CÂU CHUYỆN MÙA XUÂN: CHUYỆN “LÀM GIẦU”
Có những người email hỏi tôi sao đã viết “Câu chuyện Mùa Hè”, rồi “Câu chuyện Mùa Thu” mà không thấy Chuyện Mùa Đông và Mùa Xuân?... Vậy hôm nay xin gửi đến quý vị “Câu chuyện Mùa Xuân”, còn Câu Chuyện Mùa Đông xin để tương lai trả lời.
Câu chuyện Mùa Xuân là những “Câu Chuyện Làm Giầu,” vì Mùa Xuân người ta thường chúc nhau “Phúc, Lộc, Thọ” (chúng ta nhớ lại bài thơ trào phúng của cụ Trần Tế Xương: Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau…)
Mở đầu là câu chuyện ngụ ngôn mà chắc qúy vị đã biết; nhưng cũng xin kể lại nơi đây để mở đầu câu chuyện “Làm Giầu.” Câu chuyện ngụ ngôn từ lâu lắm rồi… từ thời mà ‘loài vật còn nói được tiếng loài người!...’ ( nhân cách hóa con vật).
Có hai anh em nhà kia, người anh thì khôn khéo, lanh lẹ, và ham làm giầu. Người em lại thực thà, hiền lành. Khi cha mẹ mất đi, người anh lấy quyền huynh trưởng để chia gia tài và chiếm gần hết tài sản cha mẹ để lại; chỉ dành cho vợ chồng người em ngôi nhà nhỏ, lụp xụp với mấy cây ăn trái. Ngày ngày vợ chồng người em phải vất vả làm vườn, hái trái để kiếm ăn. Đặc biệt có cây khế là có trái ngọt bán được khá tiền để nuôi sống đàn con. Nhưng có con chim đại bàng cứ đến ăn những trái khế chín. Hai vợ chồng không biết làm sao để ngăn cản. Một hôm người chồng than thở với con chim về thân phận của gia đình mình. Con chim thương cảm tình cảnh của vợ chồng anh, nên bảo anh: “Hãy may cái túi ba gang mà đi đựng vàng.” Anh liền may chiếc túi ba gang và theo lời bảo của con chim, anh cưỡi lên mình con đại bàng. Con chim chở anh đi qua biển và đến một vùng có thật nhiều vàng và bảo anh lấy các thỏi vàng đầy chiếc túi ba gang. Sau đó con chim lại đưa anh trở về ngôi nhà cũ. Từ ngày đó gia đình anh sống khá giả hơn. Khi nghe được câu chuyện của người em, ông anh tham lam lại tìm cách đổi thửa đất có cây khế ngọt, rồi cũng than thở với con đại bàng về số phận của mình, và cũng được con chim bảo “Hãy may cái túi ba gang mà đi lấy vàng.” Người anh vui mừng, may túi, nhưng vì lòng tham lam anh đã mang đi chiếc túi rất lớn để có thể lấy cho được thật nhiều vàng. Con đại bàng cũng đưa anh qua biển cả đến chỗ kho vàng. Anh đã lấy thật nhiều thỏi vàng để bỏ vào chiếc túi to tới tám gang; rồi lại leo lên mình con chim để được đưa về nhà. Nhưng, ‘khôn quá hoá dại!’ Lòng tham quá độ của anh đã hại anh! Khi bay qua biển cả, con đại bàng chở anh cùng với số vàng quá nhiều, chịu không nổi, nên đã phải trút anh và số vàng chìm sâu xuống biển cả. Thế là lòng tham lam quá độ đã chôn sâu anh xuống lòng đại dương, sóng nước mênh mông!
Vừa rồi, đọc báo ‘điện tử trên mạng’ trong nước thấy mấy ông lớn ở Việt Nam, có ông làm tới Thứ Trưởng Bộ Thương Mại, giầu có gấp bội so với người dân nghèo trong nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay, tuy nhiên lòng tham vô đáy, các ông đã biển thủ ‘tiền bạc của nhân dân’ lên tới tiền triệu, tính theo đô-la. Nhưng lòng tham đó đã ‘chôn sống’ các ông trong vòng lao lý, của cải bị tịch thu, gia đình tan nát.
