MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cuộc Xuất Hành Mới,
Thứ Năm, Ngày 2 tháng 9-2010

CUỘC XUẤT HÀNH MỚI, (Lc 14:25-33)

Viết ngày:  09.09.2007

Theo Tin Mừng Luca, chúng ta đồng hành với Ðức Kitô về Giêrusalem.  Ðó là lúc Chúa hướng tới cuộc Khổ nạn và mầu nhiệm Vượt qua, tới cuộc “vượt qua” như đã nói trong trình thuật Hiển Dung : Ðức Kitô biến hình “đàm đạo với ông Môsê và Êlia về cuộc xuất hành chắc chắn sắp xảy ra tại Giêrusalem.” (x. Mt 17:1-8; Mc 9:2-8) 

Chính trên chặng đường này, Ðức Giêsu đưa ra những lời khuyên rõ ràng cho những ai muốn theo Người : “Nếu ai muốn theo tôi ...” (Lc 14:26-27)  Những lời Chúa nói tuần này thực khó nghe !  Ðó là những lời khiến chúng ta phải “xuất hành,” nghĩa là phải dứt bỏ thế gian để được giải thoát và sống tự do, theo kiểu xuất hành khỏi Ai cập và  thoát khỏi ách nô lệ xưa. 

Vậy đâu là những lời Ðức Giêsu khuyên những người muốn theo Người ?

LÊN ÐƯỜNG

Chắc chắn khi lên đường trốn khỏi Ai cập, dân Chúa đã phải bỏ lại tất cả sự nghiệp, của cải, nhà cửa, có khi cả người thân lại đằng sau.  Nếu không nhẹ gánh, họ không thể lên đường nhắm thẳng tới Ðất Hứa.  Muốn theo Ðức Kitô, người môn đệ cũng phải làm một cuộc xuất hành tương tự.  Trước hết, họ phải dứt bỏ những mối liên hệ gia đình.  Ðây là một cuộc dứt bỏ sâu xa nhất và khó khăn nhất.  Cuộc dứt bỏ này không mang tính tiêu cực hay phủ nhận những giá trị căn bản của con người.  Nhưng cuộc dứt bỏ này cần thiết như một khởi điểm giúp người môn đệ có thể hướng thẳng về Ðất Hứa. Không dứt bỏ gia đình, không thể tự do theo Chúa.  Chỉ khi nào nhận ra Chúa là giá trị tuyệt đối, vượt trên mọi liên hệ gia đình, con người mới có thể hoàn toàn dồn hết tâm lực vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Quyết định làm môn đệ Chúa Kitô đòi hỏi một lựa chọn tuyệt đối, không khoan nhượng.  Tin Mừng hôm nay mạnh mẽ nhắc lại điều đó.  Ðề nghị của Chúa Giêsu không nhằm tách biệt những người thợ Nước Trời khỏi gia đình. Ðối với Ðức Giêsu, điều quan trọng là phải mở rộng tầm nhìn tới những chân trời rộng lớn hơn.  Chính lúc yêu mến Chúa Kitô hơn cha mẹ, anh em, chúng ta có khả năng yêu mến họ một cách khác, yêu họ bằng một tình yêu vô vị lợi và sạch hết mọi dấu hiệu chiếm đoạt hay ích kỷ thường hay chi phối các mối liên hệ của chúng ta.  Chọn Chúa Kitô là đáp trả lại lời mời gọi rất mạnh bạo, không cho ta trì hoãn một giây phút nào.  Phải luôn cấp thiết đáp trả lại lời mời gọi của Tin Mừng.  Trì hoãn chỉ  xoi mòn hay làm hư con người, những khát vọng, đam mê, ơn gọi của mình. 

