SỐNG CẦU NGUYỆN
I . Cầu nguyện có cần đến phương pháp không ?
1 - Xin trả lời ngay rằng cầu nguyện là một ơn ban. Thánh nữ Jeanne de Chantal nói : "Phương pháp cầu nguyện hay nhất, là không có phương pháp nào, vì cầu nguyện đạt được không phải là do kỹ thuật, nhưng là do ân sủng". Chỉ có điều chúng ta đón nhận ân ban đó như thế nào thôi.
Những kỹ thuật cách thức dễ đưa người ta đến thao túng được theo như ý muốn. Nếu chỉ do kỹ thuật thôi thì ai khéo người đó đạt được, hóa ra chỉ tại do sức lực con người, chứ không phải do Chúa, thế nhưng thực tế lại trái ngược lại.
2 - Những phương pháp, những cách thức, những thao luyện cũng có thể giúp nhiều cho việc cầu nguyện, nhưng đừng cho chúng là quan trọng không có không được hoặc cứ phải dựa vào chúng.. Thánh Têrêsa quả quyết : "Tất cả toà nhà cầu nguyện được xây dựng trên căn bản khiêm nhường". "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (1Pr 5,5). Người khiêm nhường không coi sự cùng khốn của mình là một thảm trạng nhưng lại là dịp nhận ra tình yêu của Chúa đang cảm thông, đồng cảm đau thương với mình và đang hết lòng yêu thương âu yếm. Nhận ra thân phận con người, bởi trong kinh nguyện cộng đoàn người ta có thể cậy dựa trên những người khác. Ngược lại trong cô tịch và thinh lặng đối diện với Chúa, người ta cảm thấy mình cô độc không điểm tựa, trực diện với chính mình và sự nghèo khó của mình, vì thế theo khuynh hướng tự nhiên là chậy trốn thinh lặng "Phúc cho kẻ có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Sự khiêm nhường không bao giờ làm cho người ta ngã lòng, cha Libermann nói : "Chính sự ngã lòng làm hư mất các tâm hồn".
"Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn" (Lc 21,36 ; 18,1) và "Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh". (Mt 6,6).
Chính thái độ nội tâm và trạng thái của con tim là quan trọng.
II . Nói hay làm gì trong giờ cầu nguyện ?
Để trả lời câu hỏi này thật không dễ bởi mỗi tâm hồn rất khác biệt nhau. Khác biệt giữa các tâm hồn còn nhiều hơn khác biệt giữa các khuôn mặt. Liên hệ mỗi tâm hồn với Chúa là chuyện cá biệt, duy nhất, do đấy vấn đề cầu nguyện cũng thế. người ta không thể vạch một con đường chung, có giá trị cho mọi người. Làm thế là thiếu tôn trọn đối với tự do và sự khác biệt của các hành trình thiêng liêng. Dưới tác động và trong tự do của Thánh Linh, mỗi người tự khám phá ra con đường nào Chúa dẫn đưa mình đi.
Tiếp đến cần biết là đời sống cầu nguyện có những bước thăng trầm, có những chặng đường, có những giai đoạn. Nhưng mọi chuyện đều có giá trị của nó, dù sốt sắng hay khô khan. Nó cho chúng ta những kinh nghiệm trong việc cầu nguyện để biết chúng ta còn đang ở đầu đường hay Chúa đã đưa chúng ta vào một trạng thái đặc biệt, hoặc nói theo kiểu của thánh Têrêsa Avila là trong những "nơi ở" nào đó. Đôi khi phải hành động, đôi lúc chỉ nên đón nhận. Đôi khi phải ngơi nghỉ, đôi lúc phải chiến đấu.
Cuối cùng, việc khó trình bày những diễn biến trong cầu nguyện, và thường điều đó vượt ngoài ý thức sáng tỏ của người cầu nguyện. Đó là những thực tại thân mật, bí nhiệm, mà ngôn ngữ nhân loại không thể diễn tả hoàn toàn ra được. Thường người ta vẫn bị bế tắc để diễn tả chiều sâu bên trong, người ta chỉ trình bày kinh nghiệm của họ hoặc nhận định nơi người đã tâm sự trao đổi với họ một cách nào đó thôi. Tất cả những điều họ nói lên rất hạn hẹp so với sự khác biệt và phong phú.
