MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Oan! (lc 10:38-42)
Thứ Sáu, Ngày 16 tháng 7-2010

OAN! (Lc 10:38-42)

Viết ngày: 22.07.2007

Phụ nữ luôn là đề tài “ăn khách” khắp nơi.  Từ ngoài đời đến trong đạo, không bao giờ vắng bóng phụ nữ.  Văn học Việt nam có Thúy Kiều và Thúy Vân.  Tương tự, Tin Mừng cũng trình bày Martha và Maria như hai mẫu điển hình cho những ai theo Chúa.  Nhưng có lẽ hoàn cảnh đã khiến cho những phụ nữ đó khác nhau khá sâu xa.

Tương tự Thúy Kiều, Martha rất đảm đang và linh hoạt.  Từa tựa Thúy Vân, Maria không hề lên tiếng và hầu như bất động.  Mặc dù hai chị em rất thương yêu nhau, nhưng vẫn có những khác biệt.  Những khác biệt đó nổi cộm lên trong tiếng kêu oan của Martha hôm nay.  Chúa rất tài tình khi đứng ra bênh vực cho Maria, nhưng vẫn không làm phật lòng Martha

NỖI LÒNG BIẾT NGỎ CÙNG AI

Cơ hội bằng vàng đã đến với gia đình Bêtania.  Cả hai chị em Martha và Maria đều yêu mến Chúa Giêsu.  Cả hai đều tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà.  Cả hai đều phục vụ Chúa hết tình.  Nhưng cả hai đều không hiểu nhau.  Martha nghĩ lối phục vụ của Maria thấp kém hơn mình.  Trong ý chí phục vụ, nàng không nhận ra mình đã không thực sự quan tâm tới vị thượng khách.  Cái khó không phải là nhận ra điểm xung khắc giữa việc Martha tất bật phục vụ và việc Maria thảnh thơi lắng nghe Lời Chúa  !  Bên ngoài có vẻ như đối kháng và không thể hòa giải.  Nhưng thực ra đó là khả năng cho đi và đón nhận.

Theo thứ hạng ưu tiên, Martha thấy việc “ăn không ngồi rồi” của Maria quả thực là một bất công so với việc việc tất bật phục vụ Chúa của nàng.  Khi cảm thấy áp lực bất công đã dâng lên tới cổ, Martha không thể chịu đựng nổi nữa.  Nàng tranh đấu.  Nàng muốn nhờ Chúa giải quyết vấn đề.  Chắc chắn Chúa sẽ đứng về phe mình và làm cho Maria thấy rõ sự bất công đó.  Nàng nghĩ thế và lên tiếng xin Chúa xử kiện (Lc 10:40).

Nhưng thực tế không xảy ra như Martha tưởng.  Chúa đã đứng về phía Maria. Lý lẽ Chúa đưa ra sâu xa và vững chắc đến nỗi Martha chỉ còn biết im lặng tiếp tục công việc phục vụ.  Martha đành để cho Maria ngồi yên.  Có lẽ Martha thấm thía vì nhớ lại Lời Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4; Ðnl 8:3)  Lời Chúa đem lại sự sống đời đời, nên phải cao trọng hơn bữa ăn chỉ cung cấp sự sống tạm thời.  Maria đã thấy được tất cả giá trị cao cả đó.  Cô dành trọn thời giờ cho Chúa.  Cô say mê uống từng Lời Chúa. 

Chúa Giêsu không trách Martha chỉ vì lo công việc bếp núc.  Người chỉ đòi hỏi nàng phải biết sắp đặt lại thứ tự ưu tiên trong bậc thang giá trị.  Việc phục vụ Chúa Kitô có thể chỉ làm mất thời giờ mà chẳng có chút gì hiến dâng cho Chúa.  Ưu tiên số một phải là sống với Chúa, chứ không phải làm gì cho Chúa.  Bởi thế, không những Maria không làm gì bất công, nhưng còn phải được xếp hạng ưu tiên nữa.  Có lẽ Martha đã thấy rõ điều đó và vui vẻ tiếp tục phục vụ theo cung cách riêng của mình.

Chắc chắn Chúa Giêsu quả quyết Martha có lòng quảng đại khi đáp ứng nhu cầu ẩm thực của con người.  Nàng đã thực hiện mối phúc lớn lao : “Cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35)  Không phải vô tình thánh Luca đặt đoạn Tin Mừng hôm nay ngay sau dụ ngôn người Samari nhân hậu.  Làm môn đệ Chúa Giêsu có nghĩa là quảng đại đáp ứng nhu cầu sinh sống căn bản nhất của những người cùng khổ.  Ðó là điều chính Chúa Giêsu đã làm.  Người Samari nhân hậu vẫn còn là một phần giáo lý cốt yếu.

