LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ, 14/9/2010
THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
“DẤU GẠCH NỐI GIỮA TRỜI VÀ ĐẤT, DẤU GẠCH NỐI CỦA MUÔN TÂM HỒN”
Ngày 14/9 hằng năm, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần dân Chúa hướng về Thập Giá Đức Kitô qua thánh lễ “ Suy Tôn Thánh Giá ”. Một điều chắc chắn Giáo Hội không mời gọi sùng kính hoặc suy tôn cây thập giá bằng gỗ, đây là một trong những hình khổ tồi tệ nhất dành cho những tử tội đặc biệt theo luật pháp của người Do Thái thời bấy giờ, nhưng mời gọi mọi người hướng về Đức Kitô, Đấng đã dùng Thập Giá để minh chứng tình yêu và cứu độ nhân loại. Qua câu xướng của vị Chủ Tế trong nghi thức suy tôn Thánh Giá thứ sáu tuần thánh: “ Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trường sinh, chúng ta hãy đến thờ lạy ”, và câu đáp: “ Lạy Đức Kitô ngợi khen Ngài ”
Vào tối thứ sáu Tuần Thánh một trong những năm của thập niên 80. Một trong những giáo xứ tại địa bàn Suối Nho thuộc tỉnh Đồng Nai, Giáo Phận Xuân Lộc, người ta thường tổ chức các nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, một trong những nghi thức làm nhiều người rơi lệ trong đó có những người theo đạo Phật Giáo, đó là nghi thức đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá. Trong lúc mọi người đang cử hành nghi thức, một trong những anh em Phật Giáo cùng tham dự đã hỏi: Người bị đóng đinh thê thảm đó là ai? Tại sao lại bị như thế? Có tiếng trả lời: “ đó là Chúa Giêsu, là Ông Trời đó”. Người đặt câu hỏi buông một tiếng thở dài… và nói một mình: Ông Trời mà sao khổ quá vậy? Sao lại để cho người ta hành hạ đến thế? Câu hỏi không có lời đáp trả! Vì lúc đó người thì sụt sùi khóc, người thầm thĩ đọc kinh, cầu nguyện còn bản thân người viết những dòng chữ đơn sơ này cũng đi tham dự nhưng với tâm trạng theo thói quen của một thành viên trong gia đình có đạo, hơn nữa cũng chẳng hiểu gì do tuổi đời chưa khôn, do sự thờ ơ và thiếu sự học hỏi Kinh Thánh và Giáo Lý.
Không chỉ những người mang niềm tin Phật Giáo mà ngay cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đôi khi cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa Là đấng quyền phép, đấng đã tạo dựng trời đất, muôn loài và cả mạng sống con người, sao Ngài không dùng hình thức nào khác để tỏ lộ tình yêu, và cứu độ nhân loại? Sao Ngài lại dùng một hình thức mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô mô tả: “ Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ ”.
Quả thật! Với trí khôn nhỏ bé của con người làm sao suy cho thấu được những chương trình và ý định của Thiên Chúa, điều mà tác giả sách Khôn Ngoan đã thưa với Thiên Chúa: “ nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? ”(Kn.9,13). Chính sự không biết và khôn hiểu đó, tác giả đã cầu nguyện với Thiên Chúa: “ Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng ? Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần Khí Thánh?”
Lịch sử Tin Mừng đã tường thuật, các Thánh tông đồ, đã cùng song hành trên bước đường rao giảng của Đức Kitô, không phải một hoặc hai ngày mà suyên suốt ba năm, trong ba năm Đức Ki tô đã dạy dỗ và thực hiện biết bao dấu lạ, điềm thiêng, đồng thời Ngài tiên báo cuộc khổ nạn của Ngài những ba lần:
•Lần một: (x,Mt.16,21-23; Mc.8,31-33; Lc.9,22) •Lần hai: (x, Mt.17,22-23; Mc. 9,30-32;Lc.9,43-45) •Lần ba: (x,Mt.20,17-19; Mc.10,32-34;Lc. 18,31-43).
Nhưng khi Đức Kitô bước vào cuộc thương khó, bị đóng đnh và chết trên thập giá, sau ba ngày Ngài Phục Sinh vinh hiển, các Thánh Tông đồ cũng không hiểu, có hiểu cũng chỉ mù mờ. Chính sự không hiểu và hiểu một cách mù mờ, các Ngài đã sống trong tâm trạng lo sợ, buồn phiền, hụt hẫng và tuyệt vọng “ Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái ” (Ga.20,19). Sau khi Đức Kitô Phục Sinh và trước khi về ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài đã hiện ra cùng ăn cùng uống, dạy dỗ, nhắn nhủ, nhưng lòng trí của các Thánh Tông Đồ cũng chỉ hiểu theo cách của thế gian “ Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? " Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất." (Cv.1,6-8).