III . Lưu ý hai nguyên tắc sau :
A. Nguyên tắc thứ nhất : đơn giản nhưng quan trọng bởi vì trong cầu nguyện, không phải là những gì chúng ta làm được nhưng là những gì Chúa làm trong chúng ta trong giờ này. Đừng lo sợ thấy mình trơ trơ ra đó. Tác động chính yếu của cầu nguyện hệ tại là đi vào và sống hiện diện trước Nhan Thánh Chúa. Con tắc kè leo lên ngọn cây nhờ ánh nắng, sức nóng của mặt trời làm biến đổi mầu ; người ta không thể phơi nắng mà không bị sạm đen, miễn là người ta phải ở đó bất động và hướng đúng về mặt trời... Trước Chúa Giêsu Thánh Thể sức nóng, ánh sáng, tình yêu... sẽ làm "tảng băng" tan chảy. Trong một trạng thái sâu thẳm của con tim, luôn sẵn sàng tín cẩn phó thác, như thế ta không cần phải làm gì hơn nữa. Đừng thẩm định lòng mình để xem được những gì trong giờ cầu nguyện như có nhiều tư tưởng, nhiều tâm tình hay, cảm giác lâng lâng... rồi bấm bút mở sách viết ào ào (có lạm dụng không ?). Mặc dù có những thời gian dài coi như vô tích sự nhưng Chúa thường tác động rất bí nhiệm và vô hình trong tâm hồn chúng ta và phải một thời gian sau ta mới thấy có kết quả.
Chị Têrêsa vào dòng còn quá trẻ, sức ngủ còn cần nên những giờ cầu nguyện chị hay ngủ gật nhưng chị đã không nản lòng : "Em nghĩ rằng các trẻ nhỏ cũng làm cho cha mẹ hài lòng khi chúng ngủ cũng như khi chúng thức ; em nghĩ rằng để giải phẫu, các bác sĩ phải làm cho bệnh nhân ngủ mê đi. Và cuối cùng em nghĩ rằng Chúa thấy sự yếu đuối của chúng ta, và Ngài nhớ ra chúng ta chỉ là bụi đất".
Thánh Phanxicô đệ Salê đã cầu nguyện như thế này : "Lậy Chúa, con chỉ là củi khô : xin Chúa hãy châm lửa".
B. Nguyên tắc thứ hai : ưu tiên của tình yêu trên mọi sự khác. Thánh Têrêsa Avila nói : "Trong cầu nguyện, điều quan trọng không phải là nghĩ nhiều, nhưng là yêu nhiều". Vì thế, khi bị chia trí lo ra, không nghĩ được gì, không suy niệm được gì, không cảm thấy gì, nhưng người ta luôn luôn có thể yêu. Dâng lên Chúa sự nghèo nàn của mình. Tình yêu là vua. Thánh Têrêsa nhỏ thích trưng dẫn lời Thánh Gioan Thánh Giá : "Tình yêu luôn biết lợi dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ". Nhiệm vụ chính của cầu nguyện là yêu mến, yêu mến tức là để cho mình được yêu. Đừng nghi ngờ nhé. Thánh Gioan tông đồ viết : "Tình yêu hệ tại ở điều này, là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu mến chúng ta trước" (1Ga 4,10). Trong sự nghèo hèn của chúng ta, như chúng ta là, không liên quan gì đến những công trạng, những nhân đức của chúng ta.
Chúa không đợi chờ những việc làm, những hoạt động, những sản phẩm việc lành của chúng ta. Bởi chúng ta luôn là kẻ vô tích sự, đấy tớ vô dụng, nữ tỳ hèn mọn. Thánh Têrêsa Hài đồng nói : "Thiên Chúa chẳng cần đến việc làm của chúng ta, nhưng Ngài khát tình yêu của chúng ta". Nếu chúng ta để Chúa yêu mến chúng ta, chính Ngài sẽ thực hiện điều lành trong chúng ta và cho chúng ta chu toàn : "Các việc lành Thiên Chúa đã dự liệu từ trước để chúng ta thực hiện" (Êphêsô 2,10)
IV . Hai điều cần thiết cho đời sống cầu nguyện.
