Nguồn: Hội Thông Điệp Đức Mẹ
PHỤ ĐÍNH CỦA HỒI KÝ THỨ NĂM
Trong lá thư kèm theo Hồi Ký thứ năm, Chị Lucia đã đề cập đến chiếc đồng hồ để trong phòng khách nhà cha mẹ Chị, một quyển Gương Chúa Kitô, và hai cây kim đan mà Chị có nhã ý muốn tặng cho Thánh Đường Fatima. Cha Giám Đốc Thánh Đường trong thư cám ơn Chị Lucia vì đã gửi Hồi Ký thứ năm ngày 13 tháng 3, 1989, có nói rằng ngài rất hài lòng “vì Chị Lucia đã dùng cùng một thể văn như trong các hồi ký trước, trên hết kể lại những biến cố cụ thể, đã được lưu giữ trong ký ức và trong tâm hồn Chị.” Ngài cũng hài lòng vì một số chi tiết liên quan đến sân đập lúa, sẽ được phục chế, về chiếc đồng hồ, sẽ được đem đặt vào chỗ trước kia của nó, và về ba kỷ vật đã nói trên đây. Ngài viết: “Chúng tôi rất quan tâm đến những vật dụng ấy, vì tất cả những kỷ vật cá nhân này khơi dậy trong lòng khách hành hương những tình cảm, đôi khi xoáy sâu vào tận đáy lòng mà chỉ có Chúa mới biết được mà thôi.” Thật vậy, những vật dụng này, cũng như cái đồng hồ mà bà Maria Rosa Vieira, cháu Chị Lucia đã tặng, được đem cho Thánh Đường với mục đích ấy. Cha Giám Đốc Thánh Đường sau đó có thông báo rằng ngài sẽ thực hiện chương trình sắp xếp lại mảnh vườn phía sau cũng như ngôi nhà của Chị Lucia, để phong phú hóa chủ đề Mục Vụ Gia Đình. Cũng như ngôi nhà của vú đỡ đầu của Chị đã biến thành một viện bảo tàng và sẽ được nối vào với nhà Chị Lucia, cũng cùng một kiểu, mà không mất đi ý nghĩa, mục đích của một viện bảo tàng. Chị Lucia khi gửi tặng quyển sách và cặp kim đan đã viết như sau:
J + M
Kính gửi Cha Giám Đốc Thánh Đường Đức Mẹ Fatima
Pax Christi
Hai cây que đan kèm theo đây là những thứ mà mẹ và hai chị lớn của con là Maria và Têrêsa đã dùng để dạy con đan khi con còn nhỏ. Đầy tớ của Chúa là Jacinta cũng học đan với chiếc que bằng kim khí. Ngồi cạnh con, em nhìn con móc chỉ đan đăng-ten và em đã xin con dạy cho em cũng làm như vậy. Trong khi con đan áo len với chiếc que đan bằng xương, thì con cho em mượn chiếc que đan bằng kim khí và dạy cho em cách móc đăng-ten nhỏ để tô điểm quần áo lót, và em đã làm được khá tốt. Con vẫn đem theo hai que đan này bên mình để tưởng nhớ mẹ và tuổi ấu thơ của con, cùng sách Gương Chúa Kitô mà mẹ con đã gửi cho con khi còn đi học tại Porto. Với lòng yêu mến và sùng kính – và với phép của Mẹ Bề Trên – nay con từ bỏ ba vật hèn mọn này để kính dâng Đức Mẹ trong Thánh Đường Fatima của Mẹ, và để đặt vào ngôi nhà trước kia của cha mẹ con mà nay là nhà của Mẹ, để tôn vinh Thiên Chúa và đem niềm vui đến cho các anh chị em hành hương. Mong rằng qúy anh chị luôn luôn tán tụng và tôn vinh Chúa và Đức Mẹ.
