MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tâm Tình Cursillo Tháng 9: Tái Khám Phá Ơn Gọi Cá Biệt Của Người Cursillista
Chủ Nhật, Ngày 5 tháng 9-2010

TÂM TÌNH CURSILLO THÁNG 9: Tái Khám Phá Ơn Gọi Cá Biệt của Người Cursillista

Những điều vui vui trong Đại Hội Cursillo Toàn Quốc Hoa Kỳ 2010

Lần đầu tiên tôi tham dự Đại Hội Cursillo toàn quốc Hoa Kỳ năm đã diễn ra trong ba ngày từ 31 tháng 7 đến ngày 1 tháng 8, 2010 tại Kansas City, Missouri. Vì thế tôi muốn chia xẻ với quý anh chị về một số điều vui vui có liên hệ đến chủ đề tháng 9 của chúng ta khi tôi dự đại hội.

Vui vì có nhiều anh chị hết sức gắn bó với Phong Trào.

Hơn 550 cursillistas dự đại hội năm nay. Trong đó có khoảng 25 anh chị em cursillistas Việt Nam từ nhiều tiểu bang về họp mặt.  Tuy Việt Nam ít, nhưng phải thành thật nói, quý anh chị ấy đã rất yêu mến Phong Trào. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, cởi mở và thân tình, không riêng gì các anh chị em Việt Nam với nhau mà cả với các bạn cursillista Mỹ, Mễ, Phi hay Đại Hàn nữa. Chỉ có ba chúng tôi, chị Hương ở Oregan và vợ chồng tôi, là lần đầu tiên tham dự. Còn các anh chị em khác bất kể khó khăn về tài chánh, năm nào cũng đi Đại Hội để học hỏi và hiểu rõ hơn về Phong Trào và vai trò của người lãnh đạo.  Tôi tin rằng các anh chị ấy đều có ơn gọi lãnh đạo vì ơn gọi ấy quả là một ơn gọi đặc biệt như Sách Tư Tưởng Căn Bản đã viết: “Trở nên người dẫn đạo trong Phong Trào là một ơn gọi đích xác và đặc biệt...”  

Vui vì bị nhớ lầm!

Vì anh Lê Tinh Thông, ĐHV Quốc Gia ngành Cursillo Việt Nam đề nghị một chuyến đi chơi sau Đại Hội nên tôi nhận được một email của một chị tên Liệu ở Virginia hỏi: “Có phải Ánh em của Cúc không? Rủ chị Huệ đi cho vui nghe!” Thấy chị sốt sắng, vui tính nên cũng hồi âm ngay: “Dạ không phải, tôi là Ánh Ngọc, không có liên hệ gì với chị Cúc ạ. » Điều này làm tôi thấy vui vì cái tên cúng cơm bố mẹ tôi đặt khá phổ thông nên tôi hay bị nhìn lộn.

 Hẳn các anh chị có thể đoán ra ở giáo phận Orange, ít nhất là có 4 anh chị nữa tên Ánh. Chúng tôi đều giống nhau về bậc sống ( giáo dân, gia đình), ơn gọi tổng quát ( kitô hữu, cursillista), đều áp dụng một phương pháp rao truyền Tin Mừng là « kết bạn, là bạn, đưa bạn về với Chúa ». Nhưng chúng tôi lại khác nhau về phái tính, hình dáng, nghề nghiệp, và gia cảnh nữa. Nếu đem thử dấu tay và DNA, chúng tôi không ai giống ai, phải không các anh chị ? Mà nếu xét về ơn gọi, thì chúng tôi lại càng khác nhau hơn nữa, vì Chúa nói : “Ta đã gọi con từ trong bụng mẹ!” nghĩa là Chúa ban cho mỗi người chúng ta một ơn gọi riêng để rao truyền Tin Mừng trong thế giới này.

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi độc đáo, cá biệt, không thể thay thế mà Chúa ban cho ta? Rất may, chúng ta có Phong Trào Cursillo là nơi đã giúp cho mọi kitô hữu tham dự khóa học ba ngày một cơ hội khám phá ơn gọi cá biệt đó :“...Phương Pháp này [cursillo] giúp họ khám phá và chu toàn ơn gọi riêng của họ, và  thúc đẩy việc hình thành các nhóm kitô  hữu nòng cốt làm dậy men môi trường sống của họ  bằng Phúc Âm. » 

Vui vì biết ông Bonnin nói về Ơn Gọi Cá Biệt của ông

Hai tháng trước ngày khai mạc đại hội, tôi được giao trách nhiệm chia sẻ một bài nói 15 phút về linh đạo của ông Bonnin. Tôi xin vâng nhưng lo lắm vì không biết phải chia sẻ gì, tìm tài liệu ở đâu. Cầu xin Chúa Thánh Thần mãi, Ngài không chỉ ban một lại còn ban hai, đó là tôi gặp được bài nói về ơn gọi cá biệt của ông Bonnin rất cần cho bản tin tháng 9 này.

