KHI THIÊN NHIÊN LÊN TIẾNG CẢNH BÁO
Trong những năm gần đây hiện tượng bão lụt, hạn hán, gọi chung là thiên tai sảy ra trên diện rộng, bao trùm khắp thế giới, mức độ tàn phá ngày càng khốc liệt, trầm trọng. Sau mỗi lần thiên tai đi qua, nhân loại như bị nhấn chìm và bị bao trùm bởi những vành khăn sô từ trẻ thơ cho tới những mái đầu bạc, những tiếng khóc ly biệt; nạn thất nghiệp, dịch bệnh; những thương tổn vể thể chất, tinh thần; cảnh màn trời chiếu đất cho những con người trực tiếp, gián tiếp hứng chịu những thiệt hại do thiên tai gây nên. Đây chính là những nỗi lo, sợ cho toàn nhân loại nói chung và cho những con người thường xuyên sống chung với bão lụt, điển hình như các tỉnh miền trung của đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Hiện tượng thiên tai ( sự tàn phá của thiên nhiên), nói theo ngôn ngữ của khoa học, của thế gian thì họ gán cho những lý do đại loại như: Hiện tượng cân bằng sinh thái, quy luật của thiên nhiên; hiệu ứng nhà kính, nạn phá rừng tràn lan dẫn đến tình trạng thiếu số lượng cây cần thiết để làm chậm và ngăn dòng chảy mỗi khi mưa lớn và kéo dài; phá vỡ hiện tượng thẩm thấu và bốc hơi, dẫn đến tình trạng hạn hán; ngăn sông đắp đập làm đảo lộn dòng chảy của sông ngòi…..Tất cả những lý do trên nếu xét theo khoa học thì rất logic, một số ít người, đặc biệt là những người bình dân, sống trong niềm tin của tôn giáo thì họ cho là Trời phạt, hoặc Trời giáng họa, vì họ giải thích “ Thiên ” là “ Trời ”,“ Tai ” là “ Tai họa ”. Còn ta, là người Kitô hữu ta sẽ nghĩ theo chiều hướng nào khi chứng kiến hoặc trực tiếp gánh chịu những hệ quả của thiên tai…?
Giờ ta đi ngược lại lịch sử Kinh Thánh, vào thời Cựu Ước, khi Thiên Chúa chưa mạc khải cho nhân loại rõ nét hình ảnh của Ngài, Ngài đến và dạy dỗ nhân loại những người đại diện Ngài và qua sự việc, điển hình như thời ông Nô-ê, khi nhân loại sống gian ác, sa đọa không vâng nghe, khước từ Thiên Chúa, Ngài đã giáng phạt nhân loại qua trận đại hồng thủy, sau khi đã cảnh báo nhân loại qua việc đóng tàu của ông Nô-ê một thời gian khá dài (x,St.6,5-22;7,1-24); vào thời ông Áp-ra-ham, dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, gánh chịu trận diêm sinh từ trời xuống thiêu hủy toàn bộ người, súc vật và tài sản vì đời sống vô luân của họ sau khi ông Áp-ra-ham không tìm ra được 10 người công chính trong thành (x,St.19,1-27). Hai sự kiện trên nếu ta gán cho thời đại này thì quả không sai, nhưng như ta đã biết sau khi trận đại hồng thủy qua đi Thiên Chúa đã xác lập giao ước với ông Nô-ê, Thiên Chúa phán: “ Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa. Cây cung sẽ ở trong mây. Ta sẽ nhìn nó để nhớ lại giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất." Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: " Đó là dấu của giao ước Ta đã lập giữa Ta với mọi xác phàm ở trên mặt đất ” (St.9,12-17). Qua giao ước đó, Thiên Chúa không bao giờ tái lập lại hình phạt với nhân loại, dẫu rằng dân Do Thái đại diện cho nhân lọai luôn luôn súc phạm, vô ơn với Thiên Chúa, rất nhiều lần và bằng nhiều cách Thiên Chúa răn dạy nhưng không hề sảy ra như thời ông Nô-ê và như thời ông Áp-ra-ham, Ngài thương, tha thứ và luôn cứu nguy con cái của Ngài như: Hành trình 40 năm trong sa mạc thời ngôn sứ Mô-sê, thời các Vua, Thủ Lãnh và như dân thành Ni-ni-vê thời ngôn sứ Giô-na. Cuối cùng Ngài thương, tha thứ và cứu nhân loại bằng việc hiến chính Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô, qua việc Đức Giêsu Kitô xuống trần mặc lấy thân phận yếu đuối của nhân loại, Ngài sống như một phàm nhân nhưng không hề phạm tội(Pl.2,6-7), Ngài đã ký kết một giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa tối cao và nhân loại thấp hèn bằng cái chết trên thập tự giá, đem lại cho nhân loại niềm hy vọng sống lại và sống viên mãn qua việc Ngài phục sinh vinh hiển và lên trời.
Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại cao vời và trọn vẹn, để rồi chính thánh sử Gioan đã phải minh định một cách mạnh mẽ: “ Thiên Chúa là tình yêu ”(Ga.4,8). Vì thế ta không thể nào áp đặt hiện tượng thiên tai là do chính Thiên Chúa tạo nên để răn đe hoặc giáng phạt con người, dẫu biết rằng Ngài có đủ quyền và sức mạnh thực hiện điều đó, như khi Ngài đã ra lệnh cho bão tố im lặng, nơi biển hồ Ti-bê-ri-át, nhất là khi con người vô ơn và khước từ Ngài, thậm chí phỉ báng Ngài bằng nhiều cách và nhiều hình thức khác nhau, nhưng Ngài đã quên đi quyền và sức mạnh của Ngài để cho tình yêu của Ngài ngự trị và Ngài dạy dỗ nhân loại, đồng hành cùng nhân loại bằng tình yêu thương. Thế thì ta sẽ giải thích những hiện tượng thiên tai dưới ánh sáng lời Chúa và đức tin qua lăng kính nào?
Giờ đây ta nhớ lại những sự kiên sảy ra vào thời Đức Giêsu Kitô ở giữa nhân loại. Đặc biệt vào những ngày cuồi cùng của Ngài ở trần gian, ngày hoàn tất chương trình Chúa Cha đã hoạch định để cứu độ nhân loại qua Tin Mừng:
§ Sự kiện thứ nhất:
Ngày Đức Kitô ngồi trên lưng lừa, tiến vào thành thánh Giê-ru-se-lem, dân chúng thì đi theo và hoan hô Ngài, còn những người biệt phái khi thấy thế họ rất khó chịu và gen ghét, họ tiến lại gần và nói với Ngài: “ Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su: " Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ! " Người đáp: "Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên! ” (Lc.19,39-40).
§ Sự kiện thứ hai:
Khi Đức Kitô bị điệu vào dinh Cai-pha, nhát đảm và sợ những người Do Thái quá khích đã dẫn đến việc ông Phê-rô khẳng khái chối Thầy của mình không chỉ một lần mà đến ba lần. Sau khi chối thầy lần thứ ba gà liền gáy (Lc.22,54-62)
§ Sự kiện thứ ba:
Trên thập giá trước khi Đức Kitô trút hơi thở cuối cùng thì hiện tượng ngay giờ trưa mà mặt trời ngưng chiếu sáng, sau khi Đức Kitô trút hơi thở, thì đất đá đã vỡ tung, qua sự kiện này người đại đội trưởng và lính canh đã nhận ra Đức Kitô là đấng công chính (x,Lc.23,44-46; Mt.27,45-54).
§ Sự kiện thứ tư:
Khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, cho dù những thượng tế, biệt phái, kinh sư, cắt cử người canh gác cẩn thận, những muốn bưng bít tin vui phục sinh, nhưng chính hòn đá che cửa mồ đã làm chứng điều đó, cho những người phụ nữ yêu mến Đức Kitô (x,Mt.28,1-15).
Qua những sự kiện trên, ngoài những gì Giáo Hội dạy ta qua sự giải thích của các nhà chú giải Kinh Thánh theo ngôn ngữ thần học, ta cũng có thể suy luận với ngôn ngữ bình dân.
Thiên Chúa là đấng tác dựng lên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và con người. Vì thế tất cả trở thành con cái của Ngài, ngài đã yêu thương chăm sóc, sắp đặt trật tự vũ trụ này theo chương trình của Ngài, để mưu cầu hạnh phúc cho con người là thụ tạo sáng giá nhất, đã là thụ tạo do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa sinh dựng, thì điều tất yếu là đáp trả lại tình yêu của Ngài bằng cách này hay cách khác theo từng phạm vi của một thụ tạo dù thiên nhiên, loài vật và cả con người.
Những sự kiện Tin Mừng đã diễn tả, phần nào cho ta thấy khi con người khước từ Thiên Chúa, không ngợi khen, chúc tụng Ngài thì sỏi đá có thể thay ta làm việc đó để tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa; khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì loài vật cất tiếng cảnh báo và phản đối qua tiếng gà gáy, như đã cảnh báo cho thánh Phêrô sau khi chối Chúa; khi con người phạm vào tội ác, qua việc lăng nhục, giết Thiên Chúa, thì thiên nhiên lên tiếng để cảnh báo và phản đối một cách mãnh liệt qua hiện tương mặt trời không thực hiện công việc của mình và núi đồi chuyển mình và vở tung ra; khi con người bưng bít tin vui, sứ điệp của Thiên Chúa thì ngay như hòn đá vô tri vô giác cũng phải lên tiếng.
