. Yêu Chúa là yêu Chúa.
Ví dụ: Là người linh mục chẳng hạn. Linh mục thì bày tỏ lòng mến Chúa bằng việc phục vụ tha nhân. Nhưng không có nghĩa là giáo dân làm những việc mục vụ của linh mục thì trở thành linh mục.
Yêu thương và phục vụ
Vì yêu thương, tôi phục vụ chứ không phải là phục vụ người khác thì có nghĩa là tôi yêu thương họ. Rất có thể ta chỉ coi họ là phương tiện, là bàn đạp để ta lập công phúc, là dụng cụ để ta phô trương chính mình. Thánh Phaolô nói: “Tin trong lòng thì được công chính, con xưng ra ngoài mới được cứu độ” (Rm 10,10). Hay như thánh Giacôbê nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).
Cầu nguyện và các việc đạo đức
Cầu nguyện là biến đổi. Gặp là biến đổi. Chưa biến đổi là chưa cầu nguyện, chưa gặp Chúa. Cầu nguyện bằng việc tham dự thánh lễ, các giờ chầu, đi chặng đàng thánh giá, đọc kinh, đọc sách đạo đức để đón nhận ơn Chúa mà biến đổi cuộc đời.
Nhưng không có nghĩa là cứ làm những việc đạo đức ấy thì tôi có đời sống cầu nguyện, có gặp Chúa. Biến đổi mới là câu trả lời cho việc mình có cầu nguyện, có gặp Chúa hay không.
Bác ái
Khẩu hiệu: “Đạo nào cũng tốt” xem ra được ăn khách hơn cả, và con người đơn giản chỉ làm việc bác ái là tự coi như đã chu toàn luật Thiên Chúa.
Không, bác ái như trong Phật giáo như nhiều người thường nghĩ, mới chỉ dùng lại ở mặt nhân sinh, ở khía cạnh con người mà thôi. Bác ái Kitô giáo thì khác. Việc bác ái này phát xuất từ cung lòng Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, và việc ta làm mang ý nghĩa chia sẻ thực sự từ trái tim Thiên Chúa chứ không đơn thuần ở hành vi nhân sinh.
Vật chất
Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã trao vũ trụ này cho con người cai quản, chăm sóc để nó phát triển tươi tốt, màu mỡ xanh tươi. Thường con người nghĩ là làm lời ra những nén bạc tức là cho vay lời. Không, tất cả mọi thứ phương tiên, dụng cụ, tiện nghi, nói chung là vật chất đều phải sinh lợi tương xứng với giá trị của nó. Vật chất phải phục vụ con người.
Ví dụ: Mua nhiều quần áo mà để treo cho mốc, không sử dụng hết. Mua nhiều xe gắn máy để chưng cho đẹp. Mua nhiều tiện nghi mà không sử dụng để phục vụ con người….
Tất cả đều là lãng phí, là lạm dụng vật chất. Như thế cũng giống người có một nén đem chôn dưới đất vậy.
Tội lỗi
Nếu ngươi không biết mà phạm thì bị đòn ít hơn, còn người biết mà cố tình thì bị đòn nhiều hơn. Đôi khi ta lạm dụng cứ phạm tội rồi nói rằng tôi không biết nên thành tội nhẹ. Đúng, có khi thì nhẹ nhưng cũng có khi nặng gấp đôi.
Ví dụ: Một em bé vị thành niên bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, đã dùng dao đâm người khác, quan toà sẽ xử khoan hồng, bản án sẽ được nhẹ hơn, vì em không biết.
Ngược lại, khi điều khiển xe: phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, ta sẽ bị công an phạt vì phạm luật. Nếu lên tiếng là tôi không biết thì công an sẽ giam xe luôn, vì để ta không biết mà điều khiển xe trên đường sẽ gây tai nạn. Như vậy là phạm 2 tội một lúc: phạm luật giao thông và tội không chịu tìm hiểu về luật giao thông đường bộ.
Xét về luân lý cũng thế, những gì liên quan đến các điều răn, các lề luật mà ta không giữ hay nói rằng tôi không biết hòng giảm nhẹ thì, thì coi chừng lầm.
Chớ giết người
Không phải cứ chém giết mới là giết người. Tất cả những gì ảnh hưởng đến sự sống đều là điều răn thứ V, dù trực tiếp hay gián tiếp, như làm hại môi trường sống, đến sự sống con người.
Ví dụ: Đau không uống thuốc, bệnh không chịu chữa viện lý do là để hãm mình ép xác.
Ví dụ: Làm cho môi trường xấu đi bằng chất thải từ người, từ chăn nuôi ra sông, chảy sang nhà hàng xóm…
THANH THANH
http://niemvuimoi.org
|