A/ Trung thành và kiên tâm.
Người hay thay đổi, mau nóng chóng nguội. Luôn có những lý do để thoái thác, để trốn tránh... Vì thế, bước vào đời sống cầu nguyện điều nhắm tới là kiên trì và trung thành. "Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa mầu quý giá : họ phải đợi mưa đầu mùa, lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy..." (Giacôbê 5,7-8), "Người bạn quấy rầy" (Lc 11,5-8) Thánh Têrêsa nhấn mạnh : "Bây giờ, để trở lại vấn đề những người muốn theo con đường này tới cùng, không trì hoãn, con đường đến uống nước hằng sống, tôi lập lại rằng những bước đầu thật rất quan trọng ; tất cả đều hệ tại sự quyết chí vững chắc, không ngừng nghỉ cho tới khi đạt được, với bât cứ giá nào, dù phải thế nào đi chăng nữa miễn là đạt được, ngay cả phải chết trên đường hoặc thiếu can đảm trước những thử thách của cuộc hành trình, dù thế giới có sụp đổ" (Đường trọn lành, chương 21).
B/ Ý ngay lành.
Cầu nguyện không phải để lấy điểm, để người khác sít soa nên không giả dối, không đóng kịch mà chỉ có tấm lòng thành thật đến với Chúa, còn lòng trí ra sao không quan trọng.
"Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8), ở đây không phải là không bao giờ phạm tội, không có điều gì phải tự trách mà là sự chân thành, không phải là để đẹp lòng mình mà kiếm tìm ý Chúa. Tình yêu chân thật được gọi là tinh sạch là không vụ lợi, nhưng có mục đích duy nhất là cho người mình yêu được vui.
Bước đầu đời sống thiêng liêng không thể có ngay được ý ngay lành nhưng chúng ta cố gắng ý thức vươn tới và thực hiện bao nhiêu có thể trong những khi cảm thấy khô khan nguội lạnh là những lúc cần thực hiện nhất. Yêu chỉ vì yêu chấm hết. Mỗi người có một lộ trình thiêng liêng riêng, lúc ban đầu có thể tìm kiếm mình trong khi tìm kiếm Chúa, điều đó không hệ trọng, nếu chúng ta không ngừng mong muốn khát khao yêu mến Chúa bằng một tình yêu thuần khiết hơn. Con người làm đẹp lòng Chúa, trước hết không phải vì các nhân đức, các công trạng, người ta không thể leo lên trời bằng những bậc thang nhân đức của mình, nhưng là tin cậy vào lòng xót thương vô biên của Chúa.
V . Nền tảng của Cầu nguyện.
Ý hướng đầu tiên và căn bản nhất là có một thái độ tin tưởng.
a/ Tin Chúa hiện diện. Bao năm thuộc nằm lòng câu giáo lý : hỏi Chúa ở đâu ? Thưa ở khắp mọi nơi trên giời dưới đất cùng hỏa ngục nữa. Khi bắt đầu nguyện là ý thức ai đang ở trước mặt tôi nên càng ngồi sát chân Chúa Giêsu Thánh Thể càng làm cho tôi ý thức được chuyện đó. Dù chia trí, khô khan, nguội lạnh, hoài nghi... Bắt đầu rồi lại bắt đầu, bắt đầu đi rồi lại bắt đầu lại. Tin hay không tin thì Chúa vẫn đang âu yếm hiện diện ở đó. "Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi, đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài" (Ga 6,37), chứ không lo suy nghĩ hay, tìm tư tưởng đẹp, tâm tình cảm sốt...
b/ Tin rằng tất cả mọi người được mời gọi gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện và Chúa ban đủ ơn cần thiết để có thể cầu nguyện. Người không có cục cưng riêng, ai cũng là cục cưng ráo trọi, tất cả đẹp xấu, giầu nghèo, dốt đặc cán mai hay giỏi giang thông thái, làm được chuyện lớn hay chỉ những việc lặt vặt...
c/ Tin vào sự phong phú của đời sống cầu nguyện. Sẽ làm cho đời sống tình yêu thăng hoa nẩy nở, phong phú, dồi dào về sức mạnh về sự can đảm ; tính nhậy bén trước con người, thời cuộc, biến cố ; thống nhất cuộc sống... "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho" (Lc 11, 9-10)
VI . Nhận định một số vấn đề :
a/ Không cầu nguyện không có thánh thiện.