Từ nhận xét về dụ ngôn người Samari nhân hậụ, đáng lý chúng ta phải ca ngợi Martha vì thực tế nàng đã phục vụ Chúa.  Thực ra, hành động của nàng không được ca tụng cũng chẳng bị lên án.  Nhưng nàng bị đặt trước thách đố phải lưu ý đến thứ hạng ưu tiên trong quan điểm của mình.  Toàn thể Tin Mừng không chỉ giới hạn trong việc phục vụ tha nhân, bất kể việc đó quan trọng tới mức nào.  Làm môn đệ Chúa Kitô trước hết và trên hết là gắn bó thân tình với Chúa Giêsu.  Phải có thời gian lắng nghe “Lời” (c. 39 : số ít trong tiếng Hy lạp).  Hiến dâng cho Chúa là “điều cần thiết duy nhất.”  Mối tương quan này nằm trong việc phục vụ đầy yêu thương.  Thế nhưng, nếu không đi đôi với cầu nguyện, việc quan tâm đến nhu cầu tha nhân không phải là tình yêu đích thực.

Ðó là lý do tại sao Chúa muốn Martha thấy được sự thật về em mình: “Maria đã chọn phần tốt nhất.” (Lc 10:42)   Phần tốt nhất đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể.  Người là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.  Thấy Người là thấy Chúa Cha (Ga 12:45; 14:9).  Ðó là một hồng ân vĩ đại.  Rõ ràng, nàng phải nhường bước cho em. 

Thực ra, cả hai chị em đều hiếu khách.  Mỗi người một cách.  Nếu cả hai đều bận bịu cơm nước, lấy ai tiếp chuyện với Chúa ?   Cả hai thái độ bổ túc cho nhau để tạo nên một toàn thể, một sự khôn ngoan thâu tóm trong vài chữ của thánh Bênêđictô : cầu nguyện và lao động.  Từ bao đời, rõ ràng đời sống Kitô hữu thống nhất nhờ sự hiện hữu và hành động, lời nói và thực hành.

Trong Kinh thánh, các giới răn và mối phúc minh xác đời sống tín hữu xây dựng trên thái độ và sự lựa chọn hiện tại.  Chúa Giêsu dạy ta phân  biệt điều thiết yếu không phải là lăn xả vào hành động và tự mãn với những hoạt động đó.  Ðó chỉ là thứ phục vụ chính mình.  Hạnh phúc là phục vụ anh em và lắng nghe Lời Thiên Chúa.  Không có đối kháng và mâu thuẫn.

GẶP GỠ ÐỨC KITÔ

Nếu Martha cứ lo phục vụ, có lẽ không bao giờ có vấn đề.  Tại sao nàng phải nhìn sang Maria và nhờ Chúa hòa giải làm gì ?  Chính mối bận tâm này đã làm cho nàng đứng ngồi không yên.  Dù Chúa đem cả một nguồn hồng ân vô cùng lớn lao đến nhà Bêtania, nhưng tâm hồn nàng vẫn hoàn toàn trống rỗng.  Dù rất gần Chúa, nàng vẫn không gặp được Chúa ngay trong công việc hàng ngày của mình.[i]  Khi không gặp gỡ Chúa, dĩ nhiên vấn đề sẽ nổi cộm trong tương quan và sinh hoạt với tha nhân.

Khi nào mọi khát vọng lắng xuống, chúng ta mới có thể dành hết thời giờ và tâm trí tập trung vào Chúa đang hiện diện trong sâu thẳm của lòng mình.  Lúc đó, chúng ta mới có thể lắng nghe và thấy tất cả chiều kích sâu thẳm nhất của Lời Chúa.  Ðạt tới mức độ này, chúng ta mới thực sự trân quý tất cả giá trị lớn lao trong việc sống với Chúa. Không có sự sống đích thực này, tất cả đều là những quay cuồng và bận tâm phi lý và vô ích.  Chỉ cần sự hiện diện đầy ắp tình thương và ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ thấy tất cả sự thật giải thoát và cảnh trời mới đất mới.

