Những Tập Hồi Ký của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm (1)
Nguồn: Hội Thông Điệp Đức Mẹ
LỜI GIỚI THIỆU
Của nhà xuất bản
Bản dịch Anh ngữ cuốn ‘Những Tập Hồi Ký của Chị Nữ Tu Maria Lucia Trái Tim Vô Nhiễm’ không những phải có lời giới thiệu cần thiết như mọi cuốn sách khác, nhưng cũng cần có lời bình luận của nhà xuất bản.
Vì một số lý do, những Tập Hồi Ký của Chị Lucia thật sự phản ảnh một trong những cuốn sách xuất sắc nhất của văn chương Công Giáo trong thời đại chúng ta. Trước hết, cuốn sách này là một kho tàng quý báu gồm đầy đủ những dữ kiện rõ ràng về những sự việc đã xảy ra trên đồi Cova da Iria mà chúng ta có trực tiếp từ một nhân chứng hiện vẫn còn sống. Độc giả bị thu hút bởi lối hành văn nhẹ nhàng, trong sáng không kiểu cách, do cảm hứng xuất phát từ một tâm hồn tế nhị đạo đức và một lòng xác tín thành khẩn. Toàn thể lối hành văn của Chị - đôi khi đãi lọc qua một tâm hồn đầy nữ tính, đã được đào tạo bằng một nền linh đạo tu viện – cho thấy rằng lời văn bộc phát một cách rất tự nhiên, không gò bó theo các quy tắc văn chương.
Vì thế, cuốn sách này có vẻ như đã được tiền định để tạo ra một thứ không khí tâm linh mới, mà người đọc sẽ cảm thấy vừa thích thú vừa an ủi. Trong thời đại ngày nay, tinh thần thế tục đã xâm nhập và đã thổi một luồng khí lạnh vào Giáo Hội Chúa khiến cho con tim trở nên băng giá.
Thay vì một "Lễ Hiện Xuống Mới" như Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã mong ước, chúng ta đang trải qua một mùa đông cam go, lạnh lẽo mà đấng kế vị ngài là Đức Thánh Cha Phaolô thứ VI đã than phiền. Đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sau khi mừng Năm Thánh Ơn Chúa Cứu Độ, đã khai mạc Năm Thánh Mẫu với lời cầu nguyện như sau:
"Lạy Mẹ Maria, là Mẹ Chúa Cứu Thế, chúng con ao ước thấy Mẹ chiếu sáng chân trời mới của thời đại chúng con, khi chúng con sắp bước vào thiên niên kỷ thứ ba sau Chúa Cứu Thế."
Điều mà các linh hồn rất cần trong lúc này là được uống nước trong mát bắt nguồn sâu xa từ ngọn suối hiểu biết mới về Kinh Thánh. Đức Giám Mục D. Alberto Cosme do Amaral của giáo phận Leiria-Fatima đã xác nhận rằng Sứ Điệp Fatima là bản tóm lược Tin Mừng mà Đức Mẹ công bố cho mọi người trong thời đại chúng ta.
Qua các hồi tưởng của Chị Lucia, Fatima đã trở thành một nguồn nước suối trong, một luồng gió núi mát để giải khát chúng ta trong cuộc hành trình vượt sa mạc tới miền Đất Hứa. Giáo Hội đã cho điều tra và nghiên cứu kỹ lưỡng về đời sống của những Đầy Tớ Chúa là Phanxicô và Jacinta, để giới thiệu các em như là những tấm gương anh hùng của đời sống Kitô hữu. Hai em đã hết lòng đáp lại lời mời gọi của Đức Mẹ qua cuộc sống ngắn ngủi của các em. Vì lý do đó, hai em chăn chiên tí hon này đã thực sự làm chứng rằng sứ Điệp Fatima – ngay cả đối với trẻ thơ – cũng có thể là một đường lối chắc chắn để đạt tới một đời sống thánh thiện cao độ. Đời sống của hai em mà Chị Lucia kể lại đây, sẽ soi sáng cho chúng ta bắt chước noi theo.
Vì thế, đọc những tài liệu trong sách này sẽ có thể đem lại bình an sâu xa cho những khối óc rối loạn trong thời đại chúng ta hôm nay. Tin lành từ Bét-lê-hem vẫn còn vang dội ở Fatima: "Đừng sợ; Ta là thiên Thần Hòa Bình."