Thánh Gioan nói : "Ai chậy trốn cầu nguyện là chậy trốn một cái gì quý báu". Chúa Giêsu cầu nguyện, các thánh cầu nguyện. Chứng từ của các Thánh cho ta biết không cầu nguyện không thăng tiến trong đường thiêng liêng : người ta có thể trải qua những giây phút hết sức sốt sắng, khóc lóc ăn năn tội om sòm, lãnh nhân vô vàn ơn thánh qua các Bí tích nhưng nếu không trung thành cầu nguyện, cuộc sống luôn dẫm chân tại chỗ. Không có những giây phút thinh lặng chúng ta không biết chúng ta ăn ai, nhận lãnh điều gì. Các Bí tích dĩ nhiên là ban ơn thánh, nhưng phần lớn bị "cằn cỗi" vì không gặp được "đất tốt". Chúng ta thấy có nhiều người vẫn rước lễ thường ngày, đọc kinh lần chuỗi dài cả cây số mà sao cuộc sống không thánh hơn tí nào.. Thánh Thể không mang lại hiệu quả chữa trị nội tâm, hiệu quả thánh hóa mà lẽ ra phải có, vì đã không được đón nhận trong một bầu khí tin, yêu, tôn thờ, niềm nở sâu xa. Bầu khí này chỉ có thể do trung thành cầu nguyện tạo ra được. Đối với các bí tích khác cũng thế.
Dù một người ngoan đạo và hết mình dấn thân nhưng không thường xuyên cầu nguyện thì họ sẽ cảm thấy vẫn thiêu thiếu một cái gì đó cho sự phát triển, thăng hoa về cuộc sống thiêng liêng. Họ sẽ không tìm được gặp được cuộc sống an bình nội tại, luôn bị lo âu quá đáng dầy vò, luôn vướng mắc những gì quá là "người" trong những việc làm : ý riêng, hám danh, tham vọng, nhỏ mọn trong những xét đoán..... Không cầu nguyện, người ta sẽ dừng lại ở sự khôn khéo, thận trọng hoàn toàn con người, mà không tiến tới được một tự do thật của nội tâm.
Có trường hợp một người chớm có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa các hết sức kỳ diệu, sốt nóng. Nhưng rồi vài ba tháng sau hoặc vài năm sau, họ cạn kiệt hết, đánh mất sinh lực thiêng liêng, tại sao ? Bởi vì Thiên Chúa bỏ rơi họ chăng ? Thưa không "vì ơn đã ban, Thiên Chúa không hề hối tiếc" (Rom 11,29). Vì người ta đã không biết luôn mãi mở rộng đón nhận ơn Ngài để sống canh tân bằng một cuộc sống cầu nguyện.
b/ Không có giờ.
Đúng thế, cuộc sống hôm nay phải chậy đua với thời gian, với những nhu cầu sống con người, đó là một khó khăn thực tế. nhưng có biết được cái gì quan trọng, cần thiết, đáng kể trong cuộc sống quay cuồng này. Cha Descouvemont hài ước như sau : "không ai thấy có người chết đói vì họ thiếu giờ để ăn. Người ta luôn tìm ra giờ, đúng hơn là luôn có giờ để làm điều mà người ta cho là chuyện sống còn". Chúng ta cần thẩm định nấc thang những giá trị trong đời chúng ta, cái gì cần ưu tiên.
Thời đại chúng ta, có nhiều thảm họa : trong cộng đoàn, trong gia đình... là vì không có giờ dành cho nhau.
