ĐỨC TIN VÀ PHỤC VỤ
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta vẫn nói rằng mình là tín hữu, nghĩa là người có đức tin. Nhưng thực ra đức tin của chúng ta còn rất yếu, và chúng ta chưa thực sự sống đức tin của mình.
Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy thưa với Chúa như các tông đồ xưa "Thưa Thầy, xin ban thêm đức tin cho chúng con".
II. Gợi ý sám hối
Chúng ta giao động không muốn tin nữa khi gặp phải những khó khăn trong đời sống. Chúng ta chưa thể hiện đức tin mình ra bằng một cách sống siêu nhiên phó thác nơi Chúa quan phòng. Chúng ta không khiêm tốn phục vụ mọi người như một người tôi tớ.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Kb 1, 2-3; 2, 2-4)
Ngôn sứ Kha-ba-cúc than thở với Chúa về những cảnh bất công cứ tồn tại và những người ác cứ nhởn nhơ. Đáp lại, Thiên Chúa bảo ông hãy giữ vững lòng tin và đừng nản lòng, vì khi đến thời của Ngài, Ngài sẽ ra tay tái lập sự công chính.
2. Đáp ca (Tv 94)
Tiếp nối tư tưởng của đoạn sách trên, Thánh vịnh 94 kêu gọi đừng khép kín cõi lòng, nhưng hãy biết lắng nghe tiếng Chúa để biết được ý định của Ngài trong những lúc gian truân thử thách.
3. Tin Mừng (Lc 17, 5-10)
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 giáo huấn của Chúa Giêsu: a/ Về sức mạnh của Đức tin; b/ Về việc phục vụ cách khiêm tốn.
Đức tin: Những người trong tập thể Giáo Hội hãy cố gắng củng cố lòng tin của mình. Nếu có lòng tin thì sẽ làm được nhiều điều phi thường. Phục vụ: Chúa Giêsu dạy muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác ta đều là bổn phận.
4. Bài đọc II (2 Tm 1, 6-8. 13-14)
Thánh Phaolô kêu gọi Timôtêô đừng ngả lòng trước những khó khăn mục vụ, trái lại hãy củng cố đức tin bằng cách khơi dậy đặc sủng của Thánh Thần mà Timôtêô đã nhận được khi được đặt tay trao sứ mạng, và hãy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để tiếp tục nhiệm vụ mình.
IV. Gợi ý giảng
1. Đức tin - phục vụ
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca ghi lại 2 điều Chúa Giêsu căn dặn những kẻ muốn làm môn đệ Ngài.
a. Điều thứ nhất là về đức tin: Câu chuyện khởi đầu với lời xin của các tông đồ "Xin Thầy thêm đức tin cho chúng con". Ta hãy chú ý họ là các tông đồ chứ không phải chỉ là môn đệ thường. Họ đã từng sống với Chúa Giêsu một thời gian dài, nghe biết bao điều Ngài giảng dạy, thấy biết bao điều Ngài làm. Họ là thành phần ưu tú được chọn riêng ra trong số 72 môn đệ. Thế mà họ vẫn cảm thấy mình thiếu đức tin.
Các tông đồ mà còn cảm thấy thiếu đức tin, thì huống chi chúng ta! Nhiều khi chúng ta quỳ chầu trước Thánh Thể mà hình như không tin có Chúa đang ngự trong Nhà tạm. Nhiều khi chúng ta rước lễ mà hình như không tin có Chúa đang thực sự ở trong lòng ta. Và nhiều khi đứng trước một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta hình như không tin lời Chúa dạy "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian". Mặc dù chúng ta đã học giáo lý nhiều, đã đọc Thánh Kinh nhiều, nhưng tại sao chúng ta không vững đức tin? Như thế đủ biết Đức tin không phải là kết quả của học hỏi, của kiến thức. Đức tin chính là một ơn ban. Tại sao rất nhiều bậc thông thái không có đức tin, còn chúng ta không thông thái gì, thế mà có đức tin. Rõ ràng vì Chúa thương chúng ta nên ban đức tin cho chúng ta. Và chính vì đức tin là một ơn ban, cho nên chúng ta phải xin như các tông đồ ngày xưa: "Lạy Thầy, xin ban thêm đức tin cho chúng con".