Gia đình vẫn chưa phải là giá trị lớn nhất người môn đệ phải từ bỏ.  Giá trị lớn nhất có lẽ là chính cái tôi của mình.  Có thể tất cả mọi sự đều trở thành vô nghĩa trước cái tôi.  Bởi thế, Chúa mới đòi hỏi gắt gao : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14:27)  “Thập giá mình” lộ diện khi búa rìu dư luận xối xả bổ xuống đầu chúng ta.  Một sớm một chiều tất cả thanh danh có thể tan ra mây khói. Làm sao chịu đựng nổi khi phải chịu “xỉ nhục” hay mất hết tiếng tăm vì Ðức Kitô, mà “không hổ thẹn vì Người” ?   Sống giữa xã hội Hồi giáo hay Âu Mỹ đang tục hóa, các  Kitô hữu can đảm chừng nào mới có thể hy sinh theo Ðức Kitô !  Theo thánh Ghêgôriô, cứu cánh đời người là “làm cho mình nên giống Thiên Chúa.”  Muốn thế, cần phải có “một cuộc hành trình lâu dài, một cam kết kiên định.  Nhờ đó, tín hữu chiến đấu không ngừng để thực hành các nhân đức và đạt đến ân sủng lớn lao hơn.  Ðó là một tiến trình “Thiên Chúa liên lỉ mở rộng những khả năng cho linh hồn.”  ÐGH Bênêđictô nói, thánh Ghêgôriô khuyên dạy các môn đệ noi gương Ðức Kitô “hình ảnh tuyệt hảo của Chúa Cha, là mẫu điển hình và là thày chúng ta.”[1]  Khi tâm hồn có những khả năng  vô giới hạn, thì cái tôi của mình không có lý do gì ngừng lại để tự mãn với chính mình. 

Trong cuộc đời thường, ai không cần của cải để sống ?  Nhưng ở đây, Chúa đòi hỏi người môn đệ phải dứt khoát quyết liệt hơn, vì về một phương diện nào đó, của cải cản trở con đường loan báo Tin Mừng.  Làm sao dồn tất cả chí thú vào của cải con người còn có thể gắn bó với Ðức Kitô ?   Làm sao đã coi tất cả của cải là phương tiện duy nhất bảo đảm cuộc sống, con người lại có thể hoàn toàn phó thác cho Chúa Kitô để trở thành môn đệ đích thực của Người ?   Nếu Ðức Kitô là tất cả, người ta không thể sở hữu hay chiếm hữu tất cả mà vẫn hướng về Người.  Thực tế, có rất nhiều người đã hy sinh gia đình và bản thân, nhưng lại không thể bỏ của cải.  Trái lại, họ còn sẵn sàng dùng mọi mưu kế lừa gạt và trù dập anh em để bước lên đài danh vọng.  Chưa dứt khoát với của cải, làm sao có thể theo Chúa Kitô đi giải thoát nhân loại ?

Muốn theo Ðức Kitô, cần phải biết Chúa dẫn mình tới đâu và phải có những điều kiện nào. Không từ bỏ tất cả, cuối cùng con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt hay luẩn quẩn mãi với cái tôi của mình.  Cuối cùng, nhìn lại chẳng thấy Chúa đâu, chỉ thấy mình mà thôi !  Bởi thế, phải tính toán thật kỹ, y như xây nhà và đánh trận vậy !  Xây nhà hay đánh trận, cả hai đều cần thiết cho cuộc sống.  Cả hai đều cần có những tính toán rất cẩn thận.  Nếu không, sẽ ảnh hưởng tới mọi người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa còn lớn lao hơn.  Một tay phải xây dựng.  Một tay phải lo chiến đấu.  Bởi thế, người môn đệ càng cần đến sự khôn ngoan Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan đó chính là Thánh Linh do Ðức Kitô trao ban.  Chỉ Thánh Linh mới có thể ban cho chúng ta sự khôn ngoan sáng suốt và sức mạnh chu toàn sứ vụ.  Thực thế, Thiên Chúa quan phòng để “con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ." (Kn 9:18)  Nếu không, con người sẽ lạc hướng và đánh mất cứu cánh cuộc đời.

TỰ DO THEO CHÚA

Nhờ Thánh Linh, sau khi từ bỏ mọi sự, người môn đệ mới có thể tự do bay trên đường theo Chúa.  Có tự do, con người mới có thể hy sinh đáp lại ơn gọi của Chúa một cách tự nguyện và vui tươi.  Tự do là một hồng ân cao quý nhất của con người.  Chính Tin Mừng đem lại tự do và ý nghĩa cho cuộc sống. Chính vì muốn bảo vệ tuyệt đối giá trị cao cả đó, Ðức Giêsu đã có những lời đinh tai nhức óc cho các môn đệ :   “Nếu không ghét cha mẹ, vợ con, của cải và cả mạng sống, bạn không thể làm môn đệ tôi.” (Lc 14:26)  Lý do, vì những thực tại này dễ dàng cầm chân môn đệ.

Giữa hoàn cảnh không ai thèm đếm xỉa hay vi phạm trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị, người môn đệ phải phấn đấu tới mức nào mới đủ khả năng giải thoát đồng loại ?  “Những hoàn cảnh mù quáng và bất công đó làm tổn thương đời sống đạo đức và làm cho những người khỏe mạnh cũng như đau yếu sa chước cám dỗ mà phạm tội nghịch đức bác ái.  Khi sống xa luật đạo đức, con người xâm phạm tự do của mình, tự nhốt chính mình, phá vỡ tình đồng loại và chống lại chân lý Thiên Chúa.”[2]   Tất cả đều do bất công.

