THƯ CỦA THÁNH NỮ TERESA GỬI CHO LINH MỤC ROULLAND
Năm thánh linh mục đang kết thúc để đẩy các linh mục của Chúa vững bước hành trình trên nẻo đường hy vọng. Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả, cách riêng là anh em linh mục, 6 lá thư của Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu viết cho Cha Roulland và 11 lá thư cho một thầy đại chủng sinh, người mà sau khi Chị Thánh qua đời mới được thụ phong linh mục: Cha Bellière.
Dưới đây xin giới thiệu thư thứ tư Chị Thánh gởi cha Rolland, do ông Nôbertô Thái Văn Hiến dịch.
Lm Trăng Thập Tự
Thư 221: Gửi Cha Roulland
Giêsu V 19 tháng 3 năm 1897
Thưa người Anh Em quí mến,
Mẹ nhân lành chúng con vừa trao cho con những lá thư của Cha dù đang là mùa Chay (thời gian này ở Cát Minh người ta không viết thư). Mẹ muốn hôm nay cho phép con trả lời thư Cha, bởi chúng con e là bức thư trong tháng Mười Một đã lạc đến chân trời góc bể nào rồi chăng[1]. Các thư Cha viết vào tháng Chín đã có một chuyến vượt đại dương đầy may mắn và đã mang niềm vui sướng đến cho mẹ và người chị em nhỏ của Cha trong ngày lễ các Thánh Nam Nữ; riêng thư ngày 20 tháng Giêng đến với chúng con dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse. Bởi vì Cha làm theo cách của con để viết cả trên những dòng kẻ, nên con không muốn để mất thói quen tốt lành ấy tuy nó làm cho việc viết lách của con càng trở nên tệ hại, khó đọc hơn trước nhiều… Chao ôi! cứ thế này thì biết đến khi nào chúng ta mới không phải cần đến giấy mực để chia sẻ những ý tưởng của chúng ta nữa đây? Cha đã bỏ qua chuyến đi tham quan xứ sở tuyệt vời nơi người ta có thể làm cho nhau hiểu mà chẳng cần phải viết ra và thậm chí cả không cần nói ra[2]; với cả tâm tình, con xin cảm ơn Chúa nhân lành đã để Cha ở lại giữa chiến trường để, vì Ngài, Cha mang về nhiều chiến thắng; những đau khổ của chúng ta đã cứu được nhiều linh hồn. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Một hành vi yê mến nguyên tuyền [1vo] dù nhỏ nhất cũng hữu ích cho Hội Thánh hơn tất cả mọi công trình gộp lại[3].” Đã vậy thì biết bao gian khó và thử thách mà Cha phải chịu hẳn phải mang lại lợi ích cho Hội Thánh nhiều lắm, bởi chưng chỉ vì tình yêu duy nhất với Giêsu mà Cha đã chịu đựng tất cả môt cách hân hoan. Thật vậy, thưa người Anh Em kính mến, con không thể ái ngại gì về Cha cả, vì nơi Cha đang được thực hiện những lời này của Sách Gương Phước: “Khi các con nhận ra sự đau khổ là ngọt ngào và các con yêu mến nó vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu, ấy là lúc các con tìm gặp được Thiên Đàng trên thế gian này[4].” Thiên Đàng ấy, đúng là của nhà truyền giáo và của nữ tu Cát Minh; niềm vui sướng mà người thế gian tìm kiếm trong những lạc thú chỉ là một bóng đen chập chờn, còn niềm hân hoan của chúng ta, được tìm kiếm và hưởng nếm trong công việc và đau khổ, đúng là một hạnh phúc ngọt ngào, được hưởng nếm trước niềm hạnh phúc Thiên Đàng.
Thư của Cha, đượm thắm niềm vui tươi thánh thiện, đã gây cho con nhiều hứng thú, con đã theo gương Cha và đã phải bật cười do người đầu bếp của Cha mà con cho là đang làm “thủng nồi trôi rế” của anh ta… tấm danh thiếp[5] của Cha cũng làm cho con thích thú, ngay cả việc nên quay mặt nào để đọc con cũng không biết nữa là, con chẳng khắc nào một đứa trẻ muốn đọc nhưng lại cứ cầm ngược cuốn sách.
