MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Như Một Quyền Năng, Cố Lm Đỗ Văn Lực
Thứ Bảy, Ngày 9 tháng 10-2010

NHƯ MỘT QUYỀN NĂNG, Cố LM Đỗ Văn Lực

(Lc 17:11-19)

Viết ngày: 14.10.2007

Trong một thị trấn kia, sáng dậy, dân chúng ngạc nhiên thấy một tấm bảng ghi “Thượng Ðế đã chết. Ký tên : Nietzche.” Hôm sau, dân chúng còn sững sờ hơn nữa khi  một bảng mới xuất hiện ngay bên cạnh : “Nietzche đã chết. Ký tên : Thượng Ðế.”

Một giai thoại vắn gọn, nhưng cũng đủ nói lên tình trạng mâu thuẫn trước một thực tại lớn lao giữa Thiên Chúa và con người. Không tin Thiên Chúa, con người làm được gì ? Lằn ranh rất rõ giữa vô thần và hữu thần. Nhưng liệu giữa những người hữu thần, có vấn đề gì không ? Ðâu là khác biệt giữa những người cùng tin Thiên Chúa ?

TÍN NGƯỠNG HAY TÔN GIÁO

Vấn đề đức tin nổi cộm trong phép lạ Chúa cứu mười người phong cùi hôm nay. Cuối câu truyện, thánh Luca ghi lại vắn tắt lời Chúa : “Ðức tin của con đã cứu con !” (Lc 17:19) Chúa quả quyết về quyền năng của lòng tin, đồng thời ca ngợi người phong cùi Samaria. Nhưng phải chăng trong số mười người, chỉ có người này mới có đức tin ?

Thực tế, cả mười người đều có đức tin. Nếu không, họ đã không đồng thanh kêu lên : “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi !” (Lc 17:11) Ðức tin của họ tỏ ra mãnh liệt khi tất cả đều vâng lời Chúa đi trình diện các tư tế. Nếu không có đức tin, chắc chắn họ đã không đón nhận phép lạ từ quyền năng Thiên Chúa.

Thế nhưng, tại sao Chúa chỉ ca ngợi đức tin của người Samaria ?

Chính tại đây, chúng ta mới thấy rõ sự khác biệt giữa những người tin. Ðức tin của chín người kia dừng lại ở biên giới trần gian. Họ đặt hy vọng vào Chúa trong những nhu cầu trần thế. Họ kêu cầu Chúa khi cần. Chúa trở thành một nhu cầu cho những người tin bằng một con mắt trần tục. Khi cuộc sống không còn thiếu thốn nữa, Thiên Chúa trở thành một thứ xa xỉ phẩm hay như một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng.

Trái lại, dù khi đã được hoàn lại đầy đủ khả năng và quyền làm người, người Samaria vẫn trở lại tạ ơn Chúa. Không những ông thấy điểm nối kết giữa quyền năng Thiên Chúa và việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, nhưng còn thấy cần thờ phượng Thiên Chúa ngay giữa lúc hạnh phúc. Quả thế, cảm tạ là đỉnh cao trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có một đức tin trọn vẹn mới đẩy con người lên đỉnh cao như thế. Ðức tin của ông đã vượt qua những nhu cầu vật chất. Chúa không phải là một thủ kho, chỉ biết phân phát thực phẩm. Ông đến với Chúa không phải chỉ để cầu xin cho khỏi bệnh tật, nhưng còn để thỏa mãn nhu cầu tôn giáo trong ông. Chỉ những ai “thờ phượng Thiên Chúa trong Thần khí và sự thật” mới đạt tới đỉnh cao như thế. Quả thực, cả cuộc đời Chúa Giêsu cũng chỉ là một lời cảm tạ Thiên Chúa Cha không ngừng.

Trong số những người tin Thiên Chúa, hỏi mấy ai được như người Samaria ? Mấy ai có một niềm tin trọn vẹn và siêu thoát như ông ? Ông là số ít còn sót trong nhân loại vươn tới đỉnh cao niềm tin vào Thiên Chúa. Bao giờ cũng chỉ là số ít. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhìn vào phẩm chất của đức tin hơn số lượng người tín hữu tập trung trong nhà thờ hay nối đuôi nhau trong các cuộc rước kiệu.

