Albert Schweitzer là một cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành Tiến sĩ Âm nhạc. Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu Tiến sĩ Triết học. Ông được bầu làm Hiệu trưởng một trường Đại học danh tiếng.
Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu trưởng để theo ngành y khoa. 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng Tiến sĩ Y khoa. Với 3 bằng cấy Tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có, và nổi tiếng.
Thế nhưng, Tiến sĩ Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.
Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho bệnh viện của ông ở Lambarene. Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.
Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965, lúc 90 tuổi.
***
“Chính anh em là chứng nhân của những điều này!” (Luca 24:48). Đức Giêsu Phục Sinh kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng cho Người.
Chúng ta hãy là chứng nhân của sự sống mới. Thế giới ngày nay quay cuồng trong nỗi chết. Cái chết của chiến tranh, khủng bố khiến người ta chết không toàn thây. Cái chết của aids, ma túy làm người ta chết không ra con người. Cái chết của phá thai, tự tử như cướp quyền Đấng Tạo hoá. Người tín hữu Kitô phải làm chứng cho sự sống mới.
Sự sống của Đấng Phục Sinh: Lôi cuốn, hấp dẫn gấp ngàn lần nỗi chết quay quắt điên loạn của con người. Sự sống của Đấng Phục Sinh tràn đầy niềm hy vọng. Nếu Đức Kitô bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào chiến thắng của Người trên bạo lực, hận thù và nỗi chết.
Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui: Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vi mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố Tin vui Phục Sinh.
Đức Hồng Y DAnielou có nói: “Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta”.
Cha Charles de Foucauld quả quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.
Trong nghi thức rửa tôi của Giáo hội Ấn Độ, người chịu phép rửa tội đặt tay lên đầu và nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Vậy lời rao giảng Tin Mừng sinh động nhất, hữu hiệu nhất và cao đẹp nhất chính là một cuộc đời quên mình phục vụ như nhà truyền giáo Albert Shweitzer đã làm cho những người phong cùi Châu Phi.
Lạy Chúa, khi chúng con u sầu, xin đem đến một ai đó để chúng con an ủi. Khi gánh nặng đè bẹp, xin chất thêm cho chúng con gánh nặng của người khác nữa. Khi chúng con cần sự âu yếm vỗ về, xin cho người khác kêu gọi chúng con đến để vỗ về âu yếm họ. Xin dạy chúng con trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa phục vụ và yêu thương. Amen! |