Tìm thấy Chúa là tìm được sự bình an trong tâm hồn.  Khi đã chiêm ngắm Chúa, Maria không còn biết đến gì xảy ra chung quanh nữa.  Những bận bịu và tiếng động thường ngày không tác động đến tâm hồn nàng, vì Lời Hằng Sống đã chiếm trọn con người nàng rồi.  Nàng dùng trực giác nhạy bén để thấu cảm sâu xa sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa tình yêu.  Bước vào thế giới Thiên Chúa, nàng quên hết những thực tại trần gian, kể cả tương quan gia đình.  Ðó là lý do tại sao nàng trở thành khó hiểu đối với Martha.  Thánh Nữ Têrêsa Avila giải thích : “Khi bất ngờ cảm thấy Thiên Chúa hiện diện, tôi có thể chắc chắn Người đang ngự trong tôi hay tôi hoàn toàn chìm ngập trong Người.”[ii]   Rõ ràng kinh nghiệm này đã minh họa lời Chúa khẳng định với Martha về điều cần thiết duy nhất.  Ðiều cần thiết duy nhất đó là bản tính Thiên Chúa.   Chính vì muốn chúng ta tham dự vào bản tính Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm trong lòng Trinh Nữ Maria để hiện diện giữa chúng ta.   Người đã phải hy sinh trên Thánh giá và lưu lại trong Bí tích Thánh Thể để gặp gỡ chúng ta hằng ngày. 

CƠ HỘI BẰNG VÀNG

Không một cuộc gặp gỡ đích thực nào với Chúa không đưa con người nhập cuộc với anh em.   Qua gương Martha và Maria, Chúa Giêsu đòi chúng ta phải học cách sống với Chúa trước khi hành động. 

Nhờ kinh nghiệm riêng Chúa Giêsu biết những nhu cầu cơ bản của con người. Do truyền thống hiếu khách, Martha đã quảng đại đáp ứng nhu cầu đó đúng lúc. Tuy nhiên, Chúa cũng biết con người còn có một nhu cầu sâu xa hơn mà thực phẩm, nhà cửa, sức khỏe không thể thỏa mãn được.  Nhu cầu đó là khát mong gặp gỡ con người.  Con người khát khao hiệp thông với tha nhân và xả thân cho anh em.  Khát vọng sâu xa nhất của con người phần nào được thỏa mãn trong tình bằng hữu giữa con người với nhau.  Cuối cùng, chỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa, con người mới thỏa lòng ước mong đó.  Thánh Augustine cầu nguyện : “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn chúng con khắc khoải bồn chồn cho tới khi nghỉ yên trong Chúa.” 

Làm sao hiểu được tấm lòng quảng đại của Martha bổ túc cho tâm hồn Maria ao ước đích thân gặp gỡ Chúa ?   Muốn trả lời vấn nạn này, chúng ta cần phải theo đường lối Chúa Giêsu.  Ðể diễn tả tình yêu, Chúa nuôi sống người đói khát, cứu chữa bệnh nhân và xua đuổi mọi loài ma quỷ.  Cũng thế, tình yêu chúng ta phải nhập thể trong bất cứ vấn đề gì để đáp ứng nhu cầu tha nhân.  Bởi vậy, những việc tốt chúng ta làm, như nấu nướng hay tranh đấu cho nhân quyền, trở thành một bí tích hay một dấu chỉ tình yêu hiến thân cho tha nhân một cách hữu hiệu. 

Ai cũng biết Chúa Giêsu đã nhập thể và nhập thế.  Nhưng hình như các môn đệ Chúa vẫn đang sống ngoài trần thế và chưa chịu nhập cuộc !   Nhìn vào các dinh thự, người ta thấy những bóng áo đỏ, tím, đen đang loay hoay với trò chơi chữ nghĩa và  những chương trình bác ái xã hội lớn nhỏ.  Chúa Giêsu không bao giờ nhập cuộc nửa vời như vậy.  Trái lại, Chúa trực diện với những người nắm quyền thời đó.  Nhiều lần Người thách đố và lên án những bất công của bọn Pharisêu, Hêrôđê và  quân thu thuế, dù  biết họ sẽ giết chết mình.  Có lẽ các quan chức GHVN còn ngại thò chân xuống đường để  dấn thân với mọi người tranh đấu cho công bình xã hội.  Có làm cả ngàn công cuộc bác ái cũng không bằng một lần tranh đấu chống lại bất công ! 

Phải nhìn sang Giáo hội Ðại Hàn (GHÐH) và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam  Thống Nhất (GHPGVNTN), GHCGVN mới thấy rõ mình đang ở vị trí nào !  

Chỉ trong vòng 200 năm từ ngày thành lập, GHÐH đã ghi đậm những thành tích tranh đấu cho công bình xã hội bằng máu và nước mắt.  Không phải chỉ tử vì đạo, nhưng còn vì con người nữa.  Bởi đấy, họ đã vượt xa GHVN dù có cả lịch sử dài 500 năm.