Khi đạt tới đỉnh cao như thế, đức tin trở thành một sức mạnh giải thoát toàn diện, cả linh hồn lẫn thể xác. Ðó là lý do tại sao Chúa ca ngợi lòng tin của người Samaria. Chỉ có đức tin như thế mới là đức tin đầy quyền năng thực sự. Ðức tin sâu xa và trọn vẹn không những đã biến đổi con người, nhưng còn cả cuộc đời ông. Chín người kia trở về cuộc sống tầm thường. Không có gì thay đổi sâu xa. Nhưng nơi ông, một cuộc biến đổi vô cùng lớn lao tận trong thâm tâm và lan tỏa cuộc sống. Từ nay, ông trở thành người rao giảng đức tin bằng tiếng ca ngợi Chúa không ngừng. Một lời cảm tạ mạnh hơn ngàn lời cầu xin. Cầu xin là dấu chứng tỏ một tâm hồn còn yếu đuối, chưa vươn tới mức trưởng thành. Vì sợ hãi, con người mới phải cầu xin một thần lực mạnh hơn mình. Ðó là lý do tại sao những người vô thần chủ trương tôn giáo phát sinh từ sự sợ hãi.

Ðứng trước cảnh người Samaria phủ phục dưới chân Chúa mà dâng lời cảm tạ, người vô thần có lẽ sẽ thấy rõ vấn đề họ đặt ra cho tôn giáo không còn đứng vững nữa. Lập luận của họ chỉ đúng cho chín người không trở lại tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa. Khi không còn cơn bệnh hoành hành và tác hại, chín người đó đã thoát cơn sợ hãi và không còn cảm thấy cần phải tin nữa. Tôn giáo cũng không còn là một nhu cầu trong cuộc sống. Trái lại, người Samaria vẫn cho thấy tôn giáo là một nhu cầu tâm linh thực sự của một con người trưởng thành. Tôn giáo đem lại ích lợi vì làm cho con người trở thành người thực sự. Tôn giáo mới nắm bắt trọn vẹn thực tại con người và giúp họ đạt tới chiều kích sung mãn về nhân vị. Quả thế,  “chính Thiên Chúa chỉ cho nhân loại biết con đường, để khi phụng thờ Người, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô.”[1]

QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

Tự bản chất, con người hướng về chân lý, nhất là chân lý về tôn giáo. Khi đã tìm thấy chân lý, họ có bổn phận tin theo những điều đã nhận biết và sống theo những đòi hỏi của chân lý. Người Samaria là một chứng minh hùng hồn cho thực tế đó.

Tôn giáo phải có một địa vị rõ ràng trong đời sống cá nhân và xã hội. Phủ nhận hay dẹp bỏ tôn giáo, con người và xã hội không thể đạt tới sự phát triển và tiến bộ đích thực. Thực tế, “‘quyền tự do cá nhân và đoàn thể trong các lãnh vực tôn giáo là quyền tự do xã hội và dân sự. Không ai được đặt ngăn trở nào trên con đường thực thi quyền tự do đó theo ý Thiên Chúa đã khắc sâu vào lòng người, vì ‘sự thật chỉ thể áp đặt bằng sức mạnh của chính mình.’[2] Phẩm giá con người và chính bản chất việc tìm kiếm Thiên Chúa đòi hỏi mọi người không thể bị bất cứ thứ gì ràng buộc trong lãnh vực tôn giáo. Xã hội và Nhà nước không được ép buộc con người hành động trái với lương tâm hay ngăn cản họ hành động theo lương tâm.”[3]

Tự bản chất, con người là một hữu thể tôn giáo. Loại bỏ tôn giáo, con người chỉ còn hiện diện như cỏ cây và súc vật. Khi không còn được tự do sống đạo, con người bị tước đoạt quyền tự do cơ bản, cao cả và lớn lao nhất. Bởi vậy, “quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong hệ thống pháp luật và coi như một quyền dân sự,”[4] chứ không phải là một thứ ân huệ của Nhà nước. Nhà nước có bổn phận bảo vệ và tôn trọng quyền tự do đó. Nếu không, xã hội không thể đạt tới công ích và sống trong trật tự hòa bình. Quả thế, “tự do cá nhân và cộng đoàn trong việc tuyên xưng và thực thi tôn giáo là một yếu tố then chốt giúp con người sống chung hòa bình.”[5] “Không có tôn giáo, nhân loại không thể sống chung trong trật tự và công lý đích thực, cũng như không thể giữ cho mọi người sống đạo đức.[6] Chỉ có tôn giáo mới giúp con người sống theo lương tâm, một lãnh vực Nhà Nước không thể kiểm soát. Khi không thể kiểm soát, Nhà Nước tạo ra rất nhiều lỗ hổng và lối thoát cho đủ mọi thứ tội phạm. Công lý không thể thiết lập. Hòa bình bị đe dọa trầm trọng. Xã hội không bao giờ ổn định.