Coimbra, 15 tháng 3, 1989 Nữ tu Lucia
Để trả lời cho câu hỏi của vị Giám Đốc Thánh Đường về tài sản của Chị, cùng với thời gian khủng hoảng mà cha của Chị đã trải qua vào một thời điểm nhất định, “tuy hiểu rằng Chị sẽ làm công việc này trong bối cảnh của một người con hiếu thảo đối với cha mình, một điều rất đúng và tự nhiên thôi” thì Chị đã viết như sau:
J + M Kính gửi Cha Giám Đốc Thánh Đường Đức Mẹ Fatima
Pax Christi
Xin Cha thứ lỗi vì mãi đến nay con mới trả lời thư của Cha viết ngày 16 tháng 3, 1989. Thì giờ không cho phép con làm khác đi được. Khi nhắc đến điều mà con viết về cha con trong thời gian cuối đời của ông, Cha có nói: “Vì chị đã đề cập đến cuộc khủng hoảng mà cha của chị đã trải qua, thiết tưởng chị cũng nên viết qua về cuộc khủng hoảng ấy trong tập Hồi Ký này.” Con thường cố gắng – càng nhiều càng tốt - không nhắc lại những gì mà con đã nói ở nơi khác hầu khỏi mất thì giờ và cũng để tránh những điều không cần thiết đối với con. Vì thế, nội dung của bản thảo chót đối với con có vẻ tạm đủ để cắt nghĩa và hoàn thiện câu nói trong Hồi Ký, bởi vì kết quả đã có vẻ rất thiếu sót. Mặc dù nhược điểm của con người thuộc lãnh vực hoàn toàn bí hiểm, nhưng cha con không bao giờ có những hành động cực đoan đến nỗi mất quân bình, hoặc thiếu sót trong bổn phận của một Kitô hữu và một tín đồ Công Giáo hành đạo. Lúc nào ông cũng giữ tư cách đứng đắn của một người chủ và người cha trong gia đình, trung thành với lời hứa hôn nhân, xử sự như một người bạn đối với vợ con ông, và duy trì một không khí bình an thanh thản trong nhà. Sau hết, con nhớ lại vua thánh Đa-vít, mặc dù rất nhiều tội lỗi, nhưng vì đã sám hối, đền tội và thay đổi nếp sống, nên đã được Thiên Chúa chọn cho trong hàng hậu duệ của ngài có thánh Giuse, Đức Bà, và Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Vì vậy, con tin rằng điều đáng kể trước mắt Thiên Chúa không phải là tội lỗi mà là một lòng khiêm nhường sám hối kêu xin tha tội cùng với ý thành khẩn không bao giờ dám xúc phạm đến Chúa nữa. Liên hệ đến điều này, con nhớ lại lời thánh I-rê-nê: “Chính trong sự yếu đuối của con người mà Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng của Ngài.” Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới vĩ đại và quyền năng, và trên hết trong tình yêu lân tuất của Ngài! Xin dâng lên Ngài tất cả lòng biết ơn, tôn vinh và tình yêu của chúng ta. Nhờ lá thư của Cha, con có đọc lại bản thảo về cha con, và nhận thấy rằng ở trang 20, đoạn 6, con phải viết thêm một lời chú thích ở cuối câu cho rõ nghĩa như sau: “Đó là mẹ con, vì cha con đã có thể len qua đám đông để nắm tay giắt con đi đến tận cây sồi nhỏ.” Xin Thiên Chúa giúp chúng con với sự che chở từ mẫu của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Coimbra, 16 tháng 4, 1989. Nữ tu Lucia
Lời giải thích trên đây kèm với lá thư Chị Lucia viết đề ngày 10 tháng 12, 1951, mà đã được đăng trong tờ ‘Voz de Fatima” , thiết tưởng cũng đủ để in thêm đoạn bổ túc này vào tập Hồi Ký thứ 5. Vì lý do đó nên chúng tôi cũng cho in lại lá thư nói trên.
J + M
Tu Viện thánh Têrêsa, Coimbra, 10 tháng 12, 1951 Kính gửi Đức Giám Mục (D. José Alves Correia da Silva)
Con đội ơn Đức Cha đã viết cho con hai lá thư mà khi cái thứ nhất chưa đến tay con thì một lá thư của con cũng đang trên đường để đến tay Đức Cha. Con cũng đã nhận được những hình ảnh của Jacinta và tấm khăn kỷ niệm để đặt vào thánh tích. Khi chuẩn bị xong xuôi rồi, con sẽ gửi lên theo ý Đức Cha, và nếu cần thêm, xin Đức Cha cứ gửi ảnh cho chúng con để chúng con đặt thánh tích lên ảnh và sẽ gửi trở về cho Đức Cha. Chúng con thường đóng dấu của Hội Dòng chúng con phía sau cùng với biểu hiệu của Hội Dòng. Con không biết Đức Cha có một biểu hiệu cho Giáo Phận hay cho Thánh Đường hay không. Nếu Đức Cha có, và muốn chúng con dùng biểu hiệu này, thì Đức Cha có thể vui lòng gửi cho chúng con được không? Và bây giờ con xin phép Đức Cha được nói rõ vài điều mà con nghĩ rất cần thiết để tôn vinh danh Chúa. Một số người có cho con hay về một cuốn phim, hiện đang được phổ biến, con nghĩ là tại Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha và Mỹ, và theo đó thì hình ảnh mà họ vẽ ra về cha con rất sai lầm, và ngoài sự sai lầm, còn có vấn đề bất lợi cho linh hồn người ta và cho vinh quang Chúa. Theo lời họ nói lại với con thì cha con được mô tả như là một người ghiền rượu thảm hại, bán dần