Đức tin không phải là kết quả của học hỏi và của kiến thức. Ngược lại nhiều khi càng học biết nhiều thì càng khó mà tin. Tại sao thế? Thưa tại vì trong đức tin luôn có một phần mờ tối, khi ta tin thì luôn có một phần mạo hiểm. Nếu tất cả đều sáng tỏ hết rồi ta mới tin thì đấy không phải là đức tin. Nếu tất cả đều chắc chắn rồi ta mới dấn thân thỉ đấy cũng không phải là một hành vi đức tin. Đức tin luôn có phần mờ tối, tin luôn đòi ta mạo hiểm dấn thân. Nhưng nói thế không phải là chúng ta tin cách mù quáng, trái lại chính vì chúng ta yêu. Xin lấy một thí dụ trong đời thường: ở một vùng kinh tế mới nọ, có một thanh niên và một thiếu nữ quen nhau. Mỗi người họ đến từ một miền khác nhau. Quen nhau một thời gian rồi họ yêu nhau. Và một hôm người thanh niên ngõ lời xin cưới cô gái. Cô gái ưng thuận ngay. Người thanh niên mới hỏi: Em không biết gốc gác của anh, không biết gia đình anh, em không sợ bị anh gạt hay sao mà dám giao phó cuộc đời cho anh? Cô gái đáp: không. Anh chàng hỏi thêm: Tại sao? Và cô gái trả lời rất gọn: vì em yêu anh.
Người con gái ấy vì yêu nên đã tin người thanh niên nọ. Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta yêu Chúa thì chúng ta mới tin Chúa được, yêu càng nhiều thì tin càng mạnh. Cho nên ngoài việc xin Chúa ban thêm đức tin, chúng ta cũng cần xin Chúa ban thêm lòng yêu mến cho chúng ta.
b. Điều thứ hai Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay là: người môn đệ Chúa phải biết phục vụ, và phục vụ cách vô vụ lợi. Giống như một người đầy tớ, sau khi đã đi cày, sau khi đã chăn chiên rồi về nhà còn phải dọn cơm cho chủ, đứng đó hầu hạ chủ, rồi dọn dẹp. Xong xuôi hết thì nói "Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng". Nhiều chuyên viên Thánh Kinh nói rằng dịch chữ vô dụng không được đúng lắm. Ý nghĩa của nó là "Tôi chỉ là một người đầy tớ mà thôi, không hơn không kém". Người đầy tớ thì đương nhiên phải phục vụ, phục vụ là bổn phận của người đầy tớ. Cho nên dù có phục vụ nhiều thì cũng không có gì là công lao để đòi chủ biết ơn.
Khi Chúa Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ để làm bài học cho các môn đệ, Ngài muốn nhắc chúng ta rằng làm môn đệ, làm tông đồ chính là làm đầy tớ. Bởi thế Đức giáo Hoàng xưng mình là "Đầy tớ của các đầy tớ".
Có một điểm rất sâu sắc về từ ngữ: trong Thánh Kinh, chữ "phục vụ" vừa chỉ việc làm của một người đầy tớ đối với chủ, vừa chỉ việc làm của người tín hữu phụng thờ Chúa. Tế lễ là phục vụ Chúa. Như thế, khi chúng ta phục vụ người ta thì cũng có nghĩa là chúng ta đang phụng thờ Chúa. Và nếu như suốt ngày chúng ta lo phục vụ anh em thì điều đó có nghĩa trọn ngày hôm đó của chúng ta là một Thánh lễ nối dài.
2. Chiếc bình trống rỗng
Một thầy Rabbi già đau bệnh nằm liệt giường. Các môn đệ thì thầm nói chuyện bên cạnh ông. Họ hết lời ca tụng các nhân đức vô song của thầy.
Một người trong bọn họ nói: "Từ thời Salomon đến nay, chưa có ai khôn ngoan như thầy". Người khác nói: "Đức tin của thầy ngang ngửa với đức tin của tổ phụ Abraham". Người thứ ba nói: "Chắc chắn sự kiên nhẫn của thầy không thua sự kiên nhẫn của ông Gióp". Người thứ tư châm vào: "Về sự cầu nguyện thân mật với Chúa, chỉ có Môsê và thầy mà thôi".
Vị Rabbi tỏ ra bồn chồn không vui. Khi các môn đệ đã ra về hết, vợ ông mới hỏi:
Ông có nghe họ ca tụng ông không? Có. Thế tại sao ông lại tỏ ra bực dọc như thế? Vị Rabbi than phiền:
Vì không có ai nhắc đến sự khiêm tốn của tôi? Mong người ta ca ngợi sự khiêm tốn của mình thì chẳng còn khiêm tốn! Cho dù thầy Rabbi có khôn ngoan như Salomon, đức tin ngang ngửa với Abraham, kiên nhẫn như ông Gióp và thân mật với Chúa như Môsê mà không có lòng khiêm tốn thì tất cả các nhân đức ấy cũng chỉ đổ sông đổ biển mà thôi. Nếu người ta thực hành các nhân đức, chu toàn các việc đạo, làm nhiều việc thiện, nhưng để tự mãn và khoe khoang công trạng thì ngay lúc đó họ không còn thánh thiện nữa.
