CHA CỤ THẦY BÀ!
Tiếng nói từ con tim yêu mến Giáo Hội.
Trần Mỹ Duyệt
“Cha cụ thầy bà, nghĩ tới mà thấy chán! Không ra làm sao cả!” Ðấy là tâm trạng chung của phần lớn các tín hữu mỗi khi nghe đến những chuyện buồn liên quan đến hàng ngũ tu hành, mà điển hình nhất là vấn đề lạm dụng tình dục. Cơn khủng hoảng tưởng chừng đã được giải quyết ổn thỏa, tận gốc rễ và nó đang đi dần vào quên lãng, nhưng rồi gần đây lại bùng lên nhắm tới cả những chức vụ cao nhất trong Giáo Hội.
Hôm rồi trên con đường từ nhà đến sở làm, mở radio lên, tin đầu tiên nghe được là một giáo phận nữa tại Hoa Kỳ phải chi 15 triệu mỹ kim để dàn xếp những vụ tai tiếng tình dục do các linh mục ở giáo phận này gây ra. Hậu quả là giáo phận phải bán đi những tài sản của mình để có tiền chi trả cho vụ kiện ấy. Số tiền được dùng trong những vụ kiện cáo như thế nếu đem tính lại chỉ riêng tại Hoa Kỳ, đã lên đến trên 2 tỷ. Một số tiền quá lớn để Giáo Hội có thể điều hành những công tác bác ái, từ thiện và nhiều công việc khác nữa.
Bằng với một lối nhìn thực tế, nhiều người vẫn thường hỏi rằng liệu những kết quả mà một số giám mục, linh mục ấy làm cho Giáo Hội và giáo dân có đủ bù đắp những thiệt hại tinh thần và vật chất mà họ đã gây ra không? Cuộc sống và cuộc đời linh mục của họ có đáng giá như thế không?! Và tại sao Rôma cũng như các Giáo Hội địa phương vẫn chưa, hay không dám đối diện trực tiếp với vấn đề để tìm những giải pháp tốt hơn hầu trị dứt điểm tệ nạn này???
Giáo Hội đã bị mang tiếng bởi hằng trăm vụ tai tiếng do những cáo buộc hàng giáo sỹ đã sách nhiễu và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Âu Châu, Úc Châu , Canađa , và Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Nhưng chỉ là đối với trẻ vị thành niên, còn đối với những người đã thành niên thì sao!
Khốn cho kẻ gây ra gương mù:
Trị dứt điểm tệ nạn này là một điều không thể có được. Câu trả lời này có nguồn gốc trong Thánh Kinh khi Chúa Giêsu nói về dụ ngôn lúa miến và cỏ lùng. Theo đó, cánh đồng Giáo Hội luôn có sự chen lẫn giữa lúa và cỏ dại. Hoặc khi Ngài đề cập đến gương xấu: “Thế gian cần có gương xấu, nhưng khốn cho kẻ gây ra gương xấu” (Mat 18:7). Không những thế, chuyện này còn xẩy ra ngay cho chính Chúa Giêsu. Giuđa chẳng phải là một trong nhóm 12 mà Ngài đã tuyển chọn đó sao? Nhưng cũng chính Giuđa đã trao Ngài cái hôn phản bội, và cái hôn này đã đem lại cái chết nhuốc khổ cho Ngài trên thập tự giá.
Giáo lý về tội tổ tông đã được chứng minh qua mọi thời đại. Con người dù ở bất cứ địa vị nào, ơn gọi nào cũng không có biệt lệ. Nêãu không khôn ngoan, can đảm và kiên trì sống theo Tin Mừng và ơn gọi của mình thì cũng vẫn có thể sa ngã, phạm tội như thường.
Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua cũng đầy dẫy những vết đen không mấy phấn khởi về lối sống và cách hành xử của hàng ngũ tu hành. Những vị thánh như Phanxicô Assisi, Ignatiô Loyola, Têrêsa d’Avila, Anphongsô, Gioan Bosco là những chứng nhân của thời đại các Ngài. Các Ngài được ghi tên vào sổ bộ các thánh vì đã dám đứng ra ngoài lề cuộc sống của những người đương thời. Dám can đảm sống chứng nhân Tin Mừng mà các Ngài yêu mến. Thế kỷ thứ 4 trong đế quốc Rôma, chỉ có thánh Anathasiô
là giám mục duy nhất đứng lên chống lại với bè rối Ariô, và thế kỷ thứ 16 tại Anh Quốc chỉ có thánh Gioan Fisher là giám mục duy nhất dám đứng lên phản đối vua Henrry VIII đối với quyền bính của Giáo Hội. Sự cô đơn của các ngài cũng chính là sự cô đơn của ngay từ ngày đầu Giáo Hội: dưới chân thập giá Chúa Kitô, chỉ có một Tông Ðồ duy nhất là Gioan.
Tóm lại, sẽ chẳng có thời đại nào mà tín hữu Chúa Kitô được tránh khỏi những cám dỗ, gọi mời của thế gian và xác thịt. Và cũng chẳng có thời đại nào mà không có tiếng phàn nàn, ca thán về Giáo Hội, về những người thừa hành trong Giáo Hội.
Cám dỗ của tội lỗi:
Nhưng dù là thế, với những tài liệu lem nhem như vậy, Giáo Hội vẫn trường tồn, nhiều thánh nhân đã xuất hiện trong lòng Giáo Hội, và hồng ân Thiên Chúa vẫn tuôn đổ trên toàn thế giới qua Giáo Hội.
Nhận thức những lỗi lầm quá khứ và hiện tại không để loại bỏ, hoặc làm chúng ta chán nản. Nhưng hơn thế, chính là để nhắc nhở người Kitô hữu không riêng gì bất cứ giai tầng nào, ơn gọi nào trong Giáo Hội về những cám dỗ và mời gọi của tội lỗi. Do đó, sự sa ngã của những phần tử trong Giáo Hội không đi theo đường lối Phúc Âm không khiến chúng ta ngạc nhiên. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở rằng đường hẹp và khó đi dẫn vào sự sống, và người vào lối này thì ít ỏi (xem Mat 7:13-14). Con đường hư hoại bao giờ cũng là con đường rộng rãi thênh thang và thu hút nhiều người không chỉ trong thời đại chúng ta mà qua mọi thời
đại.
Như vậy, khi thấy xuất hiện những bài báo, những mẩu chuyện nói về những sa phạm của một số giáo phẩm, giáo sỹ và tu sỹ thì người Kitô hữu trưởng thành hãy nhìn vào lịch sử của Giáo Hội và nhìn vào sứ mạng của Giáo Hội. Lịch sử Giáo Hội cũng đã có những giám mục, linh mục không sống đúng với chức năng của mình. Cũng có những lúc Giáo Hội phải trải qua những khủng hoảng dấy lên ngay từ trong lòng Giáo Hội. Nhưng biết không có nghĩa là phải tức bực, khó chịu, lên án hoặc bỏ đạo. Khi một giám mục lợi dụng chức vị của mình bao che cho các linh mục thì đó không phải là hình ảnh trung thực của một vị mục tử theo tinh
thần Phúc Âm. Cũng vậy, một linh mục không sống đúng với ơn gọi của mình làm gương xấu thì cũng không phải là một linh mục của Chúa Kitô.
Ðừng sợ!