Vì những lý do đó, chúng tôi hết sức cố gắng để đem vào ấn bản này những yếu tố quan trọng nhất mà chúng tôi có được. Với sự chấp thuận của Đức Giám Mục địa phận Leiria, chúng tôi đã có trong tay những bản thảo nguyên thủy, và bản dịch của chúng tôi căn cứ trên những tài liệu này. Chúng tôi đã ra sức dịch thật chính xác không những theo nghĩa đen của lời văn, mà còn theo nghĩa thiêng liêng của nội dung nữa.
Vì thế, chúng tôi đã giao trọng trách phiên dịch này cho một dòng các Nữ Tu Đa Minh nhánh Perpetual Rosary, nói tiếng Anh, thuộc tu viện Piô XII ở Fatima. Các vị Nữ Tu này sống đời chiêm niệm ở ngay trên miếng đất mà các em chăn chiên tí hon đã lùa chiên qua đó. Những người con này của thánh Đa Minh là những nữ tu sống đời chiêm niệm liên lỉ dâng lên Chúa những hy sinh đền tội, lời cầu nguyện và đặc biệt là kinh Mân Côi thế cho nhân loại.
Việc này, theo như lời Đức Thánh Cha Piô XII, "là sự đáp ứng tuyệt vời đối với những ước mong mà Mẹ Thiên Chúa đã khứng bày tỏ cho ba em bé linh kiến." Được hít thở cùng một luồng không khí trong lành trên đồi Cova da Iria, các Chị đã cố tìm cách hiệp thông với Sứ Điệp Fatima bằng nhiều cách, trong đó có cả việc phiên dịch nữa. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng các Chị đặc biệt xứng đáng đảm nhận công việc phiên dịch cuốn Những Tập Hồi Ký của Chị Lucia.
Chúng tôi cũng đã được sự cộng tác của giới chức có thẩm quyền nhất về vấn đề Fatima, đó là Linh mục Tiến sĩ Joaquin Alonso, CMF, bởi vì điều quan trọng là phải đặt bản văn vào bối cảnh chính xác của nó, chú ý đến những hoàn cảnh nổi bật trong thời kỳ đó. Ngài đã viết những tài liệu sau đây:
- lời giới thiệu tổng quát cho các Hồi ký; - bản tiểu sử ngắn của Chị Lucia, cho tới lúc Chị rời tu viện dòng Nữ Tu Cac-men Discalced ở Coimbra, để được tiếp tục sống cuộc sống thinh lặng và cầu nguyện; - lời mở đầu ngắn gọn về: khiếu viết văn của Chị Lucia; Các Hồi Ký – một hình thức văn chương; - lời giới thiệu trước mỗi Hồi Ký; - những phụ đề hợp lý và có hệ thống nhưng không làm mất ý nghĩa của nội dung các đoạn văn, mà còn làm cho nó thêm thích thú, dễ hiểu và có ý nghĩa hơn; - một vài chú thích, nhưng không quá nhiều, để giúp thêm phần rõ nghĩa cho những đoạn văn khó hiểu; - cuối cùng, chúng tôi cũng đã yêu cầu Tiến sĩ Alonso duyệt lại các bản dịch để xin ý kiến chuyên môn của ngài xem cuốn sách có được dịch đúng y như bản văn nguyên thủy bằng tiếng Bồ Đào Nha hay không.
Tiến sĩ Alonso đã làm các điều trên với kinh nghiệm thận trọng và quả cảm của ngài. Chúng tôi xin được cảm tạ cha Alonso, không những nhân danh cá nhân, mà còn nhân danh bao nhiêu độc giả sẽ được lợi ích nhờ công việc rất có giá trị của ngài.
Vì vậy ấn bản này của chúng tôi bảo đảm rằng, về mọi phương diện, những lời của Chị Lucia sẽ đến với người đọc và sẽ để lại một ấn tượng sâu xa trong tâm hồn họ. Cuối cùng, chúng tôi cũng phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa đã ban hồng ân đặc biệt cho chúng tôi được truyền đạt đến độc giả một tác phẩm sẽ giúp họ trưởng thành trong sự hiểu biết và yêu mến Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ của chúng ta.
