Quý vị độc giả rất thân mến,VietCatholic đã nhận được một tin rất buồn
: Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt của tổng giáo phận Hà Nội sẽ không còn giữ chức vụ chủ chăn của tổng giáo phận trong vài ngày tới đây. Tin này sẽ được chính thức công bố trong những ngày sắp tới.
Dưới con mắt người đời, nhất là những kẻ mà cuối tuần này sẽ mở yến tiệc hân hoan mừng “chiến thắng” tại Hà Nội thì niềm hy vọng vừa le lói cho công lý, hòa bình, tự do, nhân quyền không chỉ cho Giáo Hội Việt Nam mà cả dân tộc chúng ta đã vụt tắt.
Đứng trước một trang sử đau thương của Giáo Hội Việt Nam, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy dành những phút giây này để suy tư về cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá hơn 2000 năm trước đây.
Dưới mắt những người đương thời, Ngài đã thua trắng tay. Đấng mà cả triều thần thiên quốc phải cúi đầu thờ lạy đã chết nhục nhã trên Thánh Giá như một tên trộm cướp, sau khi đã bị những môn đệ của mình, những người đã tận mắt chứng kiến những phép lạ Ngài làm, phản bội, chối bỏ và chạy trốn.
Nhưng sau cái chết thê thảm và nhục nhã ấy là vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, là ơn Cứu Độ tuôn tràn trên chúng ta, là một Giáo Hội mạnh dạn rao truyền Chân Lý mà theo dòng lịch sử đã có không biết bao nhiêu con người anh dũng minh chứng cho đức tin ấy bằng mọi giá, kể cả mạng sống của mình.
Kính thưa quý cha và anh chị em,Trước sự kiện đang xẩy ra tại tổng giáo phận Hà Nội, dù chúng ta không hiểu được hết những khía cạnh nội bộ trong Giáo Hội về sự thuyên chuyển đang xẩy ra, nhưng đau thương, thất vọng, bất mãn và nuối tiếc là có thật. Từ đó, chúng ta cũng cảm nghiệm được những cách hành xử vì thiếu minh bạch, thiếu sự cởi mở, không biết lắng nghe, không thông tin đầy đủ từ những người có trách nhiệm đã tạo ra sự phân hóa và làm mất đi niềm tin tưởng lẫn nhau như thế nào. Chúng ta đau đớn là điều dễ hiểu, chúng ta chán nản là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, những kẻ đạo diễn gây ra bi kịch này sẽ hớn hở vui mừng biết bao nếu chúng ta chán nản buông xuôi, nếu chúng ta đánh mất đi tình hiệp nhất khi buông mình tuôn ra những lời lẽ nặng nề chỉ trích lẫn nhau.
Sau hơn 70 năm sống dưới nanh vuốt của một chế độ vô thần không ngừng tìm cách tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Việt Nam nói chung, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cùng tuyệt đại đa số hàng giáo sĩ, linh mục, tu sĩ nói riêng đã không ngừng cố gắng trung tín với Tin Mừng Cứu Độ, sống thánh thiện và làm chứng cho đức tin. Nhưng chắc chắn cũng có những người lúc này lúc khác yếu đuối và phản bội. Nhưng mà, cần thiết phải chỉ ra rằng nguyên nhân sâu xa nhất, thủ phạm đích thực nhất của tất cả những tội lỗi và bất toàn ấy là chính cái chế độ độc tài dã man, phi nhân đang thống trị quê hương chúng ta với tất cả những thủ đoạn, bất nhân và tàn ác của nó.
Chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội Việt Nam có nguy cơ bị suy yếu vì phân rẽ, các chủ chăn bị nặng lời chỉ trích vì thái độ im lặng hay thiếu lập trường trước những bất công và sự chà đạp trắng trợn nhân quyền của con cái mình. Lần đầu tiên chúng ta thấy con cái trong Giáo Hội đánh vào chính Giáo Hội của mình. Hiện trạng này chưa từng có trong Giáo Hội Việt Nam trong suốt dòng lịch sử.
Đứng trước hiện trạng đó, chúng tôi muốn cảnh giác anh chị em trước những mưu toan hướng mũi dùi chỉ trích của chúng ta vào những nạn nhân của chế độ hơn là chính cái chế độ đã tạo ra biết bao đau thương và oan trái cho dân tộc và đất nước chúng ta.
Thật vậy, nếu chúng ta chỉ tập chú vào những lời chỉ trích lẫn nhau, đánh không đúng mục tiêu, thì cái chế độ đã làm cho dân tộc chúng ta điêu linh gần một thế kỷ nay vẫn sẽ tiếp tục ngất ngưởng trên quyền lực và sử dụng quyền lực phi pháp mà chúng đã cướp lấy của chúng ta để bán đứng đất nước, đẩy đưa dân tộc chúng ta vào một tương lai đen tối và bất định.
Hơn thế nữa, thiết nghĩ tất cả chúng ta cùng ở trong con thuyền Giáo Hội, cùng có trách nhiệm chung với nhau, cùng chia sẻ một lịch sử và cùng gánh chịu những gian lao thử thách nên những thiếu sót, kể cả những phản bội, nếu có, của một số vị chủ chăn và của một số con cái trong Giáo Hội không phải là lý do tất yếu để chúng ta phơi bày mọi sự và tấn công với ngụy biện là muốn canh tân Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần là nguồn sống và là sức mạnh canh tân Giáo Hội, nhưng Ngài đâu có phơi bày tội lỗi của từng cá nhân để gây ấn tượng và lôi kéo.