Theo ông Bonnin, đặc sủng, ơn gọi, hay ơn sủng cũng như nhau, đều là ơn Chúa ban.  Đức Giám mục Cordes, tác giả cuốn sách “Signos de Esperanza –Retrato de Siete Movimientos Ecclesiales” (Dấu chỉ Hy Vọng: Một thoáng nhìn vê Bảy Phong Trào của Giáo Hội) đã phỏng vấn ông Bonnin là làm thế nào đặc sủng đó hình thành cụ thể trong ông. Ông Bonnín đã phát biểu:

“ Theo cách tôi hiểu thì đặc sủng được hình thành với thời gian mỗi lần người ta ôm ấp, tha thiết với nó; những người tham gia, với tâm tình  thích hợp, trong suốt ba ngày của Khóa Cursillo ắt hiểu được sứ điệp đơn sơ này và họ cố gắng chuyển sứ điệp ấy vào trong đời sống thực tại của mình. Những gì họ học hỏi trên bình diện cá nhân trong Khóa Học Cursillo tất họ củng cố và khẳng định trong Hội Nhóm nhỏ và trên bình diện xã hội, bằng cách tham dự Ultreya.”  
 
Vui vì chính ĐTC Gioan Phaolô II nói về Ơn Gọi Cá Biệt

Sau bài trình bày của Anh Lê Tinh Thông về mục đích và tâm tưởng của Phong Trào, trong đó anh có lập lại điều 74 Sách Tư tưởng Căn Bản nói về ơn gọi cá biệt, một bạn hỏi tôi có phải « ơn gọi cá biệt » do ĐTC John Paul II đặt ra không ?  Tôi vui quá, vì người bạn hỏi như thế thì quả là đã đọc nhiều tài liệu do ĐTC viết. Vui vì tôi có thể xoá tan được cái nghi ngờ của một vài anh chị em nói rằng tôi thích chơi chữ !

Quả đúng, ĐTC Gioan Phaolô Đệ Nhị là người đã sáng tạo ra từ « Ơn Gọi Cá Biệt (personal vocation) khi Ngài viết Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân như sau : « Thật vậy, Thiên Chúa đã nghĩ đến chúng ta từ thủa đời đời, và Ngài đã thương yêu chúng ta như những nhân vị duy nhất và bất khả thay thế. Ngài gọi mỗi người chúng ta bằng chính tên chúng ta, như người Mục tử tốt “gọi các con chiên của mình bằng chính tên chúng” (Jn. 10:3). Như chương trình đời đời của Thiên Chúa chỉ được mặc khải cho mỗi người chúng ta trong tiến trình phát triển lịch sử của cuộc sống và các biến cố của mỗi người; một cách nào đó, nó tuần tự tiếp diễn ngày này qua ngày khác.”  

Nên hiểu Ơn Gọi Cá Biệt như thế nào?

Theo tôi biết, có hai cách giải thích về ơn gọi cá biệt này.
Theo Russell Shaw, một ký giả công giáo và là chuyên viên của HĐGM Hoa Kỳ và HĐ Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, chữ “ơn gọi” (vocation) thường để chỉ về bậc sống (ơn tu trì - để phân biệt với ơn gọi giáo dân). Do đó, Russell cho rằng từ ngữ  “ơn gọi cá biệt” mà ĐGH Gioan Phaolô Đệ Nhị dùng phải ám chỉ về “sứ mệnh truyền giáo” (mission) của người tín hữu giáo dân như ngài viết trong tông thư năm 1991 về truyền giáo: “việc truyền giáo ...là bổn phận của mọi kitô hữu…” [ai cũng được gọi vào làm vườn nho].  Vì đại đa số không thể tham gia vào việc truyền giáo trong nghĩa đi rao giảng Tin Mừng ngoài quốc gia của mình “nhưng bất cứ ai cũng có thể làm công việc ấy trong hoàn cảnh và cuộc sống của họ để nuôi dưỡng và thực hành việc phúc âm hóa.”  Hiểu theo nghĩa ấy, “ơn gọi” không bao hàm ơn gọi bậc sống mà chính là lối sống phong phú đa dạng đòi hỏi mỗi kitô hữu phải sử dụng tài năng Chúa ban, ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của mỗi người để rao truyền Tin Mừng. Vì thế Russel kết luận, ơn gọi cá biệt là một chương trình sống trọn vẹn.  