Vì khiêm tốn là nền tảng của mọi nhân đức, nên hôm nay Chúa Giêsu đã dạy các Tông đồ: "Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17, 10). Thật vậy, chúng ta là những đầy tớ của Thiên Chúa, chúng ta chỉ làm những gì phải làm. Cho dù là đức Thánh Cha cũng luôn luôn nhận mình là "đầy tớ của các đầy tớ Chúa". Đã là đầy tớ thì phải vâng lệnh chủ, làm tất cả những gì ông sai bảo mà không được kể công, cũng không buộc ông phải nhớ ơn. Đó là chuyện hết sức bình thường, chuyện bổn phận. Có rất nhiều bổn phận phải chu toàn như bổn phận "mến Chúa yêu người", có ai đám nhận mình không hề thiếu sót. Cho dù họ có làm được điều gì tôn vinh Thiên Chúa hay phục vụ anh em đồng loại, thì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa ban cho.
Kẻ kiêu ngạo không bao giờ cảm thấy mình cần Chúa, họ luôn tự mãn với thành quả mình đã đạt được, luôn cho rằng thành công là do mình tạo nên. Đó là nỗi bi đát cố hữu của những kẻ kiêu ngạo, của nhóm Pharisêu, và cũng là cám dỗ thường xuyên của mỗi người chúng ta.
Người khiêm tốn trái lại, luôn hãnh diện về những thiếu sót của mình, chính vì thiếu sót nên họ càng phải cậy dựa vào Chúa nhiều hơn. Thế nên, khi được thành công thì họ rất vui mừng cho rằng đó là món quà bất ngờ Chúa ban. Đó là lý do tại sao Chúa lại yêu thích những con người khiêm tốn như thế.
Nếu đã ý thức mình là thân phận nhỏ bé, là "đầy tớ vô dụng", thì cho dù khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ nhưng kiêu căng một chút đã quá nhiều. Vì thế, chỉ có những ai thấu hiểu thân phận yếu đuối của mình, mới chứa nổi Đấng mạnh mẽ vô song. Chỉ có những kẻ xoá mình ra không mới có chỗ cho Đấng Vô Cùng. Chỉ có những chiếc bình trống rỗng mới có thể đón nhận tràn đầy hồng ân.
Lạy Chúa, có một ân huệ nào chúng con đã nhận lãnh mà không phải do Chúa thương ban, có một điều thiện nào chúng con thực hiện mà chẳng do Chúa tác thành.
Xin tiếp tục đổ đầy vào tâm hồn nhỏû bé, yếu đuối và bất toàn của chúng con những điều tốt lành mà Chúa đã khởi sự cho chúng con. Amen. (TP)
3. Phục vụ trong tình yêu
Nhiều người xem Chúa như một ông chủ thuê người làm việc và con người là những người được thuê ấy. Bởi thế, sau khi làm được một việc gì, họ nghĩ rằng Chúa phải ban ơn cho họ, như một cách trả tiền công.
Suy nghĩ trên hoàn toàn sai. Và rất may là suy nghĩ đó sai, bởi vì nếu Chúa thực sự đối xử với ta như một ông chủ đối xử với người làm thì chắc chúng ta chẳng nhận được bao nhiêu từ tay Ngài, bởi vì công lao của chúng ta chẳng có là bao.
Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết rằng tương quan của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta là tương quan ân sủng và tình yêu, bởi vì Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Con cái làm việc theo ý Cha đâu phải để được Cha trả lương; và Cha ban gì cho con đâu phải vì trả nợ.
Vả lại Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và ban rất nhiều ơn cho chúng ta trước khi chúng ta làm được việc gì xứng đáng với tình yêu của Ngài. Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân. Vì thế tất cả những gì chúng ta làm bây giờ chỉ là để đáp lại tình yêu của Ngài.
Còn nữa, chúng ta tuân giữ những điều răn của Chúa không phải để được Ngài yêu thương, nhưng chúng ta tuân giữ các điều răn Chúa bởi vì Ngài yêu thương chúng ta.
Toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu có thể được diễn tả thế này: Chúa nhân từ kêu gọi các môn đệ hãy phục vụ Ngài vì tình yêu chứ không phải vì bổn phận. Vì vậy, chỉ đức tin thôi chưa đủ, còn phải có tình yêu nữa. Trong khi đức tin khiến cho mọi sự trở thành có thể, thì tình yêu khiến cho mọi sự trở thành dễ dàng. (FM)
4. Chuyện minh họa
a. Đức tin lớn lao
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao? Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.