bán mòn cái rẫy Cova da Ira, tham lam ôm túi tiền bỏ đi, v.v., v.v… Dĩ nhiên không có một điều nào thật cả. Đức Cha và qúy vị linh mục do Đức Cha bổ nhiệm quản lý Thánh Đường đều biết rất rõ rằng cha con hoàn toàn không bán bất cứ mảnh đất nào của Cova da Ira, và chính ông, vợ ông, và các con ông không hề một ai cất giữ bất cứ một mảy may nào trong số tiền mà người dân vì lòng tin của họ đã để lại gần cây sồi. Mặc dù trong thời gian Đức Mẹ hiện ra, miếng rẫy đã hoàn toàn không sản xuất được bất cứ hoa màu nào trước kia vẫn được trồng tỉa tại đó. Đây là một mất mát lớn lao cho gia đình chúng con. Đối với một người giàu có thì đó không phải là một thiệt hại lớn, nhưng đối với một gia đình nghèo thì đó quả là một mất mát lớn lao. Còn về vấn đề rượu chè, một lần nữa tạ ơn Chúa, không có gì giống như họ nói, hoặỉc cả như Cha De Marchi viết trong ấn bản thứ nhất quyển sách của ngài nhan đề “Một Bà sáng hơn mặt trời” . Nếu cha con đôi khi uống nhiều hơn những người không hề biết uống rượu, thì không bao giờ ông quá chén đến độ gây rối loạn trong nhà, hoặc hành hạ vợ con ông. Ông là một con người lương thiện và thành thật, và mặc dù qua đời chỉ trong vòng 24 giờ khi bị sưng phổi cấp tính, ông không hề để lại cho vợ con ông gánh nặng nợ nần nào hoặc một công cuộc làm ăn khó khăn. Nếu quả thật vài năm ông không làm bổn phận Phục sinh tại giáo xứ vì bất đồng ý kiến với Cha sở, ông không hề ngưng làm việc bổn phận mỗi năm tại giáo xứ Đức Bà Ortiga, và trong lễ kính Đức Mẹ, và ông đến đó để xưng tội, rước lễ hầu được lãnh ơn đại xá. Ông còn nói ông làm như vậy vì tại đó ông có thể chọn một Cha giải tội khác thay vì Cha Sở, và ông cũng không phải vào nhà Mặc Áo để đọc lại giáo lý của ông. Ngay cả trong năm cuối đời của ông, ông cũng đến đó và đem con theo, và sau khi rước lễ, ông về dùng bữa tại nhà chị Têrêsa của con lúc đó đã lập gia đình tại một địa điểm gần đó tên là Lomba. Ông cũng tham dự thánh lễ mỗi Chủ Nhật. Thường thì ông bồng con theo, và khi gần tới nhà thờ, ông leo mấy nấc thang lên khu ca đoàn nơi dành cho phái nam, và đẩy con lại phía giữa nhà thờ nơi mẹ con ngồi chung với các phụ nữ khác. Chỉ sau khi dự lễ, ông không về nhà ngay mà nấn ná ở lại với mấy người bạn, và mỗi tối, khi xong công việc đồng áng thì ông đến nhà bố Anastacio của con để cho ông này biết tình hình ruộng vườn của họ (cha con trông nom luôn cả vườn nhà và vườn của bố). Những lúc như vậy thì ông ở lại quán rượu lâu hơn để chuyện trò và về nhà trễ. Mẹ con tỏ vẻ khó chịu mặc dù bà vẫn thường thấy ông về nhà vào lúc cơm chiều và tham gia việc nhà buổi tối vui vẻ trong không khí ấm cúng gia đình. Với tinh thần ngay thẳng của mẹ con thì bà coi đó là một khuyết điểm lớn. Con đã có đề cập đến chuyện này rồi trong một bài mà Đức Cha yêu cầu con viết, nhưng có lẽ con đã không biết cách diễn tả tốt hơn. Thời gian khó khăn mà gia đình chúng con trải qua lúc đó, hoặc ít nhất là tình trạng kém sung túc hơn trước kia do nhiều vấn đề và hoàn cảnh khác nhau tạo ra – trong đó sự kiện Đức Mẹ hiện ra là một trong những nguyên nhân chính. Cái rẫy Cova da Ira, như con nói, đóng một vai trò lớn trong mức sống của gia đình chúng con. Ngoài ra, có một sự lầm lẫn của Cha Walsh trong sách của ngài: chính mẹ con chứ không phải cha đã con quyết định bán đàn cừu bởi vì quá nhiều người đến tìm con, và họ không được hài lòng nếu họ không được thỏa mãn. Chính vì lý do đó, chứ không phải vì lý do nào khác, mà mẹ con bán đàn cừu – vì nếu không thì một trong các chị con sẽ phải mất một ngày làm việc để ra đồng thay thế cho con – và không có sản phẩm của đàn cừu cũng là một thiệỉt hại lớn cho gia đình chúng con. Rồi hai chị lớn của con cũng lập gia đình trong thời gian đó. Một người là thợ dệt, một người là thợ may, vì vậy cả hai đều đã đóng góp nhiều cho gia đình nhờ thu nhập của hai chị. Cộng vào đó là thái độ ngờ vực của mẹ con đối với việc Đức Mẹ hiện ra, duyên cớ chính hơn bất cứ thứ gì khiến gây khó khăn và làm cho bà than vãn. Xin Đức Cha tha thứ cho lời cắt nghĩa này, nhưng con nghĩ cần phải nói lên vì công bằng bác ái, và vì lòng ngưỡng mộ và kính trọng của con đối với cha con. Con hết lòng đội ơn, khiêm tốn và kính trọng hôn nhẫn của Đức Cha và xin Đức Cha ban phép lành cho con. Xin dâng lên Đức Cha lòng tôn kính cao độ và hiếu thảo của con.
Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm, I.C.D.