Nếu mỗi người trong chúng ta xác tín giờ dành cho Chúa là quan trọng nhất, bài học cần thiết nhất, Đức Kitô thầy dậy tốt nhất, giờ có giá trị nhất... thì thế giới này, đất nước này, cộng đoàn này, gia đình này, cá nhân này đã đổi thay.
c/ Giờ dành cho Chúa không phải là giờ dư thừa, giờ cuối ngày... bởi sau khi đã mệt phờ cho những công việc... thì chúng ta ngủ gật, lo ra, chia trí chẳng có gì là lạ. Nhưng nếu dành những giờ tốt nhất, tỉnh táo nhất, khỏe khoắn nhất, ưu tiên nhất mà đến với Chúa và cười khì khì... thì thấy sự "giác ngộ" ngay bên.
Chính sự trung thành hiện diện với Chúa sẽ đảm bảo khả năng hiện diện của chúng ta với người khác và để có thể yêu mến họ thật. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rõ, chính những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn có tình yêu tế nhị nhất, vô vị lợi nhất, lưu tâm nhất, nhậy cảm trước nỗi khổ đau của người nhất, biết an ủi và nâng đỡ người nhất.
d/ Cầu nguyện trong khi làm việc có đủ không ?
Có người được Chúa ban ơn sống kết hiệp mật thiết với Chúa ngay trong những hoạt động, và không cần gì khác thêm để sống đời cầu nguyện, vì họ không làm cách nào khác được. Nhưng vào thực tế, kết hiệp mật thiết với Chúa vào những công chuyện bận rộn chẳng phải dễ dàng tí nào. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là để hết tâm trí cuốn hút vào công việc mình làm hoặc vừa làm vừa nghĩ đến những chuyện mơ mộng thần tiên tận đẩu đâu. Nếu chúng ta không có những giây phút cô tịch thinh lặng hoàn toàn, không làm gì cả để sống một mình với Chúa thì chúng ta cũng khó lòng nhớ đến sự hiện diện của Chúa trong những công việc mình làm. Người chồng, người vợ, hoặc những đứa con bận rộn lo làm ăn mưu toan tính toán suốt ngày không có thì giờ rảnh rang nghĩ đến chồng, vợ, con thì thử hỏi gia đình đó ra làm sao ?
Nếu chúng ta chịu mất thì giờ với Chúa thì Chúa sẽ lo liệu những công việc của chúng ta hơn chính chúng ta.
đ/ Cái bẫy thành thật.
Tôi chỉ cầu nguyện khi muốn và lúc nào thấy cần, thấy sốt sắng ; còn nếu không tôi sẽ thấy mình giả tạo, cưỡng ép, thiếu chân thành và thành một hình thức đạo đức giả....
Đây chính là đức tin hướng dẫn chúng ta chứ không phải trạng thái chủ quan, sở thích lòng mình "Anh em hãy cầu nguyện liên lỉ" (Lc 18,1). Chúng ta khiếm tốn nhìn nhận con người chúng ta hay thay đổi, chủ quan nông cạn hời hợt, thời tiết, tính khí... (Đừng sa chước... cảm giác)
Người có tình yêu thì không tính toán càng gần (gần sít sìn sịt) càng lâu càng khoái... Đứa bé không nói với mẹ nó là lâ lâu con thích thì con hôn mẹ còn không thì thôi được không ?
e/ Khiêm nhường giả.
"Tôi thật bất xứng đến trước mặt Chúa khi tôi không thể dâng cho Ngài tất cả, đó quả là nhạo báng Ngài, thà là tôi ngừng cầu nguyện.." Têrêsa gọi đó là cám dỗ "khiêm nhường" giả. "Tôi đầy tính hư tật xấu, tôi không tiến được, tôi không thể cải hóa và yêu mến Chúa cách đúng đắn được, đến với Chúa với tâm trạng này quả là giả hình, tôi làm như thánh sống trong khi tôi chẳng hơn gì những người không cầu nguyện. Bỏ tất cả sẽ thành thật với Chúa nhiều hơn" !
"Người khẻo mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần... Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi " (Mt 9, 12-13).
Với một tình yêu mà bản chất của tình yêu là nhưng không, vô điều kiện và luôn đi bước trước thì không cần bận tâm bất xứng hay không bất xứng.
Chị thánh Têrêsa nhỏ : "Điều xúc phạm đến Chúa, điều làm đau lòng Ngài là thiếu cậy tin".