Tại Hoa Kỳ, lâu lâu đọc báo, lại thấy mấy ông bà tham lam làm giầu, lập đường giây manh mối để đưa người về Việt Nam làm hôn thú giả, đưa sang xứ Cờ Hoa để lấy cả 40 ngàn đô-la, một số tiền lớn, dại gì không làm, nhưng ‘thiên bất dung gian,’ cuối cùng lòng tham cũng chôn sống các ông bà đó vào chốn tù tội và tài sản bị tịch thu. Có trường hợp, vợ thúc đẩy chồng, ‘giả vờ’ làm giấy ly dị, rồi sau đó về Việt Nam làm hôn thú với em gái của vợ để đưa sang Hoa Kỳ. Công việc được trót lọt, vì giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên sau đó, chị mới thấy mình dại dột vì lòng thương ‘hại’ đối với cô em gái của chị. Cuối cùng chị đã mất cả chồng, cả em, và gia đình cũng tan nát vì chồng chị đã mê cô em, bỏ chị, đi nơi khác để sống với cô em như vợ chồng .
Vừa qua, đọc báo thấy cả một đường giây do mấy ông bà Việt Nam ở Hoa Kỳ, nước Anh, Úc…thật là tài giỏi, khôn lanh. Mua nhà thật lớn, không ở cũng không cho thuê, chỉ để kín đáo trồng cây cần sa trong nhà để bán kiếm tiền triệu đô-la, rồi rửa tiền… Rút kinh nghiệm của các đường giây trước đã tiêu thụ số điện quá lớn để sưởi ấm cây trồng nên bị khám phá, mấy bạn trẻ lần này khôn ngoan, tài trí đến nỗi lập được hệ thống lấy thẳng điện từ thành phố, nên Công Ty Điện Lực không khám phá ra. Tuy nhiên FBI cũng khám phá ra. Báo chí tiếng Việt và tiếng Anh đã tường thuật đầy đủ chi tiết.
Ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, mới đây một chiếc máy bay bị trục trặc máy móc, phải hạ cánh xuống một vùng đồi núi, và nhân viên nhà nước đi cứu nạn đã khám phá ra cả một vùng rộng lớn trồng toàn cần sa. Những người muốn làm giầu phi pháp cuối cùng cũng kết thúc bằng con đường đi đến tù tội, gia đình tan nát… Tuy nhiên cũng chẳng bù được vào cái tội làm giầu một cách phi pháp, đưa bao nhiêu con người vào vòng nghiện ngập, chưa kể tạo ra những băng đảng giết hại lẫn nhau vì buôn bán cần sa, ma túy.
Ngày nay, có nhiều ‘sòng bạc’ đã được mở ra ở khắp nơi. Nhiều người muốn làm giầu bằng cờ bạc đã bị tan gia bại sản. Có người đi đến tự tử. Lại còn ‘chơi hụi’ lừa đảo lẫn nhau. Đánh cá trò chơi thể thao v.v… Tất cả chỉ do muốn làm giầu nhanh chóng, gian xảo… đã đem lại những hậu quả ngược lại: “Của phi nghĩa có giầu đâu…”
Hồi sau năm 1975, khi ở Saigon, tôi có dịp thăm viếng một gia đình quen biết. Gia đình gốc ở miền Bắc Việt Nam và di cư vào miền Nam năm 1954, cư ngụ tại vùng ven Saigon. Trong câu chuyện thân mật, ông cụ có kể cho tôi câu chuyện “Làm Giầu” của gia đình cụ như sau: Khi còn ở ngoài Bắc, gia đình cụ làm ăn giầu có và tích trữ của cải bằng cách gói các giấy bạc “Đông Dương” và giấu vào các nơi kín đáo trong nhà mà chỉ có hai cụ biết (lúc đó ngân hàng còn chưa thịnh hành). Chẳng may một hôm vào tháng năm, đang mùa gặt hái và trời rất nóng, cả gia đình đi làm ngoài đồng, người nhà nấu ăn làm cháy nhà, thế là cháy hết cả các gói tiền dành dụm được. Rồi gia đình lại lo làm giầu và lại trở nên giàu có. Rút kinh nghiệm, các cụ mua vàng và chôn dấu ở các nơi trong nhà, nhưng người nhà biết được , đào lấy mất. Sau đó, hai cụ tính kỹ hơn, lúc nào có tiến đều bỏ ra để mua gỗ qúy như gỗ lim, gỗ gụ… và ngâm xuống ao để sau này làm nhà cho các con khi khôn lớn lập gia đình thì có nhà ở. Như vậy là chắc ăn, chẳng lo bị cháy, chẳng lo bị mất trộm.