(Hồ sơ tòa Giám Mục Leira, Documentos de Fatima, B2-166, xuất bản một phần trong “Voz de Fatima”, năm 29, số 352, ngày 13-2-1952, tr. 29, số 353, ngày 13-2-1952, tr. 2, cột 3-4) CHÚ THÍCH CỦA HỒI KÝ THỨ NĂM (1) Têrêsa de Jesus hoặc Têrêsa dos Santos, là bà cô bên nội của Chị Lucia. Bà là chị của ông Joachim dos Santos, cha của ông Antonio dos Santos. (2) Ông Manuel Maria Ferreira (mất ngày 18-12-1884, thọ 94 tuổi, độc thân) và bà Maria Isabel Ferreira (mất 24-4-1890, thọ 80 tuổi, độc thân) là con của ông João Ferreira, một sáng lập viên của bệnh viện hoàng gia Lisbon, và bà Maria Isabel Aljustrel. Họ có một số anh chị em, trong đó có ông José Ferreira là một trong những ông cố bên ngoại của Chị Lucia. (3) Inacia, một người tớ gái trong nhà bà Têrêsa de Jesus và chồng bà là ông Anastacio Vieira, cũng có tên trong danh sách những em được xưng tội tại Giáo Xứ Fatima trong thời gian từ 1907 đến 1919. (4) Có lẽ đây là Manuel Vieira, một người tôi tớ trong nhà, có tên trong danh sách những người được xưng tội trong khoảng thời gian từ 1915 đến 1919. (5) Họ cưới nhau ngày 29 – 11 – 1882. (6) Con trai của ông Joachim Ferreira và bà Rosa Incarna-tion. Lễ cưới cử hành trong nhà thờ giáo xứ Fatima, ngày 6 tháng 2, 1888. (7) Ngày 10 tháng 9, 1895, tại Aljustrel. Ông sanh ngày 19 tháng 10, 1850, tại một nơi gọi là Perulheira, lúc đó còn thuộc về giáo xứ Reguengo, và nay thuộc giáo xứ S. (thánh) Mamede. (8) Xin xem chú thích 2. (9) Chị Têrêsa (của Chị Lucia) sanh năm 1893 và anh Manuel (của Lucia) năm 1895, hai người anh họ của Lucia là Antonio và Manuel sanh năm 1889 và 1895; vì vậy chỉ có mẹ của Lucia, sanh năm 1869 là có thể học với bà Maria Isabel thôi. Bà này mất năm 1890. (10) “Casarona” là một gian nhà nhỏ chứa đồ dùng linh tinh được xây dính liền với nhà ở. Tại nhà của Chị Lucia, kho chứa đồ này xây gần nhà bếp. (11) Mẹ của bà Maria Isabel Ferreira cũng tên là Maria Isabel là bà cố 5 đời của Chị Lucia chứ không phải bà cố 4 đời. (12) Theo lời kể lại của người anh họ của Chị Lucia, thì tục truyền rằng bà Maria Isabel rất đẹp. “Khi tướng Junot đóng quân tại Fatima, ông đặt bộ chỉ huy trong nhà của một người thuộc dòng họ Santos. Tầng trệt và tầng lầu của nhà này đối diện với nhà của Jacinta và Francisco, và nằm sát đường phố. Tướng Junot mời tổ nội Maria Isabel của chúng tôi đến dùng bữa. Trước khi đến, bà lấy lọ nồi bôi đen mặt mình. Junot tôn trọng bà và buộc binh lính dưới quyền ông cũng phải tôn trọng bà. Khi Junot rút quân, ông ra lệnh cho binh sĩ bắt bà Isabel để ông đưa về Pháp. Binh lính lùng tìm bà nhưng vô ích. Thấy nguy, mẹ bà đã dấu bà trong một cái rương cũ để trong kho chứa đồ và đặt trên đó một chồng bao bố cũ. Người ta nói rằng Junot coi bà như con gái của chính ông.” Chúng ta không biết ngày sanh của bà Maria Isabel Ferreira, vì sổ Rửa Tội và Hôn Phối của Fatima trước năm 1810 đã thất lạc trong thời gian quân Pháp xâm lăng Bồ lần thứ ba (1810-1811) Sách cũ nhất có thể đã được xếp vào thư mục của loại sách hoàn tất lưu trữ trong tòa Giám Mục Leiria mà đã bị đốt cháy. Những sách mới hơn ghi chép đến năm 1810 sử dụng tại giáo xứ đã bị thất lạc, chỉ còn lại sổ khai tử bắt đầu từ năm 1903 mà thôi. Nếu trong thời gian 80 năm có ghi đúng ngày khai tử của bà Maria Isabel là ngày 24 tháng 4, 1890, thì khi tướng Junot xâm lăng Bồ đào nha (1802) bà chưa sanh ra. Trong số những anh chị em khác, thì chúng ta có ngày sanh của Manuel, khoảng năm 1789, mất năm 1884 thọ 95 tuổi, và Maria sanh khoảng 1802, mất năm 1805 khi mới 3 tuổi. Tuy nhiên dù có một vài sai lầm, vì không rõ về tuổi tác của Maria Isabel, thì câu chuyện chưa hẳn là đã xảy ra – hoặc nếu là có thật – thì cũng không xảy ra theo như lời kể lại. Một vài giai thoại khác trong cuộc xâm lăng lần thứ ba có thể xảy ra với một nhân vật nào đó của Massena đã gây ra chết chóc giữa thời gian từ 3 tháng 10, 1810 đến 10 tháng 3, 1811, trong đó có việc chiếm đóng Giáo Phận Leiria. Chỉ tại giáo xứ Fatima không thôi, trong số 1147 dân cư và 291 gia đình đăng ký đầu năm 1810 thì đến cuối tháng 6, 1811 chỉ còn lại có 734 người và 209 gia đình. Vậy là 389 người chết bệnh và 29 người bị Pháp giết. (xem phụ đính của “Những cái chết do cuộc xâm lăng của Pháp tại giáo phận Leiria” trong sách nhan đề là Couserio ou Memorias do Bispo de Leiria, Braga, 1868, tr. 362; Leiria, 1898, tr. 414; Leiria, 1981, tr. 304-306). (13) Con đỡ đầu của mẹ Chị Lucia, là con gái của ông José Pedro Marto (anh của bố hai người linh kiến Francisco và Jacinta) và bà Maria Antonia. Maria Rosa