THÁNH ANRÊ KIM, PHAOLÔ CHUNG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO ĐẠI HÀN
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn độc nhất vô nhị. Giáo Hội được khai sinh không nhờ các Thừa Sai Tây Phương nhưng do chính một người con trí thức của đất nước Đại Hàn, ông Yi Byok. Sau này, khi gia nhập Giáo Hội Công Giáo ông chọn tên thánh rửa tội là Gioan Baotixita.
Ngược dòng lịch sử, trong thời gian từ 1779 đến 1785, một nhóm trí thức Đại Hàn thường họp nhau nơi chùa Chon Jin Am - nguyên ngữ Đại Hàn có nghĩa là chùa Chân Thiên - để suy tư và tìm hiểu về triết học. Chùa Chân Thiên tọa lạc trên ngọn đồi chung quanh có núi rừng bao bọc và cách xa thủ đô Hán thành (Séoul) khoảng 60 cây số. Trong nhóm trí thức nổi bật chàng Yi Byok.
Yi Byok chào đời năm 1754 trong gia đình quý phái chuyên nghề võ. Ông Nội rồi thân phụ và hai bào huynh đều là tướng lãnh đại tài của quân lực Đại Hàn. Nhưng Byok lại hướng về nghề văn. Chàng say mê trau dồi văn hóa. Nhờ thế Byok có dịp đọc một số sách báo Công Giáo do các nhà ngoại giao Đại Hàn mang về từ Bắc Kinh. Năm 1780, khi nghe biết có một nhóm trí thức thường họp nhau nơi Chùa Chân Thiên, Yi Byok quyết định khăn gói lên đường.
Khởi hành từ thủ đô Séoul, chàng đi bộ mấy ngày trời giữa mùa đông tuyết lạnh và đến chùa Chân Thiên khi trời đã vào đêm. Chàng nhập ngay cuộc họp. Dưới ánh đèn bạch lạp, chàng trao đổi ý kiến và suy tư về các sách cổ điển của Khổng giáo. Suốt trong 10 ngày ròng rã, nhóm trí thức bắt đầu so sánh đạo lý chứa đựng trong các sách Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo với các Chân Lý của Kitô Giáo, đặc biệt được trình bày trong sách của Cha Matteo Ricci (1552-1610), một nhà truyền giáo dòng Tên người Ý. Cuốn sách tựa đề: ”Diễn văn chân thật về THIÊN CHÚA”. Sau khi tìm hiểu thấu đáo, cả nhóm quyết định chọn đạo lý Kitô Giáo và sống theo đạo lý này.
Vào mỗi buổi sáng và buổi chiều, họ sấp mình cầu nguyện. Nhân đọc trong sách viết: cứ 7 ngày phải dành một ngày dâng kính THIÊN CHÚA, họ dành ngày mùng 7, 14, 21 và 28 theo âm lịch để thờ phượng THIÊN CHÚA.
Trở lại gia đình, Yi Byok bắt đầu truyền giảng đạo lý Kitô Giáo. Nhưng chàng sớm nhận ra: hiểu biết của mình về Kitô Giáo còn quá ít ỏi. Năm 1783, nhân có chuyến đi Bắc Kinh của đoàn ngoại giao Triều Tiên, Byok liền gửi một người bạn trong nhóm tên Yi Seung-Hun đi theo để học hỏi thêm về giáo lý Công Giáo và mang sách báo Công Giáo về.
Đến Bắc Kinh, Seung-Hun tới ngay nhà thờ Công Giáo ở Bắc Đường. Tại đây chàng được vị Linh Mục thừa sai người Pháp - Cha Pierre de Grammont - dạy giáo lý và rửa tội với tên thánh Phêrô. Trở lại Triều Tiên, Phêrô Yi Seung-Hun rửa tội cho Yi Byok với tên thánh Gioan Baotixita. Phêrô Yi cũng rửa tội cho ba người bạn khác: Phanxicô Xavie Kwon Il-Shin, Ambrosio Kwon Chol-Shin và Augustino Chong Yak-Chong. Đạo Công Giáo từ đó bắt đầu được rao giảng và phổ biến trong các thành phố và làng mạc.