Nhưng đến năm 1954, bị nhà nước Cộng Sản tịch thu hết. Thế là “tay trắng lại hoàn trắng tay…” Chạy được vào miền Nam, lại lo làm giầu, và của cải tích trữ được đều để vào Ngân Hàng, như vậy chẳng còn gì mất mát, lại có lời thêm! Nhưng đâu có ngờ, năm 1975, Cộng Sản tràn vào miền Nam và tịch thu các ngân hàng; tiếp theo là mấy đợt đổi tiền liên tiếp… Thế là lại “trắng tay.” Câu chuyện của các cụ kể đến đó là hết… Nhưng “câu chuyện làm giàu” chưa hết… Con cháu các cụ chạy được sang Hoa Kỳ, lại cũng lo làm giàu, và lo gửi vàng bạc, qúy kim vào các ‘hộp an toàn’ ở ngân hàng Key Bank ở một thành phố vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Nhiều người gửi như vậy, vì không muốn để số tiền lớn trong chương mục ngân hàng vì lý do riêng, hoặc vì số tiền do làm ăn bất chính, hoặc gian lận trợ cấp… sợ Sở Thuế Vụ nhòm ngó… Chẳng may vào khoảng năm 1997, vào dịp cuối tuần nghỉ Lễ Lao Động, những kẻ gian manh, dùng khoan điện, khoan một lỗ ở tầng trên xuống ngay chỗ để các ‘hộp an toàn’; rồi khoan các hộp ra và lấy đi nhiều qúy kim của nhiều người, trong số đó có con cháu của các cụ. Thế là con cháu các cụ lại đau đớn vì bao của cải tan biến mất. “Ôi của cải chóng qua ở đời này làm bao người gặp bao ưu phiền…”
Chúng ta thường quá lo làm giầu để của cải, cơ nghiệp cho con cháu. Nhưng chính của cải đó nhiều khi làm hư con cháu. Dựa vào tài sản ông bà cha mẹ để lại, con cháu đâm ra lười biếng, không chịu học hành, không chịu siêng năng làm việc. “Nhàn cư vi bất thiện,” chúng sống ăn chơi trác táng đi đến chỗ thân tàn ma dại, tài sản tiêu tan. Đúng là thương con cháu, nhưng là “thương hại!”… thương mà hóa ra hại chúng! Người Hoa Kỳ huấn luyện cho con cái biết sống tự lập ngay khi còn nhỏ. Những người giầu có thường dành nhiều của cải để giúp các hoạt động văn hóa, từ thiện, tôn giáo… Họ chỉ giúp con cái cho đến khi đủ 18 tuổi. Khi đủ 18 tuổi các em thích làm việc để sống tự lập bằng bàn tay, khối óc của mình. Các em thường vừa đi học, vừa đi làm. Ít người muốn sống dựa vào cha mẹ hoặc trợ cấp xã hội.