ở trong ngôi nhà đối diện với nhà của cha mẹ Chị Lucia. (14) Maria Rosa, mẹ của Chị Lucia, trong cuộc điều tra chính thức năm 1923 nói: “Con có 7 người con, một người chết khi mới sanh”. (Hồ sơ tòa Giám Mục Leiria, Documentos de Fatima, 1-6, tờ 10). Lucia cũng như chị Carolina de Jesus nói rằng em bé chết sau khi sanh là một bé gái. Manuel dos Santos, anh của Chị Lucia thì nói với Cha Joachim Maria Alonso năm 1963 rằng em bé chết là một bé trai. Cha mẹ của anh ngồi xe bò đến một nông trại tên là Estrumeira da Conceição, và khi đổi về hướng Casa Velha thì xe bị lật. Maria Rosa lúc đó đang có thai, liền trở về nhà ngay và hạ sanh đứa bé đã chết. (ghi chú không hiệu đính của Cha Alonso, trong hồ sơ Thánh Đường Fatima). Có lẽ bé đã được rửa tội có điều kiện hoặc đã được rửa tội tại nhà. Nhưng việc này không được ghi trong sổ rửa tội. Sự kiện này xảy ra trong thời gian từ 1903 đến 1906. (15) Carolina de Jesus cho chúng tôi hay rằng chính José Pedro Marto đã chọn tên thánh cho em bé khi rửa tội, vì ông ta là chồng của Maria Antonia, là vú đỡ đầu. Cha đỡ đầu của em bé là Anastacio Veiria, cũng là cha đỡ đầu của Lucia. (16) Hồ sơ hộ tịch của Ourem, Registos Paroquias de Fatima, Baptismos, 1907, số 31, tờ 5-5v. (17) Maria dos Prazeres, vợ của Manuel Gonçalves da Silva. (18) Carolina de Jesus cho chúng tôi hay, hồi đó, chị không ở Leiria nhưng đi ở đợ cho một gia đình tại một nơi ở Ramila. Khi em của chị là Têrêsa lúc đó đã lập gia đình gần Lomba và lâm bệnh, thì Carolina được gọi về chăm nom cho cháu Maria Julia, sanh ngày 26 – 2, 1918. Khi hai bà trông nom bé gái ở Ramila mắc bệnh thì Carolina đem cháu về Aljustrel. Tại đây mọi người cũng đều mắc bệnh cả. Mãi lâu sau này Carolina mới về ở Leiria. Chị làm công cho gia đình Julio Pinto tại Terreiro. Họ có một cửa hàng buôn bán tại Rua Direita. Ngày 16 – 6 – 1921, Lucia cùng mẹ đi thăm chị, khoảng thời gian Chị sắp đi học tại trường học Vilar ở Porto. (19) Mất ngày 4 tháng 4, 1919. (20) Mất ngày 20 tháng 2, 1920. (21) Mất ngày 7 tháng 5, 1920. (22) Mất ngày 3 tháng 7, 1921. (23) Cha Faustino José Jacinto Ferreira (1835-1924), cha sở giáo xứ Olival, quận Ourem, từ năm 1886, và Giám quản giáo phận Ourem từ 1892. (24) Anastacio Perreira, mất 13 thg 11, 1934, thọ 81 tuổi. Ông có một người em trai khác tên là Francisco, mất 22 – 4 – 1919, thọ 60 tuổi. Cả hai đều không lập gia đình. (25) Josefa de Jesus, vợ góa của ông Agostinho de S. José mất 13 – 10 – 1912. Carolina de Jesus kể lại một câu chuyện thời thơ ấu, xảy ra đúng dịp ông Agostinho mất. Khi bà Maria Rosa dạy giáo lý cho con bà và trẻ con lối xóm tại nhà bà, sau khi giảng về Ba Ngôi Thiên Chúa, đã hỏi bọn nhỏ “Ai chết?” thì Lucia liến thoắng trả lời “Ti Agostinho!” Câu trả lời mà bọn trẻ phải đáp là “Đức Chúa Con vì Ngài mặc lấy xác phàm như chúng ta, do đó Ngài có thể chịu đau khổ và chịu chết.” Nếu không trả lời được cho cha Sở như vậy thì sẽ bị rớt. (26) Maria dos Anjos, lập gia đình ngày 23 tháng 8, 1916 với Antonio dos Santos (Valinho), và dọn sang ở ngôi nhà đối diện với nhà cha mẹ của Chị. Têrêsa de Jesus lập gia đình ngày 14 – 2 – 1917 với José Perreira và đến cư ngụ tại Lomba. P H Ụ Đ Í N H I
Lời Giới Thiệu
Bài sau đây do Chị Lucia viết theo lời yêu cầu của Cha P. Aparicio, dòng Tên, linh hướng của Chị. Chị dùng chữ “chị”, “chị ấy” (nhân xưng đại danh từ ngôi thứ ba ) để nói về mình. Chị viết bản báo cáo (thứ nhất) này không lâu sau khi Đức Mẹ hiện ra với Chị trong phòng riêng ngày 10 tháng 12, 1925, nhưng sau đó Chị hủy bỏ đi. Vì vậy, bài hiện nay là bản báo cáo thứ hai. Nó cũng y hệt như báo cáo thứ nhất, ngoài trừ sự kiện Chị viết thêm một đoạn giới thiệu, đề ngày 17 tháng 12, 1927, trong đó cắt nghĩa rằng Ơn Trên đã cho phép Chị tiết lộ một phần của bí mật như thế nào. Chúng tôi đề tựa bài này là “Tài Liệu Về Lời Hứa Vĩ Đại Của Đức Maria”. Thật sự đây là biểu hiện Ý Chúa nhân từ ban không cho chúng ta một đường lối cứu độ chắc chắn và dễ thực hành, rất phù hợp với truyền thống Công Giáo, và có liên hệ đến việc Đức Maria cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta được cứu độ. Bài này cho ta thấy những điều kiện cần có để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Mẹ về việc kính Năm Ngày Thứ Bẩy Đầu Tháng với mục đích đền tạ cho những xúc phạm đến Trái Tim Đức Mẹ. Và chúng ta cũng đừng bao giờ quên ý chỉ sâu sắc này về việc đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
BÀI NÓI VỀ LỜI HỨA VĨ ĐẠI CỦA TRÁI TIM ĐỨC MẸ TRONG LẦN HIỆN RA TẠI PONTEVEDRA, TÂY-BAN-NHA
J.M.J.