Nhưng chỉ vỏn vẹn hai năm sau, đạo Công Giáo tại Triều Tiên bắt đầu gặp chống đối. Các học giả Khổng Giáo sợ rằng giáo lý của đạo mới này sẽ đảo lộn truyền thống. Năm 1785, cảnh sát bắt giam tín hữu Công Giáo Đại Hàn đầu tiên: ông Kim Beom-Woo. Ông Kim bị hành hạ tra tấn cho đến chết.
Trong khi đó, anh Gioan Baotixita Yi Byok bị chính người thân trong gia đình giam cầm tại gia. Byok chịu đủ thứ áp lực, thể lý cũng như tinh thần. Một ngày, ông thân sinh tự tròng dây vào cổ, dọa sẽ tự tử nếu con trai cứ ngoan cố trung thành với Đức Tin và giáo lý Công Giáo! Nhưng anh Gioan Baotixita Yi Byok vẫn anh dũng kiên trì, không nao núng. Anh kín múc sức mạnh trong việc ăn chay, cầu nguyện và suy gẫm liên lĩ ngày đêm. Sau 10 ngày nhịn đói nhịn khát, Gioan Baotixita Yi Byok qua đời cách thánh thiện, hưởng dương 32 tuổi, sau vỏn vẹn 3 năm được hồng phúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
... Một sự kiện lạ lùng trong những trang sử đẫm máu của Giáo Hội Công Giáo Triều Tiên: gia phả của những dòng họ tử đạo. Giống như khi nói: dòng vua, dòng quý tộc, dòng lính tráng, dòng dõi thợ thuyền hoặc dòng máu nghệ sĩ .. Tại Triều Tiên, vào thế kỷ XIX, thế kỷ mà Giáo Hội Công Giáo Triều Tiên bị bách hại dữ dội nhất, có những gia đình gồm cha, mẹ, anh, chị, em bị giết vì đạo. Tiếp đến đời con, rồi sang đời cháu, đời chắt vẫn có người can đảm đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin của Cha Ông truyền lại. Thật kiêu hùng, thật cảm động. Câu chuyện tử vì đạo của cô Elisabet Thi-Yến - trinh nữ Công Giáo Đại Hàn - chỉ là thí dụ điển hình.
Cô Thi-Yến có thân phụ là anh hùng tử vì đạo cùng lúc với anh cả. Trong khi đó cô và bào đệ cũng bị bắt với hiền mẫu. Nhưng rồi nhà vua khoan hồng thả ba mẹ con ra, và bù lại, nhà vua tịch thu tất cả gia sản. Từ đó gia đình cô sống đậu ở nhờ nơi gia đình người bà con, tuy ngoại giáo nhưng có lòng tốt. Đó là những năm khốn khổ của gia đình vì ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Thi-Yến phải xoay xở làm đủ thứ nghề để kiếm chút tiền phụ giúp hiền mẫu nuôi sống cả gia đình.
Elisabet Thi-Yến có một tâm hồn trong sạch lạ thường. Những người có dịp tiếp xúc hoặc quen biết cô đều làm chứng rằng cô không bao giờ nhìn mặt bất cứ người đàn ông nào, kể cả người bà con. Ngay từ thưở nhỏ, cô đã thề hứa giữ mình trinh khiết trọn đời. Trong thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại, cô thường quy tụ các tín hữu cùng người tân tòng và dạy giáo lý cho họ. Đức Giám Mục giáo phận rất hài lòng về cô và tin tưởng nơi tài năng giảng dạy giáo lý của cô. Cũng trong thời gian này cô dọn mình lãnh nhận triều thiên tử vì đạo.
Ngày 19-7-1839, Thi-Yến bị bắt cùng với mẹ và em trai. Cô thường bị tra hỏi rất lâu. Sử liệu ghi lại cuộc thẩm vấn như sau. Quan hỏi: - Chồng cô đâu?
