PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG
“Đức Giêsu, mẹ Người cùng các môn đệ đợc mới đi dự tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: Họ hết rượu rồi. Đức Giêsu đáp: Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: Các anh đổ đầy nước vào chum đi! Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc. Họ liền đem cho ông.
Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu ông mới gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ" (Ga 2,1-10).
Khi đã đến tuổi trưởng thành, Đức Giêsu bắt đầu đi xây dựng cuộc sống, phát triển con người và kiến tạo hòa bình. Thái độ đầu tiên của Ngài đó là khiêm tốn cúi mình xuống để lãnh phép rửa tại sống Giođan, do Gioan Tẩy giả cử hành.
Ngài không để cho bạo lực, lợi lộc hay quyền lực hoặc cái tôi tự tôn, kiêu căng chi phối việc phục vụ. Với thái độ khiêm nhường và xin ơn trên như vậy, Ngài đã mang lại thật nhiều kết quả ích lợi cho nhân loại. Và tiệc cưới tại Cana là phép lạ đầu tiên của Ngài.
Muốn thăng tiến và phát triển, ta cần phải có tinh thần thiện chí, cầu tiến và phục thiện. Nếu có sáu chữ vàng này thì, tất cả mọi sự xảy ra trong đời thường mà ta nghe, nhìn, đọc được, đều trở thành bài học quý giá giúp ta rút kinh nghiệm, hay nâng cao được mọi mặt trong cuộc sống của mình.
Có nhiều cách để giúp ta học hỏi và thăng tiến, đó là học ở trường lớp, học ở trường đời, học từ cuộc sống, học nơi các biến cố vui buồn, thành công hay thất bại của cuộc sống nơi mình hay ở những người xung quanh.
Những cách thông thường : là xem, xét, làm; là nghe, nhìn, suy, làm; là nhận ra vấn đề, tìm phương thế giải quyết, quyết định hành động, lượng giá kết quả.
Cách nào cũng tốt, nhưng nó chỉ mang lại kết quả mỹ mãn, hài lòng cho mình và cho người khác khi ta đã làm với ý ngay lành, làm hết sức, hết tấm lòng yêu thương quý mến và cộng tác phục vụ, cùng với lòng bao dung. Vì vậy, dù kết quả có không được như ý, ta vẫn vui mừng và dễ dàng chấp nhận, bởi ta đã làm hết khả năng của mình.
Với thái độ khiêm tốn và yêu thương để khởi đầu cho mỗi lời nói và việc làm, sẽ giúp ta không nhữ thêm sức mạnh của Thiên Chúa, mà về tâm lý, còn thêm tự tin, can đảm, mạnh dạn và sẵn sàng hết mình cho công việc phục vụ của mình.
Nếu không có lòng nhân ái và yêu thương nhau, ta khó có thể nhận ra các nhu cầu vui buồn, sở thích, ước mơ và nguyện vọng của nhau. Vì thế, hoặc là ta chẳng giúp đỡ, chia sẻ, phục vụ gì hết, hoặc là phục vụ mang tính chủ quan. Nghĩa là tôi nghĩ là tốt là hay là đẹp là được thì tôi phục vụ, còn nhu cầu của người khác là gì thì tôi lại không biết.
Phục vụ kiểu này sẽ dễ gây cho người khác khó chịu, vì nếu nhận thì không không vui, không nhận thì lại phụ lòng người khác. Thế rồi cả hai có thể bị tổn thương do lòng tốt mà không đúng chỗ, đúng cách, đúng người, đúng nhu cầu.
Nếu biết quan tâm, quan sát và chú ý lắng nghe, sẽ giúp ta phục vụ hiệu quả, cuộc sống sẽ hài hòa vui vẻ hơn nhiều.
Điều quan trọng là cần có tấm lòng, ý ngay lành thực sự. Nếu không sẽ chẳng ích lợi nhiều.
Bởi có mấy ai là không quan tâm hay quan sát đến người khác và cuộc sống xung quanh. Nhưng động lực thì không hoàn toàn giống nhau. Có ba loại quan tâm như sau:
Quan tâm vì tò mò
Có người không những quan tâm, mà còn quan sát kỹ lưỡng, chẳng bỏ chi tiết nào nơi người khác, nhà người khác, từ trước nhà, sau hè đến trong nhà, mọi sự đều nằm trong tầm nhìn và nghe ngóng để biết càng nhiều càng tốt.