Nhưng trở lại chuyện anh đầu bếp của Cha, Cha có tin là đôi khi trong Dòng Cát Minh, chúng con cũng có những chuyện phiêu lưu thú vị không?
Dòng Cát Minh, cũng như Tứ Xuyên, là một xứ sở lạ lùng trên thế giới, ở đó người ta đánh mất tất cả những tập quán sơ đẳng nhất, sau đây là một thí dụ. Một người tử tế vừa mới đây có làm quà cho chúng con một con tôm hùm nhỏ được buộc chặt trong một chiếc sọt. Dĩ nhiên là đã lâu lắm rồi điều tuyệt diệu ấy không được nhìn thấy trong tu viện, tuy nhiên Soeur đầu bếp hiền lành của chúng con cũng được nhắc nhở là phải đặt con vật bé nhỏ ấy vào nồi nước để nấu chín; chị ấy vừa làm vừa than thở vì bị buộc phải dùng “bạo lực” đối với một thụ tạo vô tội. Thụ tạo vô tội có vẻ như mê ngủ kia cứ [2ro] mặc cho người ta muốn làm gì tuỳ ý: nhưng vừa khi cảm thấy nóng, sự hiền lành của nó chuyển ngay thành cơn giận dữ và biết là mình vô tội, nên chẳng cần phải xin phép ai cả, con vật búng ngay ra giữa nhà bếp, bởi chị lý hình tử tế chưa kịp đậy nắp vung. Soeur bếp đáng thương liền trang bị ngay chiếc kẹp và chạy đuổi chú tôm hùm còn đang búng mình tuyệt vọng. Cuộc vật lộn kéo dài khá lâu, cuối cùng trận chiến cũng kết thúc, chị bếp, chiếc kẹp vẫn giữ trên tay, vừa khóc tức tửi vừa tìm đến Mẹ bề trên và tuyên bố với Mẹ là chú tôm hùm kia bị quỉ ám. Vẻ mặt của chị còn đầy thuyết phục hơn cả những lời của chị ấy nữa. (Con vật nhỏ bé đáng thương, vừa mới đó, hết sức hiền lành, hết sức vô tội, đùng một cái đã bị quỉ ám! Quả là chớ nên tin vào những lời ca tụng của loài thụ tạo!) Mẹ Đáng Kính không nín được cười khi nghe những tuyên bố của vị thẩm phán nghiêm khắc đòi hỏi công lý, liền đi ngay đến nhà bếp, nắm lấy chú tôm hùm, vốn không khấn giữ đức vâng lời, cho nên có vài phản ứng, rồi nhốt chú lại vào nhà tù và đi ra khỏi nhà bếp nhưng không quên đóng chặt cửa, nghĩa là đậy nắp vung lại. Buổi tối trong nhà chơi, cả cộng đoàn cười đến chảy nước mắt vì chú tôm hùm bị quỉ ám và sáng hôm sau mỗi người đều có thể nhâm nhi một miếng. Ngài muốn thết đãi chúng con cũng đã đạt được mục đích của mình, bởi vì chú tôm hùm ngon lành hay nói đúng hơn là câu chuyện về nó sẽ còn được dùng để làm cho chúng con có thêm các bữa tiệc vui khác nữa, không phải tại phòng ăn, mà là ở nhà chơi kia. Câu chuyện ngắn con kể có thể không làm Cha thích thú lắm, nhưng con có thể cam đoan với Cha là nếu chứng kiến cảnh đã xảy ra thì Cha sẽ không thể giữ mình nghiêm trang được… cuối cùng, thưa người Anh Em kính mến, nếu con có làm Cha phát chán, thì xin hãy tha thứ cho con, giờ thì con sẽ nói nghiêm túc hơn (trong một lá thư của con mà có thể là Cha đã không nhận được, con có cảm ơn Cha về cuốn sách Cuộc đời Cha Nempon). Giữa nhiều cuộc đời khác, mà con đã đọc, [2vo] cuộc đời Théophane Vénard[6] khiến con hứng thú và xúc động đến nỗi không biết nói sao hơn; qua cảm nghĩ ấy, con có biên soạn một vài đoản khúc riêng cho mình, nhưng con cũng gửi đến Cha[7], Mẹ nhân lành đã nói với con là Mẹ nghĩ rằng những câu