THÁNH MÁT-THÊU, TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ, Mừng kính ngày 21/9
“Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người ” (Mt.9,9)
Thánh Mát-thêu, người thu thuế, được Đức Giêsu kêu gọi đi theo Ngài, khi thánh nhân đang ngồi tại bàn thu thuế. Theo nhiều văn kiện lịch sử để lại thì thánh Mát-thêu đã giảng cho người Do Thái 15 năm sau ngày Chúa lên trời, rồi người đi rao giảng cho xứ Ethiopie, Ba Tư, Parthes và sau cùng người đã được lãnh phúc tử đạo với hình thức bị ám sát vào năm 60A.D, tại Tarium thuộc xứ Ethiopi. Thánh Matthêu có biệt danh là người ý chí và thường được coi như là thánh quan thầy của những nhà trí thức Công Giáo.
Mừng kính thánh Mát-thêu hôm nay và qua đoạn Tin Mừng do chính Ngài trình thuật, gợi lên cho ta đôi chút suy tư về cuộc đời của Thánh Nhân và phần nào đó nhìn lại cuộc đời Kitô hữu của mình, trên con đường bước đi theo tiếng gọi của Đức Kitô.
Hoàn cảnh lịch sử của đất nước Do Thái thời bấy giờ, một đất nước đang bị đô hộ dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, đời sống của người dân cơ cực vì sưu cao, thuế nặng, tầng lớp thượng lưu và trung lưu rơi vào thành phần tri thức, những người có quyền hành trong guồng máy lãnh đạo tôn giáo, những người có cơ hội làm việc hay nói đúng hơn là làm tay sai cho đế quốc. Thánh Mát-thêu là một trong những thành phần làm tay sai cho đế quốc Rôma với nghề thu thuế, một nghề mà có lẽ vào thời đó khinh ghét cũng có, mơ ước cũng có. Khinh ghét vì lý do phản bội lại dân tộc, tiếp tay với ngoại bang đàn áp dân lành, mơ ước vì có được cơ may hái ra tiền.
Là một thanh niên tràn đầy nhựa sống, cộng với chút tri thức, Mát-thêu cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, dù đã tạo cho mình một chỗ đứng trong guồng máy lãnh đạo qua công việc thu thuế, tạo cho mình chiếc ghế hái ra tiền khi hằng ngày thu thuế cho ngoại bang, nhưng chắc có lẽ vì “ Yêu ” đất nước, “ Yêu ” dân tộc mà trong thâm tâm vẫn mang một ước mơ. Rồi đây, sẽ có một ngày mà trong sách các Ngôn Sứ đã tiên báo. Từ trong đất nước sẽ có một người kiệt xuất đứng ra lãnh đạo và kêu gọi cùng cộng tác vào việc giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ.
Hằng ngày Mát-thêu ngồi tại chiếc bàn vừa là công việc kiếm sống, đây cũng là nơi có thể giúp Matthêu leo lên vị trí cao hơn trong guồng máy lãnh đạo. Nhưng những tiếng rỉ tai, bàn tán của những người tới nộp thuế về một con người có tên là Giêsu, nghe đâu xuất thân từ một gia đình không có gì là tiếng tăm, nghề nghiệp cũng chẳng cao sang, chỉ là một anh thợ mộc nghèo, giờ đã tạm gác nghề lại, lang thang đó đây, có một vài người đi theo và gọi Giêsu là Thầy. Điều lạ ở nơi Thầy Giêsu, thường xuyên thực hiện những công việc mà người đời không thể thực hiện được, những lời giảng dạy của Thầy Giêsu như đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư, biệt phái và thượng tế mà họ vẫn thường nghe nơi hội đường. Thắc mắc, mừng, chờ mong để được gặp xem thực hư ra sao.
Điều thắc mắc, mong chờ đã đến, đang khi Mát-thêu ngồi tại bàn thu thuế để thực hiên những công việc thường nhật, bỗng một tiếng kêu: “ Mát-thêu, Anh hãy theo Ta ”. Như chiếc lò xo đã được cài sẵn và chỉ chờ bấm nút, Mát-thêu đứng bật dậy và bước theo tiếng gọi của thầy Giêsu, chẳng hiểu rồi sổ sách, bàn giao công việc như thế nào cho những thượng cấp? Theo tin Mừng trình thuật, sau đó Mát-thêu đã tổ chức tiệc tại nhà, để rồi trong bữa tiệc những người biệt phái đã xì xầm ông Giêsu này lại đi ngồi chung bàn với phường tội lỗi, ngay tức khắc Thầy Giêsu đã biện minh cho Mát-thêu: “ Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi ”. Và cuối cùng là cất bước đi theo Thầy Giêsu.