Có lần tôi nghe một ông kể chuyện về việc giúp mấy đứa cháu ở Việt Nam. Nhưng sau này khi có dịp về thăm họ hàng ở Việt Nam, mới thấy dại. Vừa mất tiền vừa làm hư các em. Các em này chỉ sống ăn chơi dựa vào số tiền ông gởi về, không lo học hành, không lo làm ăn, chẳng có nghề nghiệp gì để sống tự lập… chỉ khôn khéo tạo ra các mánh lới để xin tiền từ nước ngoài gởi về.
Mỗi người chúng ta đều phải lo ‘làm giầu’, phải lo tăng gia sản xuất để xây dựng và phát triển thế giới mà Chúa đã dựng nên và ban cho nhân loại để phát triển mãi mãi về mọi phương diện ( Xin đọc chương đầu sách Sáng Thế). Chúng ta phải lo ‘làm giầu’ để xây dựng bản thân, gia đình và xã hội.
Nhưng…
Hãy làm giầu một cách lương thiện. Không buôn bán gian lận. Không bóc lột sức lao động của người làm công. Không gian lận trợ cấp xã hội. Không làm giầu bằng buôn bán thuốc phiện để gây bao tệ nạn xã hội. Không làm giầu bằng ham mê cờ bạc… “Của phi nghĩa có giầu đâu…”
(Xin doc: Lc 12, 13…1 Tm. 6, 9…17…)
Chúng ta phải siêng năng làm việc, nhưng cũng biết dành thời giờ để nghỉ ngơi, để chia sẻ tình thương giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Có những gia đình quá lo làm giầu đến khi có tiền bạc thì ‘tình yêu đổ vỡ’, gia đình ly tán. Hoặc không để giờ săn sóc con cái, đến khi chúng hư hỏng mới ân hận không kịp.
Chúng ta cũng phải dành thời giờ để lo cho đời sống tinh thần. Con người khác con vật, vì vừa có xác, vừa có hồn. Vừa có đời sống vật chất, vừa có đời sống thiêng liêng. Vừa có đời sống gia đình, vừa có đời sống xã hội. Do đó, chúng ta cũng phải chu toàn bổn phận thờ phượng Chúa, thăm viếng những người gặp hoạn nạn, những người đau ốm. Tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn , gia nhập các hội đoàn, ca đoàn. Tham dự các lớp học về Kinh thánh, tham dự các dịp nhà thờ tổ chức tĩnh tâm, nhất là vào Mùa Chay và Mùa Vọng để chuẩn bị Đại Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh, và để canh tân bản thân và gia đình, thăng tiến hôn nhân và giáo dục con cái.
Linh mục Anphong Trần Đức Phương
Khi có của cải, chúng ta hãy biết ‘trả lại Chúa những gì Chúa đã ban cho chúng ta,’ bằng cách giúp đỡ những người nghèo khó, các công cuộc truyền giáo, xã hội và văn hóa. “Tôi biết lấy gì để trả lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho tôi…”(Xin đọc Mt. 19, 1…).
Chính ‘của cải’ làm thăng tiến con người và thế giới. Nhưng cũng chính của cải có thể làm băng hoại lương tâm con người, lương tâm chức nghiệp, băng hoại gia đình, xã hội. “Chúng ta hãy biết dùng của cải chóng qua mà mua lấy Nước Trời”(Lc 12, 33; Mt. 6,16) để khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta được an tâm trở về với Chúa là Cha chúng ta. Lúc đó bỏ lại mọi sự, mọi của cải trần gian, chúng ta có thể nở một nụ cười để từ biệt thế giới này, và Chúa cũng mỉm cười để đón chúng ta vào Nước Hằng Sống, và ngài có thể nói với chúng ta “Con hãy vào dự phần thưởng Nước Trời, vì xưa Cha đói, con đã cho ăn… Cha khát, con đã cho Cha uống…” (Xin đọc Phúc Âm Matthêu 25, 31-46).
|