thơ ấy sẽ làm hài lòng người anh em của con ở Tứ Xuyên. Đoạn áp chót cần phải có một vài giải thích: con thật hạnh phúc khi nói là con sẽ đi Đông Dương nếu Chúa nhân lành rủ lòng gọi con. Có lẽ việc đó khiến Cha phải ngạc nhiên, có phải là mơ mộng không khi một nữ tu Cát Minh nghĩ đến chuyện đi Đông Dương? Chẳng sao cả! đó không phải là mơ mộng, thậm chí con còn có thể đoan chắc với Cha là nếu Giêsu không sớm đến tìm con để về Cát Minh Thiên Đàng, thì sẽ có ngày con đến Hà Nội, bởi hiện nay đang có một nhà Cát Minh ở tại thành phố ấy, do chính nhà Cát Minh Sài Gòn vừa mới thành lập. Cha đã đến thăm Sài Gòn và Cha cũng biết là ở miền Bắc Việt Nam (Cochinchin) một dòng tu như chúng con không thể được nâng đỡ nếu không có các hạt nhân người Pháp; nhưng hỡi ôi! ơn gọi thật quá hiếm hoi và thường thì các bề trên không muốn để cho ra đi những nữ tu mà các ngài tin là có khả năng phục vụ cho chính cộng đoàn của mình. Vì thế mà, thuở còn xuân sắc, Mẹ nhân lành của chúng con đã bị ngăn cản bởi ý bề trên không cho đến Sài Gòn để đỡ đần cho nhà dòng ở đấy, không phải là con than phiền, mà con cảm ơn Chúa nhân lành đã linh hứng đúng đắn cho những đại diện của Ngài, nhưng con nhớ là những mong muốn của các mẹ đôi khi lại được thực hiện nơi những con cái[8] và con sẽ chẳng ngạc nhiên khi đi lệch hướng trong việc cầu nguyện và đau khổ như Mẹ đáng kính của chúng con đã tưng muốn làm như thế… tuy nhiên phải thú nhận là những tin tức mà người ta từ Đông Dương gửi về cho chúng con không làm chúng con an tâm: cuối năm ngoái, kẻ trộm đã vào tu viện đáng thương, đột nhập vào phòng mẹ bề trên mà mẹ không hay biết, sáng hôm sau mẹ bắt gặp chiếc thánh giá của mình nằm bên cạnh (vào ban đêm, tượng thánh giá của nữ tu Cát Minh luôn được đặt phía trên đầu nằm, liền bên gối kê), một chiêc tủ nhỏ đựng quần áo đã bị nạy tung và số tiền ít ỏi là tất cả vốn liếng vật chất của Cộng Đoàn đã không cánh mà bay. Các nhà Cát Minh ở Pháp, [3ro] xúc động vì sự mất mát của nhà Hà Nội đã gom góp giúp xây dựng một tường thành khá cao để ngăn không cho kẻ trộm vào tu viện.
Có thể Cha cũng muốn biết Mẹ Đấng Kính nghĩ thế nào về ước ao đi Đông Dương của con, phải không? Mẹ tin tưởng ơn gọi của con (bởi vì, thực ra, mỗi nữ tu nói riêng và toàn thể Cát Minh đều phải cảm thấy mình được gọi không phải để đi xa xứ) nhưng Mẹ không tin là ơn gọi của con có thể được thực hiện, bởi vì bao gươm cũng phải chắc chắn như lưỡi gươm và có thể (theo Mẹ nghĩ) bao gươm sẽ bị ném xuống biển trước khi đến được Đông Dương. Quả là không đơn giản để có được sự đồng bộ giữa một thân thể và một tâm hồn! người anh em thân lừa khốn khổ này, như Thánh Phanxicô Khó Khăn gọi, thường hay cản trở và ngăn không cho người Chị Em quí phái lao mình đến những nơi như ý … Cuối cùng, con không muốn nói nặng nói nhẹ gì nó cả, cho dù nhiều khiếm khuyết, nhưng nó vẫn còn tốt cho một vài việc vì làm cho bạn đồng hành của nó và cho cả chính nó đạt đến Thiên Đàng và cũng đáng quí mến lắm.