Qua những hiện tượng thiên tai như động đất, bão lụt, sóng thần, hạn hán…đã và đang sảy ra khắp nơi trên thế giới và ngay như tại quê hương Việt Nam ta. Có phải chăng thiên nhiên đang gởi tới cho ta một sứ điệp, một lời cảnh báo rằng: “ Nhân loại đang khước từ, chống lại đường lối và những sắp đặt của Thiên Chúa, đang sống trong tội ác qua hành động tranh dành, áp bức lẫn nhau bằng quyền thế, bằng tiền của; đang đi trật đường rày của yêu thương và tha thứ, qua việc trả thù lẫn nhau; qua sự coi thường công lý và sự thật; tước đi mạng sống của nhau bằng nhiều cách và nhiều hình thức mà hình thức ghê tởm nhất là phá thai vô tội vạ…..”.Có điều là nhân loại có nhận ra và lắng nghe những lời cảnh báo, những phản đối của thiên nhiên, khi chỉ vì quyền lợi mà chính mình đã và đang gây nên những hiện tượng thiên tai hãi hùng. Từ đó mà biết ăn năn sám hối, quy hướng về Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi loài mọi vật, Đấng có lòng từ tâm, bao dung và tha thứ hết mọi lỗi lầm thiếu sót của nhân loại yếu đuối, nhưng cũng rất công minh trong sự thưởng phạt hay không?...! Hay vì lòng kiêu ngạo, ta cho những hiện tượng đó là quy luật tự nhiên… thậm chí là ta gán những sự việc đó là do Thiên Chúa giáng phạt nhân loại.
Còn đó những tấm gương như thánh Phêrô sau khi nghe tiếng gà gáy đã nhớ lại lời của Thầy mình, nhận ra sự yếu đuối lỗi lầm, Ngài đã lầm lũi đi ra trong khóc lóc và ăn năn, theo tương truyền những giọt nước mắt sám hối đã hằn sâu trên đôi má của Ngài; như người đại đội trưởng và những người lính canh trên đồi Can-vê, đã nhận ra Đức Kitô là Đấng công chính sau khi chúng kiến cảnh mặt trời ngưng chiếu sang, núi đổi chuyển mình và đá vỡ tung; như những người phụ nữ yêu mến Chúa khi ra mộ từ sang sớm đã nhận được Tin Mừng phục sinh của Đức Kitô.
Vì thế, khi trực tiếp hoặc gián tiếp chứng kiến sự tàn phá của thiên nhiên, ta cùng hiệp lực nguyện xin Thiên Chúa là Đấng từ tâm, xin Ngài yêu thương nâng đỡ những người anh em của ta đang gánh chịu những thương tổn về tinh thần cũng như vật chất, ta rộng tay cứu giúp những người anh em bằng những gì ta có thể. Điều đặc biệt là ta nhìn lại đời sống của ta dưới ánh sáng của Lời Chúa để nhờ Lời Chúa soi sáng, luôn biết ăn năn sám hối trong từng ngày sống, hòa cùng với thiên nhiên, vạn vật, ngày đêm chúc tụng, tôn vinh, khẩn cầu và cảm tạ Thiên Chúa là đấng đã yêu thương và tác dựng nên ta và muôn vật muôn loài.
Lạy Chúa! Vì tội lỗi của nhân loại và của chính bản thân con, mà ngay cả thiên nhiên cũng lên tiếng phản đối qua những hiện tượng thiên tai, điều đem đến cho cả người tội lỗi và người công chính, những mất mát, những thương tổn trong tâm hồn cũng như thể xác, xion Chúa tha thứ cho con và cho những ai đang ngày đêm xúc phạm đến tình yêu của Chúa qua cách hành xử với người anh em chung quanh, xin Chúa rat ay nâng đỡ, an ủi những người đang lâm vào cảnh khốn khó, những trẻ mồ côi, những người đang song màn trời chiếu đất vì thiên tai nơi quê hương đất nước chúng con và khắp mọi nơi trên thế giới, xin Chúa ban cho những tấm lòng rộng mở để sẻ chia và giúp đỡ những ai đang phải đối mặt với những khổ đau do sự thịnh nộ của thiên nhiên gây ra. Amen
An-tôn Lương Văn Liêm
Sài Gòn ngày 11/10/2010.
|