Cha Herbert Alphongso S.J., một linh hướng có hơn 40 năm kinh nghiệm về khám phá ơn gọi của người tín hữu giáo dân thì giải thích rằng Ơn Gọi Cá Biệt nên được hiểu như là một lời hay hình ảnh nào đó của Thiên Chúa ẩn tàng nơi mỗi người chúng ta, khó diễn tả bằng lời cho người khác hiểu, nhưng với cá nhân người ấy thì bị đánh động và cảm thấy rất thân mật với Chúa khiến đời sống của họ trở nên rất ý nghĩa.  Đây là điều thánh I Nhã gọi là sự hiểu biết nội tâm, hiểu biết bằng con tim. Nhờ sự khám phá này, ta bắt đầu cảm nghiệm sự sống của Chúa dồi dào phong phú trong ta. Từ đấy, ta cùng với Chúa Kitô mà nói, nghĩ và hành động trong mọi hoàn cảnh. Ta cũng nhìn thấy Chúa Kitô trong mọi sự. Nhờ vậy, sự sống của Chúa Kitô trong ta lan toả cho mọi người xung quanh, môi trường nhờ đó được đổi mới, và tha nhân dễ dàng nhận ra Đức Kitô, yêu mến và muốn trở nên môn đệ Ngài.

Cha kể chuyện một linh mục trẻ đến hỏi Ngài:

“Tại sao con không thể cầu nguyện sốt sắng được từ một năm nay. Con không thấy thích thú gì khi cầu nguyện.”

Cha hỏi lại vị linh mục đó:

“Điều gì làm Cha hứng khởi khi nghĩ đến Chúa?”

Vị linh mục kia trả lời:

“Khi con nghĩ về sự tốt lành, sự thiện hảo, của Chúa.”

Cha Herbert Alphongso khuyên:

“Cha hãy về và chỉ nghĩ về lòng thiện hảo của Chúa rồi cầu nguyện với Chúa cho đến khi Cha thấy mệt nhừ người thì thôi!”

Vị linh mục kia vâng lời. Vài tuần sau, vị linh mục ấy chạy đến Cha linh hướng khoe:

“Hay qúa, hay qúa. Con có thể cầu nguyện sốt sắng rồi!”

Vị Linh hướng chỉ cười và nói:

“Cha hãy về cầu nguyện tiếp cho đến khi mệt nhừ người rồi hãy đến gặp tôi nhé.”

Hơn bốn tháng sau, vị linh mục kia trở lại kể lể:

“Con đã cầu nguyện với Chúa về lòng thiện hảo của Ngài một cách say sưa cho đến khi con thiếp ngủ, và cứ thế bốn tháng nay Con thấy thật hạnh phúc. Không phải con chỉ hạnh phúc trong Chúa, mà con được hạnh phúc trong khi con tiếp xúc, phục vụ các anh em tu sĩ và các giáo dân nữa.”

Cha Linh hướng cười và bảo:

“Cha đã tìm thấy ơn gọi cá biệt Chúa muốn trong cuộc sống của Cha, đó là sống giống Chúa Giêsu về sự tốt lành.” 

Theo tôi, cả hai cách giải thích đều hợp lý và bổ sung cho nhau. Vì ơn gọi cao cả nhất của người kitô hữu là nên thánh. Mọi việc học đạo, hành đạo mà không giúp người cursillista nên một với Chúa, qui hướng về Ngài, để Ngài lớn lên và tôi nhỏ đi, thì chưa thể sống với ơn gọi cá biệt của người kitô hữu. Ông Bonnín nhấn mạnh rằng là người cursillista không quan trọng, làm người kitô hữu trưởng thành mới hệ trọng hơn.

Có cần Tái Khám Phá ơn gọi Cá Biệt không? 