Lm. Louis Kondor, SVD. Phụ trách hồ sơ xin phong chân phước cho Phanxicô và Jacinta
LỜI TỰA
của Lm. Tiến sĩ Joaquin M. Alonso, CMF.
GIỚI THIỆU CÁC TẬP HỒI KÝ CủA CHỊ LUCIA
Trước khi có lời giới thiệu thích đáng cho toàn bộ ấn bản Tập Hồi Ký, độc giả sẽ đánh giá bản tường trình ngắn ngủi về ý định và giới hạn mà chúng tôi tự đặt cho mình, cũng như phương cách làm việc mà chúng tôi đã đề ra.
Ấn bản Những Tập Hồi Ký của Chị Lucia là một bản dịch rất chính xác từ những văn thư nguyên thủy viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, được lưu trữ tại kho văn khố của tòa Giám Mục địa phận Leiria. Chúng tôi xin tri ân Đức Giám Mục Dom Alberto Cosme do Amaral vì đã cho phép chúng tôi xuất bản Tập Hồi Ký này. Tất nhiên đây không phải là một ấn bản có tính bình luận theo đúng nghĩa của nó. Chúng tôi chỉ ra sức phiên dịch những văn bản nguyên thủy và ghi lại lời lẽ của chính tác giả một cách hết sức sát nghĩa và khả tín. Ấn bản bình luận sau chót sẽ được xuất bản trong một thời gian ngắn - nếu Chúa muốn - với nhiều chi tiết dưới nhan dề là: "Tiến Sĩ Joaquin Alonso - Fatima: Nghiên Cứu Phê Bình Và Văn Bản.”
Vì thế cuốn sách hiện nay là một ấn bản phổ thông và đơn giản của một tài liệu rất giá trị khả dĩ gây ngạc nhiên cho thế giới. Chúng tôi không gọi nó là "phổ thông" chỉ để tránh né những đòi hỏi phê bình văn chương, cho dù chúng tôi không muốn giáp mặt tất cả những yêu cầu ấy ở đây; ví dụ như chúng tôi thấy không cần phải lưu ý độc giả đến tất cả những tham chiếu và xuất xứ mà chúng tôi nêu ra để dẫn chứng. Quý vị độc giả có thể an tâm rằng trong phần giới thiệu này và trong các chú thích, chúng tôi sẽ không nêu lên bất cứ điều gì mà chúng tôi không thể xác nhận được trong bản bình luận mà chúng tôi hy vọng sẽ xuất bản trong một ngày không xa.
Tuy nhiên, một cuốn sách "phổ thông" như thế này cũng phải có một số giới hạn. Không cần phải nêu lên quá nhiều dẫn chứng và phụ giải. Để độc giả có thể hiểu được tài liệu không mấy khó khăn, mỗi khi chúng tôi nhận thấy có những từ ngữ mà tác giả lựa chọn, hoặc luồng tư tưởng của tác giả cần phải làm cho sáng tỏ hơn, thì chúng tôi sẽ có những lời giải thích cần thiết.
Đây cũng là phương pháp căn bản làm việc của chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ là nên duyệt lại những tài liệu như của Chị Lucia - mà tự nó đã rất trong sáng và không khoa trương một cách hết sức đặc biệt - nếu không chia thành từng đoạn tự nhiên như bắt nguồn từ chính tài liệu. Vì lý do đó, chúng tôi đã chia các tập hồi ký này ra từng phần, chương, và đoạn như chính bản văn gợi ý hoặc theo cấu trúc hợp lý của nó. Để độc giả hiểu rằng việc lựa tên cho các đề mục do chính chúng tôi làm chứ không phải là Chị Lucia, thì những dòng này đều được lần lượt in bằng CHỮ HOA đậm nét.
Chúng tôi hy vọng làm như vậy sẽ giúp độc giả dừng lại đôi phút khi lời tường thuật hơi dài, và đồng thời cũng để chuẩn bị tư tưởng cho độc giả biết đại ý nội dung những gì sắp tới. Những lời ghi chú ở cuối mỗi Hồi Ký là để giúp độc giả vượt qua một vài khó khăn, tỉ như để giải thích những hoàn cảnh khác nhau mà thoạt đầu có vẻ như lạ lùng, hoặc một vài khía cạnh của tài liệu nguyên thủy mà nếu không được giải thích thì có thể là khó hiểu.