Không gì phi nhân và trái đạo đức bằng những hành vi bất công xã hội.  Bởi đó, “đẩy xa bất công là cổ vũ tự do và phẩm giá con người : tuy nhiên, “việc phải làm trước tiên là kêu gọi cá nhân vận dụng khả năng tinh thần và đạo đức cũng như cần liên tục sám hối nội tâm, nếu người ta muốn thực hiện những thay đổi về kinh tế và xã hội để thực sự phục vụ con người.”[3]  Nói khác, tất cả mọi cải tổ đều bắt đầu từ nội tâm.  Không xây trên nền tảng đạo đức, mọi tiến bộ đều trở thành vô nghĩa và vô ích.

Cái gì bảo đảm những tiến bộ hôm nay đem lại lợi ích sâu xa, thực tiễn và lâu dài cho nhân loại ?  Không theo hướng đạo đức, các tiến bộ khoa học chỉ nô lệ hóa và trở thành mối nguy cho nhân loại.  Không phải nhân loại thiếu kỹ thuật hay nhân sự, nhưng thiếu chính linh hồn cho nền văn hóa và văn minh nhân loại hôm nay.  Không đạo đức, tiến bộ đi đến chỗ phi nhân, cuồng loạn.  Xã hội gồm toàn những con người cô đơn, bệnh hoạn.  Bởi thế, “trong thời đại toàn cầu hóa, muốn ổn thỏa thống nhất toàn bộ, con người phải bảo vệ nhân quyền.  ‘Về phương diện này, không những hình ảnh chưa được hoàn chỉnh về một công quyền quốc tế hiệu lực để phục vụ con người, nhưng thực tế còn nhiều do dự trong cộng đồng quốc tế về bổn phận phải tôn trọng và thực thi đầy đủ nhân quyền.  Chúng ta đang chứng kiến một khoảng cách đáng lo ngại giữa một loạt những ‘quyền' mới được cổ vũ trong các xã hội tân tiến – hệ quả sự phồn thịnh và kỹ thuật mới – và các quyền làm người cơ bản còn chưa đạt được trong hoàn cảnh kém phát triển.’”[4]   Nhân loại đang nỗ lực xây dựng một tòa nhà chọc trời, nhưng không lo chuẩn bị một ông chủ  xứng đáng cho ngôi nhà đó.  Kết quả rỗng tuếch .

Vì quá chú tâm làm giàu về mọi phương diện, con người quên mất hướng sống cần thiết cho cuộc đời.  Ngược lại, vì muốn trang bị cho các môn đệ một khả năng giải thoát nhân loại, Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ mọi sự theo Người.  Nếu không, lịch sử nhân loại sẽ đi đến chỗ bế tắc.  Muốn tạo lập ý nghĩa và giá trị đích thực cho cuộc sống, con người phải tìm đến Người.  Thực vậy, “Chúa Giêsu là nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới.  Trong Người, chúng ta thấy sung mãn “hình ảnh Thiên Chúa.” (2 Cr 4:4)  Thiên Chúa đã làm sáng tỏ trên cây thập giá của Ðức Kitô tất cả chứng từ dứt khoát của tình yêu.

QUÊ HƯƠNG CHẮP CÁNH

Ngày nay quá nhiều chợ trời đang họp trên mạng.  Giữa cảnh bát nháo đó, Tin Mừng rao giảng cho ai ?  Có ai còn nhớ Chúa Kitô không ?!  Người ta nhằm đích danh từng người anh em để hạ nhục và bôi nhọ.  Làm như thể chỉ mình mới là người công chính, còn những kẻ khác đều phải ăn năn sám hối, vì không cùng lập trường với mình. 

Nếu là môn đệ đích thực của Chúa Kitô, chúng ta phải đấm ngực mình trước tiên. Kêu gọi người khác sám hối theo chiều hướng mình, chứ chắc gì theo Chúa Kitô, người ta đã vô tình làm hại đến danh dự Giáo Hội và sỉ nhục thánh danh Chúa Giêsu.  Người kêu gọi chúng ta theo Người, chứ không theo bất cứ ai, dù người đó có quyền chức cao sang và thánh thiện tới mấy.