b. Tin người đáng tin
Một bà già đứng ở ngã tư có nhiều chuyến tàu đi qua. Vì ít khi ra ngoài, nên bà chẳng biết tàu nào về đâu. Sợ đi lạc, bà giơ vé ra hỏi một người đứng kế bên:
Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? Phải đó bà. Nhưng bà chưa an tâm. Biết đâu người ấy cũng không rành. Bà gặp người khác, cũng hỏi:
Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? Phải đó bà. Nhưng bà vẫn chưa hết áy náy. Rồi bà gặp một người đeo phù hiệu nhân viên hoả xa, bà hỏi:
Tôi định đi Bay City, có phải đi tàu này không? Phải, thưa bà. Thế là bà an tâm bước lên tàu. Bà đã tin người đáng tin. Đức tin là thế!
c. Phục vụ là hạnh phúc
Tại văn phòng của một Cố vấn Tâm lý, một thiếu phụ vừa trẻ vừa giàu giải bày tâm sự: "Bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều cho cả. Tôi có đủ mọi "sự" nhưng trong lòng trống vắng vô cùng. Xin bà hãy cho tôi một lời khuyên". Nhà Cố vấn tâm lý không trả lời, nhưng bảo cô thư ký của bà kể chuyện đời cô. Cô này kể: chồng tôi đã chết, cách nay 3 tháng con tôi cũng chết vì xe đụng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi làm về hơi khuya. Có một chú mèo con cứ đi theo sau tôi. Trời lạnh. Tôi cũng tội nghiệp nó, nên tôi mở cửa cho nó vào nhà. Tôi pha cho nó một ly sữa. Nó kêu meo meo và cọ mình vào chân tôi. Lần đầu tiên tôi cười. Rồi tôi nghĩ: nếu việc giúp cho một chú mèo con có thể làm tôi cười, thì việc giúp cho người nào đó chắc có thể làm tôi hạnh phúc. Thế là hôm sau tôi nướng vài ổ bánh đem cho bà cụ hàng xóm đang bệnh.
Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc". Nghe đến đó, người thiếu phụ trẻ bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô thư ký nọ. (Charlene Johnson).
5. Mảnh suy tư
Đức tin làm cho cuộc đời có ý nghĩa: vì một cuộc đời không có niềm tin cũng giống như một đêm tối không ánh sao.
Đức tin ban cho cuộc đời tinh thần hăng hái và niềm hy vọng: vì chúng ta cần hy vọng cũng như cuộc sống cần lương thực. Nhưng muốn hy vọng thì phải có đức tin, và đức tin sẽ mang đến niềm vui.
Nhưng chúng ta đừng mong rằng đức tin sẽ soi tỏ hết mọi vấn đề, bởi vì đức tin là trông cậy chứ không phải là sự hiển nhiên chắc chắn.
Đức tin không phải là một sự vật mà là một mối tương quan, tương quan với Chúa.
Người ta không nhận được đức tin trọn vẹn trong ngày rửa tội, nhưng phải nuôi lớn đức tin hằng ngày.
Đức tin lớn dần lên qua việc tập sống đức tin.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, đức tin là món quà vô giá Chúa ban tặng cho mỗi người chúng ta. Với tâm tình cảm tạ tri ân Thiên Chúa là Tình yêu, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
Đức Thánh Cha có sứ mạng củng cố đức tin của toàn thể dân thánh Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ân cần săn sóc giữ gìn người / để nhờ người / đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắt son.
Tin là gắn bó với Chúa / là dấn thân theo Người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / nhất là các Kitô hữu trẻ / dám xả thân vì Chúa và vì anh em / hầu mang sứ điệp yêu thương đến cho biết bao người chưa nhận biết Chúa.
Ngày nay / một số thanh niên đánh mất niềm tin của mình vì vốn liếng giáo lý còn quá ít / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết tận dụng thời giờ Chúa ban / để học hỏi sâu rộng giáo lý của Chúa / nhờ đó đức tin của họ ngày càng trưởng thành và vững chắc hơn. Tin còn là vâng theo thánh ý Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết noi gương Đức Mẹ / vâng theo thánh ý Chúa trong đời sống đức tin thường ngày. Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải luôn tin tưởng vào Chúa giữa muôn vàn thử thách của cuộc đời, nhưng do bản tính yếu đuối, chúng con dễ buồn chán và thất vọng khi gặp khó khăn. Vậy xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con. Chúng con cầu xin:
VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha: Chúng ta không phải là đầy tớ của Chúa, mà là con của Ngài. Vậy chúng ta hãy hân hoan trìu mến cùng dâng lên Ngài lời Kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Trong Thánh lễ hôm nay, Chúa đã nhắc chúng ta rằng Ngài là Cha của chúng ta và tha nhân là anh em của chúng ta. Vậy trong tuần này chúng ta hãy sống với Thiên Chúa trong tin yêu như con cái đối với Cha, và hãy phục vụ tha nhân như anh em phục vụ nhau.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
|