Tình trạng càng thêm khó khăn khi nhân loại bước sang thời kỳ toàn cầu hóa. “Ðể có tình liên đới tương xứng trong thời kỳ toàn cầu hóa, mọi người phải bảo vệ nhân quyền.”[7] Không liên đới, không thể tạo nổi sức mạnh toàn cầu và không đủ điều kiện cần thiết cho việc hội nhập. Thực tế, “chúng ta đang chứng kiến một khoảng cách đáng báo động giữa nhiều ‘qưyền’ mới được cổ xúy trong các nước tiên tiến và các quyền làm người căn bản vẫn chưa được tôn trọng, nhất là trong hoàn cảnh các nước kém phát triển,”[8] như Việt Nam. Bởi đấy, muốn phát triển, trước hết cần cải tiến tình trạng nhân quyền, nhất là tôn trọng tự do tôn giáo. Không có nhân quyền, không thể thoát khỏi tình trạng chậm tiến và lạc hậu.

ÐỨC TIN TRONG THỜI KỲ TOÀN CẦU HÓA

Ðâu là thái độ GHVN cần phải có để giúp cho Việt nam chóng hội nhập với thế giới ? Trước hết, cần liên đới với các tôn giáo bạn và những người thiện chí trong việc tranh đấu cho công lý. Về mặt xã hội cần sát cánh tranh đấu cho tự do tôn giáo. Nếu chỉ biết vơ vào cho mình đủ mọi thứ đặc quyền, không những chúng ta sa bẫy trần gian mà còn bị các tôn giáo bạn đánh giá thấp.

Hơn nữa, cần đẩy mạnh và đào sâu đời sống đức tin  hơn nữa. Canh tân não trạng, và lối sống, nhất là phương cách lãnh đạo, là những việc làm khẩn thiết. “Cần đổi mới ý thức về những đòi hỏi Tin Mừng, Giáo hội mới phục vụ mọi người, giúp họ nắm bắt những vấn đề nghiêm trọng trong mọi chiều kích, và thuyết phục họ tin rằng sự liên đới trong hành động trong thời điểm xoay chuyển lịch sử nhân loại này là một vấn đề khẩn thiết.”[9] Giáo hội nhắc nhở : “Hoàn cảnh hôm nay càng cho thấy phải cấp bách đào luyện giáo hữu về giáo lý, không phải chỉ để cho họ hiểu biết hơn theo đòi hỏi tự nhiên của đức tin, nhưng còn khiến họ ‘thấy lý do tại sao phải hy vọng’ khi nhìn vào thế giới và những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của nó ... Ðiều đó càng đúng đặc biệt đối với các tín hữu đang nắm trọng trách trong những lãnh vực khác nhau trong xã hội và cuộc sống quần chúng. Trên hết, họ cần phải có sự hiểu biết chính xác hơn, để có thể trình bày học thuyết xã hội của Giáo hội một cách rộng rãi và rõ ràng hơn.”[10] Ðặc biệt, trong thời kỳ toàn cầu hóa cần gấp rút đào luyện giáo hữu sống theo tình liên đới, thành thật và lương tâm trách nhiệm. Biết bao hàng hóa đã bị các nước trả lại chỉ vì thiếu tiêu chuẩn. Thói quen gian dối đã gây thiệt hại khôn lường.