Trước hết, chúng tôi xin trình bày ngắn gọn tiểu sử của Chị Lucia, mặc dù nó chưa kết thúc, kế đó là mô tả khả năng viết văn của Chị và sau cùng là giới thiệu tổng quát về những tập Hồi Ký của Chị.
A. TIỂU Sử CHỊ LUCIA
"Ngày 30 tháng 3, năm 1907, một bé gái đã được rửa tội tên là Lucia, sanh tại A-li-us-trel (Aljustrel)... ngày 22 tháng Ba cùng năm đó, lúc 7 giờ chiều..." Đây là những chữ ghi trong hồ sơ của Giáo Xứ. Bố mẹ của em là ông Antonio dos Santos và bà Maria Rosa, cư dân Aljustrel, một làng nhỏ thuộc giáo xứ Fatima.
Là con út trong bẩy anh chị em gồm sáu gái và một trai, Lucia là đứa con cưng của gia đình và đã luôn được nuông chiều từ thuở thơ ấu. Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn và ngang trái, mẹ của Lucia đã nuôi dạy các con với một tinh thần Kitô gương mẫu. Lúc lên sáu tuổi, Lucia đã được rước Lễ Lần Đầu, mà câu chuyện kể lại sẽ làm cho độc giả vui mừng sửng sốt. Hoàn cảnh gia đình đã buộc Lucia vào đời ngay với nghề chăn chiên từ thuở nhỏ.
Lúc đầu, năm 1915, bạn của Lucia là các trẻ em trai gái làng Aljustrel và các làng chung quanh. Kể từ năm 1917, thì hai người em họ Jacinta và Phanxicô Marto là bạn duy nhất của Lucia. Đây cũng là năm mà Đức Nữ Đồng Trinh đã hiện ra. Lucia đã giữ một vai trò đặc biệt trong những lần hiện ra này, bởi vì Đức Mẹ chỉ nói chuyện với Lucia và đã trao cho Chị một sứ điệp chỉ được phép tiết lộ vào một thời điểm trong tương lai mà thôi. Chị đã sống trong đau khổ cùng với Phanxicô và Jacinta chỉ vì chuyện Đức Mẹ hiện ra. Chị còn phải sống một mình trên trần thế một thời gian lâu hơn để chu toàn sứ mạng của mình.
Đức Nữ Đồng Trinh đã yêu cầu Chị đi học để biết đọc... Tuy nhiên, Chị chỉ bắt đầu đi học sau khi những lần (Đức Mẹ) hiện ra chấm dứt; nhưng với năng khiếu và trí nhớ tốt Chị đã học đọc và viết rất nhanh.
Ngay sau khi những lần hiện ra chấm dứt, dĩ nhiên, Chị Lucia tự thấy mình ở trong vị thế của một người "linh kiến", với tất cả những nguy hiểm có thể phát sinh từ đó. Vì thế, cần phải làm một cái gì để giúp Chị. Một trong những điều quan tâm hàng đầu của vị Tân Giám Mục Địa phận Leiria mới tái lập là cho Chị đi học; ngài cố gắng tách Chị ra khỏi những hiểm họa đang đe dọa Chị trong một môi trường vẫn còn đầy ắp những điều kỳ diệu.
Vào sáng ngày 17 tháng sáu, năm 1921, Chị gia nhập Trường các Nữ Tu dòng thánh nữ Dorothy ở Vilar, mà bây giờ là ngoại ô của Porto. Chúng tôi xin mô tả lại hình dáng của Chị lúc đó trông giống hệt những tấm hình nổi tiếng mà ai cũng biết: "Trán cao, rộng; mắt nâu to và linh động, lông mày mỏng; mũi thấp, miệng rộng, môi dầy và cằm tròn. Khuôn mặt tỏa ra một cái gì có vẻ siêu nhiên. Tóc mềm và mỏng; dáng hơi gầy nhưng cao so với các trẻ cùng lứa; 13 tuổi, 6 tháng. Nét mặt hơi thô nhưng khuôn mặt rất dễ thương. Linh lợi, thông minh nhưng khiêm tốn và không tự đắc. Khổ tay bình thường, chai cứng vì lao động."