Biết nhưng không phải để chia sẽ và giúp đỡ, nhưng sau đó đem ra bàn tán xì xì, bình phẩm, chê bai, rồi chủ quan đưa ra những phán quyết không chính xác, chưa kể còn thêm điều đặt chuyện cho nội dung thêm hấp dẫn, đáng tin và dễ tin để nói cho người khác biết.
Loại này thật tiêu cực. Vì chẳng ích lợi cho mình, không ích lợi cho người khác, càng không lợi ích cho người thứ ba. Cuộc sống cộng đoàn như vậy dễ gây nghi kỵ, hiểu lầm và căng thẳng.
Quan tâm nhưng thiếu tế nhị
Loại người này thì có quan tâm, có lòng tốt để phục vụ, nhưng cách thức lại không hợp, vì thiếu khéo léo khôn ngoan, thiếu tế nhị.
Sự việc thường xảy ra, là vì vốn có lòng tốt, có tinh thần phục vụ, nên sẽ nhanh chóng lăn xả vào để làm việc này việc nọ. Với cách này sẽ gây khó chịu, tự ái cho người đang trực tiếp có trách nhiệm, và rất có thể còn làm cho mọi việc thêm lộn xộn, vì cách làm của ta, đôi khi vì chủ quan mà ra.
Hoặc với cách là chỉ trỏ, kêu người này, gọi người kia, nhờ người nọ làm việc, như thể mình là người đang trực tiếp điều phối công việc vậy. Cách này sẽ gây dị ứng, tự ái cho người làm theo ta, còn nếu không làm theo, thì chính ta lại không vui, khó chịu, bởi ta tốt như thế, có lòng phục vụ như vậy mà không được đón nhận. Và lòng tốt bị tổn thương.
Cả hai cách đều là nguy cơ gây không vui cho nhau.
Phục vụ trong yêu thương
Đây là cách phục vụ mang tính cao cấp, có nghệ thuật. Cách này sẽ tạo bầu khí ấm cúng, đoàn kết, giúp hiểu nhau hơn. Cách phục vụ này sẽ được người khác vui lòng đón nhận. Họ sẽ hạnh phúc bởi sự giúp đỡ, chia sẻ của mình với trách nhiệm, bổn phận trong cuộc sống của họ.
Hình ảnh Mẹ Maria và Đức Giêsu trong câu truyện Tin Mừng trên là một minh họa lý thú, hấp dẫn, giá trị.
Mẹ Maria quan sát và nhận ra nhu cầu cần có rượu để thết đãi khách. Nếu thiếu, sẽ gây cho mọi người mất vui, còn gia chủ sẽ bị mất mặt.
Mẹ không phải vì tò mò, bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, nhưng do sự nhạy bén và thúc đẩy của trái tim. Người có lòng nhân ái, có tình yêu không bao giờ thấy đau khổ mà vui mừng, thấy nguy hiểm mà làm ngơ. Bản chất của tình yêu là vậy. Mẹ đã thể hiện tình nghĩa này một cách kịp thời, đúng lúc.
Mẹ cũng không lấn sân, không đạp chân lên nhau, cũng không lăn xả vào làm việc, càng không ra lệnh sai khiến người này người nọ, bởii mẹ biết mình cũng chỉ là một trong những khách mời giống như bao kẻ khác mà thôi.
Nhưng cách mẹ làm, là là báo cho người khác, báo cho con mình biết tình hình. Còn có làm hay không, tùy vào những người có trách nhiệm.
Kết quả của lòng tốt và tế nhị, không ai lại không giúp đỡ, lại nhắm mắt làm ngơ. Và Đức Giêsu đã làm tất cả, vì gia chủ, vì niềm vui của thực khách. Nhờ thế, lòng tốt được đáp trả là mọi người vui sướng, hạnh phúc.
Nghệ thuật phục vụ hiệu quả là: Đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng và đúng nhu cầu.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org
|