Con không hề bận lòng về tương lai, con chỉ tin chắc là Chúa nhân lành sẽ thực hiện ý định của Ngài, đó là hồng ân duy nhất con ao ước. Đừng có “múa rìu qua mắt thợ”[9]… Giêsu không cần ai để thực hiện công việc của Ngi và Nếu Ngài chấp nhận con, thì hẳn là do lòng nhân hậu thuần nhất, nhưng nói thật với Cha, thưa người Anh Em quí mến, con nghĩ đúng hơn là Giêsu sẽ đối xử với con như con bé ù lì; con không muốn như vậy đâu, bởi con sẽ rất hạnh phúc khi được làm việc và chịu đau khổ lâu dài vì Ngài, con cũng xin Ngài hãy bằng lòng ở lại trong con, nghĩa là đừng để ý đến bất cứ ước ao nào của con cả, hoặc yêu mến Ngài bằng cách chịu đau khổ, hoặc đến làm cho người vui lòng trên Thiên Đàng. Con hết sức hy vọng, thưa người Anh Em quí mến, một khi con rời bỏ chốn lưu đày, Cha sẽ không quên lời hứa cầu nguyện cho con, Cha đã luôn đón nhận những kêu cầu của con với lòng nhân hậu vô cùng lớn lao đến nỗi con vẫn còn dám xin thêm một lần nữa đấy. Con không muốn Cha cầu xin Chúa nhân lành giải cứu con khỏi lửa luyện tội: Mẹ Thánh Têrêxa đã nói với các con cái của mình [3vo] khi họ muốn cầu nguyện cho Mẹ: “Bất kể tôi có phải ở luyện ngục cho đến ngày tận thế đi chăng nữa, miễn là bằng lời cầu nguyện mà tôi cứu được một linh hồn[10].” Lời ấy vang vọng trong tâm hồn con. Con ước ao cứu các linh hồn và quên mình đi vì họ; con muốn cứu họ ngay cả sau khi con chết, con cũng sung sướng như Cha khi đọc lên những lời cầu nguyện ngắn và sẽ mãi đọc lên: “Lạy Thiên Chúa của con, xin giúp cho người chị em của con làm cho Chúa được yêu mến hơn nữa.” Nếu Giêsu nhậm lời Cha cầu xin, con sẽ hết lòng biết ơn Cha… Cha xin con, thưa người Anh Em kính mến, chọn một trong hai tên Maria hoặc Têrêxa cho một trong những người con gái mà Cha sẽ rửa tội[11]; bởi người Trung Quốc chỉ muốn có một thánh bảo trợ thay vì là hai, nên phải chọn cho họ vị nào quyền uy nhất, vậy là Đức Trinh Nữ thắng thế . Sau này, khi Cha đã rửa tội cho nhiều con cái, Cha sẽ làm vui lòng người chị em (Cát Minh như con đây) của Cha bằng cách gọi tên hai người chị em hèn mọn Céline và Têrêxa, đó là những tên mà chúng con được gọi trên thế gian này. Céline, lớn hơn con gần bốn tuổi, đã đến hội ngộ với con sau khi vuốt mắt cho bố nhân lành của chúng con; người Chị yêu dấu ấy không biết những quan hệ thân tình giữa con với Cha, chúng con chỉ gặp mặt nhau tại nhà chơi và nói chuyện về nhà truyền giáo của Mẹ Đáng Kính[12] (tên mà Cha dùng khi đến thăm nhà Cát Minh Lisieux), cuối cùng chị ấy đã nói cho con biết chị ấy ước ao, nhờ Cha, cho tên Céline và Têrêxa được hồi sinh ở Trung Quốc.
