Chúa Ba Ngôi
“Chúc tụng Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
Vì Chúa đã tỏ
lòng từ bi đối với chúng ta”.
Đó là mở đầu thánh lễ mừng kính Chúa Ba
Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải
thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có Ba
Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về
mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất
nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng cả khi mạc khải cho các
môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu
cũng đã không giải thích tại sao Thiên Chúa duy nhất
mà lại có Ba Ngôi.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất
là trong bài diễn văn từ biệt dài trong bữa Tiệc
Ly về sự hiện diện và tác động của từng
ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan
hiệp nhất giữa Ba Ngôi mà không giải thích lý do tại
sao. Các tông đồ lúc đó cũng đã không thắc mắc
tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến, chấp
nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân
thành.
“Ta và Cha Ta, Chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữ giới
răn Ta truyền thì Chúng ta sẽ đến ngự trong
người đó”. Trong Phúc âm thánh Gioan được dùng
trong thánh lễ kính Chúa Trời Ba Ngôi là những lời của
Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên
Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mạc khải cho
các môn đệ như sau: “Thầy còn nhiều điều
phải nói với các con, nhưng bây giờ chúng con không thể
lĩnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến,
Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự
thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người
nghe gì thì sẽ nói như vậy và Người sẽ dạy
bảo các con biết những việc tương lai. Người
sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người đã lãnh nhận
từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả
những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy
đã nói là Người sẽ lãnh nhận nơi Thầy mà
loan truyền cho các con”.
Đó là những lời trích từ bài diễn văn dài
được ghi lại nơi ba chương của Phúc
âm thánh Gioan, từ chương XIV-XVI, trong đó mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu nhắc đến mà
không giải thích cho các tông đồ. Vấn đề quan
trọng nhất không phải là biết hết tất cả
mọi sự về Thiên Chúa mà là sống mầu nhiệm
Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy
có thể đạt được phần nào về Thiên
Chúa nhưng không thể nào biết trọn được
cả.
Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân
suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một
lời dạy cho chúng ta ngày nay. Trí khôn con người hữu
hạn làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô
cùng, nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn
đem nước của đại dương mênh mông mà
đổ vào trong một lỗ nhỏ như trò đùa của
em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển.
“Thầy con nhiều điều phải nói với chúng
con, nhưng bây giờ chúng con không thể lĩnh hội
được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ
dạy chúng con biết tất cả sự thật, Ngài sẽ
đưa các con vào trong trọn cả sự thật”. Mỗi
ngày chúng ta cần lớn lên trong tương quan với
Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng,
hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm
bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một sự khám phá vô
cùng và mãi không bao giờ ngừng, cả cho đến khi
chúng ta được đối diện với Thiên Chúa
trong cõi đời đời.
Mỗi ngày chúng ta càng được hướng dẫn
hay để cho mình được hướng dẫn tiến
sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng
trưởng thành trong đức tin, đức cậy và
đức mến, càng được thần thiêng hóa trở
nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị
em xung quanh như chính Thiên Chúa muốn.
Càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm
Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết
hiệp thân tình với Thiên Chúa thì chúng ta càng có tâm hồn quảng
đại, mở rộng đón nhận anh chị em xung
quanh và phục vụ họ trong mọi hoàn cảnh cụ
thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của
những vị thánh mà không chứng minh hay giải thích nào của
lý trí có thể đủ sức trình bày.