Ngay trên mảnh đất quê hương, GHVN và GHPGVNTN đang sống giữa lòng dân tộc.  Mặc dù bản chất là một đạo xuất thế, GHPGVNTN đã nhập thế hơn cả đạo nhập thể của GHVN.  GHVN có lẽ chỉ sống với quá khứ hào hùng của cha ông tử đạo, chứ chưa dám dấn thân như cha ông.  Ðó là lý do tại sao GHVN đã đánh mất một cơ hội rất lớn trong biến cố Dân Oan Khiếu Kiện từ 22/6 đến 18/7/2007.  Tại sao không thấy một bóng áo đỏ, áo tím hay áo đen nào xuất hiện giữa đoàn biểu tình tại tòa nhà Quốc Hội 2 ở Sài gòn, ngoài những bóng áo nâu ?  Khi áo đen, tím, đỏ đứng cạnh các bóng áo nâu, vàng trong các nghi lễ  hay hội nghị của nhà nước, có bị mang tiếng “a dua” không ?  Trong vụ án lm Nguyễn Văn Lý, các giám mục đã vịn cớ cá nhân cha ấy để biện hộ cho thái độ bất can thiệp của mình.  Còn trong biến cố Dân Oan Khiếu Kiện đó, các ngài sẽ lấy gì bào chữa ?  Không lên tiếng và không nhập cuộc có thể trở thành phản chứng rất lớn.

Không phải vì GHPGVNTN đã quen tranh đấu, nên có làm thêm một lần này cũng không sao.  Không !  Mỗi lần hành động đều đòi những quyết định rất khó khăn trước khi dấn thân.  Cho hay tiếng gọi lương tâm và công lý mới là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt con người và tập thể ! 

Ngày 17/7/2007 vừa qua, Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã hướng dẫn phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo VNTN (lần thứ 2) tổng cộng 6 người tới ủy lạo và trợ giúp dân oan 300 triệu đồng (18.700 đô-la) chia cho khoảng 1.500 dân oan thuộc 19 tỉnh và 9 quận Sài Gòn đang hiện diện.  Hòa Thượng đã "chia sẻ nỗi thống khổ, tủi nhục của đồng bào." Muôn đời nhớ mãi hình ảnh Hòa Thượng oai hùng đứng trước thềm tòa nhà quốc hội 2 và giọng nói dõng dạc tuyên bố ngay trong lòng chế độ độc tài : "Ngoài cái trước mắt là vấn đề đòi lại công lý, là tài sản trả lại cho đồng bào. Nhưng sau đó phải đòi lại nhân quyền và dân chủ, tự do. Quan trọng nhất là tự do ngôn luận để người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình, quan điểm của mình đối với những tổ chức cai trị mình."[iii] 

Can đảm chưa !  Tại sao Chúa lại dùng một đạo xuất thế để dạy một bài học nhập thế cho GHVN nhỉ ?   Bao giờ GMVN làm được như thế ?!    Giáo dân đang đỏ mắt trông chờ !!!  GHVN đã bỏ lỡ một cơ hội rất lớn !

Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Phêrô cũng vì yêu mà đã lên tiếng can ngăn Chúa "đừng lên Giêrusalem" - Ai cũng biết Phêrô đã bị Chúa mắng nặng lời! Hôm nay đây, rất có thể trong chúng con cũng có nhiều người đang làm y như Phêrô can ngăn các Mục tử.  Xin Chúa cho GHVN  dấn thân theo Chúa "cho đến khi Chúa đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Chúa." (Mt 12:20-21).  Amen.

Cố LM Đỗ Văn Lực 22.07.2007

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hạt Châu Ngọc (96) (7/19/2010)
19 Tháng Bảy, Ðôi Cánh Thiên Thần (7/19/2010)
18 Tháng Bảy, Tình Yêu Mời Gọi (7/19/2010)
17 Tháng Bảy, Ðiều Quý Giá Nhất Trên Ðời (7/17/2010)
16 Tháng Bảy, Không Gì Ðẹp Bằng...! (7/17/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Cây Thước Kẻ (7/16/2010)
Gương Yêu Người (7/16/2010)
Tin/Bài khác
Satan Mi La Ai? (7/15/2010)
15 Tháng Bảy, Dây Chuyền Của Liên Ðới (7/15/2010)
14 Tháng Bảy, Tự Do Ðích Thực (7/14/2010)
13 Tháng Bảy, Niềm Vui Và Kho Tàng (7/13/2010)
12 Tháng Bảy, Những Niềm Vui Nhỏ (7/13/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768