Câu chuyện của Cha Herbert Alphongso đã khiến tôi tin rằng cần phải thường xuyên tái khám phá hay nhìn lại ơn gọi của mình. Anh TNV là một cursillista kỳ cựu đã cảm nhận ơn gọi cá biệt của mình ở trong môi trường Truyền Thông. Anh và các bạn hữu đã lập cơ sở ấn loát để phát hành sách báo giúp người kitô hữu sống chân thật với sứ mệnh của mình. Anh tâm sự:

"Nhiều đêm nghĩ về ơn gọi này, tôi cảm thấy trăn trở vì thấy kết qủa của mình không là bao mà lại gặp rất nhiều chống đối. Có lúc tôi muốn bẻ bút, gác kiếm cho là đó không phải là ơn gọi riêng của tôi. Nhưng càng cầu nguyện tôi càng được Chúa khích lệ. Nhờ thế tôi can đảm sống ơn gọi của mình và chấp nhận mọi hiểu lầm về tôi.”

Chị NTS cũng chia sẻ tương tự. Chị cảm nhận được việc phục vụ cho người cùi là một ơn gọi riêng Chúa đặt để nơi chị sau khóa học ba ngày. Vài năm sau đó, Chúa gọi người con gái duy nhất của chị về với Chúa. Chị chia sẻ:

“Tôi cảm thấy bàng hoàng và hỏi Chúa, tại sao Chúa có thể cất đi người con gái duy nhất của con?”

Chị khóc nhiều và cảm thấy không thể tiếp tục là bạn người cùi được nữa. Song mỗi lần chị cầu nguyện trước tượng Chúa Giêsu chịu nạn, nỗi u buồn của chị vơi đi và lòng thấy phấn khởi hăng hái khi nghĩ về các bạn cùi. Chị tiếp tục cầu nguyện như thế và cuối cùng, chị nhớ lại những cảm xúc đặc biệt trong một khóa linh thao từ nhiều năm trước, mà cảm xúc này giúp chị bắt đầu công việc bác ái giúp ngừơi nghèo ở Việt Nam.  Chị nói,

“Nhờ vậy tôi tin tưởng vào chương trình riêng Chúa muốn thiết lập cho tôi. Ngày nay tôi có nhiều “con gái” ngoan, giỏi và đạo đức, và làm cho Chúa vui thoả.” 
 
Vui hơn nữa là được nằm bên tượng thánh I Nhã!
 

Đại Hội Cursillo tổ chức tại một trường đại học của Dòng Tên, Rockhurst University. Vì Nhóm Việt Nam sinh hoạt dưới hầm của Thư viện, nên ngày nào tôi cũng đi ngang qua vườn tưởng nhớ thánh I Nhã. Buổi sáng sớm 31 tháng 7, ngày lễ kính thánh nhân, tôi nằm dài dưới chân Ngài (vì khi đi linh thao, ai cũng thoải mái nằm ngồi như thế). Chiêm ngắm Ngài ngồi trên tượng đá tảng (tôi nghĩ là giáo hội), tay trái đặt trên sách Phúc Âm, tay phải nắm chắc lại, mắt Ngài nhắm nghiền  nhìn về hướng giòng suối nuớc tuôn chảy rỉ rả (mà tôi nghĩ đến suối nguồi ân sủng của Chúa Thánh Thần), lòng tôi rất xúc động. Chính thánh nhân đã được đặc sủng lập Dòng Tên và được Chúa ban ơn nghĩ ra phương pháp linh thao (Spiritual Excercises) để giúp người kitô hữu khám phá ơn gọi  và hành động theo thánh ý Chúa. Ơn này Ngài có trước khi làm linh mục.   

Phong Trào Cursillo chúng ta cũng luôn nhắc nhở hàng năm người lãnh đạo cần làm linh thao, còn gọi là silent retreat theo thánh I Nhã, để giúp mình tái khám phá, điều chỉnh cuộc sống, củng cố, bảo toàn ơn gọi tìm được trong Khóa Ba Ngày.

Mẹ Terêsa Calcutta năm 18 tuổi, nhờ làm linh thao mà yên tâm đi tu. Năm 1946, Mẹ làm linh thao với một linh mục dòng Tên theo yêu cầu của giáo quyền để xác tín ơn Chúa gọi Mẹ phục vụ người nghèo khó bị bỏ rơi. Kết quả là sau linh thao và gần 2 năm thử thách Mẹ được phép xuất dòng Loreto để lập Dòng Nữ tu Bác Ái. 