Khi được 14 tuổi và ba tháng, Lucia nhập học trường Porto. Tại đây, Chị đã được đào tạo kỹ càng về luân lý và đạo lý. Tuy vậy việc học chữ của Chị không được đầy đủ, vì trình độ chỉ hơn bậc tiểu học một chút. Ngay từ đầu, Chị đã được huấn luyện đầy đủ về công việc nội trợ. Tuy nhiên, với khả năng sẵn có, trí nhớ tốt, lòng kiên trì và nghiêm nghị, cô gái trẻ đã thu thập được một nền học vấn khá đầy đủ.
Ngay cả trước khi nhập trường, Chị Lucia đã cảm thấy muốn dâng mình cho Chúa qua đời sống tu trì. Đời sống đạo đức sốt sắng trong khuôn viên nhà trường khiến Chị suy nghĩ sâu xa hơn và ý định đầu tiên là chọn dòng Cac-men, nhưng với gương sáng của các bà giáo và lòng biết ơn đối với họ, nên Chị xin gia nhập dòng Thánh nữ Dorothy (Đô-rô-ti).
Tập viện Bồ Đào Nha hồi đó từ 1921 đến 1925 là ở thành Tuy. Chị nhập dòng ngày 24 tháng 10, 1925, lúc 18 tuổi. Trước hết Chị vào nhà thử Pontevedra, và ở đó vài tháng với tư cách thỉnh sinh. Tu viện này nằm trên con phố ngang tên là "Travesia de Isabella II", và Chị ở đó từ ngày 25 tháng 10, 1925 tới 20 tháng 7, 1926. Sau đó Chị tới ở tập viện thành Tuy cho đến khi hết khóa thỉnh sinh, và sau đó lãnh áo nhà Tập ngày 2 tháng 10, 1926. Sau hai năm, Chị khấn Dòng ngày 3 tháng 10, 1928. Chị ở lại đó chung với các chị đã khấn, cho tới khi khấn trọn đời vào ngày 3 tháng 10, 1934. Vài ngày sau, Chị được chuyển tới tu viện Pontevedra và chỉ trở lại thành Tuy vào tháng 5, 1937. Chị ở lại đây mãi tới lúc được gởi đi Bồ Đào Nha vào cuối tháng 5, 1946.
Sau vài ngày Chị đến thăm lại đồi Cova da Iria và làng Aljustrel. Nơi đây Chị đã nhận diện lại được những nơi (Đức Mẹ và Thiên Thần đã) Hiện Ra. Rồi Chị Lucia được bổ nhiệm về tu viện ở Sardão tại Vila Nova de Gaia, gần Porto. Và sau cùng, khi ước muốn Chị đã ấp ủ từ lâu là được sống đời thinh lặng và ẩn dật trở lại, Chị đã được Đức Thánh Cha Piô XII nhân từ cho phép đổi qua tu viện của dòng Cac-men Discalced; Chị đã nhập dòng này vào ngày 25 tháng 3, năm 1948. Bắt đầu từ đó, Chị đã sống đời cầu nguyện và đền tội. Khách hành hương Fatima khi đi ngang qua Coimbra thường đến thăm dòng Cac-men ở đó, có thể nghe được tiếng của Chị cùng với ca đoàn các Nữ Tu dòng Cac-men Discalced. Vào thời điểm này, tháng 8,1995, Chị Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đã được 88 tuổi.
KHẢ NĂNG VĂN CHƯƠNG CỦA CHỊ LUCIA
Về những gì đã được viết về Fatima, không ai là không đồng ý với ông Antero de Figueiredo, một nhà văn gốc Bồ Đào Nha, người nhiệt tình giới thiệu cuốn sách của chính ông, đã viết như sau: "Nhưng ánh sáng, ánh sáng tuyệt vời của cuốn sách này, đã bắt nguồn từ linh hồn tinh tuyền, sâu sắc và đơn sơ đáng khâm phục của Chị Lucia của Chúa Giêsu, người được linh kiến."