Người Kitô hữu nào để cho tình cảm chi phối mình trong cách hành xử đối với Giáo Hội là người Kitô hữu thiếu trưởng thành. Ðừng chỉ nhìn Giáo Hội với những khuyết điểm đây đó, nhưng hãy nhìn vào những thành quả đóng góp của Giáo Hội. Và hãy đóng góp những phương thức hữu hiệu để giải quyết những khuyết điểm ấy. Bởi vì Giáo Hội là tất cả mọi người chúng ta. Chính mỗi Kitô hữu là Giáo Hội. Giáo Hội không phải là của riêng Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, linh mục hay bất cứ một cá nhân nào. Người Kitô hữu trưởng thành, do đó, không được phép bi quan trước những khuyết điểm của một số phần tử trong Giáo
Hội.
Chúa Nhật ngày 16 tháng 5 năm 2010 có khoảng 150.000 người do 68 tổ chức giáo dân hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma để ủng hộ Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI trước vụ tai tiếng của một số giáo sỹ lạm dụng tình dục. Ðối với người cầm đầu Giáo Hội, thì đây là một niềm an ủi lớn lao, nhưng Ngài cũng không quên lên án điều mà Ngài gọi là tội lỗi làm hoen ố Giáo Hội.
Trong một cuộc thăm dò khác của CBS News và The New York Times thực hiện, từ ngày 28 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 2010 được phổ biến ngày 4 tháng 5 năm 2010, khi hỏi về ảnh hưởng của các vụ tai tiếng tình dục nơi một số giáo phẩm và giáo sỹ đối với đời sống tâm linh và việc thực hành tâm linh. Kết quả như sau:
77% không ảnh hưởng gì đến niềm tin đối với Giáo Hội.
88% không thay đổi thái độ đối với các linh mục.
82% vẫn tiếp tục tham dự thánh lễ.
79% vẫn tiếp tục dâng cúng cho Giáo Hội.
87% vẫn để con cái tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội.
Có cần phải thay đổi không?
Nhưng nếu chỉ dựa vào những gì Chúa nói, những con số thống kê để đánh giá về tình trạng Giáo Hội hiện nay để đơn sơ tin rằng dù sao đi nữa thì cũng không có gì lay chuyển được Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã xây trên tảng đá Phêrô thì thật không đúng. Chúa hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế. Chúa hứa che chở Giáo Hội để không quyền lực nào của Hỏa Ngục có thể phá vỡ tòa nhà Giáo Hội. Nhưng Ngài không hứa sẽ làm ngơ cho phép những Kitô hữu chểnh mảng trong việc canh giữ, và củng cố Giáo Hội. Ðức Gioan Phaolô II khi còn sinh thời đã nhiều lần thay thế Giáo Hội xin lỗi về những lỗi phạm của Giáo Hội. Chúa Nhật 16
tháng 5 năm 2010, trước 150.000 người tại quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Bênêđíctô XVI cũng lên án điều mà Ngài gọi là tội lỗi làm hoen ố Giáo Hội. Ðối với Ngài những lỗi lầm này cần phải được thanh tẩy: “Kẻ thù đáng sợ nhất là tội lỗi, bất hạnh thay sự xấu xa ấy đã nhập nhiễm vào chính những thành phần của Giáo Hội.”
Nhưng nếu Kitô hữu đã đóng góp phần của họ: lòng yêu mến và tôn trọng thánh chức qua cung cách cư xử đối với các giáo sỹ và tu sỹ. Sự chăm chỉ và siêng năng tham dự các bí tích, nhất là Thánh Lễ và Thánh Thể. Lòng yêu mến Giáo Hội (xem thống kê trên). Nhưng thực tế hơn nữa là trên 2 tỷ chỉ riêng tại Hoa Kỳ, để lo chi trả và giải quyết những vụ tranh tụng cho một số giáo phẩm, giáo sỹ, và tu sỹ. Ðó là những đóng góp của phía giáo dân đối với Giáo Hội và việc duy trì, phát triển Giáo Hội. Còn thành phần giáo sỹ và tu sỹ thì sao? Không lẽ những thành phần thánh chức lại không một chút suy tư về ơn gọi và lối sống của
mình!
Trần Mỹ Duyệt
|