Ngày 17 tháng 12, 1927 chị ấy đến trước Nhà Tạm để xin Chúa Giêsu dạy cho chị phải làm gì để vâng theo chỉ thị của cấp trên: nghĩa là chị có phải nói rằng nguồn gốc của việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ có nằm trong điều Bí Mật mà Đức Mẹ đã trao cho chị hay không. Đức Giêsu cho chị nghe rất rõ những lời sau đây: “Con cứ việc viết những gì họ yêu cầu con viết. Con cũng nên viết luôn tất cả những gì Đức Thánh Trinh Nữ đã mặc khải cho con biết về việc tôn sùng này khi hiện ra với con. Phần còn lại của Bí Mật thì con hãy tiếp tục giữ yên lặng.” Điều đã được cho biết về vấn đề này năm 1917 như sau: Chị xin cho cả ba được đưa về trời, và Rất Thánh Trinh Nữ đã đáp: “Ừ, Mẹ sẽ sớm đem Jacinta và Francisco về. Nhưng con phải ở lại đây thêm môt thời gian nữa. Đức Giêsu muốn dùng con để làm cho người ta biết đến và kính mến Mẹ. Ngài muốn thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trên thế giới. Mẹ hứa ơn cứu độ cho những ai chấp nhận việc này. Những linh hồn này sẽ được Chúa yêu thương, giống như những bông hoa mà Mẹ trưng bày để trang hoàng Ngai Thiên Chúa vậy.” Chị buồn rầu nói: “Vậy con phải ở lại đây một mình sao Mẹ?” “Không đâu, con ạ! Mẹ sẽ không bao giờ bỏ con một mình. Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ là nơi trú ẩn của con và là đường dẫn con đến với Thiên Chúa.” Ngày 10 tháng 12, 1925, Đức Mẹ hiện ra với chị, và bên cạnh Mẹ, đứng trên một đám mây sáng chói là một hài nhi. Rất Thánh Đức Mẹ đặt tay trên vai chị, và đồng thời chị được thấy trong bàn tay kia của Đức Mẹ một Trái Tim quấn trong vòng gai. Cùng lúc ấy Hài Nhi nói: “Con hãy thương xót Trái Tim Mẹ Rất Thánh của con bị quấn trong vòng gai mà những kẻ vô ơn hằng đâm thâu, trong khi đó thì không có lấy một người làm việc đền tạ để nhổ gai ra cho Mẹ.” Rồi Rất Thánh Đức Mẹ nói: “Con ơi, hãy nhìn Trái Tim Mẹ bị quấn trong vòng gai, mà những kẻ vô ơn hằng đâm thâu bằng lộng ngôn và vô ơn. Ít ra con hãy cố gắng an ủi Mẹ. Hãy cho người ta biết lời hứa của Mẹ như sau: những ai giữ 5 ngày thứ Bẩy đầu tháng liên tiếp, xưng tội, rước lễ, đọc 5 chục kinh Mân Côi, ở lại cùng Mẹ 15 phút để suy gẫm về 15 mầu nhiệm Mân Côi với ý chỉ đền tạ, sẽ được Mẹ giúp cho những ơn cần thiết để được cứu rỗi trong giờ lâm chung.” Ngày 15 tháng 2, 1926, Chúa Giêsu Hài Đồng lại hiện ra với chị một lần nữa. Ngài hỏi chị đã phổ biến việc tôn sùng Mẹ Rất Thánh của Ngài chưa?” Chị đáp rằng Cha giải tội của chị rất khó khăn, còn mẹ Bề Trên của chị thì sẵn sàng phổ biến việc này, nhưng Cha giải tội nói một mình mẹ Bề Trên sẽ không làm được gì đâu.” Đức Giêsu đáp: “Đúng, một mình mẹ Bề Trên của con sẽ không làm được gì, nhưng với ơn sủng của Cha thì mẹ Bề Trên của con có thể làm được mọi sự.” Rồi chị trình với Đức Giêsu những trường hợp khó khăn của một vài người không thể xưng tội ngày thứ Bẩy, và chị hỏi nếu họ xưng tội trong vòng 8 ngày có được không. Đức Giêsu trả lời: “Được, và còn có thể lâu hơn nữa, miễn là khi họ rước Mình Thánh Cha thì họ phải ở trong tình trạng ơn sủng và phải có ý chỉ đền tạ cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria.” Rồi chị hỏi thêm: “Lạy Chúa Giêsu, lỡ có người quên không nói ý chỉ này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Họ có thể làm việc này trong kỳ xưng tội kế đó. Phải lợi dụng ngay cơ hội nào thuận tiện nhất để đi xưng tội.”