Trước hết, chúng ta phải công nhận rằng các bản thảo của Chị Lucia cho thấy rằng học vấn của Chị còn thiếu sót. Tuy nhiên, những năng khiếu lớn lao bẩm sinh của Chị đã bù lại được những thiếu sót mà lẽ ra không thể bù đắp nổi. Chị Lucia cũng đã nhiều lần công nhận rằng Chị "không có đủ khả năng và tư cách". Xin trích dẫn chính lời Chị viết như sau: "Ngay cả chữ viết của con cũng không đẹp đẽ gì." Dù khuyết điểm là gì chăng nữa, thì nó cũng không gây trở ngại cho cách đặt câu rõ ràng và trong sáng của Chị; đôi khi, cách hành văn của Chị còn duyên dáng thanh tao và cao siêu nữa.
Phẩm chất văn chương của Chị có thể được tóm tắt như sau: chính xác và ý tứ rõ ràng; tế nhị và tình cảm sâu xa; trí tưởng tượng linh động và tinh thần hài hước ý nhị, khiến câu chuyện rất hấp dẫn; một lối nói bóng bảy không gây mất lòng; một trí nhớ phi thường liên hệ đến các chi tiết và hoàn cảnh. Những lời đối thoại tuôn chảy y như các nhân vật đang thực sự hiện diện tại đó. Trong trí tưởng tượng của Chị, cảnh vật được mô tả như đang có trước mắt Chị. Khi mô tả Jacinta và Phanxicô, các cha giải tội cho Chị và những người khác, (Chị đều ghi lại) với một sự thấu triệt tâm lý khác thường. Chị rất ý thức khi đi lạc đề và luôn trở lại điểm phát xuất một cách tài tình.
Đôi lúc Chị bị ảnh hưởng bởi lối hành văn hơi hoa mỹ của tu viện, nhưng bản tánh tự nhiên, hoạt bát và vui tươi của Chị luôn ở thế thượng phong. Ai có thể quên được cái đêm cuối cùng khi Chị chào từ biệt những chỗ thân thương nơi Đức Mẹ đã từng hiện ra, hôm trước khi đi Porto? Ai lại không thán phục lối viết dí dỏm khi Chị tả lại đôi giày của một linh mục với những cái móc bằng bạc? Ai mà không ngạc nhiên khi Chị viết lại những "Bài Hát Núi Rừng" một cách dễ dàng?
Ngay từ đầu, Lucia đã biết cách diễn tả những gì Chị muốn nói, và đã diễn tả theo cách của Chị. Với khả năng tưởng tượng sắc bén, Chị đã thành công để viết ra những gì Chị muốn viết, và ngay cả đôi khi những công việc thường ngày trong tu viện làm Chị chia trí, nhưng khi tiếp tục viết lại Chị đã không làm gián đoạn mạch văn hoặc đánh mất đi tính hợp lý tư duy của Chị. Nếu không có một trí óc rất điềm tĩnh thì không thể làm được điều này.
Đúng vậy, Chị Lucia đã cảm thấy được "soi sáng" để viết, như Chị thường nói... Việc cảm nhận sự Hiện Diện của Thiên Chúa khi Chị viết không nên hiểu theo nghĩa đen của danh từ "thần hứng" nghĩa là có tính cách ngôn sứ, như một nhà phê bình nọ chẻ sợi tóc ra làm bốn đã mô tả. Chị cảm nghĩ rằng Chúa đã "giúp" cho Chị viết. Nhưng khi đọc kỹ các bài viết của Chị, chúng ta sẽ nhận ngay ra rằng Chị đã không có ý dùng chữ đó với đầy đủ ý nghĩa của nó. Chính Chị đã trả lời cho chúng ta một cách rõ rệt khi Chị nói: “chữ ‘soi sáng’ cho thấy rằng có một sự kích thích trí tuệ trong những hành động của chúng ta."
Do đó, không có vấn đề "vô ngộ" (tính không thể sai lầm) như được áp dụng đối với kinh thánh. Chị Lucia có thể đã nhầm lẫn khi diễn giải những kinh nghiệm huyền nhiệm tâm linh của Chị bởi vì một sự "diễn giải" như vậy rất khó. Có khi Chị cũng nghi ngờ không biết có phải Chúa đang nói với Chị không; khi khác, Chị thú nhận là không thể tiết lộ một điều Chị cảm nghiệm được qua ân sủng huyền nhiệm. Phê bình sáng suốt sẽ khám phá ra một số lầm lỗi về ngày tháng, biến cố và hoàn cảnh. Ngay cả khi Chị quả quyết rằng Chị ghi đúng “ipsissima verba”, nghĩa là đúng nguyên văn như lời Đức Mẹ nói, thì điều này cũng chỉ có nghĩa là Chị đã cố gắng hết sức diễn tả lại một cách càng trung thực càng tốt mà thôi. Một điều Chị cảm nhận chắc chắn – như lời Chị nói – là nghĩa của những từ Chị dùng.
