Tháng Mân Côi, Ngày Mười Ba
Luôn Luôn Đọc Kinh Mân Côi Cả Khi Thấy Khô Khan Hay Chia Trí
Như đã trình bày trong ngày 11, phương thức đọc Kinh Mân Côi là: Phải cố gắng đọc Kinh ngoài miệng. Đồng thời suy niệm các mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi.
Điều kiện 1 tương đối dễ, vì chỉ cần đọc khoan thai, rõ ràng và ý thức ý nghĩa. Tuy nhiên linh mục Cangardel, tác giả tập sách Bệnh Nhân Đến Lộ Đức xác định: “Tư tưởng ta không cần tiến theo nhịp của làn môi.” Điều kiện 2 tương đối khó vì đòi phải cầm trí suy nghĩ những mầu nihệm và quyết noi theo gương Chúa và Đức Mẹ đã nêu lên.
Việc suy niệm này tùy hoàn cảnh, khả năng và trình độ của mỗi người. Chúng ta nhớ lời Thánh Tiến Sĩ Bônaventrua: “Một bà già quê mùa có thể yêu mến Chúa hơn một tiến sĩ thần học”.
Có người khi thấy khô khan, có kẻ không thể cầm trí, liền ngã lòng không đọc Kinh Mân Côi nữa, vì nghĩ rằng có đọc cũng uổng công vô ích. Nghĩ vậy thật lầm.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII trong Hiến chế Pretious ngày 13.5.1727 đã tuyên bố: “Đối với những người không có khả năng suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi thì lần chuỗi sốt sắng cũng đủ.”
Thêm một tiếng nói có thẩm quyền nữa của nguời thừa hưởng gia nghiệp Thánh Đaminh, Linh mục Alain de Rupert, ngài viết: “Có một người ngoan đạo, đã bỏ đọc Kinh Mân Côi trong một thời gian, vì thấy mình khô khan đãng trí, không thể suy niệm những mầu nhiệm như ý muốn. Đức Mẹ hiện ra cho đương sự và minh giải cho ông đừng lầm nghĩ như vậy và cứ tiếp tục đọc Kinh Mân Côi dù thấy khô khan hay đãng trí. Trường hợp đọc kinh không sốt sắng như vậy mà cố gắng đọc, công đức lại càng lớn hơn. Vì Đức Mẹ càng lưu ý đến lòng thành thực và sự cố gắng của ta.”
Giai Thoại: Các danh nhân Lần Hạt Mân Côi
Có rất nhiều danh nhân hết sức tôn sùng Kinh Mân Côi, dù bị cám dỗ có rất nhiều giai thoại về niệm châu của vô số danh nhân, nhưng xin hạn chế sau đây một ít mẫu điển hình.
Đức Leô XIII, một vị Giáo Hoàng vĩ đại, mỗi khi thư thả, cầm chuỗi lần hạt ngay. Ngài khẳng định: “Muốn được ơn soi sáng để điều khiển Giáo Hội, phương phán linh nghiệm hơn cả là đọc Kinh Mân Côi.”
Có ai bù đầu cho bằng ông vua của thế giới đạo? Thế mà Đức Piô XI cũng tìm ra được thời giờ để mỗi ngày lần 3 chuỗi. Bởi vậy Ngài phải thức ngày nào cũng quá nửa đêm. Ngài tuyên bố: “Ngày nào không đọc hết Kinh Mân Côi, ngày đó coi như vô ích”.
Đức Piô XII khi đi dạo trong thượng uyển Vatican được Đức Mẹ Mân Côi cho thấy phép lạ cả thể mặt trời liên tiếp trong 3 ngày. Vị Giáo Hoàng được toàn thể thế giới khâm phục này nhiều lần qui tụ cả thiếu nhi La Mã đến điện Vatican quỳ chung quanh Ngài đọc Kinh Mân Côi. Khi Ngài băng hà, người ta quấn tràng hạt Ngài thường dùng vào tay để nói lên ý chí dù sống dù chết, Ngài không rời tràng hạt thân yêu.
Ông Franco, quốc trưởng Tây Ban Nha, trước khi giải quyết một vấn đề quan trọng, đến lần hạt trong nguyện đường riêng.
Ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư Bộ Lại, tương đương với thủ tướng Việt Nam, ngày nào cũng lần hạt Mân Côi.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi còn là Phủ Trưởng Hải Lăng, thường đi chân không hành hương đến La Vang lần nhiều chuỗi mới về.
Thi sĩ Hàn Mặc Tử, tại nhà thương phung Qui Hòa luôn luôn lần hạt và đã ca tụng Mẹ bằng một kiệt tác Ave Maria.
Thánh Tôma và Bônaventura là 2 vị tiến sĩ lừng danh thời Trung Cổ ngày nào cũng trìu mến lần chuỗi. Thánh Phanxicô Khó Khăn, bạn thân của Thánh Đaminh cũng vậy.
Linh Mục Olier sáng lập và tiên khởi Gíam Đốc chủng Viện Xuân Bích, Đức Hồng Y Bác Học Bêruyn (Bérulle), đại danh Fénelon và nhà Hùng biện lỗi lạc Bossuet lần hạt hằng ngày để được thần lực và soi sáng.
Các thân nhạc Haydn và Mozart tìm nguồn hứng trong bí quyết Mân Côi.
Ông Bùi Tuân, Dân Biểu Quốc Hội trước đây, là 1 nhà văn thánh thiện. Sau khi trở lại là 1 tông đồ nhiệt thành bằng ngòi bút. Một hôm nhà thơ Ái Thần đến thăm ông ở Bồng Sơn. Hai bạn văn, để tỏ tình thân mật, cùng ngủ chung một giường. Ái Thần từ Huế vào mệt, ngủ giấc dài, thức dậy vẫn thấy Bùi Tuân quỳ trong mùng lần hạt. Đồng hồ điểm 12 tiếng.
Lời Nguyện
Lạy Mẹ, những gương tôn sùng Kinh Mân Côi mãnh liệt quá, hấp dẫn quá, không thể không lôi kéo mạnh chúng con được. Chúng con nguyện luôn luôn dâng lời chào Mẹ.
Cả khi khô lá úa, cả khi trí loãng mây trôi, cả khi lòng bạc như vôi: có Mẹ lưu ý đủ rồi!
|