Tất cả sự hiểu biết một cách mù mờ, hiểu theo kiểu thế gian bị đẩy lùi vào quá khứ, sau khi Đức Kitô về ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Thánh Thần ngự đến trong ngày lễ ngũ tuần (x,Cv.2,1-13) như lời Đức Kitô đã hứa: “ Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14,26). Khi nói đến đây hẵn sẽ có người sẽ thắc mắc: Tại sao phải nhờ đến Chúa Thánh Thần các Thánh Tông Đồ mới được mở lòng, mở trí? Xin thưa! Điều đó nói lên sự liên đới mật thiết trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa trong chương trình tỏ hiện tình yêu và cứu độ nhân loại, Chúa Cha, Đấng hoạch định chương trình, Chúa Con, Đấng khai triển và hành động, Chúa Thánh Thần, Đấng soi dẫn và kiện toàn “ Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em ” (Ga.16,13-15)
Nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa Thánh Thần khai mở, các Thánh Tông Đồ đã hiểu ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cuộc đời, qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô. Từ đó các Ngài đã mạnh mẽ loan truyền, mời gọi bằng lời rao giảng, giáo huấn, bằng đời sống và hy sinh cả mạng sống mình, hầu giúp mọi người tin, nhận Đức Kitô là Thiên Chúa. Đấng đã dùng Thập Giá để cứu độ nhân loại, Đấng đã dùng chính Con Người của Ngài cùng bao tội lỗi, khổ đau, cả cái chết của nhân loại đóng đinh vào Thập Giá “Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá ” (Cl.2,14), qua Thập Giá Đức Kitô một đầu hướng thượng, một đầu cắm đất để trở thành “cầu nối ” giữa Thiên Chúa đầy quyền năng, giàu tình thương với nhân loại luôn lỗi lầm và khổ đau “ Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Đức Kitô, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”(Cl.1,19- 20), Thập Giá Đức Kitô trở thành “ cầu nối ” giữa con người với con người trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương “ Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét ”(Ep.2,16)
Thập Giá Đức Kitô là dấu chỉ của tình yêu, là chìa khóa mở cửa kho tàng hồng ân, đặc biệt là hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, Thập Giá Đức Kitô là biểu tượng và là niềm hãnh diện của những ai tin nhận Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, là vũ khí bẻ tan ách nộ lệ của quyền lực satan luôn đè nặng trên nhân loại yếu đuối, là điểm hội tụ và lan tỏa yêu thương và hiệp nhất giữa cộng đồng nhân loại. Thánh Phaolô vị Tông Đồ dân ngoại nhờ ơn Chúa Thánh Thần đã cảm nghiệm được chân lý về Thập Giá Đức Kitô nơi cuộc đời cùa Ngài “ Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl.6,14). Thập Giá Đức Kitô luôn hiện diện trong các ngôi thánh đường, nơi bàn thờ của mỗi gia đình công giáo, nơi ngôi mộ của những người Kitô hữu đã khất.
Trong từng ngày sống, đặc biệt ngày cùng với toàn thể Giáo Hội suy tôn Thập Giá Đức Kitô. Ta xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn để nhờ ơn của Ngài, mỗi khi ta chiêm ngưỡng Thập Giá Chúa ta nhận ra:
§ Thập Giá là một chữ T, Chúa Giêsu chịu treo trên đó, Ngài cũng là chữ Y. Đây là hai mẫu tự đầu của hai chữ “ Thương Yêu ”.
§ Thập Giá là một chữ T, Chúa Giêsu chịu treo trên đó, Ngài cũng là chữ T. Đây là mẫu tự đầu của hai chữ “ Tha Thứ ”.
§ Thập Giá Là một chữ T, Chúa Giêsu chịu treo trên đó, Ngài cũng là chữ T. Đây là mẫu tự đầu của hai chữ “ Tín Thác ”.
Qua đó ta xin Chúa giúp ta sống cuộc đời Kitô một các có ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, luôn yêu thương như Ngài đã yêu, tha thứ như Ngài đã tha thứ, luôn tín thác vào tình yêu của Ngài giữa cuộc sông đầy những cạm bẫy, lắng lo và thử thách.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã dùng Thập Giá để cứu độ con, xin cho con trong từng ngày sống luôn biết hướng về Thập Giá Chúa, để con cảm nghiệm ra được tình Chúa đã yêu thương con, xin gìn giữ con để con không sống đối nghịch với Thập Giá Chúa.
Xin cho con cũng biết dùng chính Thập Giá đời con để được thông phần với Chúa trong chương trình cứu độ chính bản thân con và mọi người.
Xin Chúa đồng hành và giúp con luôn yêu như Chúa đã yêu con, tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con, và luôn tín thác vào Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Nhờ đó mà con được Chúa yêu thương, nhờ đó mà hình ảnh của Chúa được tỏ lộ qua đời sống của con.Amen
Sài Gòn ngày 10/9/2010
An-tôn Lương Văn Liêm
|