Ít hôm sau, Chị Lucia viết một bản báo cáo đầy đủ về việc hiện ra này để trình ĐGM Manuel Pereira Lopes, sau này là Tổng Đại Diện Giáo Phận Porto. Ngài từng là Cha giải tội cho Chị Lucia trong thời gian Chị ở Vilar do Oporto. Tài liệu này chưa được phổ biến, và linh mục tiến sĩ Sebastião Martins dos Reis đã kèm vào cuốn sách của ngài nhan đề là: “Một cuộc đời phụng sự Fatima” (xem tr. 336-357)
Ngày 15 (tháng 2) 16 con đang bận việc nên không nghĩ gì về vấn đề này cả. Con ra đổ rác bên kia vườn rau, tại cùng chỗ mà mấy tháng trước con có gặp một em bé. Con có hỏi em rằng em có thuộc kinh Kính Mừng không, thì em nói thuộc. Con liền yêu cầu em đọc cho con nghe. Nhưng vì em không chịu đọc một mình nên con cùng đọc với em ba lần. Cuối cùng con lại bảo em đọc một mình. Nhưng vì em yên lặng có vẻ như không thể đọc kinh Kính Mừng một mình được, nên con hỏi em có biết nhà thờ Santa Maria ở đâu không. Em nói em biết. Con bảo em hãy đến đó mỗi ngày và đọc lời nguyện này: ‘Lạy Mẹ Thiên Quốc, xin ban cho con Đức Giêsu, Con của Mẹ!’ Con dạy em đọc như vậy rồi con bỏ đi. Ngày 15 tháng 2, 1926 , con đi đổ rác như thường lệ thì gặp một em bé trông giống như em bé mà con đã gặp lần trước. Con liền hỏi em: “Em có xin Mẹ Thiên Quốc ban cho em Chúa Giêsu Hài Đồng không?” Em bé nhìn con và nói: “Còn chị đã phổ biến cho thế giới biết điều mà Mẹ Thiên Quốc chúng ta yêu cầu chị chưa?” Nói xong, em liền biến thành một Hài Nhi Sáng Chói. Biết ngay đó là Chúa Giêsu, nên con nói: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết rất rõ điều Cha giải tội của con đã nói trong lá thư mà con đã đọc cho Chúa nghe. Ngài nói thị kiến này cần phải được lập lại, và phải có thêm những dấu chỉ khác để chứng minh rằng điều này đáng tin cậy, và ngài còn nói thêm rằng một mình mẹ Bề Trên không thể làm gì được để phổ biến việc tôn sùng này.” “Đúng, một mình mẹ Bề Trên của con không làm gì được, nhưng với ơn sủng của Cha thì bà có thể làm mọi sự. Chỉ cần Cha Giải Tội của con cho phép và mẹ Bề Trên của con nói điều này ra thì người ta sẽ tin mà không cần phải tiết lộ tung tích của người được biết việc này.” “Nhưng Cha Giải Tội của con nói rằng trên thế giới này không thiếu gì những việc sùng kính như vậy, vì có nhiều linh hồn rước Mình Thánh Chúa trong các ngày thứ Bẩy Đầu Tháng để tôn vinh Đức Mẹ và suy gẫm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi.” “Đúng là có nhiều linh hồn bắt đầu kính ngày thứ Bẩy Đầu Tháng đấy, con ạ, nhưng rất ít người kính hết 5 ngày để được nhận lãnh những ơn đã được hứa ban cho họ. Cha sẽ vui lòng hơn nếu họ giữ Năm Ngày Thứ Bẩy Đầu Tháng với ý chỉ đền tạ Trái Tim Mẹ Thánh Thiên Quốc của con một cách sốt sắng, hơn là kính Mười Lăm ngày một cách thờ ơ lãnh đạm…” P H Ụ Đ Í N H I I
Lời Giới Thiệu
Bài sau đây trong Phụ Đính II này không phải do chính tay Chị Lucia viết nhưng nó có đủ bảo chứng xác thực vì Cha José Bernardo Gonçalves, dòng Tên, linh hướng của Chị, đã sao chép trực tiếp và nguyên văn từ nhật ký của Chị. Linh kiến mô tả trong bài này đã được ban cho Chị Lucia ngày 13 tháng 6, 1929 trong nhà nguyện tu viện nơi Chị ở tại thành Tuy, Tây-ban-nha. Bài viết bắt đầu bằng một bản báo cáo về thị kiến Đức Chúa Trời Ba Ngôi, cùng với Đức Mẹ cầm Trái Tim trong tay như Chị được thấy trong hai lần Mẹ hiện ra hồi tháng 6 và tháng 7, 1917. Lời hứa của Đức Mẹ hồi đó nay đã thực hiện, và Chị nghe Đức Mẹ yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ với một số điều kiện rõ rệt. Việc thánh hiến này đã được thi hành chưa? Đoạn cuối cùng của tài liệu cho ta hay rằng ‘chưa’ và nói đến những hậu quả tàn khốc do việc này đem lại.