VII . Tâm trạng khi thực hành sống cầu nguyện.
Việc cầu nguyện như tự nguồn chẩy ra bởi có sự thông hiệp mật thiết âu yếm với với Chúa và như thế không cần thắc mắc phải làm gì trong giờ cầu nguyện. Thánh Têrêsa Avila, cầu nguyện là "chuyện trao đổi mật thiết thân tình, và thường người ta tâm sự riêng tư một mình với Thiên Chúa, thâm tín rằng Chúa yêu mến mình" (Tự thuyật,ch. 8). Khi hai người yêu nhau tha thiết, thì họ không cần phải lo nghĩ làm gì nói gì trong giờ họ gặp nhau... Chỉ cần ở bên nhau thì hạnh phúc lắm rồi.
1/ Có trường hợp của người mới được cảm nhận Tình Yêu, họ hết sức phấn khởi, hết sức sốt mến bốc cháy vì mới khám phá ra Tình yêu, đầy vui sướng và hạnh phúc. Vâng họ cứ vui hưởng những giây phút ân sủng này, và cảm tạ hồng ân Chúa ban, nhưng cần thiết là phải khiêm tốn và đừng tưởng mình đã là thánh đến nơi rồi. Bởi vì những ơn của cái thuở ban đầu này không xóa bỏ ngay được những tính hư tật xấu và những bất toàn mà mới chỉ được che đậy đi thôi. Rồi một ngày nào đó sẽ thấy sự sốt sắng ban đầu phai nhạt dần, những bất toàn chui ra nổi dậy một cách vũ bão, Lúc này họ cần phải kiên trì và biết lợi dụng kiên trì nuôi dưỡng thời gian hồng phúc trước đó.
2/ Có người chẳng hiểu làm sao mình làm được như vậy. Đó là trường hợp ảnh hưởng của Chúa trên người cầu nguyện mạnh đến độ người này không thể kháng cự và cũng không tự mình làm được gì nữa : sức lực của họ như bị cột giữ, họ chỉ có thể phục tùng và ưng nhận sự hiện diện của Chúa chiếm ngự trọn vẹn con người của họ. Họ chỉ biết xin vâng ; tuy nhiên nên bầy tỏ với một cha linh hồn để bảo đảm sự chân thực của ơn thánh mà họ lãnh nhận, vì lúc này họ không ở trên những con đường chung của mọi người.
3/ Có người sau một thời gian đã thực hành cầu nguyện cách "tích cực", có nghĩa là họ đã khát khao tha thiết trong việc suy nghĩ, suy niệm, ghiền gẫm... để tìm gặp gỡ Chúa, đôi lúc không biết mình đúng hay sai với con đường mình đang mạo hiểm phiêu lưu bước đi, có thể có những ghi ngờ, nhưng dù sao thì cũng không thể làm cách nào khác...
Một ngày nào đó cách thế cầu nguyện sẽ có biến dạng, thấy mình hướng chiều về sự bất động trước Thánh Nhan Chúa. Không làm gì, không nói gì, nhưng trong một thái độ an tĩnh yêu thương qui hướng về Chúa. Sự qui hướng yêu thương này phát sinh từ con tim hơn là từ trí óc.
4/ Một câu hỏi thường được đặt ra : Đó là trường hợp người có thiện chí, ý thức tầm quan trọng, luôn trung thành cầu nguyện, nhưng vẫn không hoặc chưa được tình yêu Chúa đốt nóng, chưa nhận được ơn cầu nguyện tích cực. Vậy tại nguyên do gì ?
Không thể trả lời bằng cách này, hay hình thức kia, nhưng là lưu ý đến bầu khí, hay là trạng thái tâm hồn cần phải có khi vào cầu nguyện. Chính bầu khí giúp họ kiên trì và làm cho giờ cầu nguyện được phong phú. Một bầu khí ồn ào náo động hoặc trong một nhà thờ rộng mênh mông trống trải thì khó có thể tập trung được. Cần được người có kinh nghiệm cầu nguyện nâng đỡ, tiếp sức và tạo dịp đồng hành vào những trung tâm tĩnh tâm.
|