Cùng với những môn đệ khác ngày ngày đi theo Thầy Giêsu, vui buồn sướng khổ có nhau, vẫn mang bên lòng ước mơ dân tộc sẽ được giải thoát do Thầy Giêsu làm thủ lãnh. Nhưng, lòng “ Yêu ” và ước mơ bị tan thành mây khói vào ngày Thầy Giêsu bị bắt, bị kết án tử hình và đóng đinh trên thập tự giá, thay cho lòng “ Yêu ” là nỗi buồn, hụt hẫng và lo sợ. Lòng “ Yêu” và niềm hy vọng chợt lóe lên khi nghe tin Thầy Giêsu sống lại từ cõi chết, dù đã được thấy thầy như những anh em khác, nhưng nỗi lo, buồn và sợ vẫn còn đó. Đặc biệt là khi Mát-thêu cùng với anh em chứng kiến, chiêm ngưỡng Thầy Giêsu về trời sau khi đã dặn dò các đồ đệ của mình.
Lòng “ Yêu ” đất nước và dân tộc giờ được chuyển qua một đối tượng mới đó chính là Thầy Giêsu, ước mơ và cả con người của Mát-thêu được biến đổi hoàn toàn sau khi cùng với những anh em đồng lưu lãnh nhận ân sủng cao trọng từ lời hứa của Thầy Giêsu “ Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi ” (Ga.14,16).
Cùng với anh em, Mát-thêu vội vã lên đường thực hiện những công việc mà trước đây Thầy Giêsu đã dạy và đã sống, loan truyền những gì Thầy mình đã hướng dẫn, thực hiện, những đau khổ Thầy đã gánh chịu, với một lý do duy nhất là “ Yêu ” và giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của quyền lực sự dữ, khỏi thần chết qua cái chết và sự Phục sinh vinh hiển của Thầy, từ lòng “ Yêu ” đất nước dân tộc chuyển qua “ Yêu ” Thầy Giêsu một cách mãnh liệt, nhờ lòng “ Yêu ” mãnh liệt đó, Mát-thêu nhớ lại từng lời, từng biến cố , từng công việc Thầy đã thực hiện giữa dân tộc trong việc lược ghi lại tất cả thành sách và được lưu truyền lại cho tới ngày hôm nay, ta thường gọi là Tin Mừng nhất lãm. Lòng “ Yêu ” đã đưa đến cái chết qua việc làm chứng cho Thầy Giêsu, người mình “ Yêu ”.
Qua những suy tư trên đây, một phần nào đó giúp cho người viết cảm nhận ra động lực nào đã giúp cho thánh Mát-thêu hăng hái bước theo tiếng gọi của Đức Kitô? Động lực đó chính là “ tình yêu ”, từ “ tình yêu ” dành cho đất nước. cho dân tộc, đã giúp cho Thánh Nhân rời bỏ chiếc ghế quyền lực, chiếc ghế hái ra tiền, khởi đi từ “ tình yêu ” đó và điều đặc biệt là được kết hiệp với tình yêu của Đức Kitô, qua sự đồng hành của Chúa Thánh Thần, đã giúp cho Thánh Nhân hiến thân, xả thân vì chân lý, vì Tin Mừng. Cuối cùng để bảo vệ “ tình yêu ”, sống trọn vẹn “ tình yêu ”, Thánh Nhân đã chấp nhân sự khinh ghét, thù oán của thế gian, sau cùng là bị ám sát.
Lạy Chúa Giêsu! Trong ngày lễ mừng kính thánh Mát-thêu, vị Thánh được Chúa kêu gọi dưới sự khinh chê của người đời, qua đời sống và công việc của Ngài, Chúa đã giúp Ngài trở thành tông đồ của Chúa.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Nhân, xin Chúa giúp con có được tình yêu như Thánh Nhân trong đời sống. Nhờ đó, con mới có thể rời bỏ được chiếc ghế của quyền lực, tiền tài, danh vọng, lạc thú; chiếc ghế của cái tôi , ích kỷ, biếng nhác; chiếc ghế của tham lam, hận thù để cất bước trở thành tông đồ của Chúa. Amen.
Sài gòn ngày 18/9/2010
An-tôn Lương Văn Liêm
|