Còn về ngày tháng, thì ai cũng biết là Chị Lucia không dám chắc, thứ nhất vì Chị, Phan-xi-cô và Jacinta lúc đó chỉ là những đứa trẻ, không thể đếm được ngày tháng, nói chi tới năm. Cũng chính vì lý do này, Chị Lucia đã không thể nhớ rõ được ngày. Cho nên Lucia không nhớ Thiên Thần hiện ra ngày nào; Chị chỉ có thể nhớ đại khái qua các mùa trong năm vì nó có thể để lại một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn các em thiếu nhi sơn cước này. Lý do chính cho cái khía cạnh kém trí nhớ này tất nhiên có thể thấy trong tính thực tế của những hồi ký luôn luôn được hướng về phần chính yếu.
Ngoài ra, người đọc những hồi ký do Chị Lucia viết cũng không nên quên nguyên tắc chỉ đạo cho việc diễn giải các sứ điệp mà các vị huyền nhiệm nhận được có liên hệ đến những cảm nghiệm siêu nhiên của họ: đó là vấn đề "diễn giải", nghĩa là những gì các các vị huyền nhiệm nói ra không hẳn phải đúng từng chữ một với những Sứ Điệp Thần Thiêng. Tuy vậy, chúng tôi không có ý ám chỉ rằng ta chỉ nên tin vào những gì thuộc lãnh vực tự nhiên trong những hiện tượng phi thường Chị đã cảm nghiệm thôi đâu.
Chúng tôi cũng xin được nêu ra một khó khăn cuối cùng để chuẩn bị tinh thần qúi bạn khi đọc những tác phẩm tuyệt vời này. Chúng ta phải phân biệt sự khác nhau giữa một Sứ Điệp từ Trời ban xuống mà Chị Lucia trình bày cho chúng ta và những “tư duy" hoặc "diễn giải" của riêng Chị về sứ điệp ấy.
Vì những khó khăn sẵn có trong việc diễn giải các vấn đề huyền nhiệm, nên (truyền đạt nguyên văn) sứ điệp bảo đảm tính trung thực của nó hơn là diễn giải (sứ điệp). Nếu Thiên Chúa đã ban cho những dấu hiệu rõ ràng như vậy để biểu lộ sự Hiện Diện của Ngài trong các biến cố ở Fatima, thì chúng ta cũng có thể coi như là dĩ nhiên sự kiện Chúa can thiệp một cách đặc biệt để Sứ Điệp Ngài ban qua trung gian của Đức Maria cũng được truyền đạt một cách trung thực qua trung gian các em linh kiến tí hon đã được lựa chọn cho mục đích này.
Như chúng tôi đã khẳng định rằng Thiên Chúa ban một Sứ Điệp Cứu Rỗi cho Giáo Hội của Ngài, thì chúng tôi phải công nhận rằng Ngài cũng đã ban cho Giáo Hội ấy đoản sủng Chân Lý để truyền đạt Sứ Điệp ấy cho chúng ta mà không bị sai lầm. Chúng tôi thường quan sát Chị Lucia "suy nghĩ" về những từ ngữ (trong Sứ Điệp) và các biến cố… Do đó Chị là một thông ngôn ưu đãi, nhưng vẫn chỉ là / và luôn luôn là một thông ngôn trong trường hợp này, vì vậy, những lời lẽ của Chị Lucia không cần phải có một sự hỗ trợ đặc biệt nào như trong trường hợp thứ nhất nói trên đây.
THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG GỌI LÀ “HỒI KÝ”
Chúng tôi gọi những bản thảo mà bạn đọc hiện có trong tay đây là “hồi ký” vì thật sự chúng giống hệt như loại thể văn ấy, mặc dù đôi khi hình thức của chúng giống như những bức thư hoặc tiểu sử tự thuật.