TÀI LIỆU NÓI VỀ LỜI YÊU CẦU THÁNH HIẾN NƯỚC NGA
Cha Gonçalves thỉnh thoảng đến nhà nguyện của tu viện chúng tôi để giải tội. Tôi đến xưng tội với ngài, và vì tôi cảm thấy dễ chịu nên tôi tiếp tục xưng tội với ngài trong ba năm ngài ngụ tại đây với chức vụ Phụ Tá cho Cha Giám Tỉnh. Chính lúc đó Đức Mẹ dạy tôi thông báo ý muốn của Mẹ cho Giáo Hội là hãy thánh hiến nước Nga và lời hứa Mẹ sẽ hoán cải nước này. Việc thông báo xảy ra như sau: 13 tháng 6, 1929. Tôi đã xin các vị Bề Trên và Cha giải tội và đã được phép cho Chầu Thánh Thể một giờ mỗi đêm thứ Năm từ 11 giờ đến nửa đêm rạng thứ Sáu. Một đêm nọ, trong khi một mình qùy gần cung thánh chỗ bàn rước lễ giữa nhà nguyện tôi phủ phục xuống đất và đọc các kinh Thiên Thần đã dạy. Cảm thấy mệt nên tôi đứng dậy và tiếp tục đọc kinh, hai tay dang ngang như hình thánh giá. Ánh sáng duy nhất trong nhà thờ là ngọn đèn chầu. Bỗng chốc cả nhà nguyện sáng trưng trong một ánh sáng siêu nhiên, và một thánh giá ánh sáng hiện trên bàn thờ cao tới trần nhà. Trong một ánh sáng mạnh hơn phía trên thánh giá tôi thấy khuôn mặt một người nam với nửa thân hình đến ngang lưng. Trên ngực vị này có hình một chim bồ câu. Thân hình một người nam khác bị đóng đanh trên thập giá. Dưới thắt lưng một chút, tôi nhìn thấy một Chén Thánh và một Mình Thánh lớn treo trên không trung. Những giọt máu từ Mặt Đức Giêsu bị đóng đanh và từ Vết Thương cạnh sườn Ngài rơi vào Chén Thánh. Phía dưới tay mặt của thánh giá có Đức Mẹ cầm Trái Tim trong tay Mẹ. (Đó là Đức Bà Fatima, cầm Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ trong tay trái, không có gươm hay hoa, nhưng là một vòng gai và lửa). Phía dưới tay trái của thánh giá có những mẫu tự lớn như nước trong suốt kết thành hàng chữ sau đây: “Ân Sủng và Thương Xót”. Tôi hiểu rằng tôi đã được chứng kiến Mầu Nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh và đã được mạc khải ý nghĩa của mầu nhiệm này nhưng không được phép tiết lộ. Rồi Đức Mẹ nói với tôi: “Đã đến lúc Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha, hiệp ý với tất cả Giám Mục trên thế giới thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, và Mẹ hứa sẽ cứu vớt nước Nga bằng cách này. Có rất nhiều linh hồn bị Công Lý Chúa lên án vì tội lỗi của họ chống lại Mẹ và Mẹ đến để yêu cầu đền tạ: con hãy tự hiến làm của lễ hy sinh theo ý chỉ này và hãy cầu nguyện”. Tôi đã báo cáo việc này cho Cha Giải Tội và ngài chỉ thị cho tôi hãy viết ra những điều Đức Mẹ muốn làm. Sau đó, trong một thông báo thân tình, Chúa than phiền với tôi rằng: “Họ không chịu chú ý đến lời yêu cầu của Cha. Cũng như Vua nước Pháp *, họ sẽ hối hận và sẽ thi hành nhưng sẽ quá muộn. Khi đó nước Nga đã gieo rắc sai lầm khắp thế giới gây ra chiến tranh và bách hại Giáo Hội; Đức Thánh Cha sẽ gánh chịu nhiều đau khổ.” ___________ * Năm 1689, trước khi mất, thánh nữ Margaret Mary đã cố gắng tiếp xúc với Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil) tức vua Louis (Lu-y) XIV của nước Pháp bằng nhiều cách để trao cho nhà vua một thông điệp của Thánh Tâm Chúa Giêsu, yêu cầu thực hiện 4 điều: 1) thêu hình Thánh Tâm Chúa trên cờ hoàng gia; 2) xây một đền thờ tôn kính Chúa Giêsu để triều đình nhà vua đến tôn vinh Ngài; 3) nhà vua phải tận hiến cho Thánh Tâm Chúa; 4) và ông phải hứa dùng uy quyền của ông để xin Tòa Thánh thiết lập thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Tuy nhiên không ai làm gì cả. Hình như thông điệp này không hề được trao tới tay nhà vua. Chỉ một thế kỷ sau hoàng gia mới đáp ứng lời yêu cầu của thông điệp theo khả năng có thể có của họ. Năm 1792, vua Louis XVI có ý định thực hiện lời hứa với Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng ông chỉ có thể thực hiện được ý định này trong Đền Thờ của Nhà Giam. Ông hứa sẽ hoàn tất lời yêu cầu do thánh nữ Margaret Mary thông báo sau khi ông được thả. Nhưng ý Chúa Quan Phòng, lúc đó đã quá trễ: vua Louis XVI bị chém đầu ngày 21 tháng 7, 1793.
(Chấm dứt tác phẩm)
|