Muốn theo Chúa Kitô, phải hoạt động tranh đấu cho nhân quyền. Thực vậy, “nơi Người lịch sử giữa Thiên Chúa và con người được hoàn thành.  Nói khác, Ðức Giêsu bày tỏ rõ ràng và dứt khoát đường lối Thiên Chúa hành động cho con người, cả nam lẫn nữ,”[5]  có đủ tư cách làm người. Thiên Chúa lo lắng cho từng người.

Trước tình trạng đất nước hôm nay, những người con của Mẹ Việt nam phải làm gì ?  Phong trào đòi dân chủ và nhân quyền cho Việt nam đang lên cao.  Nhưng một số người đang muốn bịt miệng cả những cây viết Hải ngoại.  Có người đầy quyền chức trong hệ thống Giáo hội đã lập luận : “Nhiều người Việt Nam đang sống ở thế giới tự do, tự do ngôn luận, tự do chỉ trích, không sợ ai làm khó dễ mình. Họ lên tiếng hô hào, kích thích người trong nước phải can đảm, phải anh hùng, phải đổ máu để bảo vệ tự do. Tôi cho rằng không ai có quyền đòi người khác phải anh hùng đổ máu, trong khi chính mình đứng ngoài bình an vô sự. Và tôi cũng không chắc những người này dám nói, dám làm nếu họ ở Việt Nam.”[6]

Tác giả những dòng trên tưởng những người đang tranh đấu trong nước là ai ?  Họ là con nít hay sao mà có thể dễ dàng nghe lời xúi giục ?   Tại sao ông dám lên án những người ông không biết chắc họ có dám  tranh đấu nếu họ sống ở quê nhà ?  Nếu mọi cây viết hải ngoại đều xếp lại theo lời ông, cái gì sẽ xảy ra ?  Vô tình hay hữu ý, ông đã tiếp tay với nhà nước bịt miệng những người đang tranh đấu ở Hải ngoại.   Trước cuộc tranh đấu của đồng bào trong nước, chẳng lẽ chúng ta lại để mặc cho họ phấn đấu một mình ?  Nếu không có những cây viết Hải ngoại, làm sao có thể vận động cộng đồng Hải ngoại và quốc tế cho công cuộc vận động dân chủ tự do cho dân tộc ?

Tới nay, tiếng Chúa vẫn vang lên : “Ai muốn theo tôi . . .” 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết từ bỏ mọi sự để  tự do theo Chúa trên mọi nẻo đường.   Amen.

linh mục Đỗ Văn Lực  09.09.2007

---

[1] CWNews.com 05.09.

[2] Giáo Lý Công Giáo, 1740

[3] Hội Ðồng Giáo Lý Ðức tin, Giáo Huấn Libertatis Conscientia, 75: AAS 79, trích lại từ Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội 2005, số 450.

[4] Toát Yếu Học Thuyết Xã hội của Giáo Hội 2005, số 365.

[5] Ibid, số 28.

[6] Lm. Nguyên Văn Phương, http://www.vietcatholic.net/News/Html/46855.htm


 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lẽ Sống: 04 Tháng Chín, Người Ta Sao, Tôi Vậy! (9/4/2010)
Công Bố Sứ Điệp Đức Thánh Cha Về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Tại Madrid (9/3/2010)
Giá Trị Của Cái Cũ Và Cái Mới, 03/09/10 (9/3/2010)
Vâng Theo Lời Chúa, 02/09/10 (9/3/2010)
Lẽ Sống: 03 Tháng Chín, Ði Một Ngày Ðàng, Học Một Sàng Khôn (9/3/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Mc55: Bài Hát: Chúa Ơi! Xin Thương Xót Con (9/2/2010)
Mc54: Trái Tim Này Vạn Khắc Sầu Đau (9/2/2010)
Màu Nhiệm: “ Chúa Thương Khó, Mẹ Sầu Bi” (9/2/2010)
Hãy Yêu Thương Giáo Hội Bị Thương Tích Vì Tội Lỗi Của Các Linh Mục Và Giáo Dân (9/2/2010)
Lẽ Sống: 02 Tháng Chín, Khuôn Mặt Giuđa (9/2/2010)
Tin/Bài khác
Mc53: Chúc Tụng Cha (9/1/2010)
Mc52: Bản Nhạc Đêm Đông Noel (9/1/2010)
Một Ngày Với Đức Giêsu, 1/9/10 (9/1/2010)
Lẽ Sống, 01 Tháng Chín, Bờ Dậu Trước Ngõ (9/1/2010)
Mc51: Cảm Tạ Cha Muôn Đời (8/31/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768