Nhờ việc khám phá ơn gọi cá biệt này mà Mẹ gọi là “The Call within the Call”( Ơn gọi trong Ơn gọi), Mẹ đã sống trọn vẹn ơn gọi “Mẹ yêu Chúa như Chúa chưa từng được yêu”,  “nhất định không từ chối Chúa điều gì”. Qua việc phục vụ người nghèo khổ Mẹ luôn gặp khuôn mặt của Chúa trong những người đó. Mẹ cũng làm  cho Chúa Giêsu vui thoả vì Ngài hằng khao khát ơn cứu độ đến với lớp người cùng khổ này.

Tĩnh Tâm Phong Trào 2010

Tóm lại, ơn gọi cá biệt của người cursillista là một ơn gọi độc đáo, bất khả thay thế  mà Thiên Chúa ban cho từng người chúng ta. Vì ơn gọi đó là của riêng mỗi người nên mỗi anh chị em chúng ta phải quyết tâm khám phá để sống phong phú ơn gọi kitô hữu đích thực. Nếu như anh chị nào đã biết rõ ơn gọi của mình, hẳn cũng cần những giấy phút hồi tâm, nhìn lại cuộc sống để xác tín và trung thành ơn gọi của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới của cuộc sống. Vì Bản Tin thì giới hạn, mà đề tài thì phong phú và khô khan, khó hiểu, nên người viết xin ngừng ở đây và kêu gọi các anh chị:

Để thấu hiểu Ơn Gọi chung – Ơn Gọi Riêng – Ơn Gọi Cá biệt và phương pháp khám phá Ơn Gọi Cá Biệt của Nguời Tông Đồ Giáo Dân,  xin mời quý anh chị hãy đến dự Ngày Tĩnh Tâm Phong Trào năm 2010 được tổ chức lúc 8:30 sáng Chúa Nhật ngày 19 tháng 9 năm 2010 tại Marywood. Buổi tĩnh tâm này được cha Cao Vũ Nghi, một linh mục cursillista trẻ Dòng Đồng Công hướng dẫn giúp anh chị em chúng ta tìm gặp chính mình một lần nữa để khám phá ơn gọi cá biệt của mình hầu làm danh Chúa mỗi ngày một cả sáng.

Hẹn các anh chị trong Bản Tin Tháng 10.
De Colores!

Nguyễn văn Ánh (VPĐH-VN-OC)
 ----
  1 FI , 571
  2 FI, 74
  3 Nguyễn Đức Tuyên, Ông Eduardo Bonnín và Đặc Sủng Sáng Lập Phong Trào Cursillo, Bản Tin Ultreya tháng 2, 2010, trang 12.
  4 Juan Ruiz,TâmThư, www. members.cox.net/cursillovietnam
  5 Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân , Bản tiếng Việt, Phong Trào Cursillo, trang 145.
  6 Russel S., Ministry or Apostolate?SundayVisitor: 2002, 100-101.
  7 Ibid
  8 Herbert A., Discovering Your Personal Vocation, Paulist Press: 2001, 31-40
  9 Eduardo Bonnin, Ân Sủng, Số Đặc Biệt Mùa Hè 2010 của Bản Tin Ultreya, trang 67, Nguyễn Vỹ Hùng chuyển ngữ.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
08 Tháng Chín, Cuốn Sách Một Chữ (9/8/2010)
Cầu Nguyện Luôn Luôn, 07/09/10 (9/7/2010)
Không Có Gì Là Không Thể, 06/09/10 (9/7/2010)
Lẽ Sống: 07 Tháng Chín, Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực (9/7/2010)
Lẽ Sống, 06 Tháng Chín, Không Mong Ðền Ðáp (9/7/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Mc57: Kiêu Ngạo (9/5/2010)
Mc56: Xin Trở Về (9/5/2010)
“ngồi Xuống” Mỗi Ngày, 05/09/10 (9/5/2010)
Hãy Có Lòng Thương Xót, 04/09/2010 (9/5/2010)
Dễ Và Khó (9/5/2010)
Tin/Bài khác
Lời Cầu Nguyện Đầu Phục Của Lm Zlatko Sudac (9/4/2010)
Lời Cầu Nguyện Của Thánh Padre Pio (9/4/2010)
Lẽ Sống: 04 Tháng Chín, Người Ta Sao, Tôi Vậy! (9/4/2010)
Công Bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha Về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Tại Madrid (9/3/2010)
Giá Trị Của Cái Cũ Và Cái Mới, 03/09/10 (9/3/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768