Cô trả lời: - Tôi không có chồng!
Quan hỏi tại sao, cô giải thích: - Lý do dễ hiểu là không người đàn ông nào lại dại dột đi cưới một cô gái nghèo mạt rệp như tôi!
Nghe cô trả lời, quan tức giận truyền đánh đòn rồi đuổi cô về ngục. Sau đó cô bị công an gọi ra thẩm vấn. Họ hỏi có phải cô theo đạo của vị Thầy ở trên Trời không. Cô trả lời phải. Họ lại hỏi ai dạy cô các giáo lý này. Cô nói mẹ dạy từ lúc cô còn nhỏ tuổi. Sau cùng họ bảo cô chỉ cần nói một lời chối đạo là tức khắc được tự do và khỏi chết. Cô cương quyết trả lời: - Nếu để được sống mà phải chối THIÊN CHÚA và bỏ Đạo thì tôi không chối cũng không bỏ. Tôi bằng lòng chịu chết!
Từ đó cô bị đánh đập tàn nhẫn. Cứ mỗi lần hỏi cung là một lần cô bị đánh đập. Tuy nhiên, gương mặt cô lúc nào cũng biểu lộ nét bình an nhẫn nhục. Cô nói với các tù nhân Công Giáo khác: - Nhờ ơn Chúa và sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ MARIA nên tôi mới có đủ sức lãnh chịu tất cả roi đòn tra tấn. Cùng lúc, tôi dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA, vì nhờ đau khổ mà tôi hiểu được phần nào những đau khổ vô biên Đức Chúa GIÊSU KITÔ phải chịu để chuộc tội chúng ta. Do đó tôi sẵn sàng và sung sướng chịu đau khổ.
Suốt trong thời gian bị giam cầm, cô Thi-Yến không ngừng an ủi khuyến khích các bạn Công Giáo đồng tù hãy can đảm chịu đau khổ vì Chúa. Phần cô, để có đủ sức chiến đấu đến cùng, cô dành rất nhiều giờ để cầu nguyện và suy gẫm. Cô cũng bí mật liên lạc với tòa giám mục để xin gửi tiền và thức ăn trợ giúp các tín hữu Công Giáo đang bị giam cầm.
Ngày 29-12-1839, cô Elisabet Thi-Yến bị đưa ra pháp trường cùng với nhóm tín hữu Công Giáo Đại Hàn khác. Khi từ biệt các tín hữu còn ở lại cô nói: - Hãy cầu nguyện đặc biệt cho người nghèo và người đang phải buồn sầu.
Nói rồi cô sung sướng ra đi, hớn hở như người con trở về Nhà Cha trên Trời gặp lại Cha Mẹ và anh em đã đi trước cô trên đường tử vì đạo. Năm ấy cô Elisabet Thi-Yến hưởng dương 44 tuổi.
Năm 1984 Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn mừng kỷ niệm 200 năm (1784-1984) dân tộc Triều Tiên được diễm phúc lãnh nhận hồng ân Đức Tin và bí tích Rửa Tội. Nhân dịp đó Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã long trọng nâng 103 vị Tử Đạo Đại Hàn lên hàng hiển thánh. Thánh lễ tôn phong hiển thánh diễn ra tại Hán Thành thủ đô Nam Hàn vào Chúa Nhật 6-5-1984 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Á Châu.
... ”Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng. Lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng. Vâng, lạy THIÊN CHÚA, trên con đường thánh ý Chúa vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa. Trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải. Khi Chúa thực thi quyết định của mình khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính .. Lạy THIÊN CHÚA, Ngài cho chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm, đều do Ngài thực hiện cho chúng con” (Isaia 27,7-12).
(”Missions Étrangères de Paris”, n.306, Février/1996 + ”I LXXIX MARTIRI COREANI”, Adriano Launay, Milano 1925)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
|