Chúng tôi mời gọi anh chị em hãy dành những phút giây này để hiệp thông trong lòng tin, cậy, mến. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng hướng dẫn, canh tân Giáo Hội trong dòng lịch sử vượt qua mọi gian nan thử thách. Chúng ta hằng vững lòng cậy trông, vì Chúa Giêsu Đấng sáng lập Giáo Hội luôn là thuyền trưởng chèo lái con thuyền Giáo Hội và Chúa Thánh Thần hằng thánh hóa Giáo Hội. Chúng ta nguyện một lòng yêu mến mẹ Giáo Hội Việt Nam đã sinh và dưỡng dục chúng ta bằng dòng sữa ân thánh, bằng lòng trung trinh son sắt của hàng trăm ngàn các Thánh Tử Đạo tiền nhân anh dũng… Quả thực, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã được khai sinh, trưởng thành và phát triển trong gian lao thử thách và máu đào tử đạo.
Kính thưa quý cha và anh chị em,Trước mắt, những kẻ hân hoan mừng rỡ là nhà cầm quyền Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt là kẻ thua cuộc. Chúng đã loại bỏ được ngài ra khỏi thủ đô Hà Nội, đã dùng mọi mưu sâu chước độc để dập tắt phong trào tranh đấu cho công lý và hòa bình, cho tự do tôn giáo và nhân quyền đã được ngài khởi xướng.
Nhưng chúng tôi, và có lẽ cả quý cha và anh chị em nữa, có thể khẳng định một điều mà không hề sợ bị sai lầm rằng Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt sẽ đi vào lịch sử của Giáo Hội và dân tộc Việt Nam như một chứng nhân can trường cho đức tin, cho những giá trị Kitô Giáo tiêu biểu là tự do, nhân quyền và công lý. Chúng ta tin chắc rằng: tinh thần Ngô Quang Kiệt dấn thân cho công lý và hoà bình vẫn như ngọn hải đăng rực chiếu trong tâm hồn mỗi người chúng ta, mời gọi tất cả chúng ta cùng lên đường, mời gọi chúng ta không buông tay lái tay chèo, cùng quyết tâm xua tan bóng tối gian tà.
Ở những nước văn minh, nơi tự do tôn giáo là nhân quyền căn bản của con người, chứ không phải là một thứ ân huệ xin cho thì việc bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc là chuyện nội bộ của các tôn giáo, nhà nước không can thiệp. Nhưng ở nước ta, nhà nước cộng sản lại đặt thành vấn đề “chủ quyền quốc gia” đối với việc này, trong khi chính cái nhà nước ấy không dám đặt vấn đề chủ quyền đối với cơ man những đảo lớn, đảo nhỏ và hàng trăm ngàn km vuông lãnh thổ của tổ quốc.
Cái “chiến thắng” này của nhà cầm quyền Hà Nội thực tế chỉ phơi bày cho thế giới thực chất của tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cách thức hành động “bán khai” đối với tôn giáo của chế độ bất nhân này chỉ làm trò cười cho công luận quốc tế.
Kính thưa quý cha và anh chị em,Đối đầu với một chế độ dã man và tàn bạo như chế độ Hà Nội hiện nay, một chiến thắng dễ dàng và nhanh chóng cho tự do, công lý, và nhân quyền là điều bất khả thi. Những hy sinh và mất mát là điều có thể hiểu được. Vấn đề là chúng ta cần phải học từ những hy sinh và mất mát này và coi đó là những bài học cần thiết. Trong những bài học đó, bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với Giáo Hội và dân tộc Việt Nam là sự đoàn kết, sự hiệp thông đích thật, sự đối thoại nội bộ và tình hiệp nhất thương yêu nhau.
Trong phiên tòa ngày 8/12/2009 tại Hà Nội, nếu chỉ có tám anh chị em Thái Hà ra trước tòa, chứ không phải là hàng hàng lớp lớp anh chị em giáo dân cùng kéo nhau ra trước toà đình thì chắc chắn rằng chế độ dã man này đã đưa ra một bản án rất nặng nề và tàn bạo.
Chúng ta cần phải giữ và nhân rộng ra tinh thần của anh chị em giáo dân Hà Nội: yêu thương, hiệp nhất, đoàn kết với nhau và kiên tâm cầu nguyện.
Chúng ta cũng phải tự sám hối nhìn nhận những thiếu sót, bất toàn của mình. Bao nhiêu những cuộc biểu tình, bao nhiêu những thỉnh nguyện thư gởi chính phủ các nước chúng ta có tham gia đầy đủ? Chúng ta có mạnh dạn nói to hơn nữa cho thế giới thấy bộ mặt thật của chế độ phi nhân này? Biết bao nhiêu chia rẽ trong các tổ chức đạo đời ở trong nước hay ngoài hải ngoại, khiến cho cuộc tranh đấu cho chính nghĩa và công lý bị suy yếu và bị tan hàng rã đám!
Ánh sáng Phục Sinh đã không chiếu tỏa trên những ký lục và biệt phái cao ngạo chỉ biết lên án người khác mà không nhìn thấy những tội lỗi và bất toàn của mình. Nhưng ánh sáng Phục Sinh đã chiếu tỏa trên những người biết đấm ngực ăn năn trên đồi Golgotha năm xưa.
Biến cố đau thương này cần phải vực dậy nơi chúng ta một ý chí canh tân, một lòng yêu mến Giáo Hội thiết tha, một sự hiệp thông và kính trọng lẫn nhau trong mọi thành phần Giáo Hội, một lòng yêu nước mãnh liệt và thiết tha trước vận mệnh của dân tộc nếu chúng ta muốn nhìn thấy đất nước, dân tộc và Giáo Hội chúng ta có một tương lai tươi sáng hơn.