Trong cuộc sống Giáo hội, cũng nên bớt đi những việc xây cất có tính cách phô trương hay lưu danh muôn thuở. Xây cất theo kiểu này không những làm cho Giáo hội bị mang tiếng, nhưng còn làm cho quốc tế ngộ nhận về tình trạng tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam. Vô tình đồng tiền hải ngoại đã góp phần vào việc phô trương thanh thế và củng cố chế độ hiện tại. Các vị lãnh đạo đừng ngộ nhận về các cộng đoàn Công giáo hải ngoại qua những bài viết hay các thái độ chống đối. Cộng đoàn hải ngoại không bao giờ quên nguồn gốc và tỏ ra bất kính đối với những vị lãnh đạo GHVN. Nếu thực tình ngoảnh mặt làm ngơ trước những sinh hoạt của Giáo hội quê nhà, cộng đoàn hải ngoại không bao giờ đóng góp ý kiến. Tất cả chỉ vì muốn các vị lãnh đạo hãy thực tế và biết lắng nghe. Không phải mọi giám mục hay linh mục đều bị chống đối. Nhưng những con sâu làm rầu nồi canh không nên tiếp tục hiện hữu.

Cứ tiếp tục sống quan liêu, liệu GHVN có đủ khả năng canh tân để chống lại những tiêu cực trong hoàn cảnh hôm nay không ? Quả thực, theo thánh ý Thiên Chúa và “được Giáo hội khuyến khích, đời sống Kitô hữu phải chống lại mọi cội nguồn lừa đảo, gây ô nhiễm hay giới hạn tự do của họ.”[11]  Thái độ thiếu nhất quán trong đời sống là một ngăn trở lớn lao nhất cho chứng từ Kitô. Nhiều người không thể chấp nhận Tin Mừng chỉ vì nhìn thấy những phản chứng tệ hại này. Ở nhà thì sống như một lãnh chúa, đầy kẻ hầu người hạ trong dinh thự nguy nga. Ra ngoài thì ra vẻ tội nghiệp như một “giám mục ăn xin.”  Nhất là không nên có thái độ thiếu thành thực. Cần tôn trọng lời hứa. Không nên mượn đầu heo nấu cháo. Cần chú trọng đến thái độ tín ngưỡng hơn là thói quen tôn giáo.

Nhìn lại người Samaria, chúng ta phải khâm phục thái độ biết điều của ông. Chúa không hề bó buộc ông phải trở lại cảm tạ Chúa. Ông đã tuân hành lệnh trình diện tư tế như chín người bạn kia. Ðó là một thái độ tôn giáo rất đáng khen. Nhưng vượt lên đồng bạn, ông đã có một thái độ tín ngưỡng sâu xa. Ông sống theo tiếng lương tâm và nhìn thấy con đường mình phải đi tới, dù phải chấp nhận cô đơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một niềm tin sâu xa như người Samaria để có thể biến cả cuộc đời thành một lời cảm tạ và phục vụ không ngừng cho công cuộc cứu độ và hạnh phúc nhân loại. Amen.

ố LM Đỗ Văn Lực

14.10.2007


------

[1] Dignitatis Humanae

[2] Hiến Chế Dignitatis Humanae, 1:AAS 58 (1966), 929.

[3] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 421.

[4] x. Hiến Chế Dignitatis Humanae, 1:AAS 58 (1966), 930-931; Giáo lý Công giáo, 2108.

[5] Sứ Ðiệp Ngày Hòa Bình Thế giới, 1988, 1.

[6] ibid.

[7] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội, 365.

[8] ibid.

[9] Octogesima Adveniens, 5.

[10] Christifideles Laici, 60.

[11] Ecclesiam Suam, 42.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Quyền Năng Đức Mẹ Maria Đối Với Ma Quỷ (10/11/2010)
Ưu Tiên Cho Việc Tạ Ơn (10/10/2010)
Trong Mười Người Phong Cùi Được Chữa Lành (10/10/2010)
Khi Người Chồng Hoặc Vợ Ngoại Tình!!! (10/10/2010)
Chỉ Cần 3 Phút Đọc Và Cả Cuộc Đời Phải Suy Ngẫm…. (10/10/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Lòng Biết Ơn (10/9/2010)
Hãy Dâng Lời Ngợi Khen Và Tạ Ơn Thiên Chúa (10/9/2010)
Tạ Ơn Bằng Hành Động, Thanh Thanh (10/9/2010)
Vai Trò Tâm Lý Học Trong Việc Xưng Tội (10/9/2010)
Tin/Bài khác
Đức Tin Đích Thực (10/8/2010)
Đức Tin Của Con Đã Cứu Con (2) (10/8/2010)
Đức Tin Của Con Đã Cứu Con (1) (10/8/2010)
Tạ Ơn Chúa Mọi Lúc Và Mọi Nơi (10/8/2010)
Lòng Biết Ơn, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (10/8/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768