Ngay từ đầu, Chị Lucia đã không muốn viết những văn kiện nổi tiếng này. Chị đã viết vì Chị được yêu cầu phải viết. Chúng ta cũng có thể yên tâm rằng Chị đã không tự ý viết một điều gì. Điều này không có nghĩa là trong thời gian làm việc thỉnh thoảng Chị không bị lôi cuốn vì những biến cố Chị kể lại hoặc không ý thức rằng Chị đang thật sự "làm văn". Tuy nhiên, bản văn này luôn luôn rõ ràng và tự phát, và một thể văn thanh nhã đã tuôn chảy không hề bị gò bó hoặc cố ý nào cả.
Chị Lucia tuyệt nhiên đã không để ý gì đến thể văn Chị đang viết, và Chị cũng không hề biết rằng chữ "hồi ký" (reminiscences) có một nghĩa gì khác hơn là nhớ lại. Có lần Chị nói rằng không biết phải làm cách nào để thi hành mệnh lệnh đã nhận để viết một bản tường trình về cuộc đời của Jacinta, vì vậy Chị đã viết cho Đức Giám Mục cũng như kể lại cho Ngài nghe những gì Chị nhớ được.
Vì lý do đó, không nên coi những bản thảo gửi lên Đức Giám Mục Địa Phận Leiria như là những bức thư dài. Phương cách này chỉ là một hư cấu, trong trường hợp này là hư cấu văn chương, nhằm giúp Chị thoát ra khỏi một tình thế khó khăn. Điều mà Chị Lucia thật sự muốn làm là viết lại những ký ức của Chị, và chính vì lý do đó, mà những bản thảo này được gọi là "Hồi Ký", bởi vì thật ra đây là loại văn chương mà tác giả muốn dùng để truyền đạt những hồi tưởng liên hệ tới chính tác giả hoặc tới những người khác, những kinh nghiệm của chính mình hoặc của người khác.
Tuy nhiên, những bản thảo này không thể nào được gọi là một tiểu sử hoặc tiểu sử tự thuật theo đúng nghĩa của nó. Chị Lucia đã không viết và không thể có ý viết tiểu sử của Jacinta và Phanxicô hoặc tiểu sử tự thuật của chính mình. Đây chỉ là một số điều nhớ lại liên hệ tới những sự kiện chính yếu trong cuộc đời của Jacinta và Phanxicô, và dĩ nhiên của cả chính Chị nữa, mặc dù Chị đã không có ý muốn viết gì về mình cả.
Tuy nhiên, tiểu sử hoặc tự thuật khác hẳn với "Hồi Ký", vì hồi ký thì chỉ muốn viết lại những gì có thể tưởng nhớ lại được mà thôi. Mục đích của tiểu sử và tự thuật là loại văn chương nhằm đạt một cái gì đầy đủ và có hệ thống hơn, và căn cứ không chỉ đơn thuần trên những điều có thể nhớ được, nhưng trên một sự phân tích các tài liệu. Còn trong tác phẩm của Chị Lucia, thì Chị chỉ cần nhìn lại rồi viết xuống những gì có thể nhớ được mà thôi! Vì những điều này có liên hệ tới cuộc đời của Phanxicô và Jacinta, nên bắt buộc nó cũng có liên hệ tới chính cuộc đời của Chị.
Mặt khác, tất cả những gì liên hệ tới sự hiện ra của Đức Bà không còn được coi như một sự hồi tưởng đơn thuần, nhưng là một sự hiện diện như được ghi dấu bằng lửa trong tâm hồn Chị. Chính Chị đã cho chúng ta biết rằng những điều này đã được ghi dấu sâu đậm và tồn tại trong tâm hồn Chị, đến nỗi Chị không thể nào quên được.
Vì thế những hồi ký này của Chị Lucia cũng giống như ta đọc lại những vết tích ghi khắc sâu đậm đời đời trong đáy lòng của tác giả vậy. Dường như Chị đang “nhìn thấy” hơn là “hồi tưởng lại”. Việc Chị “nhớ lại” một cách hết sức dễ dàng như vậy khiến ta có cảm tưởng như Chị chỉ cần “đọc” lại những gì đã ghi trong tâm hồn Chị mà thôi.
(Còn tiếp)
|