Xin hãy bỏ lỗi cho con, thưa người Anh Em kính mến, vì những đòi hỏi và những lời quá huyên thuyên và xin hãy đoái thương chúc lành cho
Ngườ Chị Em bất xứng của Cha
Têrêxa Hài Đồng Giêsu Thánh Nhan
---- [1] nguyên văn = đã đi thăm đáy Sông Xanh rồi (ND)
[2] Trong thư ngày 20 tháng Giêng năm 1897, Cha Roulland kể về chuyến đi truyền giáo của mình như sau: “Như Chị, em cũng sẽ viết cả lên trên những dòng gạch để khỏi hao giấy, và được phép của Mẹ nhân lành, em sẽ nói với chị đôi lời về Tứ Xuyên ở Viễn Đông. Khi đến biên giới của thành phố ấy, em đã hát kinh Te Deum, dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì em là và những gì em có; em nhớ Mẹ Thánh Têrêxa có nói: hoặc chịu đau khổ hoặc chết; tại sao những lời ấy của Mẹ lại hiện lên trong tâm trí em, em đã có ngay một lời giải thích. Em sẽ nói chị biết và rồi chị cũng sẽ nghĩ như em thôi. Em đã dâng mình xong và phải đi ngủ: còn hai ngày nữa là chúng em sẽ xuống Kouy-Fou, nhà một thầy trợ sĩ. Sự khó chịu của em cứ tăng dần; người ta gọi thầy thuốc đông y đến, bởi người Âu ở đây chỉ có LM mà thôi; em nói là mình không thể tiếp tục cuộc hành trình được nữa; vậy là vĩnh biệt các bạn đồng hành. Mười ngày sau, cơn sốt bùng lên, sốt kịch liệt, một kiểu cống vật mà em phải cống nạp cho thời tiết. Suốt mười ngày em nói nhảm, nhưng có vẻ như tất cả những gì em nói ra chỉ là để làm người ta cười mà thôi. Ngài thầy thuốc thứ nhất bỏ rơi em; một người thứ hai, trước đây đã bị truy lùng vì đức tin, đến và kê cho em liều kí-nin tăng cường. Cơn sốt, vốn đã chuyển thành kinh niên nơi em, nếu tiếp diễn sẽ dễ dẫn đến tử vong, vậy mà lần này bắt đầu có vẻ đỡ hơn. Hôm nay em gần như khỏi hẳn. Sự việc là như thế đấy. Em kết luận: đó là nhờ những lời cầu nguyện của những ai quan tâm đến em và nhất là những lời cầu nguyện của chị mà em đã không phải hát bài Nunc Dimitis khi mới bước vào sứ vụ của mình. (…) Em đã nói với chị là đến Noel em sẽ dâng môt thánh lễ theo ý cầu nguyện của chị vậy mà lại phải liệt giường; em sẽ thực hiện lời hứa của mình sớm nhất nếu có thể.” (LC 173)
[3] Khúc Linh Ca, Giải thích khổ thơ XXIX.
[4] Sách Theo Gương Chúa Giêsu II, 12, 11; xem Carnet jaune 29,5.
[5] “Danh thiếp” bằng tiếng Trung Quốc.
[6] “Cuộc đời và Thư tín của J. Théophane Vénard. Việc đọc cuốn sách ấy bắt nguồn từ một trong “những tình bạn lớn” của Têrêxa. Từ đó mà có được một động viên thực sự đối với chị nữ tu Cát Minh đau yếu và đang chết dần; xem Carnet jaune 21/26.5.1
[7] Thơ Gửi Théophanie Vénard (PN 47. 02/02/1897).
[8] Xem Thủ bản C 9vo/10ro.
[9] Nguyên văn=bảo hoàng hơn cả đức vua (ND)
[10] Thánh Têrêxa Avila, ĐườngHoàn Thiện, ch. III.
[11] “Chị muốn một trong các con gái mà em sẽ rửa tội mang tên Marie (Ma ly ia) Têrêxa (Te le sa). Chị hãy chọn một trong hai tên ấy bởi người Trung Hoa chỉ mang một tên thôi.” (LC 173). Têrêxa đã viết ra mong muốn ấy của mình trong thư đề ngày 27 hoặc 28/7/1896, không còn được lưu giữ; xem TTTQ, tr. 874
[12] Xem Thư 189, ghi chú 4.
Tác giả: Nobertô Thái Văn Hiến (dịch)
|