06/10/10, THứ TƯ ĐầU THÁNG TUầN 27 TN Th. Brunô, linh mục Lc 11,1-4
TÂM TÌNH CủA NGƯờI MÔN Đệ
“Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy.” (Lc 11,3)
Suy niệm: Người ta ước tính trong ngày Chúa nhật Phục Sinh năm 2007 có hai tỷ người Kitô hữu đọc hoặc hát kinh Lạy Cha bằng hằng trăm ngôn ngữ ở các nhà thờ trên thế giới. Điều này không lạ gì bởi vì đã là người Kitô hữu, ai cũng phải thuộc kinh Lạy Cha! Tuy nhiên, ta không chỉ đọc hay hát theo thói quen, nhưng còn nhớ rằng lời kinh quý giá này dạy ta hai điều quan trọng về cầu nguyện: (1) cung cách cầu nguyện; và (2) nội dung lời cầu ấy. Trước hết, ta khởi đầu lời cầu nguyện bằng tâm tình của người con khi thân thưa: “Lạy Cha,” tin tưởng Chúa là Cha nhân hậu, sẵn lòng ban những ơn lành cho con cái. Thứ đến, ta hướng lòng cầu xin cho Danh Cha, Nước Cha, ý Cha, rồi mới đến những nhu cầu của mình. Chỉ khi ta dành cho cho Chúa địa vị xứng hợp với Ngài, thì mọi sự khác mới đi vào nề nếp đúng đắn.
Mời Bạn: Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của người môn đệ Đức Giêsu. Vì thế, chỉ trên môi miệng và tấm lòng của người môn đệ, lời kinh mới có ý nghĩa. Trong kinh này, không có chỗ nào “cho tôi” hay “của tôi,” nhưng “của chúng con,” “cho chúng con.” Lòng người môn đệ Chúa phải khoáng đạt, rộng rãi, vượt lên khỏi những bận tâm riêng của bản thân, để thăng hoa, bay cao cùng với Danh Chúa, Nước Chúa, ý Chúa và nhu cầu của mọi người anh em.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi trật tự cầu nguyện: trước hết cầu xin cho những gì liên hệ đến Thiên Chúa, kế đến những nhu cầu của người khác, rồi mới đến những dự tính, nhu cầu của mình, như một cách sống kinh Lạy Cha.
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha và suy niệm ý nghĩa từng lời kinh.
|